1. |
Mùa hạ năm 1990, những người bán hoa ở chợ thị xã Quảng Trị rất ngạc nhiên khi thấy một người mặc bộ đồ lính đã bạc màu vào mua hết tất cả hoa huệ bày bán ở quầy hàng. Và cũng không ai biết rằng sau đó, anh mang tất cả hoa ấy xuống một chiếc thuyền xuôi dòng và thả xuống dòng sông những bông huệ trắng. Thuyền trôi đến ngã ba Gia Độ, thả những bông hoa cuối cùng và người lính ấy bật khóc, thống thiết và bi tráng.
Mấy hôm sau người ta thấy anh lang thang về những làng quê miệt Triệu Phong, Hải Lăng, tìm tới những bạn chiến đấu ngày xưa, nhắc những tháng ngày bám trụ của Trung đoàn Triệu Hải, nhắc đến những chàng lính vào giữ Thành Cổ Quảng Trị và đã hy sinh giữa làn nước trong xanh của dòng sông Thạch Hãn. Nhắc lại và rân rấn nước mắt. Phải một thời gian rất lâu sau đó tôi tìm hỏi và biết được địa chỉ của anh. Qua những bạn bè của anh ở Quảng Trị, tôi mới hay rằng năm nào cũng thế, anh thường tìm cách trở về bên dòng sông Thạch Hãn, đắm mình trong nỗi tiếc thương những người bạn lính ngày xưa. Thả những bông hoa nhờ dòng sông mặc niệm bạn bè mình.
2. Mùa hạ năm 1992, nơi thượng nguồn sông Thạch Hãn, Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị tổ chức một cuộc hành hương về chiến khu xưa Ba Lòng, không biết hỏi han thế nào mà anh biết được để tìm về, làm một thành viên của đoàn hành hương. Và giữa đêm trăng rừng của thung lũng chiến khu Ba Lòng, tôi đối ẩm với anh, ngay trên bãi sa bồi của dòng sông phía đầu nguồn. Câu chuyện của anh bắt đầu từ những ngày đánh giặc ở chiến trường Quảng Trị. Tết 1968, ngay sau khi Trung đoàn 27 được thành lập ở miền Bắc, một tháng sau, Trung đoàn của anh có mặt ở Quảng Trị, đánh nhau với địch trên những ngọn đồi vùng Gio Linh, Cam Lộ. Từ đấy cho đến năm 1972, Quảng Trị đã trở thành một vùng đất máu thịt với những người lính Trung đoàn 27, ở đây họ mang một cái tên mới: Trung đoàn Triệu Hải - tên của hai huyện vùng đồng bằng Quảng Trị ghép lại. Những tháng ngày khốc liệt để giữ Thành Cổ Quảng Trị người ta đã nhắc đến rất nhiều. Một mùa hè với 81 ngày đêm, cái thị xã nhỏ nhắn, đẹp và hiền như một bài Đường thi bên dòng Thạch Hãn bị san thành bình địa. Phải đến bây giờ, sau bao nhiêu năm tháng khỏa bồi chúng ta mới nghe được những thông tin rằng cả một trung đoàn vào giữ Thành Cổ, lúc rút ra chỉ còn chưa đầy một tiểu đội. Phải đến bây giờ, chúng ta mới biết rằng, ngày ấy, khi có lệnh rút ra, tổ tam tam (3 người) không nhận được lệnh đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Tôi hình dung rõ hơn về sự hy sinh ấy khi ở thị xã Quảng Trị mà tôi đang sống không tuần nào là không có người tìm được mộ liệt sĩ. Đào móng làm nhà: gặp các anh; đào hào đặt cáp quang: gặp các anh; đi đào bới phế liệu: gặp các anh; có đận, bão xô đổ cây xà cừ trước chỗ cổng Thị đội Quảng Trị bây giờ, người ta tìm thấy dưới vòm rễ chằng chịt kia đang ôm gọn hài cốt của một nữ chiến sĩ với mái tóc dài còn nguyên vẹn. Thế nhưng ở cái đêm trên thượng nguồn sông Thạch Hãn, anh cựu binh của Trung đoàn Triệu Hải cứ day dứt và ám ảnh bởi bao nhiêu đồng đội của mình đã hóa thành sóng nước dòng sông. Vâng, trong số cả vạn người lính nằm lại với Thành Cổ Quảng Trị có nhiều người đã được tìm thấy, được nén nhang thắp vào ngày rằm, mùng một trên các trang thờ, nhưng còn bao nhiêu nữa những người lính đã hy sinh ngay trên dòng sông lúc bơi từ phía Triệu Thượng qua Thành Cổ. Thân xác các anh đã tan vào sông nước, và cho dẫu mỗi ngày trên báo, trên truyền hình đăng thật nhiều tin nhắn tìm đồng đội với câu: "Ai thấy mộ liệt sĩ... ở đâu, xin báo về địa chỉ..." nhưng chắc chắn một điều với những người lính nằm lại trên dòng Thạch Hãn này, một chút xác thân may ra còn để lại mang về quê hương bản quán trong sự chờ mong vò võ cùa cha mẹ, anh em sẽ là điều không thể có được. Và vì lẽ đó mà anh cựu binh của Trung đoàn Triệu Hải vẫn thường về đây, và những nhành hoa lặng lẽ trôi trên vĩnh hằng sông nước.
3. Tháng 2.1998, trên đường trở ra Bỉm Sơn dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trung đoàn Triệu Hải anh hùng, có những cựu binh của trung đoàn năm xưa tìm về bên bến sông này, lần này thì không phải riêng anh với chiếc thuyền xuôi lặng lẽ. Trong những cựu binh ấy có người đã mang hàm Trung tướng. Và lãnh đạo của xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong, bà con ở bên sông đã tụ tập xuống bến. Một chiếc thuyền với vòng hoa mang dòng chữ "Kính viếng anh em đồng đội" được chèo ra giữa dòng. Có nghi lễ tưởng niệm. Ở trên dòng sông này không chỉ có lính của Trung đoàn 27 hy sinh, bao nhiêu nữa những người lính trẻ ấy chỉ vừa học hết cấp hai, má còn phính phính lông tơ và chưa vỡ giọng ... Sau bao nhiêu năm, mãi đến giờ mới có một nghi lễ chính danh giành cho những người nằm lại với dòng sông. Một người khóc, nhiều người khóc... và lạ lùng thay, chiếc bè ngập đầy hương hoa ấy thay vì xuôi dòng Thạch Hãn lại trôi ngược dòng, quanh quẩn mãi nơi bến sông như không muốn rời khỏi những đồng đội của mình vừa tìm về. Và làm sao mà cắt nghĩa được điều lạ lùng ấy, chỉ có dòng sông mới hiểu được vì sao!
4. Tháng bảy năm nay, anh không về bến sông Thạch Hãn được, bởi năm tháng trước anh đã có mặt trong buổi lễ tưởng niệm. Dẫu thế anh vẫn không quên gửi về một món tiền nhỏ cho người bạn của anh đang là trưởng phòng văn hóa thông tin - TDTT huyện Triệu Phong nhờ đến ngày 27 tháng 7 kết giùm anh một vòng hoa và thả xuống dòng sông. Năm này, chắc vòng hoa của anh cũng sẽ không đơn độc trôi trên sông đâu. Tôi được biết hai huyện Triệu Phong và Thị xã Quảng Trị đã quyết định biến việc này thành chính lễ hàng năm trên sông.
Còn người cựu binh của Trung đoàn Triệu Hải cũng mong niềm tưởng niệm được nhân lên trong tất cả bà con cô bác ở ven sông. Có phải gì ghê gớm đâu? Trên những quả đồi lúp xúp ven sông mọc rất nhiều hoa mua tím, bông trang đỏ và trăm thứ hoa đồi không tuổi không tên khác. Mỗi năm đến ngày 27 thàng 7 này các em thiếu nhi sẽ hái cho mình, buộc vào một chiếc bẹ chuối để chở hoa và thả xuống dòng sông, hàng ngàn em bé bên sông sẽ thả hoa, cả một sông hoa - dù là hoa đồi, hoa dại sẽ nói với người khuất mặt niềm biết ơn bằng sự tưởng nhớ.
Một quãng sông phía trên cầu Thạch Hãn về qua chợ Quảng Trị, cũng hiền hòa và xanh trong như bao dòng sông của xứ sở này nhưng chắc chưa có dòng sông nào lại nhuộm nhiều máu đào như quãng sông này.
Ai đi ngang qua đây, phía bờ bắc cầu Thạch Hãn sẽ thấy một tượng đài, tuy không bề thế nhưng nhắc nhở mọi người biết rằng nơi đây có một tiểu đội lính cảm tử đánh địch đến giọt máu cuối cùng - người tiểu đội trưởng anh hùng ấy là Mai Quốc Ca.
Ai đi ngang qua đây, sẽ thấy những bờ bãi phù sa xanh biếc cây trái bên dòng Thạch Hãn. Có rất nhiều máu đỏ thấm vào những hạt phù sa kia mới làm nên bờ xôi ruộng mật, phong nẫm mùa màng.
Ai đi ngang qua đây có biết hết những truyền kỳ của dòng sông này chăng? Đất nước có ngàn dòng sông, mỗi dòng sông đều mang một số phận nhưng không phải dòng sông nào cũng mang trong mình nó số phận của dân tộc, của đất nước, của lịch sử. Tôi vẫn băn khoăn - nhiều khi - răng hai dòng sông Hiền Lương và Thạch Hãn của Quảng Trị đâu có dài rộng gì đâu mà dằng dặc hơn hai mươi năm mang vác số phận của đất nước, khắc khoải niềm khát vọng hòa bình thống nhất cho đất nước và đã có rất nhiều người lính đã nằm lại với sông.
Có một điều này chắc ít người biết, rằng những người bán hoa ở chợ thị xã Quảng Trị quê ở phía Triệu Thượng, không như người thành phố chưng hoa là chuyện hàng ngày. Những bà mẹ Triệu Thượng thường trồng hoa để bán vào ngày rằm, mùng một cho người ta cúng ông bà. Mỗi ngày như thế, khi đi thuyền qua sông Thạch Hãn các mẹ lại thả một bó hoa nhỏ xuống dòng sông. Như người lính cựu của Trung đoàn Triệu Hải.
Và anh cũng không muốn ai biết tên anh, nhất là khi, trong suy nghĩ của anh, những đồng đội cùng trang lứa đã nằm lại dưới dòng sông mà mình còn sống trở về, có gì như có lỗi chứ không là sự may mắn...
L.Đ.D