Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tết, tìm về và tìm lại

Ăn Tết ở xa quê mới thấm thía sự đoàn viên, nhưng, ăn Tết ở xa Tổ quốc lại càng biết giá trị của Tết Việt đến nhường nào. Sự hẫng hụt của những cái Tết xa nhà, xa đất nước trong những năm tuổi trẻ của mình, giờ nghĩ lại đôi khi là một... may mắn. Bởi như thế chúng tôi càng biết trân quý những ngày Tết có mặt trên quê hương.

1. Ngày hai mươi tuổi, chúng tôi rời Việt Nam đi học ở Belarus, mùa thu năm 2007. Khi máy bay cất cánh khỏi sân bay Nội Bài, nhìn xuống đồng ruộng phía dưới cứ xa hút dần, nhiều bạn cùng đi đã khóc. Ở miền đất mới, chúng tôi hòa nhập nhanh và bị cuốn theo bởi chuyện học hành nên không còn buồn nhớ nhiều. Phải đến mùa xuân năm đó, cái Tết đầu tiên xa nhà thì nỗi xúc động về quê hương mới thật sự trỗi dậy.

Khi ấy thủ đô Minsk tuyết trắng trời. Cây cối trụi lá trơ những nhánh xương gầy đen xám và cũng bị bọc bởi tuyết. Dòng sông đóng băng có thể đi ở trên được. Đỉnh điểm của cái lạnh khiến các hoạt động chung của đất nước Belarus phải ngừng lại hai tuần, gọi là kỳ nghỉ đông. Thật hay, kỳ nghỉ đông ấy lại trùng vào dịp Tết Nguyên đán của các nước dùng lịch mặt trăng như Việt Nam và Trung Quốc. Sinh viên bản địa vì thế về nhà hết, ký túc xá vắng hoe chỉ còn lại những sinh viên Á Đông.

Tiệm cà phê mang tên Sài Gòn (Сайгон) ở chợ Zrdanovichi, Belarus. Ảnh:I.T

Tiệm cà phê mang tên Sài Gòn (Сайгон) ở chợ Zrdanovichi, Belarus. Ảnh:I.T

Sinh viên Việt Nam lại được thời gian rảnh để ngồi với nhau nói chuyện tết. Kể cho nhau bao kỷ niệm quê nhà, càng tâm sự thì càng nhớ, thèm trở về nhà, dù biết rằng phải ở đây ít nhất ba cái Tết nữa. Liên lạc về nhà lúc đó vẫn còn khó khăn. Muốn gọi điện, phải mua một cái thẻ đến ở cốp điện thoại dọc đường. Nhét thẻ vào khe, bấm số gọi tổng đài gặp cô tiếp viên người Belarus, đọc cho cô nghe số điện thoại nhà ở Việt Nam. Rồi cô sẽ kết nối về nhà cho gặp người thân. Ai cũng đi mua một cái thẻ như thế để gọi về, có người gọi được, có người không, vì chuyện kết nối liên lạc quốc tế không phải dễ.

Xa quê, nhớ nhà, thôi thì tự an ủi mình bằng cách hướng về quê. Sáng ba mươi tết, tôi và hai bạn người Huế cùng lên xe điện đi chợ. Ngày cuối năm ở Việt Nam hẳn những chuyến xe sẽ chộn rộn lắm, nhưng ở Minsk thì đang kỳ nghỉ đông nên xe chỉ có ba chúng tôi.

Chợ Zdanovichi ở ngoại ô thủ đô, rất hiếm khi chúng tôi mới đến. Ở chợ có một số người Việt qua định cư lâu buôn bán, nên tự gọi là chợ Việt Nam. Dân Việt sang đây mở lên quán phở, thuê người Belarus bán nhưng công thức món ăn vẫn thuần Việt, và vẫn gọi tên "phở", tiếng Nga không thể phiên dịch. Vài quán cà phê lấy tên là Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, tất nhiên biển hiệu được phiên âm qua tiếng Nga.

Đi chợ Zdanovichi bao giờ cũng phải ghé ăn một tô phở to vật vã, vào quán cà phê mang tên địa danh Việt uống một ly đen. Và một chỗ nữa nhất thiết phải đến, đó là quán tạp hóa ở cuối chợ. Quán nhỏ xíu, bày nhiều thứ hàng hóa từ Việt Nam đưa sang. Mì tôm đều đã hết hạn vì vận chuyển sang đây bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt mất vài tháng, chúng tôi vẫn mua ăn ngon lành. Miến, bánh tráng, nước mắm, nấm mộc nhĩ, ớt chỉ thiên dầm nước mắm,... và nhất quyết phải mua một xấp giấy tiền vàng bạc cùng nén nhang. Những thứ này ở Belarus không thể kiếm đâu được, nhất là giấy vàng mã và nhang đốt thì đặc thù cúng tế của xứ Á Đông.

Đi chợ về tới ký túc xá trời cũng đã chiều, cả ba chúng tôi vào bếp chuẩn bị mâm cơm tất niên. Có đủ món cơm, xào, món canh miến, món nem rán. Những món thuần Việt này bình thường không có, chỉ đến khi đi chợ Zdanovichi mới mua về nấu. Nói về món ăn Việt, người Belarus rất thích nem cuốn bánh tráng và rán lên. Có lần cô giáo bản địa mời chúng tôi về nhà chơi, cô bảo mua thực phẩm đến làm món ăn Việt cho cô ăn vì cô rất thích món nem rán. Còn món miến nấu canh, khi cô hỏi tên nó là gì thì chúng tôi ngớ ra, gọi hú họa bằng tiếng Nga là "gạo dài", tức là bột gạo được kéo sợi dài ra.

Nấu nướng xong bữa cơm khá đầy đủ thì bày ra bàn trong phòng. Mỗi phòng ký túc xá chỉ có ba người ở, đều có sinh viên Belarus sống xen với sinh viên Việt. May mắn các bạn bản địa đã về nhà nghỉ đông, hoặc họ cũng biết dịp tết Việt nên đi đâu đó để nhường phòng lại. Ký túc xá có 13 tầng với hàng trăm phòng, như một khách sạn được thiết kế khép kín và an toàn cháy nổ đặt lên hàng đầu. Mỗi phòng được lắp một thiết bị báo cháy, chỉ cần có khói là hệ thống sẽ réo chuông inh ỏi khắp tất cả các tầng. Chúng tôi kê bàn, lại cõng nhau đứng trên bàn mới với tay tới cái thiết bị báo cháy. Mở nắp, tháo viên pin ra để nó không hoạt động. Phải làm như thế thì mới có thể thắp nhang được.

Bàn cỗ tất niên có một chén gạo đầy thay lư hương quay về hướng đất nước. Cắm ba cây nhang lên, mỗi chúng tôi đổi nhau vào đứng khấn lạy. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi đứng trước một mâm cỗ để khấn vái. Xa quê, ai cũng phải lớn lên, trưởng thành lên là vậy. Những lời khấn cũng giản đơn là năm hết tết đến nguyện cầu gia đình người thân được sức khỏe, an lành. Một đứa đứng khấn thì hai đứa còn lại đứng bên nghiêm cẩn. Trông có vẻ ông cụ non buồn cười nhưng thực sự đấy là những giây phút thiêng liêng. Chờ nhang tàn, một đứa sẽ cầm xấp giấy vàng bạc đi thang máy xuống tầng trệt, ra khỏi ký túc xá. Chọn chỗ đất hiếm hoi ở dưới gốc cây, vì lúc này xung quanh mặt đất tuyết phủ dày cả. Đặt mớ vàng mã vào chỗ đất đó mới đúng nghi thức và lửa mới đỏ được. Hóa vàng xong, lại quay lên phòng và cả ba đứa cùng ăn mâm cỗ tất niên, uống một chút rượu vodka.

Khác với những ngày trước còn rôm rả chuyện trò, giờ phút ngồi bên mâm cơm này cả ba đứa chẳng nói được gì vì đều xúc động. Ăn cũng qua quýt vài miếng chiếu lệ, chủ yếu uống chén rượu tiễn năm cũ, và chia sẻ những nỗi tha hương cùng nhau. Không sắm sửa áo quần mới, không có nồi nước lá tắm tất niên, nhưng mâm cơm để thắp nhang khói là cái phải có.

2. Sau bữa cơm tất niên ấy, chúng tôi sẽ cùng với các bạn Việt khoảng hai chục người nhảy tàu lửa đi ra ngoại ô. Ở đó có khu nhà nghỉ mát mùa hè của người Belarus, tới mùa đông họ bỏ không. Chúng tôi thuê một căn nhà để tổ chức đón giao thừa cùng nhau.

Đêm ngồi canh lửa nấu bánh tết - Ảnh: H.C.D

Đêm ngồi canh lửa nấu bánh tết - Ảnh: H.C.D

Xấp giấy màu được cắt ra thành những bông hoa mai, hoa đào, hình bánh chưng, chữ “Chúc mừng năm mới”... rồi dán lên tường trang trí cho có không khí. Các bạn nữ thì vào bếp chuẩn bị món ăn.

Thời gian ở Belarus lệch múi giờ so với Việt Nam là 4 hoặc 5 tiếng tùy vào mùa nắng hay mùa rét. (Giờ làm việc ở Belarus là cố định, nhưng cứ vào chủ nhật cuối cùng của tháng ba, đồng hồ cả nước sẽ chỉnh nhanh lên một tiếng; chủ nhật cuối cùng của tháng mười thì chỉnh chậm lại một tiếng). Thời điểm tết thì lệch 5 tiếng, nên ở Việt Nam giao thừa thì Belarus mới chỉ 7 giờ chiều.

Bật một cái laptop để theo dõi truyền hình VTV. Đúng thời điểm Việt Nam đón giao thừa, pháo hoa nở đầy trời trên màn hình máy tính, thì ở Belarus chúng tôi cũng hô chúc mừng năm mới, mở rượu sâm-panh. Một vài người sẽ cười vui nhưng đa phần các bạn nữ đều khóc. Năm mới phải vui chứ sao lại khóc, ai đó nói. Nhưng chỉ lát nữa thôi, mọi người khi đã có men rượu đều khóc cả. Ai cũng nhớ nhà nhớ quê, tất cả những nỗi nhớ của con dân xa xứ gộp lại thành nỗi nhớ Tổ quốc.

Chúng tôi ở trong căn nhà đó suốt đêm, đến sáng mới trả nhà để về ký túc xá. Hướng xuất hành chung của mọi người như nhau, đều về trung tâm thành phố thủ đô, và đều đi trên một con đường đầy tuyết trắng lạnh lẽo, tuyệt nhiên không có một cây xanh lá nào để hái lộc. Tất cả đi về trong lặng lẽ, cô tẻ, mỗi người một khoảng nhớ về quê hương, nơi mà lúc này đang nắng ấm hoa nở, người thân đang đi chúc xuân rộn rã.

Dù là mâm cỗ tất niên, hay bữa tiệc đón giao thừa thì chúng tôi cũng thiếu món ăn quan trọng không kiếm đâu được đó là bánh chưng, dưa món. Nếp có, đậu xanh thịt mỡ cũng có, nhưng lá chuối lá dong kiếm đâu ra để gói bánh? Cà rốt có, nhưng đu đủ và dưa kiệu kiếm đâu được để làm dưa món? Phải đến tối mùng một Tết chúng tôi mới được ăn bánh chưng và dưa món. Đó là bữa tiệc gặp mặt do đại sứ quán tổ chức cho toàn thể cộng đồng người Việt đang sinh sống ở thủ đô Minsk. Có khoảng trăm người đến dự, đa phần là sinh viên và người sang đây buôn bán. Chúng tôi được chiêu đãi miễn phí, chắc là tiền từ nhà nước cấp cho đại sứ quán. Đấy cũng là một sự quan tâm của nhà nước dành cho kiều bào xa quê. Nhưng đến đó chủ yếu gặp gỡ đồng hương, chẳng ai thiết tha gì chuyện ăn uống, trừ bánh chưng dưa món ai cũng phải ăn vì hiếm, vì thèm, vì nhớ.

3. Những cái Tết tha hương trong tuổi trẻ chúng tôi bị thiếu hụt tình cảm, không khí, hương vị. Thế nên khi trở về quê nhà, tôi lại như một đứa trẻ đón đợi Tết bằng tất cả sự hồn nhiên và cả dè sẻn. Chắt chiu khoảng thời gian ngắn ngủi của những ngày cuối năm để tìm lại những điều thiêng đẹp.

Cùng đại gia đình gói bánh chưng bánh tét và ngồi suốt đêm canh nồi nước luộc bánh. Ông nội tôi từ xưa đến nay luôn luộc bánh ban đêm, đến sáng ngày ba mươi mới vớt ra. Đấy là cách để tận hưởng thời gian quý báu chầm chậm trôi. Nấu bánh thì chọn những gốc củi to, thớ gỗ chặt để đượm than, vì lửa than quan trọng hơn lửa ngọn. Sao cho suốt thời gian nấu, nước trong nồi luôn sôi nảy bọt. Đêm khuya, nghe tiếng kêu ục ục của nước, và khói ấm quyện với mùi lá mùi nếp bánh. Lạ thay, hương vị ấy qua bao nhiêu năm vẫn thế, một mùi tết quen thuộc nhưng không bao giờ nhàm chán.

Chiều ba mươi nhất quyết phải đi nghĩa địa thắp nhang cho tổ tiên, người thân. Dựng một cây nêu mời vọng tiền nhân quá cố về cùng ăn Tết. Chôn một hũ rượu để cuối năm bạn bè trong làng, bạn bè đi xa trở về cùng đào lên nhâm nhi nói chuyện... Tất cả mọi việc đều là những gửi gắm của sự tìm về và tìm lại, để vị tết không bị nhạt ngay chính trong tâm hồn mình.

H.C.D

Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 328

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground