Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tạ ơn một vùng đất

T

ôi quyết định ngủ lại một đêm ở thị xã Quảng Trị, đó là một đêm khi chiến tranh đã có một khoảng lùi ba mươi nhăm năm trên mảnh đất này. Một khách sạn vô tình tôi gặp vào lúc trời vừa chạng vạng. Khách sạn bốn hay năm tầng gì đó nằm hắt hiu dọc một con phố nhỏ. Một đầu phố hướng tới Cửa Bắc Cổ Thành, một đầu hướng ra bờ sông Thạch Hãn.

Quảng Trị là một tỉnh như thế, đứng án ngữ trên quốc lộ xuyên Việt. Quảng Trị trong lịch sử nước Việt như một cái gạch nối về mặt địa lý cũng như ý nghĩa văn chương. Mấy chục năm qua, biết bao lần ra Bắc vào Nam tôi đã đi qua đây nhưng không một lần nghỉ lại. Đêm nay cũng vậy, mấy tầng lầu khách sạn hầu như không có một  khoảng sáng nào qua các cửa sổ. Vừa mới chập chiều phố xá còn tấp nập ánh đèn mà chỉ trong thoáng chốc... Tôi mở cửa phòng, chỉ còn lại những tàn cây run rẩy dưới ánh đèn đường xanh nhẽo nhợt. Chẳng biết có phải mọi người cũng như tôi, không muốn dừng lại đây để tránh những ám ảnh chiến tranh, những ám ảnh không dễ xoá nhoà trong ký ức của một dân tộc. Đó là ''tám mươi mốt ngày đêm'', lịch sử đã chọn đất này làm nơi thử thách. Dưới mọi góc độ, trên mọi bình diện từ sự khủng khiếp của vũ khí huỷ diệt, đến sức chịu đựng, lòng can đảm của con người mà trước đây chưa có một thực tế nào có thể chứng minh một cách thuyết phục. Thì đây, “tám mươi mốt ngày đêm'' thành cổ mãi mãi còn đó, mãi mãi sẽ là một minh chứng cho mọi thời đại. Cho dù mọi thứ có thể phôi pha, Cổ thành chỉ còn là một đống đổ nát hoang tàn trong khói bụi chiến tranh. Song, đối với lịch sử thì bóng của Thành Cổ Quảng Trị vẫn rợp một khoảng dài!

Đã hơn ba mươi năm chiến tranh qua đi, từ Đông Hà cho đến thị xã Quảng Trị, hạnh phúc giản dị rạng trên gương mặt người mỗi buổi sáng mai về. Những vạt rừng đã bắt đầu xanh lại suốt vùng đất Tây Trường Sơn, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá, Dakrông;.. . Rừng như muốn xoá đi dấu vết của một thời đạn bom. Nhưng có lẽ không chỉ riêng cho người Quảng Trị mà là cho tất cả. Tất cả cho những ai đến đây, cho dù không nói ra nhưng từ trong sâu thẳm lòng mình, cảm giác vẫn còn nguyên vẹn trên từng mét đất, từng địa danh quen thuộc mà những thế hệ sau có thể chỉ được biết qua những cuốn sách lịch sử khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mỗi người hiểu Quảng Trị theo một cách hoàn toàn riêng tư, nhưng đều chung nhau ở những ấn tượng chiến tranh và sự khốc liệt của nó.

Không ở đâu như ở đây, cho đến tận bây giờ mỗi khi công việc cần thiết phải chạm vào đất là người dân lại chạm vào nỗi đau. Nỗi đau hơn ba mươi năm qua vẫn âm thầm trong lòng đất. Hầu như ở tất cả mọi nơi, đặc biệt trong khu vực xung quanh Thành Cổ. Lúc xây nhà, khi làm đường ống nước, dây tải điện... chuyện gặp hài cốt là không thể tránh khỏi. Có điều rất đặc biệt, không ai bảo ai chỉ một loáng (có khi chỉ là một người đi đường động lòng trắc ẩn) là đủ mọi thứ. Người lụa điều, kẻ tiểu sành... Không phải lúc nào cũng có thể xác định được danh tính, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì. Mỗi người một tay, nhanh chóng đưa người đã khuất đến nơi an nghỉ đã được qui định... Lòng nhân ái được bắt nguồn từ những khổ đau và mất mát!

Ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Phó bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Trong những năm tháng chiến tranh ông Kỳ được mệnh danh là ''con hùm xám” rừng Cam Lộ. Chính quyền Nguỵ đã từng treo giải rất nhiều tiền cho những ai bắt sống hoặc giết được ông. Khi nước nhà thống nhất, trong bề bộn công việc của một tỉnh nghèo, ông Nguyễn Minh Kỳ vẫn dành một phần cho công việc của đời mình mà trong chiến tranh ông đã từng tâm niệm. Tôi đã cùng ông có mặt ở địa bàn xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Bên cạnh những vạt rừng sắp cho khai thác do các lâm trường đảm nhiệm, còn lại rất  nhiều đồi đất trống rộng mênh mông. Những quả đồi này xưa kia là chiến trường, những quả đồi không tên, nó được đánh dấu bằng số hiệu trên bản đồ quân sự. Ngày nay, trên những quả đồi ấy bom mìn vẫn còn tàng ẩn và thường gieo đau thương tang tóc cho người dân.

Ông Nguyễn Minh Kỳ đã kể lại cho tôi nghe về những trận chiến đẫm máu tại khu vực này. Ông đã từng chứng kiến đồng đội nằm lại, kể cả cha mình... Trước khi trồng rừng, chính tay ông Kỳ đã chở vật liệu xây dựng vào đây, lập một đài tưởng niệm. Và cũng trên mảnh đất đã từng thấm máu đồng đội ngày xưa, ông Kỳ dọn sạch bom mìn, đặt hàng vạn gốc trầm. Những cây trầm hàng ngày vươn cành đan lá, đem lại màu xanh, lấp đi những khoảng trống do chiến tranh để lại. Ông Nguyễn Minh Kỳ cho biết: Ông là một trong những người đầu tiên đưa giống trầm về đây. Những cây trầm của ông sẽ cho trầm, một thứ hương liệu, dược liệu đang được bán rất đắt trên thương trường quốc tế. ''Ngậm ngải, tìm trầm'', tôi không tin ông có trầm một cách đơn giản thế! Ông Kỳ khẳng định bằng phương pháp nhân tạo trầm sẽ đọng trong những gốc trầm mà ông đang ươm. Vậy mà chẳng hiểu sao khi đi khỏi Quảng Trị thì tôi tin trầm sẽ mọc ở những gốc trầm kia. Mỗi gốc trầm ở đây sẽ là một nén trầm thơm ngát, nó được kết tinh từ máu và nước mắt của người dân đất lửa này.

Thị xã Quảng Trị có những nét riêng. Rất nhiều nhà (ngay cả những nhà mặt phố) trước cửa thường xây một ''cây hương''. Khi hỏi thì được biết những ''cây hương'' này không giống như những ''cây hương" ở nơi khác. Nếu như ở miền Bắc ''cây hương" lập trước sân nhà để thờ thổ thần bản thổ thì ở Quảng Trị những cây hương này dùng để thờ những vong hồn đã tử trận trong cuộc chiến tranh vừa qua. Có một người dân đã kể lại rằng: ''Khi tôi về đây, không nhận ra đâu là vị trí nhà của mình nữa. Bom đạn đã biến cả một dãy phố sầm uất thành một đống đổ nát hoang tàn. Chiến tranh kết thúc, khi xây dựng, rất nhiều nhà đã đào được hài cốt Tất nhiên là chúng tôi chuyển đi rồi, nhưng ai biết được dưới mặt đất nơi mình sinh sống còn có những gì. Thương lắm, cả phố chẳng ai bảo ai; mỗi nhà đều lập một ''cây hương''. Không phải đợi đến ngày đầu tháng hay giữa tháng, mà bất cứ lúc nào mùi hương hoa cũng toả ngát phố phường. Vào ngày lễ Vu Lan tất cả các chùa chiền trong vùng đều tổ chức rất trọng thể. Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng kinh kệ âm vang trong các mái chùa.

Được biết, Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã ủng hộ gần chín tấn đồng để thị xã Quảng Trị đúc một quả chuông, có lẽ đây là một trong những quả chuông đạt kỷ lục về trọng lượng ở Việt Nam hiện nay. Chuông đã đúc, đã quyết định vị trí đặt chuông. Có rất nhiều ý kiến đưa ra: Có chuông rồi thì đánh vào lúc nào? Tất nhiên là đánh chuông vào những dịp lễ hội. Có người cho rằng, nên đánh chuông vào tám mươi mốt ngày trong năm. Đó là tám mươi mốt ngày đêm bộ đội ta chiến đấu giữ từng thước đất Thành Cổ và cũng là những ngày mà con số thương vong lên cao nhất. Riêng tôi lại nghĩ, có lẽ thị xã Quảng Trị nên xây một tháp chuông. Tháp chuông này có thể nằm trên trục đường từ Cửa Bắc Thành Cổ hướng ra sông Thạnh Hãn. Trong tháp có thể có một nhà tu hành hoặc một người nào đó tự nguyện. Liên tục, mỗi ngày một lần vào một thời khắc nhất định, tiếng chuông đều đặn vang lên. Tiếng chuông theo dòng Thạch Hãn mà ngược về ngọn nguồn, vang vọng cả vùng Gio Linh, Cam lộ, Hướng Hoá, Dakrông... Xuôi theo dòng sông mà tới Cửa Việt, Cửa Tùng,  La Vang, ái Tử... Nương theo tiếng chuông tất cả những anh hồn tử vì nước tụ hội về đây. Về với lễ hội ''Sông Hoa'' mà bà con cả nước đã hướng về, đã dành cho Quảng Trị. Lễ hội này mới được hình thành vài năm trở lại đây. Đó là tấm lòng thành kính của người hôm nay đối với người đã khuất. Tiếng chuông đó có thể ví là tiếng chuông Hoà Bình được gióng lên từ mất mát, khổ đau do chiến tranh để lại. Nỗi đau đó không riêng của chúng ta mà là lời cảnh tỉnh tất cả mọi dân tộc trên trái đất này đối với thảm hoạ chiến tranh! Tiếng chuông đó đều đặn ngày nào cũng được cất lên như một lời nhắc nhở các thế hệ mai sau về nỗi đau trên mảnh đất này...

Trong âm vang sóng dội Cửa Việt, Cửa Tùng hình như vẫn thoảng đâu đây tiếng gầm rú của xe tăng, đại bác trong những trận đánh trên cửa biển này. Tượng đài chiến thắng Cửa Việt rất khiêm nhường, chưa xứng tầm với những trận đánh. Vùng đất này đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt thành một trung tâm cư dân và nghỉ dưỡng. Có thể đến lúc đó không mấy người còn nhận ra dấu vết của một thời ác liệt, kể cả tượng đài kia. Nhưng tượng đài trong lòng người sẽ mãi còn với năm tháng thời gian. Cũng như hôm nay, trong xa hút tầm mắt, mù mịt giữa trùng khơi có lẽ không một người dân nào có thể quên được một vùng đất của Tổ quốc. Vùng đất mà có một thời nghe đồn bị bom đạn đánh chìm xuống mặt nước biển. Đó là đảo Cồn Cỏ, một đảo nhỏ chưa đầy bốn km2 mà sự ác liệt đã biến thành... huyền thoại. Mấy chục năm trời đảo nhỏ kiên cường vẫn hiên ngang, xứng đáng là vị trí tiền tiêu che chắn cho dải đất này.

Chiến tranh kết thúc người dân lại tiếp tục cuộc sống của mình trên đảo. Gần đây, UBND tỉnh Quảng Trị thành lập một Tổng đội thanh niên ra xây dựng kinh tế đảo. Đã có nhiều bạn trẻ chọn nơi đây để xây dựng cuộc sống của mình, đó cũng là một thử thách không dễ vượt qua! Sự dũng cảm không chỉ xuất hiện trong chiến tranh, ngay cả trong lúc này, lúc mà con người có đủ điều kiện để lựa chọn cho mình cuộc sống mà không ai có quyền can thiệp thì vẫn xuất hiện những hình ảnh cao đẹp như vậy. Tôi đã phải đợi mấy ngày trời mới có tàu ra đảo Cồn Cỏ, thật không may hôm đó biển động. Mọi người nhìn tôi lắc đầu thất vọng, làm sao một người như tôi, một người sinh ra và lớn lên ở một vùng thượng du có thể chống chọi được với những ngày lênh đênh sóng gió... Thế là không có dịp được đặt chân lên đảo nhỏ, không được chứng kiến tận mắt cuộc sống của những gia đình ''trẻ'' kia để mà ngưỡng vọng. Trôi cúi đầu trước biển, trước trời nước mênh mông. Tôi thầm cầu chúc cho ''trời yên, biển lặng'', cho cuộc sống của những gia đình kia cũng như ngàn vạn gia đình khác đang sống trên đất liền. Thật là buồn nếu một thời gian sau, cuộc sống của những gia đình này cũng bị quên lãng như một... xóm chài nào đó. Sự vô tình chẳng đã từng diễn ra như bao sự vô tình khác đối với các Tổng đội thanh niên xung phong đã được thành lập trước đây... Thì hôm nay chúng ta thật có lỗi!

Xin Tạ lỗi một vùng đất đã chịu bao mất mát, hy sinh!

Xin Tạ ơn một vùng Máu Lửa là cầu nối đến Hoà Bình!

    H.N.H

Hà Nguyên Huyến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 153 tháng 06/2007

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground