Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tết quê xưa

C

âu ca thì thế mà ngay từ sau hai bảy Tết, thầy vừa cho nghỉ học xong, đám trẻ học sách “Tam tự kinh” đã lần lượt nối nhau lễ mễ đội cỗ đến lễ nhà thầy.

Năm ấy tôi chưa bén sáu tuổi. Để khỏi quần cụt, phơi rốn, tím môi lêu đêu rong theo lũ trẻ chăn bò với đủ trò khăng, đáo… giữa cái rét đông, đầu tháng chạp ta, ông nội tôi xỏ mũi lôi tôi đến giao gửi cho thầy đồ. Tôi bắt đầu xếp bằng tròn, chăm chú vào mấy nét mực tàu, ngúc nga ngúc ngắc: Nhất là một, nhị là hai, tam là ba, tứ là bốn… Thằng bé ngồi cạnh to đầu hơn, phải nhai mấy chữ: Bất là chẳng, chi là chưng, nhân là người… màu tối, lẫn lộn mãi, mấy buổi cũng chẳng thuộc cứ bị roi song đét vào mông. Tôi sợ chiếc roi song còn hơn sợ cả ông “Ba bị chin quai”. Hai chín Tết rồi mà sao mẹ tôi vẫn cứ mải lo chợ búa, sắm sanh đủ thứ đâu đâu, chưa lo gì đến cái lễ thầy cho tôi cả, tôi bắt đầu mếu lên mếu xuống. Thì, ngày ba mươi Tết, ông nội tôi giao việc dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế, ấm chén cho các chú, rửa ráy mặt mũi chân tay sạch sẽ cho tôi, thắng cho tôi chiếc áo thâm dài mới mua còn thơm mùi hồ, chiếc quần vải thô trắng, rồi bắt tôi đội lên đầu một lưng thúng nhỏ gạo nếp chừng ba cân, một khổ thịt lợn to, một be rượu, dắt tôi đến lễ thầy. Khoan khoái và thú vị biết chừng nào khi đang được thực hành cái việc đạo lí trọng đại!

Trên đường trở về, tôi mới cảm nhận không khí Tết làng quê tràn ngập lâng lâng. Tiếng chày giã bột chiều ba mươi rây rác thậm thịch; tiếng lợn bị chọc cổ kêu eng éc; tiếng nổ pháo tép lẹt đẹt… Khói bếp luồn trên những mái rạ. Người mang, kẻ nách, bưng, vác… chiếc chảo gang, chiếc nồi bung to tướng, rá đậu ra bờ sông chà vỏ về, thúng lá gai đầy ắp, những tệp lá dong, mớ lạt buộc, mớ lá chuối, những cần tre còn túm lá đầu ngọn để làm cây nêu, cả những bó củi rèo, cả từng đoàn các cô gái quảy lu ra giếng làng gánh nước cuối năm… Người ta đi lại lăng xăng rối rít khắp mọi nẻo xóm, ngõ nhà, đường ngang lối dọc… Những người nuôi bò rẽ, cày ruộng rẽ, vay tiền lãi cũng đầu đội, tay xách nào nếp, nào đậu, gà vịt, ngan ngỗng tất bật đi lễ tết nhà chủ. Còn gặp các chú rể bưng khay trầu rượu, gói chè tàu, phong bánh khảo… đến lễ nhà bố vợ chưa cưới…

Càng về chiều, cái Tết càng xáp lại gần hối hả, khẩn trương. Ông nội tôi điều khiển các chú hạ cột cờ làm bằng thân cây cau thẳng đuột vẫn nằm treo xuyên dọc sau hè nhà xuống. Cây cột cờ được lau chùi sạch sẽ, xem xét lại dây kéo và ròng rọc đâu đấy rồi đào lỗ, hè nhau dựng lên trước sân nhà. Từ trong bếp đã bắt đầu tỏa ra mùi thơm ngào ngạt các món chiên xào mà ngày thường ở nhà quê rất ít dịp được ngửi thấy. Bà nội tôi cho bày sẵn cỗ bàn lên mâm. Từ đâu đây tiếng trống các nhà thờ họ, làng trên xóm dưới rải rác dọn tiếng thùng thình vọng lại. Một người chú tôi hỏi ông nội:

- Kéo lá cờ lên được chưa cha? Ông nội tôi nói:

- Chờ tiên chỉ làng nổi ba hồi chín tiếng trống đại đình làng lên đã.

Chiều ba mươi Tết thì có khác gì một buổi chiều thường nhật mà sao giờ khắc này sương khói, trời đất lại có cái vẻ nồng nàn, hương sắc huyền bí lạ thường. Khi chiều bắt đầu xuống dần, tiếng trống đại từ đình làng đỉnh đạc gióng giả cất lên, trống họ các nhà thờ trong làng cất lên theo, ông nội tôi cho các chú kéo lá cờ vuông to màu đỏ có viền xanh với một chữ hán màu vàng ở giữa lên đỉnh cột. Thì, ở trong nhà, trên bàn thờ tổ tiên đầy ắp cỗ bàn, đèn nến cũng sáng rực, khói hương nghi ngút. Ông nội tôi áo lương dài, khăn đóng đứng cung kính thỉnh mời trước chiếc bàn nhỏ có đặt đồ lễ ở giữa sân nơi cái đoạn thân tre chín mắt thờ một vò hương trên đầu, rồi quay vào bàn thờ tổ tiên trong nhà khấn khứa vái lạy. Sau ba tuần nhang, thì một năm cũ đã kết thúc. Và Tết đã đến rồi. Gần như cả vùng quê rộng lớn đất Trịnh Nguyễn phân tranh xưa đều rập cả theo tiết điệu này. Thêm chăng, những nhà khá giả sang trọng cho nổ tràng pháo tép.

Thường, đêm cuối tháng không trăng sao, trời tối đen như chảo mực; đêm ba mươi Tết hình như có cái bí ẩn nào đó, trời đêm càng như bưng lấy mắt. Trên đỉnh cột cờ, kéo lên một chiếc đèn lồng phết giấy bóng mờ màu đỏ. Ngọn sáp thắp bên trong đủ làm cho chiếc đèn trở thành một chấm lửa lơ lửng trên không. Các chấm lửa rải rác trong khắp làng như những tín hiệu chào mừng nhau năm mới. Sau bữa cỗ tất niên, nhà nào nhà nấy bắt đầu nhen lửa cho bếp nấu bánh chưng. Bánh chưng bánh đòn được xếp trong nồi năm nồi mười kê trên ba ông đầu rau to tướng. Phải chuẩn bị những khúc củi cội để nấu bánh từ vài tháng trước đây. Nồi bánh sôi sùng sục suốt đêm ba mươi. Và thức suốt đêm ba mươi là những chuyện cổ tích bà kể cho con cháu nghe quanh bếp lửa.

Sáng mồng một mới chính thức bước sang năm mới. Chưa ai hiểu năm mới đã bắt đầu từ lúc không giờ đêm ba mươi. Cả vùng quê chưa ai biết cách đón giao thừa. Mọi người bắt đầu mặc áo quần mới. Và phải chờ các vị bô lão hoặc những người tốt nết, phúc hậu, nhân đức có phong dáng ăn ra làm nên đến xông nhà trước mới dám vào sau, đi chúc tết lẫn nhau. Tết quê diễn ra đúng ba ngày. Hội hè đình đám thì kéo dài dài suốt tháng.

Trên bước đường trưởng thành, có điều kiện đi khắp đây đó, biết được phong tục tập quán nhiều nơi mà sao tôi vẫn không quên phai ấn tượng giản dị, thô sơ những ngày tết thời thơ ấu ở quê hương. Thầy giáo của dăm ba chữ hán vỡ lòng, các bậc ông bà cha mẹ đã lần lượt theo nhau về với thiên cổ mà bóng hình mãi mãi vẫn in đậm nét trong trái tim tôi. Cái làng quê bé nhỏ, nghèo nàn, tội nghiệp thời xưa ấy đã từng đi qua một chặng đường dài với biết bao biến động sục sôi oanh liệt, nay đang hiện đại văn minh hóa dần lên. Vẫn cứ muốn tắm mình vào bầu không khí rậm rịch sửa soạn đón Tết chiều ba mươi, cứ muốn ngắm cái chấm lửa ngọn đèn lồng trên đỉnh cột cờ giữa đêm ba mươi, cứ muốn ngồi bên bếp lửa hồng có nồi bánh chưng sôi sùng sục với cái giọng đều đều bà kể chuyện đông tây kim cổ đêm ba mươi… Ôi, đêm ba mươi Tết quê xưa…!

Và cái làng quê nơi chôn rau cắt rốn của tôi là Tổ quốc vĩ đại mà tôi yêu quý ngàn đời để cho máu cho xương thịt mình cũng vinh dự được pha hòa vào trong đó vậy.

 

N.T.H

 

NGUYỄN TRUNG HỮU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 205 tháng 10/2011

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground