Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tết sum họp bên dòng Bến Hải

T

ết Đinh Mùi 1967 là cái tết đầu tiên xã Trung Giang của tôi cùng với các xã vùng giới tuyến, dọc bờ Nam sông Bến Hải thuộc huyện Gio Linh được giải phóng, người dân quê tôi sung sướng được tắm mình trong không khí tự do của mùa xuân dân tộc. Tiếng cười tiếng nói lại rộ lên khắp thôn cïng, xóm vắng, xua tan sự trầm uất của những năm tháng phải sống âm thầm lặng lẽ như những chiếc bóng dưới thời Mỹ-Nguỵ kiểm soát. Nét mặt mọi người hân hoan rạng rỡ, thắm tươi như hoa lá mùa xuân. Đây cũng là cái tết đầu tiên sau mười ba năm nước nhà tạm thời chia cắt, những gia đình ở bờ Nam được đoàn tụ với người thânsèng trên đất Bắc...

Hồi ấy, tôi là một đứa bé mới mười ba tuổi, sống với mẹ ở miền Nam, còn bố tôi đi tập kết ở miền Bắc. Quê tôi nằm sát bờ sông Bến Hải, dòng sông mà Mỹ - Diệm âm mưu biến thành ranh giới, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Nơi đây, trước ngày giải phóng, kẻ thù dựng đồn bốt, nhà tù, trại giam nhiều hơn trường học. Mạng lưới mật vụ, cảnh sát, bảo ancña chúng dày đặc, ngày đêm rình rập, sục sạo, lùng soát khắp nơi. Tiếng kêu thét vì bị đánh đập, tra khảo cña những người dân lành vô tội trùm lên khắp thôn xóm. Người dân quê tôi sống ngột ngạt trong cảnh "cá chậu chim lồng" luôn mong mỏi đến ngày được giải phóng. Nỗi cực khổ oán hờn này càng đè nặng lên những gia đình có người thân đi làm cách mạng hay đi tập kết ở miền Bắc. Những gia đình này bị chính quyền nguỵ ghi vào "Sổ đen". Mỗi lần bộ đội ta về rải truyền đơn, tổ chức mít-tinh hay bắt bọn việt gian bán nước thì lập tức những người trong gia đình này bị địch bắt lên đánh đập, tra tấn, xét hỏi. Mẹ tôi cùng nhiều cô, nhiều dì, nhiều bà mẹ khác thường phải gánh chịu những trận đòn roi, những cuộc tra tấn dã man hèn hạ đó của kẻ thù. Nhưng trong sự khủng bố khốc liệt và tàn bạo của chúng, người dân quê tôi vẫn bền gan, vững chí, vẫn tìm mọi cách che chở, nuôi dấu cán bộ cách mạng, giữ vững phong trào, vẫn luôn nhắc nhở, động viên nhau hãy giữ vững niềm tin vào ngày thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Kẻ thù dùng trăm mưu, nghìn kế để chia rẻ Đảng với dân, cách mạng với quần chúng. Nhân dân quê tôi vẫn một lòng, một dạ hướng về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hướng về Bác Hồ, luôn chờ thời cơ vùng lên giải phóng quê hương để Bắc - Nam sớm đến ngày thống nhất; "Cho đôi bờ Hiền Lương lại nối liền một dãi, để vợ sớm gặp chồng, mẹ lại gặp con" như câu hò đưa tiễn người thân lên đường đi tập kết năm nào. Thế rồi ngày đó đã đến, vào đầu năm 1967, tức cuối năm Bính Ngọ được sự hỗ trợ của bộ đội giải phóng, nhân dân quê tôi vïng lên làm cuộc đồng khởi thành công, quê hương tôi hoàn toàn giải phóng. Khó mà tả hết niềm hân hoan, sung sướng của người dân khi được thoát khỏi ách kềm kẹp hà khắc của kẻ thù. Có lẽ sung sướng nhất là những gia đình có ng­êi thân đi tập kết ở miền Bắc. Bởi quê hương được giải phóng là ngày đoàn tụ gia đình đang đến gần. Tôi đang sống trong sự chờ đợi, trông ngóng đến ngày được gặp bố, thì chiều 30 Tết mẹ tôi bảo: "Ngày mai mẹ con mình được ra Bắc thăm bố". Được gặp bố là niềm khao khát bấy lâu của tôi. Nên khi được mẹ cho biết tin ấy thì tôi sung sướng phát điên lên, hết chạy qua nhà cậu, lại chạy qua nhà cô rồi đến nhà từng đứa bạn để thông báo một tin vui mà tôi cho là quan trọng nhất và mới nhất chưa ai được biết, đó là: "Ngày mai mẹ con tôi được ra miền Bắc thăm bố". Cả đêm hôm ấy, hình như tôi không ngủ được, cứ mong sao trời mau sáng để được đi thăm bố.

Sáng mùng một Tết năm ấy, tôi thấy mẹ tôi dậy sớm hơn tết mọi năm. Sau khi làm mâm cúng tổ tiên xong, mẹ tôi chuẩn bị quà để đi thăm bố. Mẹ con tôi đến bến đò đã thấy những con đò đầy ắp người đang sang sông. Nhưng lượng người đứng đợi trên bờ vẫn còn rất đông. Tôi biết chỉ một vài chuyến đò nữa sẽ đến lượt mẹ con tôi được qua sông. Nhưng không hiểu sao lòng tôi cứ rộn lên niềm náo nức và hồi hộp mong sao sớm qua đò để được gặp bố, được sà vào lòng bố cho thảo những năm tháng mong mỏi, ngóng trông. Tôi biết mẹ tôi cũng đang rạo rực mong chờ đến giờ phút gặp gỡ đó. Không mong sao được, khi mà mẹ đã mười ba năm mòn mỏi đợi chờ, đêm trông, ngày nhớ. Và để có ngày gặp gỡ hôm nay mẹ phải vượt qua biết bao gian nan thử thách, phải chịu biết bao trận đòn roi, bao nhiêu sự cực hình tra tấn dã man của kẻ thù. Bây giờ mẹ đứng đó, đứng trên bến đò mà chính nơi đây mười ba năm trước mẹ gạt nước mắt tiễn bố lên đường đi tập kết. Mẹ đăm đăm nhìn sang bờ Bắc, mẹ nhìn như chưa bao giờ được nhìn. Mà phải rồi, trong những năm tháng sống dưới ách kềm kẹp của Mỹ - Nguỵ, mẹ có được tự do nhìn sang bờ Bắc đâu. Hồi ấy, bất cứ người dân nào nhìn sang bờ Bắc bị mật vụ, cảnh sát của địch bắt gặp thì không bị bắt giam cũng bị đòn roi. Giờ đây mẹ đứng nhìn cho thoả thích, cho bõ những năm tháng bị cấm đoán, cách chia. Thế rồi ai đó giục chúng tôi lên đò. Ngồi trên đò tôi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của mẹ. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi cũng đủ để hiểu được đó là những giọt nước mắt xúc động, giọt nước mắt của niềm sung sướng mừng vui. Mừng vui vì từ nay không còn cảnh ngăn sông cấm đò vì từ nay đã thoát khỏi cảnh tù tội, đòn roi; mừng vui vì mẹ sắp được gặp bố, được thổ lộ, được tâm tình...

Đò đến bờ Bắc, người dẫn đường đưa chúng tôi đến trạm đón tiếp đồng bào miền Nam ra thăm người thân sống ở đất Bắc. Trạm đón tiếp là một dãy nhà dài được trang hoàng khá đẹp mắt, băng cờ, khẩu hiệu đỏ rực một góc trời. Rất đông bà con Vĩnh Linh ra đón chúng tôi, gặp nhau tay bắt, mặt mừng, chào hỏi tíu tít như người thân đi xa lâu ngày gặp lại. Những người đến trước chúng tôi đã gặp được người nhà, mẹ ôm chầm con, vợ ngã vào vai chồng mà tâm sự, mà kể cho nhau nghe về những năm tháng xa cách, trông thật cảm động. Trong khung cảnh ấy, tôi nháo nhác đảo mắt nhìn quanh tìm bố mình. Nói là tìm bố, nhưng kỳ thực tôi không hình dung nổi hình dáng, mặt mũi của bố tôi như thế nào. Bởi khi bố tôi đi tập kết tôi chưa đầy một tuổi. Tôi chỉ tưởng tượng ra hình ảnh của bố tôi qua lời kể của mẹ. Thế rồi từ trong đám đông có một người bước đến chỗ mẹ con tôi đang đứng. Bằng linh cảm, tôi biết ngay người đó là bố của mình. Mẹ tôi khẽ gọi một tiếng "mình" rồi nghẹn ngào trong nước mắt. Một tay nắm tay mẹ tôi, một tay bố tôi kéo tôi vào lòng, lần đầu tiên tôi mới cảm nhận được thế nào là hơi ấm của người cha, thứ mà tôi thèm khát, mà mong mỏi bấy lâu nay. Sau những phút giây cảm động ban đầu, bố tôi liền hỏi về tình hình quê hương, làng xóm, bà con nội, ngoại ai còn, ai mất. Rồi bố hỏi tới tình cảnh mẹ phải bị tù tội, bị đánh đập, tra khảo như thế nào. Đoạn bố hỏi tới chuyện tôi sống ra sao trong những ngày xa bố, mẹ lại phải ngồi tù... Mẹ tôi kể cho bố tôi nghe tình cảnh cña đồng bào miền Nam phải sống cực khổ, tủi nhục dưới chế độ ác độc và tàn bạo của Mỹ - Nguỵ. Mẹ kể chuyện bị giam cầm, tra khảo phải chịu đựng những ngón đòn hiểm ác của bän cai ngục trong nhà tù đế quốc, tay sai. Mẹ kể chuyện tôi bị những kẻ bất lương ức hiếp, doạ nạt và phân biệt đối xử vì tôi là con "Cộng sản". Mẹ kể đến đây, tôi thấy trên đôi mắt của bố đã đẫm lệ, bố ghì chặt mẹ con tôi vào lòng. Mẹ tôi còn tiếp tục kể nhiều chuyện khác nữa. Nào là chuyện người dân quê tôi nghĩ ra nhiều phương kế để đối phó với âm mưu "tố cộng", "ly khai", lập ấp, dồn dân của kẻ thù nào chuyện nhân dân đấu tranh chống khủng bố, chống bắt con em của họ đi "làm bia, đỡ đạn" cho kẻ thù... Câu chuyện tưởng như không bao giờ dứt. Hình như mười ba năm mẹ tôi đã sống trong im lặng, sống trong âm thầm, cô đơn, phải cắn răng chịu bao nhiêu nổi tủi nhục, cay đắng, chịu bao nhiêu cực hình tra tấn nhưng mẹ không khai nửa lời, giờ mẹ mới có dịp được trút niềm tâm sự, được thổ lộ, tâm tình...

Đã bốn mươi năm trôi qua, bốn mươi năm phải bươn chải giữa cuộc sống đời thường, tôi đã từng nghe, từng chứng kiến biết bao chuyện buồn, chuyện vui. Có những chuyện dù cố nhớ nhưng không tài nào nhớ nổi. Nhưng những kỷ niệm về tết Đinh Mùi, tết đoàn tụ đầu tiên bên bờ sông Bến Hải sau mười ba năm nước nhà tạm thời chia cắt thì tôi không bao giờ quên.

 

D.Q.K 

 

Dương Quang Kiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 151 tháng 04/2007

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground