Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tân xuân xóm vạn thuở lênh đênh

Nếu sớm đầu năm thong thả đạp xe ra đôi bờ sông Hiếu, cảm nhận được chút gió đông đi lạc qua vườn hoa rồi hòa vào mùa xuân, thì cũng chứng kiến màn mưa bụi đang tiễn sự dùng dằng của mùa cũ như thế nào. Sông Hiếu êm đềm khác với hôm qua, yên tĩnh hơn sau một đêm giao thừa kéo dài không khí đoàn viên. Dưới gợn nước với bờ, vài chiếc đò sót lại neo mình vào rặng tre, có lẽ là hình ảnh cuối cùng của “dòng sông, bến nước” mà những mùa xuân đã từng đi qua đó. Thời gian không lặp lại nhưng thời giờ mãi bấu víu - người gặp người, sông xưa với sông nay, cảnh xưa với cảnh nay… cứ gợi lại, xáo lên. Thi thoảng có con thuyền gắn máy của người vạn chài đi thăm Tết nơi xa, tiếng máy “tành tạch” vọng xuống nước giòn tan - thứ âm thanh không thay đổi, một thời rộn ràng mặt sông, bến chợ.

* * *

Từ rất lâu, có nhiều gia đình bám vào các dòng sông để mưu sinh. Họ sống và sinh hoạt trong mỗi chiếc đò có mái che, kèm theo một hoặc hai chiếc xuồng nhỏ để tiện di chuyển, giăng câu, bủa lưới. Hết đời này sang đời khác, họ mãi lênh đênh. Các gia đình có mối quan hệ thân tộc liên kết lại với nhau thành các vạn chài. Mỗi vạn chài có khoảng mười đến mấy chục gia đình tương ứng với chừng ấy chiếc đò. Đời sống mưu sinh khác biệt so với trên bờ, ấn tượng nhất là những ngày Tết. Ở đó có một cộng đồng đoàn kết thương yêu, giữ được phong tục, nét văn hóa truyền thống trong điều kiện sinh hoạt chật vật.

Trên dòng Hiếu Giang, từ năm 1946 có 3 vạn chài nương tựa, là Đông Hà, Trọng Đức và vạn Ngã Ba thuộc xã Cam Giang của huyện Cam Lộ. Bây giờ họ tập trung nhiều ở bờ nam của sông, ai rong ruổi đôi bờ sẽ gặp rải rác các con đò ngơi nghỉ.

Một chiều cuối năm tôi rong ruổi đôi bờ sông ấy, với bên này thành phố, bên kia làng quê. Xuất hiện trong tầm mắt hình ảnh bóng dáng vạn chài rời rạc neo đậu. Qua khu phố 4 của phường 4, có con đường bê tông chạy thẳng ra bến, khúc giữa cắt nhau với đường Bà Triệu, tạo thành ngã ba - điểm mượn tạm thời để nối lên Đường 9. Đường Bà Triệu là con đường chạy dọc bờ nam của dòng sông. Ở đây có những người đàn ông, đàn bà dạn dày mưa nắng của miền sông nước. Họ lần lượt có mặt từ năm 1976 khi rời bãi cát Diên Sanh di chuyển ra thị xã Đông Hà, sau lập thành phường 4 dọc theo sông Hiếu bây giờ.

Tôi dừng lại bên bờ khi chiều còn non, nhìn ánh nắng chưa đủ vàng như lúc hoàng hôn, lắng sâu nơi đáy mắt hình ảnh con đò chiều cuối năm lững lờ bủa lưới, với vệt thuyền bơi xé nước ngược xuôi. Quanh năm mỗi đò mỗi nẻo buông lưới thả câu, tự dầm mưa dãi nắng. Nhưng đến ngày cuối năm, họ chung tiếng oàm oạp sóng nước, chung âm thanh mái chèo khua chiếc ghe nhỏ đi về xong thả bén, đơm tê… hối hả chuẩn bị neo những con đò san sát bên nhau.

Những con đò của xóm vạn trên sông Hiếu - Ảnh: Đ.D.L

Những con đò của xóm vạn trên sông Hiếu - Ảnh: Đ.D.L

Đời sống sinh hoạt của các vạn chài có ba lý do phải kết hoặc neo đò lại, đó là khi có tang gia, hiếu hỉ hoặc lễ tết. Nhưng đặc biệt, mỗi năm có một lần neo đậu, nghĩa là không nhất thiết phải kết lại nhưng quy mô tập trung lớn hơn, đó là neo đò ngày Tết: Tất cả đò có mối quan hệ thân tộc được tập trung giữa dòng, sát nhau. Neo ngày Tết khác ngày thường. Ngày thường để neo đậu, chỉ cần cắm một con sào xuống lòng sông và buộc đò bằng sợi dây thả lỏng, nước lên thì đò xoay lên, nước xuống thì đò xoay xuống. Còn neo đò ngày Tết thì khác, họ cố định những con đò riêng lẻ gần nhau bằng hai cây sào ở đầu mũi và cuối lái. Nước chảy lên hay ròng xuống thì đò vẫn ở cố định một hướng, bà con bước qua bước về đò của nhau mà không sợ bị thay đổi khoảng cách. Phía trước mũi được cắm lá cờ đỏ sao vàng, bên trong khoang trang trí câu đối tương tự như “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, và dòng chữ “Cung chúc tân xuân” nằm ngang phía trên bàn thờ gia tiên nho nhỏ trong khoang. Sau lái có cây sào dài như cây nêu cắm xuống lỗ định vị giữa sàn, rồi treo tràng pháo chờ nổ đì đùng chào mùa xuân tới.

* * *

Chiều cuối năm gió thổi hiu hiu, lá tre rơi chao nghiêng, chiếc trên đường, chiếc xuống nước. Lá rụng rồi để lộ thân tre sầu đông già cỗi, lưng còng đung đưa. Có cụ bà với cái chổi tre cuối ngày khua rèng rẹc làm lá tre nảy lên liệng xuống, nhẹ nhàng như cánh hoa rơi. Nhát chổi nhanh dứt khoát, di chuyển thanh thoát, tiếng nói rõ ràng xởi lởi đầy thân thiện. Bà cho tôi biết đã sống hơn bảy mươi năm trên sông nước. Tôi nhìn bà, nhìn các ngôi nhà quanh xóm, khang trang rộng rãi. Người xa tìm về, xóm vạn đông người vô ra, không khí của những ngày giáp Tết rộn ràng.

Sau những câu chào hỏi, chuyện trò, tôi tò mò về cảnh kết bè khi có lễ tết, bà nói “được chơ, được chơ” vui vẻ, rồi bà bắt đầu kể: “Cầu kỳ lắm! Làm được rứa chỉ có người khéo léo, khỏe mạnh mới làm được. Kể cả ngày Tết, nhà ai có điều kiện mới kết đò lại, vì tốn kém. Phải có rất nhiều cây tre dài nối lại, gác từ chiếc này qua chiếc khác, cả trên và dưới, đầu mũi và phía sau lái. Họ buộc lại, quấn ôm luôn cả thân đò bằng các sợi dây to, dài. Khi hoàn thành công việc, các con đò trở thành một khối vững chãi, không còn chòng chành. Mục đích là để khi cúng bái, lễ nghi đặt trên bàn không bị chao nghiêng làm rơi đổ…”. Nghe câu chuyện của bà, tôi hình dung khi các con đò kết lại, cảm giác chòng chành không còn nữa; một xóm làng như chiếc bè lớn vững chãi trước sóng gió cuộc đời. Nhìn từ xa, bên cái bè lớn còn những chiếc xuồng nhỏ bơi xuôi ngược như những con thoi, khi thì ngoảnh mũi chạy ra xa rồi quay vòng trở lại, người bước lên bước xuống thăm nhau. Bà nói, dưới sông là thế, nhưng mọi thủ tục sắm sửa ngày Tết đều như trên bờ. Làm được cá, bán cá mua rau, mua thịt; sắm lễ cúng tất niên, cúng năm mới và ăn ba ngày Tết. Ngoài ra có một mâm lễ khác để cúng Bà Thủy, đây cũng là lễ cúng cầu an của người sông nước, lễ vật gồm: heo, gà vịt, xôi chè, trà rượu, bánh trái... Ở nhiều nơi gắn với nghề sông nước, tục cúng Bà Thủy được tổ chức thường niên, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành các lễ hội lớn vào một thời điểm trong năm. Còn trong các lễ cúng đầu năm ở xóm vạn chài ven sông Hiếu, những người làm chài lưới đều có sắm một mâm lễ cúng Bà Thủy cầu mong được bảo hộ và che chở, giúp cho việc di chuyển, đánh bắt và mưu sinh trên sông được bình an, thuận lợi. Cụ bà nói thêm: Nhờ thế mà hồi đó, vào một đêm ba mươi, cha của bà đi đò về muộn, đến giờ giới nghiêm thì bị lính tuần dưới Cửa Việt lên bắn chìm thuyền, thế mà ông cũng may mắn về được nhà kịp tiếng pháo giao thừa! Ông thương các con lắm, Tết nào cũng lên bờ tìm mua cho mỗi đứa mỗi bộ áo quần mới, có khó cũng cho thằng út một phong pháo.

Khi ngưng tiếng gõ mõ đuổi cá, khi âm thanh khua khoắng của mái chèo ngơi nghỉ, chỉ còn không khí đoàn viên đọng lại trên những chiếc bè lớn. Họ bắt đầu mời gọi, bắt đầu những bước chân qua về giữa các mạn đầm ấm bên mâm cỗ tất niên. Đàn ông uống rượu chuyện trò, phụ nữ xởi lởi tiếp đồ nhắm, xúng xính hơn ngày thường.

Thời khắc giao thừa, cái mâm nhỏ đặt gọn gàng đầu mũi, cũng đầy đủ lễ vật nhưng nho nhỏ, gọn gàng phù hợp với khoang thuyền. Hơn nữa phải tĩnh lặng, tĩnh cả âm thanh và tĩnh cả xao động. Người đàn ông trụ cột chắp tay khấn ra phía mặt sông, khấn với trời đất, sông nước, với Bà Thủy, với ông bà tổ tiên cầu bình an sông nước đi về. Cuối con thuyền một tràng pháo chờ đón năm mới. Bầy con lớn nhỏ quen với lời ba dặn, chúng nó ngồi yên, không đi lại làm chòng chành mâm cúng. Chờ quả pháo hiệu phụt lên sáng cả khoảng trời, là chúng tràn về cuối lái châm ngòi… tiếng đì đùng râm ran, thế là Tết đến xuân về với đất trời, với cuộc sống lênh đênh.

Bây giờ xóm vạn ở đâu! Nếu không đi tìm thì không có ai hay, cũng như bà đã để lại tuổi xuân trên thân đò thuở nào ai biết, chỉ còn cụ bà chất phác thật thà, hàng ngày thong thả trên những con phố, quét những lá tre rụng xuống cội vương lại bên đường. Hình ảnh cái chổi tre rèng rẹc ngoài phố, hình ảnh bà đứng ngóng ra sông như gợi lại một tiến trình thay đổi, bà đã khác và xóm chài đã khác.

Đò hai mái che, đò ba, đò bốn mái che; những mâm lễ tinh tươm phải đặt khéo léo; nhà năm người, nhà bảy người, mười người chen chúc, đi lại phải bò, chui vào ra trong một mui thuyền chật hẹp; một cái bếp đỏ nồi bánh chưng nằm khiêm tốn một góc trong khoang chưa đầy hai mét vuông và những lọ gia vị xếp xung quanh dịch chuyển theo ngọn lửa… tất cả chỉ là dĩ vãng. Tôi vào ngôi nhà của bà ngay con hẻm cuối đường Bà Triệu, một ngôi nhà kiên cố, nhỏ nhắn hơn so với các nhà khác trong xóm vạn này. Bà dẫn tôi đi khoe, nào là phòng ngủ của bà, của con; nào là gian bếp rộng rãi với tủ bếp, bồn rửa, khay chén bát… Bà chỉ vào cái tủ lạnh: “Cái ni hay lắm, thịt cá mọi thứ bỏ vô không hư”. Tuổi như bà, lên bờ năm 1999, gần như muộn nhất so với các hộ trong xóm này, thì mọi thoải mái bà khoe là niềm ước mơ mà khi ở dưới sông có bao giờ nghĩ tới. Trong xóm, lớp trẻ lớn lên đã lập nghiệp, dựng vợ gả chồng. Tất cả đều được đến trường, cũng như con cháu của bà, đứng thẳng để vào đời.

* * *

Tôi lại thong thả đêm ba mươi. Pháo hoa rải rác nở trên bầu trời, trên mặt nước. Thành phố Đông Hà thăm thẳm hơn, bởi có đổi mới phát triển thế nào thì thành phố không thể sâu hơn nếu những gì thuộc về giá trị căn cốt không được gìn giữ, trao truyền, lan tỏa… Dưới dòng Hiếu Giang thuyền ai thâu mẻ lưới cuối cùng, cập bến đường Hoàng Diệu. Mấy chậu hoa cúc còn nán tới gần phút giao thừa, người vạn chài xưa ấy rinh một cặp hoa để vào lòng thuyền rẽ nước về bên kia xóm vạn. Bất chợt pháo hoa đồng thời lóe sáng trên các nóc nhà thành phố. Giao thừa tới rồi! Có ai như tôi để ý dọc bờ sông kia, những ngôi nhà khang trang đèn điện ấy từng là xóm vạn chài, không ai còn phân biệt được nữa, chỉ vọng về trong tôi tiếng khua nước thuở lênh đênh.

Muôn đời sông vẫn chảy, qua làng rồi qua thành phố. Sông như cuộn thư tịch gửi lại cho muôn đời sau biết ngọn nguồn đời sống văn hóa ở hai bên lưu vực đã đổi thay như thế nào. Mà bóng dáng các con đò rải rác neo lại dọc bờ hôm nay là một nét nhỏ mà dòng sông gợi lại. Chiều bên bờ bắc nhìn sang, thấy hai thành phố cách nhau mặt nước Hiếu Giang - đảo ngược, soi nhau! Có chiếc đò rẽ nước như rạch đôi thực và ảo, vẳng tới lời ngâm nga: Đò ai chở lưới đi buông / Như chở vạn chài một thuở / Qua phố mới, đò buồn nhung nhớ / Vạn thuở lênh đênh có tự bao giờ.

ĐOÀN DUY LONG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 364

Mới nhất

Đồng dao trên đồng

15/05/2025 lúc 08:52

Ai cũng có một quê nhà để thương để nhớ, để hồi cố và cả để hồi hương. Tôi luôn

Nông thôn mới kiểu mẫu - làng đẹp, hiện đại

15/05/2025 lúc 08:51

Phát huy thành quả của quá trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đạt chuẩn năm 2017, NTM nâng cao năm 2022, đến nay xã Cam Nghĩa,

Đổi thay ở xã An toàn khu

15/05/2025 lúc 08:48

Triệu Nguyên và Ba Lòng là hai xã miền núi xa xôi hẻo lánh của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Trên những cánh đồng “không dấu chân”

15/05/2025 lúc 08:43

Trong bối cảnh ngành kinh tế chuyển mình mạnh mẽ giữa kỷ nguyên số hóa, nông nghiệp vốn được

Cà phê với Tăng Duy Tân

15/05/2025 lúc 09:19

Tăng Duy Tân là một hiện tượng nhạc trẻ, nổi lên trong những năm gần đây, với những

Xây dựng nông thôn mới đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa

15/05/2025 lúc 08:39

LTS: Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài với sự tham gia tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp đồng bộ để phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, bền vững, đảm bảo sự hài lòng của người dân. Phóng viên tạp chí Cửa Việt đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Xuân Hòe - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị về những nội dung liên quan.

Những đổi thay về văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới

14/05/2025 lúc 15:34

Sau gần 15 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, diện mạo không gian của nhiều làng quê đã có những thay đổi tích cực và rõ nét. Đường làng ngõ xóm được mở rộng, bê tông hóa hoặc nhựa hóa sạch sẽ, điện đường chiếu sáng khắp thôn, hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư mới hoặc nâng cấp, tạo điều kiện tốt cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng như sinh hoạt cộng đồng. Có thể nói, quá trình thực hiện nông thôn mới đã tác động sâu sắc đến văn hóa tại các làng quê.

Vấn đề con người mới trong xây dựng nông thôn mới

14/05/2025 lúc 15:24

Xây dựng nông thôn mới là một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lớn. Chương trình mục tiêu quốc gia này không chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng, kinh tế, đời sống mà còn xây dựng con người mới - chủ thể của quá trình phát triển. Có thể hiểu rằng, con người mới là những người có lối sống, suy nghĩ và hành động phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Họ đóng vai trò then chốt trong việc thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng nông thôn, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Sông quê

13/05/2025 lúc 23:35

Con sông êm đềm mát mẻChảy từ lòng mẹ chảy raSông luôn dâng đời sự sống

Nhớ làng; Ru tôi

13/05/2025 lúc 23:33

Nhớ làng Tôi nhớ làng tôi hiền như ca dao mở nướccây đa rợp

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/05

25° - 27°

Mưa

19/05

24° - 26°

Mưa

20/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground