Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 14/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tết của ngày xưa cũ

Trong gia đình tôi, mỗi thế hệ có một ký ức riêng về cái Tết cổ truyền của mình. Với đứa trẻ nhà quê là tôi của hơn hai mươi năm về trước, đọng lại phần nhiều trong nỗi nhớ thì Tết là những ngày vui tươi, háo hức của trẻ con nhưng là triền miên những lo toan, bận rộn của người lớn.

Tranh của Trần Nguyên

Tranh của Trần Nguyên

Quê tôi ở vùng đất Quảng Trị vốn là xứ “Ô châu ác địa”, mùa mưa lũ dầm dề xám trời, mùa nắng gắt cháy nám da mặt. Sinh ra và lớn lên ở xứ sở thời tiết khắc nghiệt như thế đã tôi luyện thành bản tính lo xa của người dân. Ăn bữa hôm lo bữa mai, lo chắt bóp vì năm dài tháng rộng, và lo năm hết Tết đến. Những tháng cuối năm ở xứ này bao giờ cũng mưa rét dầm dề. Thế nên, để có cái Tết tươm tất đủ đầy, các gia đình phải lo chuẩn bị mọi thứ từ rất sớm nương theo thời tiết.

Chẳng biết chốn khác rục rịch đón Tết từ thời điểm nào, chứ ở xứ này, cứ hễ qua mùa bão lụt lại thấy người quê chộn rộn xới đất trồng hoa màu. Tôi nhớ ông ngoại tôi, chừng sang đầu tháng mười âm lịch, khi những cơn bão lụt xem như đã dứt là ông sửa soạn xới đất, chẻ tre, rồi gánh triêng gióng đi gom phân bò phân trâu về ủ cho hoai mục để trồng hoa. Bà ngoại thì lo chuẩn bị hạt giống nào cải, ngò, ném,… đợi tiết trời ấm dần lên thì cuốc lại mảnh vườn đã ngấm phù sa sau mấy trận lụt để gieo hạt.

Tết ở quê hồi trước người quê luôn tự túc mọi thứ, hoa cũng không đi mua mà tự trồng. Như ông tôi năm nào cũng tự tay trồng vài gốc vạn thọ, thược dược, lay ơn. Với ông, những loài hoa đó luôn luôn đại diện cho hình ảnh của Tết. Thường thì vào giữa tháng mười âm lịch, ông sẽ tháo túm vạn thọ khô làm giống giắt trên chái bếp xuống. Túm hoa khô đó ông cất từ mùa hoa Tết năm trước, đến năm sau đem ra tước lấy hạt. Một vạt đất trước sân sẽ được lật lên rồi đánh thành luống để gieo hạt. Ông vừa trồng hoa, vừa kiêm luôn việc đúc chậu xi măng để sẵn. Chờ sang đầu tháng chạp, cây cứng cáp là bứng lên cho vào chậu tử tế, bày trước hiên. Suốt cả tháng chạp ông quanh quẩn bên mấy cây vạn thọ. Những ngày đông giá, ông giữ ẩm cho cây bằng mùn rơm, sớm chiều hai cữ tưới nước ấm cho cây sớm nhú nụ.

Khi thời gian dần trôi về giữa tháng mười một âm lịch, thể nào cũng gặp vài hôm nắng ráo. Ông tôi liền giao nhiệm vụ cho con cháu trảy lá cây mai trước ngõ. Trảy lá mai sớm hay muộn cũng còn tùy theo thời tiết. Năm nào mưa lạnh nhiều thì trảy lá sớm, năm nào nắng ấm nhiều thì trảy lá muộn. Trảy xong lá mai, ông lại nhắc nhủ mấy đứa cháu đi đào cát trắng về đãi, phơi khô để cuối năm còn thay lư hương bàn thờ gia tiên. Thế là mấy chị em tôi lại rủ nhau ra cồn cát đầu làng, đào thật sâu lấy lớp cát sạch rồi chở về. Cát đãi qua nhiều nước, đem phơi chừng hai nắng đã trắng phau. Cát phơi khô đem bỏ bao cất ở góc nhà, đến tầm 25 tháng chạp ông tôi sẽ lược chân hương và thay cát lư hương.

Ăn gì trong mấy ngày Tết cũng phải lo sớm, chứ không đợi cận Tết mới chạy vạy. Chẳng gì cũng “đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Vì thế mà trước đây, người quê dù túng thiếu, quanh năm nhịn ăn nhịn mặc, nhưng ba ngày Tết cũng phải cố gắng lo được mâm cỗ tươm tất, trước cúng gia tiên, sau cho con cháu thụ lộc. Cả một năm chỉ có một cái Tết, phải đầy đủ thì cả năm mới no ấm. Nghĩ thế nên người dân quê quanh năm làm lụng, chịu thương chịu khó cấy trồng, chăn nuôi để dành cho Tết.

Ở quê tôi ngày trước, hầu như nhà nào làm ruộng đều để chừng nửa sào cấy lúa nếp. Mùa màng gặt hái xong được chút nào là phơi khô quạt sạch cho vào sập cất kỹ. Nếp ngày ấy quý lắm, các gia đình để dành cho công việc cúng giỗ trong năm và để Tết gói bánh tét, xay bột làm bánh cộ, bánh khô, bánh ít,…

Phơi đu đủ xanh làm dưa món - Ảnh: C.N

Phơi đu đủ xanh làm dưa món - Ảnh: C.N

Đặc biệt bánh tét là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Nhớ những tháng chạp trong ký ức tuổi thơ tôi có hình dáng lui cui của ông bà ngoại trong nhiều công việc chuẩn bị cho nồi bánh tét ngày ba mươi Tết. Mở sập lấy bao nếp cất trữ từ vụ hè thu đem đi xay. Bổ những thanh củi to đã phơi khô từ mùa hè chất lên giàn bếp để đun nấu. Chặt tre để chẻ lạt gói bánh, cẩn thận nữa thì xếp lạt lên chái bếp nhuốm bồ hóng cho dẻo dai để khi buộc không bị gãy. Rồi lá chuối gói bánh cũng phải lo liệu dần. Dù nhà ông bà có vườn rộng, lá chuối phủ phê. Nhưng muốn có lá chuối to, lành lặn bao giờ ông bà cũng phải dặn con cháu không tùy tiện chặt lá, còn để dành lá gói bánh tét.

Mà cái món bánh tét phải có thứ ăn kèm, không gì hợp bằng dưa món. Tranh thủ những buổi nắng hanh hiếm hoi của mùa đông, bà ngoại tôi ra vườn kiếm quả đu đủ xanh, xắt lát đem phơi nắng cho săn lại để làm dưa món. Nhưng cũng có năm lụt dài ngày, cây ngâm nước bị thối, bà phải chạy chợ mua đu đủ về làm món này.

Lo nhất là gặp những năm trời mưa gió rét mướt dai dẳng, chờ hoài chẳng thấy nắng mà phơi phóng. Những năm đó bà phải cho đu đủ vào hong than. Hong đến lúc từng lát đu đủ héo queo, bà gói kỹ trong túi giấy cất vào góc chạn bếp. Rồi mỗi lần đi chợ quê, nghe giá củ kiệu, cà rốt, ớt trái rẻ một chút lại mua về cắt khúc phơi khô để dành đến Tết đem ra ngâm nước mắm đường là có ngay hũ dưa món thơm ngon.

Bản tính lo xa nên người quê luôn có một sự chuẩn bị như vậy. Thậm chí nhiều thực phẩm phải vun vén ngay từ đầu năm. Hồi bé, cứ gần Tết tôi lại nghe các nhà trong xóm rủ nhau mổ một con lợn, thịt ra chia phần về ăn Tết. Mà thời ấy lợn cho ăn cám gạo nấu cây chuối và rau khoai, sức lớn mỗi tháng chỉ vài cân. Nên để đạt trọng lượng nửa tạ thịt, phải nuôi từ đầu năm. Ngoài ra, ngày trước nhà nào cũng có vườn rộng để nuôi gà. Nhà nào khéo nuôi được đàn gà béo mầm sinh sản tốt, thì đến Tết có thể yên tâm. Vừa có gà cúng tất niên, vừa có thêm vài chục trứng gà nữa để đổ bánh thuẫn.

Không biết răng là đủ cho một cái Tết, khéo ăn thì no khéo co thì ấm, ông tôi bảo vậy. Gạo nếp ruộng quê, heo gà trong vườn, cải ngò ngoài nương, bánh trái dưa kiệu… người quê cứ lẳng lặng vun vén dần từng thứ. Đến giữa tháng chạp, khi mọi thứ đã hòm hòm đâu vào đấy, các bà các mẹ vẫn còn kiểm đếm xem còn thiếu thức gì để bổ sung trong phiên chợ cuối năm. Hầu như lúc này, chỉ còn mua thêm nhang đèn và các loại đồ khô như măng, miến, nấm mèo, hạt tiêu nữa là có ba ngày Tết xông xênh rồi.

Những ngày giáp Tết, ruộng đồng cũng đã được cày bừa gieo cấy xong xuôi. Quanh năm đầu tắt mặt tối, đến cuối năm ai cũng lo gấp rút làm cho xong công việc đồng áng để thảnh thơi nghỉ ngơi đón Tết. Xong việc đồng áng thì bắt đầu đi chạp mả tổ tiên, dọn dẹp sửa sang nhà cửa, bày soạn gói bánh, mổ lợn chia với xóm giềng… Tuần tự công việc cứ thế, cái nào lo trước cái nào lo sau, người quê thuộc rành rành. Ông tôi gọi đó là kinh nghiệm sống trên vùng đất “Ô châu ác địa”, “trời hành cơn lụt mỗi năm”.

Từ sau hai mươi tháng chạp, nhà nào cũng có cảm giác sao việc nhiều thế, hối hả làm chưa xong việc này đã thấy việc khác trước mắt. Ấy vậy nhưng vẫn thấy háo hức, vui tươi lạ thường. Kỳ thực, tôi luôn thấy Tết vui nhất vẫn là những ngày cuối tháng chạp khi con người rộn ràng sắm sửa, thu vén để lo cho mấy ngày Tết.

Trảy lá mai để hoa nở đẹp và đúng Tết - Ảnh: H.C.D

Trảy lá mai để hoa nở đẹp và đúng Tết - Ảnh: H.C.D

Sáng Nguyên đán, vào sân vườn nhà nào cũng đầy lộc biếc cành non, hoa mai, vạn thọ nở đầy hoa vàng rực rung rinh trong nắng xuân. Vào nhà nào, nhìn lên bàn thờ gia tiên cũng thấy những đòn bánh tét tròn trịa, những đĩa bánh cộ bọc giấy ngũ sắc sắp lên trang nghiêm. Khay mứt nhà nào cũng bày đủ các món bánh như bánh cộ, bánh khô, bánh lăn, bánh thuẫn, bánh ít, bánh lọc… Toàn của nhà làm từ những nguyên liệu cây nhà lá vườn được người quê chắt chiu, vun vén suốt một năm trời. Tết quê là vậy, đơn giản, bình dị mà ấm cúng, thân thương.

Rồi ngày Tết qua mau, nhiều mùa Tết qua mau. Làng quê thay da đổi thịt và sự hiện đại lan dần thôn xóm. Ở quê bây giờ, người quê cũng giản lược cái Tết cổ truyền. Không mấy nhà còn phải lo tích trữ gom góp như thời ông bà ngày trước. Không mấy nhà còn đỏ bếp lửa củi đêm ba mươi Tết. Mọi thứ đủ đầy ngoài chợ và trên mạng, chỉ cần một buổi mua sắm hoặc một cuộc gọi điện thoại là có tất cả những thứ cần. Không phải mất công sửa soạn, làm lụng chi cho vất vả. Đời sống khá lên, phong tục đổi khác, chỉ có người già còn quyến luyến kỷ niệm của ngày xưa.

Có năm, chiều 29 Tết tôi về nhà ngoại, thấy trước hiên nhà cậu mự tôi đang bày soạn gói bánh tét và làm bánh khô. Tết như Tết những năm xưa. Tôi ngạc nhiên quá, vì ông bà đã mất từ lâu. Các cháu nội ngoại của ông bà cũng lớn lên, rời xa căn nhà nhiều kỷ niệm, bận rộn lo toan cuộc sống. Nên cũng phải gần hai chục năm rồi tôi không còn thấy cảnh đóng bánh khô, làm bánh cộ nữa. Cậu tôi cười: “Cậu làm bánh ấy để ôn lại Tết xưa như lúc còn ông bà. Lúc ấy các con vẫn còn bé tí, vẫn lăng xăng tíu tít ở nhà”.

Ngày Tết, gặp người thân cùng ôn lại Tết xưa... chỉ nghe vậy thôi đã thấy rưng rưng trong lòng. Tưởng như hồn của Tết cũ còn quanh quất làm sống lại cả ký ức.

CẨM NHUNG
Chuyên đề 12: Tết đoàn viên

Mới nhất

Lan man chuyện “ăn hàng” ở Đông Hà

10/01/2025 lúc 09:37

Mỗi người đều tự hào và yêu quý nơi mình sinh ra theo mỗi cách khác nhau. Có người tự hào theo kiểu cùng quê với một danh nhân nào đó. Có người mang niềm tự hào với những công trình văn hóa, với lịch sử. Và dung dị như anh bạn tôi, tự hào vì ẩm thực, vì món ăn quê hương. Nên chi, hễ có bạn bè đến Đông Hà chơi, tôi lại gọi điện nhờ anh tư vấn nên mời người ta đi ăn món gì, ở quán nào. Anh bạn sành ăn coi việc trải nghiệm ăn uống của chính mình là một thế mạnh riêng, là niềm tự hào của bản thân anh.

Tên gọi của Trung đoàn

25/12/2024 lúc 21:44

Chớm vào thu. Bầu trời rưng rưng những cơn mưa bất chợt. Những cơn mưa đám mây giăng giăng như

Hai chiều thời gian, nhìn từ một khu đô thị mới…

10/01/2025 lúc 09:50

Thời gian gần đây, mỗi khi thư thả tôi lại thường chạy quanh quanh khu đô thị mới Vincom Đông Hà. Rồi ngồi xuống những chiếc ghế để quanh khu vực công viên, ngồi thật im lặng và nhìn ra chung quanh, không chỉ xứng đáng để đây là một “đô thị mẫu” mà từ khu đô thị này chúng ta có thể chiêm cảm hai chiều thời gian cho Đông Hà và một hành trình phát triển.

Trùng phùng ở Prin C

24/12/2024 lúc 21:39

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bản Prin C (nay thuộc huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan,

Nhớ một thời thương khó vỡ đất

10/01/2025 lúc 10:00

Khai hoang lập nghiệp ở vùng đất được xem là rừng thiêng nước độc, họ đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để bạt đồi san đất tăng gia sản xuất góp phần kiến thiết lại quê hương sau ngày đất nước thống nhất... Và chính nhờ hành trình vượt khổ ấy để đến hôm nay người dân nơi đây đã có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc từ những cánh rừng tràm mênh mông, những vườn cây lúc lỉu quả bốn mùa, một vùng đất “xanh” đáng sống mà rất nhiều người ao ước…

Đông Hà xanh trên nền đất khát

10/01/2025 lúc 16:22

Đông Hà những ngày đầu như tôi thấy, mùa hè thị xã quắt lại trong nắng gió, núi đồi cứ nhấp nhổm. Các con đường ngoằn ngoèo, lên xuống nên tôi liên tưởng: Sau này lấy bản quy hoạch phố của Đà Lạt mà theo! Nói vui như vậy, vì thị xã lúc đó trần mình giữa dầm dề mưa và chang chang nắng. Tàn tích của sân bay, quân cảng; của quốc lộ, ngã ba… đầy ám ảnh trơ trơ trong mưa rét và xào xạc gió phơn. Thế mà ngay bên hông thị xã trẻ trung, hơi chếch về phía nam có một rừng cọ dầu bời bời xanh tốt. Nó khác hoàn toàn với màu bàng bạc của trơ trọi. Tôi được biết rừng cọ trồng từ năm 1977, là món quà hữu nghị của Malaysia nhằm phủ xanh những vùng đất cằn cỗi sau chiến tranh; dầu cọ còn được sử dụng làm chất đốt và phục vụ đời sống sinh hoạt.

Sở Thông tin và Truyền thông tổng kết công tác năm 2024

10/01/2025 lúc 10:54

TCCVO - Chiều 9/1/2025, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024,

Giữ lửa nghề truyền thống giữa nhịp sống hiện đại

10/01/2025 lúc 10:09

Tọa lạc bên bờ nam sông Hiếu, làng nghề rèn ở phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị từ lâu được biết đến với bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống, tồn tại qua nhiều thế hệ. Những lò rèn từng đỏ lửa sớm hôm, tiếng búa đe vang vọng khắp vùng gắn liền với cuộc sống lao động và sinh hoạt của người dân nơi đây. Thế nhưng, dưới sức ép của thời đại công nghiệp hóa, làng nghề rèn đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay, cả phường chỉ còn lại khoảng 4 lò rèn hoạt động thường xuyên, so với hàng chục lò ở thời kỳ “hoàng kim” cách đây hai thập kỷ.

Đông Hà một ngã ba sông, trăm dòng nước chảy

09/01/2025 lúc 15:56

Cũng như bao con sông chảy qua những làng quê trên nước Việt thân thương, những dòng sông trôi qua thành phố Đông Hà an nhiên sống một đời sông nhưng đời sông lại gắn chặt với tình đất, tình người bên lở, bên bồi từ thượng nguồn nơi sông sinh ra cho đến khi sông hòa vào lòng biển lớn.

Bến đò Tùng Luật - Di tích cấp Quốc gia đặc biệt

09/01/2025 lúc 15:22

Bến đò Tùng Luật thuộc thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh; cách cầu Hiền Lương 7 km về phía đông và cách cầu Cửa Tùng 2 km về phía tây. Bến đò Tùng Luật còn có tên là Bến đò B - một mật danh xuất phát từ yêu cầu phục vụ chiến trường miền Nam trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

15/01

25° - 27°

Mưa

16/01

24° - 26°

Mưa

17/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground