Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sen hồng một đóa

C

ách đây không lâu tôi còn đứng nói chuyện với chị ở sân nhà 51 đường Trần Hưng Đạo, sắp lên xe thì chị thoáng thấy tôi đang từ cổng bước vào. Một ngày đầu hạ mấy cây dã hương đua nhau thả lá vàng, loài cây thay lá trái mùa.

Làm sao mặt thì sáng, miệng thì tươi mà đôi mắt lại lừ lừ thế kia nhỉ, đôi mắt của người giàu nội lực nhưng sâu thẳm là buồn.

Trong phần đầu tập tranh chị tặng tôi thấy có in mấy dòng tiểu sử: Họa sĩ Vũ Giáng Hương sinh năm 1930 tại Hà Nội. Quê gốc Đông Cảo, Gia Lương, Bắc Ninh. Cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan. Mẹ là nhà thơ Hằng Phương. Chồng là giáo sư bác sĩ Lê Cao Đài.

Ghi thì cứ ghi chứ đời con người ta khó gói nổi vào mấy dòng đơn giản vậy. Đời người đâu chỉ là hữu hạn, và càng muốn giản hóa nó thì lại càng xa nó. Hình như nó phải là tiếng vang của hòn cuội lăn lanh canh trong đáy thời gian. Muôn vật ở đời đều có giữ trong nó một mật mã mà ta gọi là lịch sử. Mỗi con người cũng thế, có mang mật mã lịch sử của mình. Tôi có một anh bạn là chuyên viên cao cấp ngành tổ chức, một hôm đang ngồi với nhau, không ai hỏi tự dưng kêu thất thanh, các ông không hiểu đâu, đời tôi tưởng thế chứ cực lắm, ngồi vào bàn là trông thấy những đống lý lịch. Tôi cũng kêu lên, sao chúng tôi lại không hiểu, đời anh nhàn thế nào được, nhưng nếu anh không ngồi đấy thì lại phải có người khác, nó là một công việc thời nào cũng phải có. Tuy nhiên cũng xin nói, để hiểu đầy đủ một con người thì chỉ nhìn vào những cuốn lý lịch, những đống hồ sơ lưu trữ là chưa đủ, để tránh buồn tẻ có lẽ còn phải nhìn nhau trong mưa nắng gió bụi, trong vui buồn thành bại, trong may rủi chênh vênh, khi sống lúc chết.

Một đêm nọ ông Chế Lan Viên đã đặt bút viết vào cuốn di cảo: “Anh có cho tôi làm sen không thì bảo, tôi trong lý lịch có bùn, thuở người mê ai chả bùn đen, muốn giết một mùi hương ư, dễ thôi, chỉ việc khuấy bùn lên là đủ, đạp lên bùn sen vẫn ngát hương sen”.

Là một câu mà cũng là một bài, là thơ mà cũng là tâm sự, là lời nhắn nhủ. Vấn đề là ở chỗ anh có phải là sen không cái đã, lầm than là nó mà kiêu hãnh sang trọng cũng là nó.

Sớm ấy trong sân nhà 51 chị Giáng Hương thì thầm trong một chút nghẹn ngào, việc của anh Đài xong rồi chú ạ, các anh bên Bộ Quốc phòng vừa cho biết sắp truy tặng anh ấy danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang.

Tôi gật đầu, em mừng cho anh chị, sau tất cả mọi việc đều trọn vẹn, chị đã có thể nghỉ ngơi thanh thản.

Chị lại hỏi, liệu có tâm linh thật không chú? Tôi đáp liều, làm người là phải có tâm linh, nếu không thì ra cái giống gì chứ đâu phải người. Trần gian chị nghĩ gì, dưới kia anh ấy đều biết, mà dưới kia anh ấy nghĩ gì sao chị lại không biết. Thật ra sống hay chết vẫn chỉ là cái một lúc, cái vững bền bất biến lại là tâm linh. Người khác vật là ở chỗ ấy.

Chị lấy khăn lau vội hai giọt nước mắt. Rồi ngẩng lên chị nhìn tôi, đôi con mắt lừ lừ, nom vừa hiền vừa dữ.

Nhìn theo chiếc xe tôi đưa tay vẫy, những tưởng sẽ còn nhiều dịp gặp nhau.

*  *  *

Khi nhận tin chị Giáng Hương mất tôi gắt vào trong máy, mất là mất thế nào! Đầu bên kia trả lời, ngã trong nhà tắm, cấp cứu không kịp. Tôi dập máy ngồi yên lặng. Được bà vợ dạo này đâm nghễnh ngãng, động thấy chồng cầm điện thoại là sán vào ngó nghiêng nghe hóng. Chị Giáng Hương họa sĩ vừa qua đời, tôi nói, nhà chị đã đến mình hồi ta còn đang ở bên Nam Đồng ấy. Mấy cây bút lông chị ấy cho vẫn đang cất trong tủ sách kia kìa. Cô ấy đã nhớ ra, gật đầu đi vào bếp.

Chị Giáng Hương có nhiều bạn bè ở khu tập thể chúng tôi, trong số đó có anh hùng Kim Ngọc Quảng. Thời chiến tranh chị có nhiều chuyến đi vẽ, mùa hạ 1971 tôi đã được gặp chị dẫn một đoàn họa sĩ trẻ vào sống ở binh trạm 14, đường 20 tuyến lửa, lúc đó Quảng là một chiến sĩ xuất sắc của một tiểu đoàn vận tải bộ đội Trường Sơn. Trong chuyến đi ấy chị đã vẽ chân dung Quảng bằng mầu nước.

Giờ tôi sống trên tầng tư, Quảng ở tầng một. Chị Hương xuống chơi lần này là để mời anh em chúng tôi tới dự buổi khai mạc phòng tranh “Ký ức chiến tranh” của chị sắp bày tại trụ sở Hội Mỹ thuật mà chị đang làm Tổng thư ký. Những ngày đầu về đây thấy có sự lạ, thỉnh thoảng bên dưới lại có tiếng quát tháo ầm ĩ tưởng sắp đổ nhà đổ cửa, ngó đầu ra cửa sổ thấy vắng tanh. Đại tá Đào Trọng Uy sống ở hộ bên cạnh thấy tôi bồn chồn thì tặc lưỡi trấn an, thây kệ nó, om sòm một lát là yên, tại mấy hôm nay nóng quá đấy mà đầu nó vẫn đang còn mấy viên bi. Ngày đúc than tổ ong đêm ngồi vẽ địa đồ xây dựng sân bay vũ trụ chuẩn bị đón người ngoài hành tinh sắp xuống. Tôi nghe hay quá mới hỏi anh Uy, vậy nó đã tìm được đất chưa, anh Uy cười, gửi thư cấp báo cho Trung ương biết rồi, cánh mình nó bàn thèm vào. Con tuấn mã Trường Sơn một ngàn đêm không ngủ chính là thằng này chứ còn ai.

Ngày phòng tranh khai mạc, tôi và Quảng rủ nhau cùng đến. Vừa đặt chân vào cửa chợt thấy mình đội mũ sắt hiên ngang ngồi trong tranh Quảng há hốc miệng òa lên một tiếng rõ to làm mọi người đều giật mình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân đang chăm chú xem tranh ngoảnh lại ngay, nhìn thấy Quảng thì cười xòa rồi chỉ tay vào bức chân dung treo ở góc tường. Ông cụ nói, giống lắm. Trước khi ra về Đại tướng đã viết vào trang đầu sổ cảm tưởng: “Cuộc triển lãm nội dung phong phú và đẹp quá!” Chị Hương mau mắn tiễn chân khách quý, ai cũng hiểu đấy là một ngày hạnh phúc của chị.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì viết thế này: “Về triển lãm ký ức chiến tranh. Cảm ơn chị Vũ Giáng Hương, cuộc triển lãm này đã cho chúng tôi được thấy lại những cảnh những nét mặt người của một thời sắt lửa chỉ có một lần trong lịch sử, nay nhìn lại và nghĩ lại thấy xiết bao lớn lao và quý báu. Tâm hồn dịu dàng và đầy nghị lực của họa sĩ đã hòa làm một với tâm hồn cả dân tộc trong những năm tháng ấy.”

Còn nhà phê bình và lịch sử Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, anh đã được chị mời viết một bài tổng luận để in vào phần mở đầu cuốn sách: “Vũ Giáng Hương tuyển tập tranh” Hà Nội 7/2006. Bằng tấm lòng kính yêu cô giáo thời sinh viên của mình, một cách đầy tự tin Phan Cẩm Thượng đã cầm bút viết những trang nghiên cứu có sức thuyết phục, kỹ lưỡng và chân thật.

“Có lẽ sở trường và sự thành công nhất trong sáng tác của Vũ Giáng Hương là tranh lụa, một chất liệu gắn bó với tác giả suốt năm mươi năm. Qua những bức họa ấy bà như tìm lại một câu chuyện của chính mình, một nữ họa sĩ trưởng thành từ chiến tranh nhiều may mắn ai cũng biết và nhiều đau khổ không ai biết. Ở tuổi 75 bà vẫn đảm nhận trọng trách trong Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Và hạnh phúc là họa sĩ luôn ưu ái cuộc sống.”

Chị Giáng Hương quả là người được các văn nghệ sĩ lớp trước quý mến, bạn bè tin yêu và những thế hệ đến sau trân trọng. Để trả lại chị cũng là người biết quý mến, tin yêu và trân trọng với tất cả.

Vào dịp họa sĩ lão thành Lương Xuân Nhị bày tranh lần cuối chị đã nhắn tôi đến dự. Hôm ấy chị ăn mặc theo lối truyền thống Hà thành, áo dài lụa Hà Đông hoa cúc chìm nâu nhạt, áo bông khoác ngoài màu sẫm trần thưa. Lúc chị đứng ra đọc lời khai mạc thì bên trái là ông Thi, bên phải là cụ Nhị. Ông Thi cầm mũ len đầu cúi lễ độ và lịch lãm. Cụ Nhị chống gậy hèo mặc complet màu ghi sáng cổ có mang cà vạt. Khách đến chật mấy căn phòng thấp, nhiều khách nước ngoài yêu nghệ thuật cũng tìm đến.

Đợi lúc khách đã về vợi tôi tới bên cụ Nhị, có cả chị Hương. Ông cụ chỉ vào những bức tranh của mình nói rất bâng quơ, tranh chúng tôi vẽ phần nhiều nhỏ, giờ các anh các chị ấy thích vẽ to, thôi thì mỗi thời mỗi khác. Rồi cụ nhìn hai chị em, nghiêng đầu cười nhẹ.

Chị Hương cũng chưa bao giờ quên ngày họa sĩ trưởng lão Nguyễn Văn Tỵ sắp qua đời, đang lúc mơ lúc tỉnh trong bệnh viện, chị đã kéo mấy ủy viên thường trực đến thăm. Lúc chia tay ông cụ nhổm cao đầu chỉ tay ra khung cửa sổ nói gọn ghẽ như sẽ chẳng bao giờ chết, nắng đẹp quá, vẽ đi nhé!

Họ đều là những người thầy khả kính của nhiều thế hệ họa sĩ trong đó có chị và họ cũng là những chiến sĩ đi tiên phong trong sự nghiệp chung xây đắp một nền mỹ thuật nước nhà.

Mùa thu 1997 tôi mới có dịp gặp anh Lê Cao Đài ở thành phố Philadenphia thuộc tiểu bang Pennsynvania. Cuộc gặp mặt do những người bạn Mỹ đứng ra tổ chức, về phía ta thấy có cả pianist lừng danh Đặng Thái Sơn từ Canada bay sang, có anh Ngô Quang Xuân đại sứ tại Liên hợp quốc đến từ New York, có anh Lê Văn Bàng đại sứ đặc mệnh toàn quyền đến từ Washington DC. Anh Đài trong tư cách nhà khoa học đã có một bài thuyết trình khá vững vàng về hậu quả chất độc màu da cam mà Mỹ đã ném xuống Việt Nam trong cuộc chiến vừa qua, gây được tiếng vang trong lòng bạn bè.

Chúng tôi lưu lại Philadenphia ít ngày, đi thăm thú chỗ này chỗ nọ, đêm quay về nghỉ ngơi trong ký túc xá một trường đại học. Cỏ rất mượt mà và chim bay rất cao. Chỉ tháng sau là đông về, nơi này tuyết nhiều. Hai anh em đi bách bộ trong sân trường, chuyện trò mãi tới khuya, nói đúng ra thì đấy là một đêm chúng tôi đã thức để nhớ về cái bếp lửa của mùa đông quê nhà và để nhớ chị Giáng Hương.

Anh Đài hơn chị hai tuổi, hai gia đình là chỗ thân tình từ xa xưa. Họ gặp lại nhau tại chiến khu Việt Bắc là lúc chị Hương đã rời xa thầy mẹ và bảy đứa em đang tản cư ở Thanh Hóa, để lên nhập vào đội quân văn nghệ kháng chiến. Năm ấy chị hai mươi mốt tuổi, bắt đầu là vào một lớp bồi dưỡng cấp tốc của trường Mỹ thuật kháng chiến do ông Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Sau đó tỏa đi phục vụ các chiến trường, hẹn sẽ được gọi về khi nào có điều kiện mở lớp chính thức. Còn anh Đài lúc đó đang phụ trách ban quân y trung đoàn 88, thuộc sư đoàn 308 nổi tiếng. Lâu lâu họ vẫn có dịp gặp nhau, hẹn đến một ngày sẽ làm lễ cưới theo lối đời sống mới. Cái đau nhất đời chị là gặp phải căn bệnh u nang buồng trứng, vào bệnh viện dã chiến chị được làm phẫu thuật, cắt xong u nang bác sĩ gọi lên bảo, trường hợp này không đơn giản, chị sẽ không bao giờ có khả năng sinh con nữa.

Từ Điện Biên trở về, chị ôm mặt khóc kể rõ sự tình, anh Đài ngồi chết lặng. Rồi anh kêu lên, cũng chưa làm sao cả, chúng ta vẫn lấy nhau và thương nhau suốt đời. Không đẻ con thì nuôi nấng các cháu làm con. Và họ đã nên vợ nên chồng. Họ sống với nhau được mười năm thì anh Đài nhận lệnh vào Tây Nguyên bám trụ lâu dài, với mối quan tâm chủ yếu là vấn đề tội ác chất độc màu da cam của Mỹ. Chị Giáng Hương ở lại hậu phương vừa dạy học vừa vẽ tranh. Chị vẽ một bức khổ rộng có anh và chị đứng trước một vùng biển đêm mịt mùng. Rồi chị vẽ nhiều, rất nhiều trẻ con, đứa đứng đứa ngồi, đứa trên bản đứa dưới đồng bằng, đứa trong thành phố.

Hà Nội bước vào chiến tranh phá hoại, chị theo nhà trường sơ tán lên trung du. Đêm đêm khêu đèn đọc thư của chồng gửi về theo đường quân bưu. Từ mặt trận xa anh viết những dòng thắm thiết nhất, “anh mong em sẽ có nhiều nghị lực để vượt qua mọi nhớ thương và đem hết công sức ra công tác tốt. Trong công tác của em anh nghĩ có hai loại việc, một là dạy học, làm công đoàn, hai là sáng tác. Cả hai đều cần làm tốt nhưng quan trọng nhất đối với em là sáng tác, hãy dành nhiều thời gian tâm sức cho sáng tác... Em hãy cố gắng để có thể cống hiến thật nhiều, có những tác phẩm xứng đáng với thời đại của chúng ta”.

Anh Đài viết hàng trăm lá thư gửi về cho chị, trong anh luôn luôn có hai tình cảm, chị không chỉ là vợ yêu mà còn là một cô em gái anh có bổn phận che chở nâng đỡ suốt đời. Chao ôi là nhớ.

Sau cuộc chiến anh trở về Hà Nội, tiếp tục gắn chặt vào vấn đề chất độc màu da cam như một định mệnh đời mình.

Họ lại sống bên nhau, nồng ấm như ngọn lửa đượm và như để bù đền cho những năm xa cách vừa qua. Được mười năm thì anh đổ bệnh máu trắng. Sinh ư nghệ tử ư nghệ, anh là một cán bộ khoa học có đầy đủ phẩm chất. Một tầm nhìn xa, ý chí và niềm tin vững vàng, dám hy sinh cho sự nghiệp chung. Trong đời sống của chúng ta không ít những người trí thức cách mạng đã sống trong sạch và cao cả như anh. Rất nhiều người trong số họ không có cái may mắn được xuất thân từ các gia đình gọi là thuộc thành phần cơ bản. Thiếu cơ bản thì mang lòng yêu Tổ quốc, thương đồng bào  của bản thân mình, cha ông mình trong quá khứ ra mà làm cơ bản, liệu như thế vẫn chưa đủ kiêu hãnh hay sao. Chỉ khi nào lòng dạ có đầy đủ sự thành thực, trong sạch thẳng thắn, người trí thức mới có đầy đủ bản lĩnh sáng tạo. Trí thức mà thiếu dũng khí thì thảm hại vô cùng. Và như thế ta có thể ung dung thầm hỏi, anh có cho tôi làm sen không thì bảo?

Vào cái đêm tôi thức với anh Đài ở thành phố Philadenphia xa xôi, nghe anh kể một chút tiểu sử và quá trình công tác bỗng muốn ứa nước mắt. Càng sống càng đi càng ngẫm, càng thấy rõ một sự thật, hóa ra cách mạng cũng chưa hề bao giờ muốn quay lưng lạnh nhạt với sen.

Cha anh là thầy giáo, có dạo cùng dạy một trường với ông Vũ Ngọc Phan. Hai người đều từ Cao đẳng Sư phạm Đông Dương bước ra. Không thể tìm nổi một ai ba đời nghèo khổ đặt chân vào chỗ ấy, nhưng cũng không thể bảo những người từ đấy bước ra đều thiếu lòng yêu Tổ quốc. Cái đám bán nước nó có thể là ba đời giàu sang mà cũng có thể là ba đời nghèo khổ.

Ông Phan sinh ở Đông Cảo, Gia Lương, Bắc Ninh nhưng lớn lên ở kinh kỳ, đi học trường Tây từ nhỏ, cụ thân sinh ra ông làm đốc học Bắc Ninh nhiều năm. Bà Hằng Phương có mẹ là con gái tổng đốc Hoàng Diệu. Hà thành thất thủ lần đầu, cụ Nguyễn Tri Phương hy sinh, vua Tự Đức nghĩ phải lấy ngay cụ Hoàng Diệu về. Trước đó cụ Hoàng Diệu đang làm tuần phủ Bắc Giang. Hà thành thất thủ lần thứ hai, cụ Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn, để lại lá thư trần tình gửi về triều, nhà vua vừa đọc vừa gạt nước mắt. Gặp vận nước long đong, tướng còm binh xọp, thần xuất thân quan văn, không hiểu binh pháp nên để mất thành, xin lấy cái chết nhận tội với vua với nước. Ông cụ đã viết như vậy. Lúc bấy giờ hai gia đình ông Phan và bà Hằng Phương vẫn đều đang ở phố Hàng Đào. Nhà ông Phan đã có thể tạm gọi là sang trọng chứ nhà bà Hằng Phương thì mới đúng là vương giả. Sau khi ông bà cưới nhau mới xuống Thái Hà ấp tậu đất xây villa.

Bà Hằng Phương còn có một cô em gái cũng xinh đẹp lắm, đó là bà Hằng Huân, vài năm sau tản cư vào Thanh Hóa thành vợ tướng Nguyễn Sơn. Rất tình cờ ông Sơn cũng họ Vũ, và cũng là người Kinh Bắc, tên cúng cơm là Vũ Uyên Bác. Trước lúc nghỉ hưu bà Huân làm cán bộ nhà xuất bản Phụ nữ.

Lại nói về cụ Hoàng Diệu, một lần bà Hằng Phương kể chị em bà đều là cháu ngoại của cụ, nhưng là cháu ngoại thuộc dòng bà thứ, bà cả sống trong quê Điện Bàn, Quảng Nam.

Vua Tự Đức lệnh cho quân sĩ phải mang linh cữu tổng đốc Hà thành về an táng nơi quê nhà. Đoàn đi gần một tháng mới đến làng. Lúc đó bà cả vẫn đang nhổ cỏ lúa ngoài đồng, có người chạy ra gọi mới biết. Bà cả ôm lấy bà hai mà khóc, cả hai bà đều vận áo xô chít khăn xô quỳ lạy xì xụp trước cỗ quan tài gỗ Hoàng đàn.

Một lần vào xứ Quảng tôi được đưa lên thăm mộ cụ tổng đốc, đọc lá thư cụ gửi nhà vua may bảo tàng trong đó còn giữ. Đứng trên cánh đồng mênh mông, có những bãi lạc xanh rờn lá phấp phới trong gió, xa xa là con tàu đang chạy ra Bắc, nó sắp đi vào một chiếc cầu sắt bắc qua một con ngòi nhỏ. Mộ cụ đặt trên một vuông đất rộng rãi có thế nở đẹp. Tôi đoán rồi ra nơi này sẽ thành một địa chỉ yêu dấu cho các lớp con cháu cả nước tìm về thắp hương tưởng niệm người anh hùng dân tộc.

Trông vào bức chân dung cụ Hoàng Diệu người xưa vẽ chợt giật mình nghĩ tới khuôn mặt bà Hằng Phương, đầy đặn phúc hậu, trán cao mắt sáng, có những nét hao hao ông ngoại. Rồi đến chị Giáng Hương lại có mang những nét hao hao mẹ mình và đáng nói hơn hết thảy là ở chị có hội tụ cung cách sống, phong độ sống của cả hai dòng tộc, giản dị như không mà sang trọng cũng như không. Đấy mới là một thứ lý lịch đầy sinh động, lý thú và linh nghiệm. Phải chăng chính nó là một lát cắt rất khiêm tốn và tự nhiên của dòng chảy lịch sử dân tộc trải dài ngút ngát vô thủy vô chung.

Với chuyện chị qua đời sao tôi không thấy buồn mà chỉ thấy bâng khuâng. Hôm viếng chị tôi đã ghi vào sổ tang rằng việc ra đi này chỉ làm đầy thêm tình nghĩa trong lòng tôi mà thôi.

Đúng ra nó phải được xem là sự trở về, sự trở về của một người chị bao năm đường xa gánh nặng.

Vũ gia trang đâu phải tên người, nó chỉ có nghĩa là trang ấp nhà họ Vũ. Đó là ngôi nhà tây nhưng vườn quanh nhà lại là vườn quê Kinh Bắc, hai đầu hồi có mấy cây ngọc lan, sói mộc lấp ló ngoài cửa sổ, khoảnh đất sau nhà nuôi một người chuyên lo trồng rau, đủ các loại rau, mặt trước là một cái ao thả sen, quanh ao là rặng ổi đào, mùa sen cũng là mùa ổi hương thơm len lỏi trong nhà ngoài sân chim chóc ríu ran gọi nhau về ăn trái chín.

Cha dành thời gian dạy con gái học chữ đọc sách Hồng, mẹ bảo cách tập nhẩm thơ bằng miệng. Lớn lên theo nghề hội họa nhưng vẫn không để mất tình yêu văn học và vẫn lén làm thơ, được bài nào là lẹm dấu vào một chỗ đến chồng cũng chịu. Ngày anh chuẩn bị vào mặt trận xin chị một vài bài mang theo, bấy giờ mới biết thơ mình có người đọc trộm. Chị đã ngồi chép cho anh một bài thơ không vần dài như lối ngõ tuổi thơ: “Xa lắm vườn xưa lướt thướt đàn chim không tổ, lẫm chẫm thu ổi vàng dự hương, sen hồng những đóa lưu luyến rủ ta về những tháng năm cỏ ấm sớm mai sương”.

Hồi chị lên sáu lên bảy, một hôm có bác Phúc xuống chơi nhà, bác Phúc bốc thuốc bắc trên phố Phúc Kiến, bạn của cha từ nhỏ. Thấy chị quanh quẩn trong phòng khách, bác liền kéo vào lòng bới tóc xem tay một lúc rồi khẽ đẩy ra bảo đi chơi. Nhưng chị lại nấp sau cửa nghe lỏm chuyện hai người. Cha mang một bức tranh tầu ra, trong đó có bài thơ Đường viết thảo không đọc nổi phải nhờ bác giảng cho. Xong rồi uống trà. Sắp đứng dậy bác Phúc hỏi cha, anh có để ý đến đôi mắt con bé nhà mình không. Thì đẻ ra nó đã lừ lừ nhìn mình rồi; trong nhà gọi nó là con lừ. Ấy đấy, mềm mại là nó mà cứng cỏi cũng là nó. Mắt nó gọi là mắt phượng nhỡn, phượng nhỡn đúng ra phải là mắt con đực, đằng này nó lại là gái, thế mới thành kỳ cách. Con phượng là con đực, hoàng mới là con cái, phải nói đôi phượng hoàng chứ không thể nói con phượng hoàng. Rồi ra nó sẽ có thiên chức của nó, đức cao vọng trọng nhưng cô quả, thân nhàn tâm bất nhàn. Tôi thương cháu, chả sung sướng gì, sao không có anh đàn ông nào ra dáng ghé vai gánh thay con bé công việc xã hội để nó yên thân. Bác Phúc nghe thế thì cười rồi nói lửng lơ cũng có thể, nhưng những như tôi thì tôi lùi lại, chả dám.

Chị lẽo đẽo theo cha tiễn bác Phúc về. Cổng sâu ngõ vắng, dây tầm xuân tràn lan rối bời hai bên lối đi.

Một trưa nhớ chị tôi dặn nhà tôi có ra chợ thì đừng mua các loài hoa khác, mua lấy một bó sen hồng mang về để vào lọ.

 

Hà Nội thu 2011

Đ.C

 

ĐỖ CHU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 205 tháng 10/2011

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground