Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tản mạn về tục cúng đất ở Quảng Trị

1. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều triều đại vua chúa kế thế trị vì đất nước. Tuy thể chế mỗi triều mỗi khác song ông vua nào đương ngôi hàng năm cũng đều làm lễ tế trời vào mùa xuân. Vào dịp này nhà vua ít nhất phải có 15 ngày trai giới, giữ gìn thể xác và tâm hồn trong sạch, cách ly cung điện, cung tần mỹ nữ để đến ăn ngủ ngay tại nơi lập đàn tế (thường gọi là đàn Nam Giao) toàn tâm toàn ý hướng về lẽ trời trước khi lên khấn nguyện. Làm như vậy là ngay trong thâm tâm mình, nhà vua không coi mình là người có quyền lực cao nhất để tự ý muốn làm gì thì làm mà đặt quyền lực của mình dưới quyền lực của trời, cầu cho quốc thái dân an, hợp với ý trời (thuận thiên) và lòng người. Nhưng nó là nghi lễ ở chốn cung đình, còn cúng đất, có người nói đất cát vô tri thì cúng để làm gì? Nói vậy là họ chưa hiểu hết cội nguồn văn hóa của dân tộc. Có Trời ắt phải có Đất. Quả bầu mẹ sinh ra nhân quần là biểu trưng của đất. Có mẹ đất cha trời mới giao duyên phối ngẫu sinh ra cây cỏ muôn loài. Tục cúng đất đã có từ xa xưa, cúng để tạ ơn đất đai là Mẹ Thiên nhiên đã nuôi dưỡng con người. Trong quá trình thiên di và hội nhập nơi vùng đất mới nó bổ sung vào rất nhiều thành tố mới lạ song vẫn lưu giữ được những ý nghĩa rất nhân bản sơ khai, có thể nói là đậm đà bản sắc dân tộc rất cần gìn giữ và phát huy.

Phẩm vật cúng đất trên hai bàn thượng và trung - Ảnh: Nguồn internet

Phẩm vật cúng đất trên hai bàn thượng và trung - Ảnh: Nguồn internet

Ai cũng biết hành trình “Nam tiến” của Đại Việt bắt đầu từ khi vua Chăm là Chế Củ xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh để chuộc mạng vào năm 1075 dưới thời nhà Lý. Bấy giờ một lượng lớn người dân xứ Thanh - Nghệ mới đến phía bắc châu Minh Linh khai khẩn đất đai, lập nên làng mạc. Dưới thời nhà Trần và nhà Hồ có thêm một số đợt di dân lẻ tẻ vào phía nam châu Minh Linh. Nhưng phải đến năm Bính Ngọ (1306), với cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và quốc vương Chăm là Chế Mân đã mang lại cho Đại Việt hai châu Ô, Lý mà quốc vương Chăm dâng tặng làm sính lễ cầu hôn thì mới có những cuộc di dân có tổ chức. Đến thời nhà Lê, với cuộc đại di dân vào vùng Thuận Hóa sau năm 1471, các làng xã người Việt ở Quảng Trị chính thức được định hình. Và nhất là dưới thời các chúa Nguyễn, với những chính sách cai trị mềm dẻo, khôn ngoan trong việc phát triển kinh tế - xã hội, biết bao thế hệ lưu dân Việt đã rời bỏ quê cha đất tổ của mình trên đất Bắc tìm vào hội tụ trên vùng đất mới. Họ ra đi nhưng vẫn mang theo truyền thống văn hóa ngàn đời nơi quê cha đất tổ, trong khi ở vùng đất mới nhiều nhóm cư dân Chăm vẫn tồn tại.

Quá trình cộng cư cũng là quá trình hội nhập và phong hóa, tạo nên một diện mạo văn hóa (địa văn hóa) mới đa sắc màu trên vùng đất Thuận Hóa mà cư dân Việt là người giữ vai trò chủ thể với nhiều điểm khác biệt so với tổ tiên họ ở Đàng Ngoài. Trên quê hương mới gọi là vùng đất “Ô châu ác địa” không chỉ là nơi thường xuyên diễn ra các biến cố xã hội bởi chiến tranh, ly tán, chia cắt mà còn đối đầu với môi trường tự nhiên khắc nghiệt đặt con người trước những thử thách bởi hạn hán, mưa bão, lũ lụt lẫn những mối đe dọa rình rập khác làm cho những con người tha hương không thể không lo ngại. Ca dao cổ có câu: Tới đây đất nước lạ lùng / Con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh!...  Trong hoàn cảnh như thế, để khẳng định mình, các nhóm cư dân Việt phải tạo ra một lực lượng tinh thần mới đủ sức neo đậu con thuyền lưu dân trên bờ bến mới. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng, đã có một cuộc tổng hợp văn hóa lớn từng diễn ra trên vùng đất Quảng Trị nói riêng và Thuận Hóa nói chung từ thế kỷ XI - XIX. Tổng hợp ở đây là từ những cái đã có để tạo ra một cái gì khác, là khả năng “Thăng hoa những yếu tố văn hóa ngoại lai để trở thành những giá trị văn hóa thuần Việt, thực hiện một cách có hiệu quả sự tổng hợp văn hóa đại lục ở phía bắc và văn hóa hải đảo ở phía nam”. Tất nhiên quá trình tiếp nhận, kết tinh, tổng hợp ấy thông qua rất nhiều con đường, kéo dài ra ở rất nhiều thế hệ, từ các cuộc hôn nhân dị chủng đến sự giao thoa về âm nhạc; kiến trúc điêu khắc đến tín ngưỡng thờ cúng và cách ăn ở, ăn mặc…  trong đó có tập tục cúng đất, nét đẹp trong tâm thức của người Việt sống trên mảnh đất sính lễ xưa.

Cúng đất còn gọi là lễ “Kỳ an Thổ thần” hay “Tạ thổ kỳ yên”. Người Việt cổ xưa quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, cúng đất là để cầu nguyện âm siêu, dương thái, phần âm có yên ổn thì người dương mới yên ổn và có an cư thì mới lạc nghiệp. Cúng đất nói chung là tín ngưỡng của một vùng cư dân song tùy theo địa vực cư trú và thổ nhưỡng từng nơi mà có những đặc điểm riêng. Ví như ở vùng núi vào các dịp chọn đất lập làng hay mở cửa rừng thì cúng thần rừng, mâm cúng thường có sản vật của rừng. Ở biển thì cúng thần Nam Hải, ông Ngư, mâm cúng có sản vật biển. Dù cúng ở đâu thì cũng mang nghĩa thành kính tạ ơn, thiêng hóa những sức mạnh vô hình tác động đến đời sống con người, mong cầu hộ độ trì cho việc làm ăn sinh sống của cư dân được mưa thuận gió hòa trên đất đai rừng biển. Đó là chỉ dấu của nền văn hóa, văn minh nông nghiệp vốn chịu tác động thường xuyên của thiên nhiên và đó cũng là chỉ dấu về mặt tín ngưỡng tâm linh của tổ tiên ông bà. Người Việt khi mong ước điều gì họ “cầu Trời, khấn Phật” cho được toại nguyện như một thao tác phản xạ tự nhiên vì trong tâm thức họ tồn tại hai cõi tâm linh song hành. Thứ nhất là cõi thần tiên của lão giáo với Ngọc Hoàng Thượng đế, các vị thánh trên Thiên đình và các vị táo quân, Thổ địa ở trần gian cùng các ông tiên, nàng tiên xuất hiện giúp họ vượt qua khó khăn hiểm nghèo. Thứ đến là cõi Phật với Phật tổ Như Lai, Bồ tát Quan Âm cùng nhiều vị Bồ tát, La Hán khác. Một số người không có một tín ngưỡng chính thức vẫn “ẩn tàng” kết hợp việc thờ cúng tổ tiên theo đạo thần, đạo Lão với sự giác ngộ của đạo Phật. Dẫu cho thế giới biến đổi hàng ngày, hàng giờ và đến đâu chăng nữa chúng ta vẫn tin rằng tín ngưỡng âm thầm kia của người Việt sẽ tồn tại lâu bền với thời gian mà bằng chứng là tập tục cúng đất. Không chỉ người dân bất luận giàu nghèo cúng ở nhà mình mà người ta còn cúng ở công ty, doanh nghiệp và cả các cơ quan công sở…

Điều đáng chú ý là người Việt ở vùng ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức - Thừa Thiên Huế ngày nay, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và cả một số tỉnh Nam Trung Bộ nữa, ngoài ý niệm cúng đất là tạ ơn trời đất cũng còn tri ân các bậc tiền nhân mở đất lập làng, các vị thổ địa, thổ công, thành hoàng làng, các vị tiền khai khẩn, hậu khai canh thì còn lý do đặc biệt là nghi lễ này còn có sự phối thuộc thờ cúng các thần vị cai quản đất đai, tổ tiên tộc người Chăm và cả ma Chăm (ma Hời) tiền trú, không nơi nương tựa, không ai thờ cúng. Lễ vật dâng cúng bao giờ cũng dành phần riêng cho vong linh Chăm, dù rất khiêm tốn nhưng đặc trưng và thành kính. Trong lễ cúng đất ở Quảng Nam có bày mâm lễ vật gọi là “tá thổ”, tá có nghĩa là tá túc, là thuê mướn đất sinh sống nay trả ơn cho chủ đất (tiền chủ). Như thế, từ mâm cúng đất mà thấu hiểu nguồn cơn, như đã nói về sự hình thành đất này, nhất là đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vậy.           

2. Hàng năm, người ta thường tổ chức cúng đất vào tháng Hai hoặc tháng Tám Âm lịch. Ai cũng chọn ngày tốt, giờ tốt, tối kị giờ Dần vì giờ Dần thần không hưởng. Giàu làm kép, hẹp làm đơn nhưng một mâm cúng đất nhất thiết phải có bàn thượng, bàn trung và bàn hạ. Ở cả ba bàn nói trên đều có hương đèn, hoa quả, cơi cau trầu, ly rượu trắng, nước trong, giấy tiền vàng mã. Lễ vật ở ba bàn bài trí có sự khác biệt như sau: Lễ vật ở bàn thượng bắt buộc phải có bộ áo Thổ thần, con gà, đĩa xôi. Con gà cúng ở mâm thượng phải chọn lựa kỹ càng, đó là chú gà trống kiến tức gà ta có mào đỏ chót, lông tía vàng óng mượt và tất nhiên chân phải màu vàng. Gọi chú gà trống nghĩa là gà phải đúng giò, không non mà cũng không tra (gà tơ chưa đạp mái), không cúng gà “mồng trứt”, chân chì, lông nổ nhiều màu sẽ mang điềm xấu đến cho gia chủ. Trước lễ cúng, gà được nhốt trong lồng ba ngày cho ăn thóc gạo hoặc cơm và uống nước sạch gọi là tẩy uế trước khi dâng cúng thổ thần. Con gà cúng được luộc chín cùng bộ lòng và tiết kèm nhúm muối hạt. Riêng cặp giò gà được nhúng nước sôi không luộc chín, cúng xong gia chủ dùng để xem bói vì tin rằng mọi điều tốt xấu, lành dữ trong năm sẽ được thần đất báo ứng. Ở bàn trung lễ vật gồm: Hai bộ áo Bà, 5 bộ áo ngũ phương với lễ vật là mâm cơm với đầy đủ thức ăn các loại, đặc biệt là có bánh tét, bánh chưng như ngày tết. Bàn hạ gồm: Áo binh đủ màu (số lượng tùy gia chủ), nhiều đĩa xôi chè, đặc biệt có mấy quả trứng, tôm cua, miếng “thịt tợ” (thịt ba chỉ), đĩa rau khoai luộc kèm chén mắm nêm cùng với một gắp cá đủ loại nướng vàng (cá sơn, cá liệt, cá mại…), mía đốt, khay hạt nổ trộn gạo, muối sống, tô “cháo thánh”, đĩa khoai, sắn, ngô luộc… Mâm lễ cúng đất đặt ở trước nhà, gia chủ đứng ở trong nhà cúng ra khác với cúng đầy tháng cho con trẻ (cúng đất cúng ra, cúng bà cúng vô). Nhiều đối tượng được gia chủ ghi tên vào tờ “sớ” và được đọc lên khi cúng gồm thần Thổ địa đến thần núi, thần sông, cả thần “Man Di, Mọi Rợ” (thần linh người Chăm)... Khi lễ cúng gần xong, gia chủ thay nước trà và hóa “vàng mã giấy áo”. Điều đáng lưu ý là gia chủ không bao giờ quên để phần vào một cái gọi là “xà lét” bằng bẹ chuối, bỏ vào đó một ít thức ăn (như khoai sắn, nhúm rau khoai luộc kèm mắm nêm, gắp cá nướng…) mang ra treo ở gốc cây trước ngõ hoặc ngã ba đường như là khẩu phần cho người âm khi chưa kịp đến dự lễ cúng đất. Phẩm vật sau lễ cúng sẽ được gia chủ mời mọc bà con láng giềng đến dùng gọi là “thừa thần chi huệ”.

Điều đó cho chúng ta những nhận xét gì qua những sản vật nông nghiệp mà người dân Quảng Trị và “ngũ Quảng” dâng cúng trong lễ cúng đất?

3. Có rất nhiều chỉ dấu của văn hóa mà cố GS. Trần Quốc Vượng gọi là “một bản sắc địa văn hóa được người Việt kế thừa từ người Chăm” (Miền Trung Việt Nam và văn hóa Champa - một cái nhìn địa văn hóa). Đó là sự giao thoa về âm nhạc với Quan họ Bắc Ninh và Nam Bình Nam Ai xứ Huế (Trị - Thiên) mà cố GS. Trần Văn Khê cho rằng “trong nhiều thế kỷ giao lưu nhạc Việt đã nhuốm màu Chàm”, là “Ariya” Chăm với lục bát Việt giao thoa thành món ăn đặc sản tinh thần, là tinh thần viễn dương Champa xưa truyền cho ngư dân miền Trung lòng quả cảm đánh bắt xa bờ, là người Chăm để lại một phần “Áo dài” cho người Việt cải tiến thành áo dài nức tiếng thế giới, là cách làm thủy lợi, đào giếng đến kỹ thuật lấy nước ngầm, là cách chữa bệnh bằng thuốc Nam, là cối xay lúa v.v… Ở đây tôi chỉ gói gọn các sản phẩm nông nghiệp trong mâm cúng đất. Trước hết đó là mâm cơm và hạt nổ. Mâm cơm làm ta nhớ lại cái giống lúa Chiêm (lúa Chăm, giống lúa chịu hạn trước khi có thủy lợi còn vại trên đồng đất Quảng Trị trước năm 1975). Cũng giống lúa Chiêm này từ Việt Nam lan sang tận Trung Quốc tạo nên một cuộc cách mạng kinh tế lớn lao còn gọi là “lúa tiên”. Cũng như hạt nổ là chén thóc được rang nở bung ra chứ không phải là thứ hạt nổ công nghệ bây giờ. Người Chăm đã nhập và thuần hóa các loại thực vật để trồng trọt và xây dựng nên các vùng đặc sản mà người Việt thừa kế như khoai (khoai Trà Đóa), mía (mía đường Quảng Ngãi)… mới có mấy loại sản phẩm đặc trưng này trong mâm cúng (mía khúc, khoai môn sắn luộc, rau lang luộc…) đặc biệt đồ ăn biển, các loại mắm phù hợp với sở thích ăn cay, ăn mặn (nước mắm, mắm nêm, mắm chợp, mắm cà, mắm dưa, mắm chêng…) mà mắm nêm là loại mắm tiêu biểu được lựa chọn đi kèm với rau lang luộc.

Cuối cùng từ những tản mạn về tập tục cúng đất nói trên dẫn dắt chúng ta đến kết luận gì? Theo tôi đó là nét đẹp từ văn hóa tâm linh đến triết lý nhân văn là sự sống nương vào thiên nhiên, hòa hợp sống chung với thiên nhiên và không nên phụ chúng. Ngoài việc tri ân đối với tiền nhân nơi mình sinh sống cũng như việc giữ gìn tinh thần đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc thì Mẹ Đất vẫn là cội nguồn của sự sống để họ kính trọng và tôn thờ. Không có thế lực huyền bí nào phẫn nộ hành vi con người để ra đòn trừng phạt như bão tố và nhất là lũ quét, lũ ống và nhất là cơn “đại hồng thủy” đi kèm với sụt lở đất đá tháng mười vừa qua ở miền Trung ngoài thiên nhiên. Loài người đang bị thiên nhiên trừng phạt bởi lẽ ngày càng lún sâu vào một lối sống trái với lẽ tự nhiên. Bằng vào các luận điểm như “cải tạo thiên nhiên”, “chinh phục thiên nhiên”, con người đã làm cho hệ sinh thái mất cân bằng nghiêm trọng. Nhiều cánh rừng nguyên sinh, nhiều dòng sông trong lành bị bức tử. Quả đất đang biến thành bãi rác thải khổng lồ. Con người lại thay cả Chúa Trời biến đổi gen người, gen sinh vật, thực vật, gây ra các căn bệnh quái ác cho loài người từ những con vi rút như hiện nay. Về mặt chính trị học lẫn xã hội học, những con vi rút quái ác này cho ta thêm những điều đáng suy ngẫm nữa. Chứng kiến những hậu quả tàn khốc sau những “nhân tai” vì sự tham lam và cuồng vọng chắc hẳn những con người không tưởng trước đây từng hăng say bắt thiên nhiên phục tùng ý chí con người nay đã chùn bước. Hãy biết kính trọng và tôn thờ Mẹ Đất, cội nguồn của sự sống. Đừng bao giờ có khái niệm chinh phục, chiếm lĩnh và đặc biệt là lợi dụng nó để khai phá cùng kiệt tự nhiên. Bài học rút ra từ tập tục cúng đất của cha ông ta để lại không có lối thoát nào khác ngoài việc phục hưng, khôi phục môi trường tự nhiên mà còn cả con người tự nhiên.

(Tạp chí Cửa Việt số 315, tháng 2/20200)

Y THI

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground