Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sông ơi... Sông à

Đ

ã đành là cái đêm vượt sông Bến Hải sẽ đặt dấu biên niên vào đời tôi. Mấy đêm trước, ở trạm tiền phương của quân khu IV ngoài làng Ho – Quảng Bình, Thu Sen đã dạy tôi hò suôn sẻ một câu hò giã gạo. Chuẩn bị nhập cuộc cách ấy là thiêng liêng lắm. Sông Bến Hải ở khúc Hói Cụ trên thượng nguồn hẹp và cạn. Chúng tôi qua trầm trong đêm. Ba- lô cóc chất chứa đã quá đầy. lại thêm trong lòng cái giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu giọng hò khoan, hò giã gạo. Sức đang trai nhưng cái ba-lô đè oằn lưng, tay tôi chống gậy để chân dép dò tìm chỗ đặt an toàn trong dòng chảy. Lom khom như ông già. Cả đoàn văn công chúng tôi như ông già, bà già. Tôi nhẩm câu hò Hò ơ ớ ơ… Rồi tôi đặt lấy lời của câu hò. Như nghé vào tai một người con gái mà thỏ thẻ. Tôi tỏ tình với Quảng Trị từ đêm ấy.

                                                                     ***

Hành quân qua được ba trạm giao liên, chúng tôi dừng. Trạm tiền phương của quân khu IV điện vào “Chuẩn bị mọi mặt thật tốt cho đoàn văn công vượt đường 9 an toàn”. Tôi chằng thấy xúc động gì. Ừ thì vượt đường. Cứ quan sát trên bản đồ, chỗ có điểm giao cắt đường giao liên với đường 9 là tít tận rừng xanh. Cả đội hình sẽ nối theo nhau, ào qua mặt đường rồi lại mất dạng vào cỏ cây, lau lách. Có gì đâu mà phải chuẩn bị nhiêu khê. Tôi nói với Thuận Yến: “Ông đi họp bàn chuyện vượt đường. Tôi dàn dưng màn hò giã gạo. Chiều nay tôi diễn tiết mục mới”.

Tôi vừa rời sàn diễn chính quy ở Hà Nội. Hai mươi ki-lô-oát điện rọi xuống sân khấu. Đấy là năm 1966, năm Hà Nội và các vùng phụ cận đã có báo động máy bay. Diễn giã ngoại vẫn phải có điện.

Sân khấu ở trạm giao liên trên đường vào chiến trường là một bãi trống bên suối Trường Sơn. Người của trạm phụ sức vào để phạt bằng cây cỏ. Căng lên một phông hậu màu lá cây. Tôi ngồi ở vị trí có thể quan sát được cả phần người diễn, cả phần khan giả. Màn hò Quảng trị của tôi do Thu Sen và tốp nữ trình bày. Nắng trưa Quảng Trị đan qua cây rừng. Từng chùm ánh sáng tưới xuống màn diễn, xuống áo bà ba, khăn rằn trên vai các cô gái. Đẹp đến nao lòng. Chừng dăm chục người của trạm xem diễn. Mắt căng tròn như muốn nuốt lấy cả tốp nữ xinh xắn của tôi. Rồi bất chợt họ hát hùa theo. Đúng hơn là họ “xô” theo câu hò đẩy nhịp mời “Hò ơ ớ ơ…”. Đến lượt tôi muốn ôm chầm, nuốt chửng lấy cảnh tượng ấy. Họ là những khán giả Quảng Trị đầu tiên của tôi.

Sau buổi diễn, chúng tôi men theo con suối nhỏ mà đi. Các đồng chí ở trạm đã khéo căn đo thời gian, tính sức đi của Đoàn văn công kịp băng qua đường 9 khi trời ập tối. Tôi nghĩ đơn giản và nhớ lần vượt đường 9 năm 1950. Cúng là đội hình đoàn văn công vào mặt trận Bình Trị Thiên. Chúng tôi dừng chân ở một xã thuộc huyện Cam Lộ. Chờ tin trinh sát báo về. Chúng tôi chạy gằn qua trảng đất mọc lúp xúp sim, mua rồi băng ào qua đường nhựa. Tập kết ở bìa rừng rồi đi tiếp sang Cùa. Chuyến vượt đường năm ấy êm ru.

Lần này, kỉ luật vượt đường nghiêm ngặt. Một là “ngậm tăm” mà đi. Ai ngứa cổ, ho hen thì cũng gắng nhịn. Hai là có thấy vật gì dưới chân cũng không được cầm, không được nhặt xê dịch sai vị trí. Ba là chỉ khi giao liên dừng lại mới được dừng, được nói. Tôi toan buột miệng: “Có cái gì mà nhặt” thì ai đó phía sau đã bấm mạnh vào vai. Bởi lệnh nín im đã bắt đầu có hiệu lực. Con suối hạ thấp dần giữa hai mái núi. Chỉ còn nghe lách nhách nước luồn qua khe đá dưới bàn chân. Qua bụi cây rậm thấy lộ ra cái miệng cống đen xì. “Chui qua à”. Tôi bồn chồn muốn hỏi. Gặp đôi mắt cô giao liên nheo lại. Đó là ám hiệu ngăn lời.

Chúng tôi chui vào vòm cống. Mặt trời như đang chùng chình nán lại phía Lao Bảo, Sê Pôn để hắt những tia nắng lờ nhờ vào mặt suối. Để chúng tôi còn biết rõ đang đi trên loại “xa lộ” gì! Bậc đá nhẵn  lì. Còn có cả những mảnh báo lót ngồi. Chữ New York Times(1) nhăn nheo, méo lệch. Vỏ đồ hộp. Vỏ bao thuốc lá loại bốn điếu. Toàn đồ Mỹ. Mấy cái thìa nhựa trắng xinh xinh. Tôi cúi gập người muốn đọc tên cái bìa sách bằng bàn tay. Cô giao liên túm ba-lô cóc kéo tôi lên. Vào sâu trong vòm cống, mũi tôi hít đầy mùi thuốc là thơm. Hình như toán công binh Mỹ này vừa rút đi. Chắc vòm cống này là nơi thư giãn, trốn nắng. Tôi nhận dần ra mọi điều và lấy làm thú vị. Thú vị hơn lần vượt đường 9 năm 1950. Hóa ra nền khoa học thăm dò của Mỹ cũng còn vụng dại. Tôi “ngửi” được nó. Nó chẳng “ngửi” được tôi. Tôi vào mặt trận đánh đuổi nó đây. Rạng sáng mai nó lại đến mà chẳng hay biết gì chuyện có một đoàn ca sĩ, diễn viên có cây đàn trên lưng thi sĩ vừa đi qua mũi nó. Lúc ấy tôi đã lọt sang cánh rừng bên kia rồi.

Lại men theo suối mà đi. Vẫn lặng tiếng mà đi. Đêm sập xuống nhanh nhưng tôi vẫn kịp nhận ra màu cát lờ mờ. Vậy là từ suối ra sông rồi. Tôi không nín nhịn được nữa. Tôi kéo vai cô giao liên lại gần. Tôi nghé vào tai cô “sông à?”. Cô gái gật đầu. Tôi áp môi gần nữa vào vành tai ấm “sông chi?” – “Sông Ba Lòng”. Có vậy. Chỉ có vậy. Rồi mùi tóc trộn mồ hôi, mùi nắng khét, mùi trắng trinh hơi thở cuộn sóng vào tôi như sông lam lũ khúc Ba Lòng. Im lặng đến run người. Máu trong người nhảy múa. Tâm thức tôi muốn hét “sông ơi!”.

                                                                    * * *

Tôi khỏa chân vào nước mát. Tôi cúi xuống, vục tay nước mát. Ừng ực nuốt phần quá khứ của đời tôi ở sông này. Ở đoạn dưới xa kia. Làng Hạ, Đá Nổi, Trấm, Nham Biều chi đó. Nhưng nước đã từ đây.

Một lần tôi từ Trấm xuôi về. Lỡ Làng bao chuyện trên chiến khu nên lần lữa mãi. Tôi nghé thăm mẹ Nậy ở ven sông. Như con về chuộc lỗi. Mẹ ở một mình. Sống với khoai sắn trên đồi và bắp, rau dưới bãi.

- Mạ. Tôi chào mẹ khi đã bước lọt vào vùng tối của nếp nhà.

- Mi đó à! Nói có vậy rồi mẹ ra sân, qua vườn đi thẳng.

Mặt tôi thừ ra trong vắng lặng. Thứ im lặng của sa mạc hay hoang đảo gì đó. Xóm làng chẳng có ai. Có cũng là xa cách lắm. Loi thoi nhà mẹ bên bờ sông. Chắc mẹ giận tôi rồi. Giá tôi chạy mà vái lạy, van xin. Từ trên núi xuôi đò. Tôi thấm mệt. Tôi thiếp vào giấc ngủ mệt mề.

- Đi mô rồi? Mẹ lên tiếng từ ngoài sân. Mẹ đặt rỗ xuống nền nhà. Bắp ngô xếp đầy “- Chờ mi đó. E tra(2) mất rồi”

Rồi vơ rác vào nhóm lửa. Rồi nồi bắp luộc sôi lục bục như sông mùa lụt lội. Rồi hơi bắp chín tràn ra. Rồi khói thơm tỏa mịt mờ như nồi lá xông ngày cảm cúm.

Con sông Quảng Trị chảy vào đời tôi vậy đó. Rồi bươn bả ra đi. Rồi dồi lên dập xuống, trận thắng trận thua. Rồi đi xa về gần, cay đắng và hiển vinh. Cũng có viết được đôi câu: “Mạ ơi mạ ở bên Cùa. Đêm nay con biết mạ chưa đi nằm. Gió lùa thương nhớ đăm đăm”. Nhưng rồi vin cớ này, cớ nọ mà quên. Quên mùi vị trái bắp luộc ở bờ sông. Nơi nhà mẹ.

Mười ba năm sau mới trở về, qua sông trong đêm tối mịt mù. Tôi ôm chặt anh lái đò “cảm ơn eng” lại lấn bấn quên mất cô giao liên. Trên bãi cát sông Ba Lòng đêm ấy, tôi quên nhiều việc quá. Cứ nghĩ có ai đó cất tiếng gọi “mi đó à” mà thẹn thùng.

                                                                    * * *

Tôi sống trên rừng mấy năm. Khi Thừa Thiên, khi Quảng Trị. Viết cho Thu Sen, Thu Lưỡng hàng trăm câu hò mái nhì, giã gạo. Như câu vái tạ gửi theo sông suối xuôi về. Tôi viết để rồi dù đứng ở Tà Rụt, Dốc Chè thì tâm tưởng cũng biết tìm về Cùa, về Phương Lang, Mỹ Thủy. Để hồn tôi neo bến bao sông. Thấy con suối nào róc rách, len lách qua kẻ đá mà trôi về phía mặt trời mọc lại cứ nghĩ như đó là nguồn sông, dù tất ta tất tưởi, dù lận đận thác ghềnh rồi cũng về được Nhan Biều. Tôi hay chơi trò thả lá. Tôi sát mặt lá biếc màu diệp lục vào vách đá suối rồi mới thả. Coi như tăng độ đậm mồ hôi cực nhọc của đá vào nguồn cực nhọc của đời sông. Tôi có lý, có ý, có tình trong trò chơi lãng mạn này. Là vì cái ngày gặp anh Chế Lan Viên vào Cùa dự Hội nghị văn nghệ. Anh Chế Lan Viên hỏi:

- Cảnh biết được gì về sông Thạch Hãn?

- …

Tôi là chú bé rời quê cha từ bên kia Đèo Ngang mới vào đây. Đã làm sao biết được!

- Cảnh có được học chữ Hán?

- Ít thôi ạ.

- Hãn là gì? Anh Chế Lan Viên như ông đồ nho khảo hạch môn sinh.

- Là mồ hôi. Tôi đáp ngay.

- Thế là biết rồi. Luận ra rồi ghép lại mà biết.

Tôi chơi trò thả lá trên những con suối Trường sơn như bổ túc thêm sự hiểu biết về sông nước Quảng Trị. Chảy vào lòng nên sông rất sâu. Sâu như tình người yêu dấu.

Cả khi cam go, quyết liệt thắng thua trên chiến trường tôi vẫn nghĩ sẽ gặp lại sông ở khúc Nhan Biều. Bỡi không có con sông nào trên đất đai Tổ Quốc nhuộm màu bi thương, hùng tráng như sông nước Quảng Trị. Tôi đã đến một Viện Quân y. Viện 68 khuất lặng giữa hai lèn núi. Cây đại ngàn trùm che kín rậm. Suối lam chen giữa như tranh thủy mạc bên Tàu. Tôi cảm ơn người đi tìm đất, dựng công trình hậu cứ rất nên thơ. Thương binh và thầy thuốc được tình rừng che chở. Lại được hòa lẫn vào thú đẹp của phong cảnh. Con suối ây là nguồn của con sông qua trước bến Nhan Biều. Không rõ cơ quan mật vụ CIA Hoa Kì có tinh quái đến mức tôi nghĩ về họ không? Chúng có múc nước sông ở các bến hạ nguồn rồi ướp lạnh chỡ về Boston hay Chicago để nhờ máy “ngửi”. Ở thượng nguồn có máu. Máu của những vết thương. Vết thương của những thương binh.

Sau Tết Mậu Thân, nghe nói máy bay và quân bộ của Mỹ, ngụy đã càn nát, xéo tan hậu cứ quân y này.

                                                                    * * *

Tôi ra Hà Nội rồi quay về Quảng Trị. Mười tám năm đi từ Ba Lòng trong đội hình “Lực lượng vũ trang tập kết ra ngoài vĩ tuyến 17” Theo một điều khoản của Hiệp định Giơnevơ. Lại đi từ Hà Nội trong đội hình “Trở về giải phóng quê hương”. Năm 1971, từ Tà Rụt vòng sang Lào, mượn đường bên Lào ra tham dự trận đánh Đường 9 – Nam Lào. Giờ lại quay vào Quảng Trị trong đội hình “Các nhà văn Việt Nam đi thăm vùng giải phóng của Chính phủ cách mạng lâm thời”. Tôi được thỏa cái chí lãng tử trên bước đường thế sự gian nan, quyết liệt và cũng không ít sự vòng vo. Đi mười tám năm để tiến được từ bờ bắc sông Hiền Lương để đến bờ bắc sông Thạch Hãn. Với riêng tôi, là dừng bước ở bãi cát Nhan Biều.

Đêm trước, ở nhà khách ngoài Đông Hà, tôi vui. Nghe ai đó mach là “sáng hôm qua anh Văn(3) đã đến Nhan Biều”. Vậy là sáng mai,lính của anh Văn sẽ được đặt bàn chân bé nhỏ của mình vào dấu chân của chủ soái. Tối đã toan nói ra miệng cái ý nghĩ ấy với Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi lặng ngay vì thấy phong vị câu văn có hơi huống tuồng Tàu.

Tôi ra sát mép sông. Trong tầm bắn có hiệu quả nhất nếu bờ bên kia có cái nòng súng bắn tỉa. Nhưng đây là không gian, thời gian của một hiệp định hòa bình. Tôi ngồi trệt xuống cát. Với tay vục xuống nước sông Thạch Hãn. Tôi chắc bên kia cũng có một nhà văn. Cỡ Pha Nhật Nam hay Nhã Ca gì đó. Và sông Thạch Hãn như căng dây kéo màn. Vở bi kịch không lời sắp diễn. Cuộc trao trả tù binh trên sông. Nước sông như mồ hôi rịn ra từ đá để thành dòng đau xiết. Lạ thay lại vẫn ở Quảng Trị. Ở miền Trung. Mấy trăm năm trước ở sông Gianh. Ngót hai mươi năm trước là ngoài sông Bến Hải và giờ đây ở bến Nhan Biều.

Bên ni một tốp trao sang. Bên tê một tốp trả về. Cờ phần phật bay, con đò đang lướt sang bờ như dao xẻ. Lòng tôi nửa mừng vui, nửa giận buồn. Phần thắng về ta đã rõ ràng nhưng phía đau là ở giống nòi dân tộc. Tôi thấy khóe mắt nhà văn Thanh Tịnh đã ngấn nước. Có lẽ anh buồn. Dẫu phía sau lưng anh, huyện Gio Linh quê cội của anh đã hoàn toàn giải phóng. Tôi không dám đứng lại nhìn lâu. Tôi quay lước lên Nhan Biều, vào nhà dân xin nước uống.

Lần này, xe đưa tôi từ Huế ra. Tôi đã nói trước với anh bạn ở Bộ Giao thông “cho tôi ghé Nhan Biều dăm phút”. “Vâng, xin phục vụ nhà thơ. Anh nhớ chỉ chỗ để xe dừng”. Có thế thật. Nhan Biều là một làng Quảng Trị dọc bờ sông Thạch Hãn. Bờ sông ấy của tôi. Dễ gì ai cũng biết rõ.

Tôi lặng lẽ bước ngang qua bãi cát Nhan Biều. “Sông ơi… Sông à!” Cứ văng vẳng. Như ở phía lòng tôi mà như ở phía róc rách suối xa đầu nguồn. Tôi yêu con sông. Điều đã rõ. Nhưng sông nước ấy hóa thân vào được một người tôi yêu máu thịt. Tôi xin cúi hôn vào bờ cát để một đời mang ơn.

                                                                                                               P.N.C

____________________

(1) Báo Mỹ

(2) Tra: già (tiếng miền Trung)

(3) Một tên khác của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phạm Ngọc Cảnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 79 tháng 04/2001

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground