Với người đang nhung nhớ, biển là tiếng lòng khi xôn xao, khi bình lặng trong đợi chờ thắc thỏm nao nao. Rồi khi ghen hờn, khi lo âu, khi giận dỗi, khi bù đắp…cứ thế đem thả vào những tiếng sóng lao xao thành giai điệu ngọt ngào, cứ ngân mãi bản tình ca ngàn năm.
Còn với tôi, biển là cánh diều no gió, thản nhiên êm ả giữa bầu trời mênh mang. Tôi say mê biển không phải cái say mê của tình yêu đôi lứa hay hẹn thề với cánh buồm ngoài xa. Chính lũ trẻ con đã kéo tôi ra khỏi đồng ruộng làng quê, băng qua quốc lộ, một mạch về với Thái Lai, để xây lâu đài cát, để chờn vờn con sóng và để nằm nghiêng nghe tiếng lạo xạo của dã tràng xe cát bên tai.
Những buổi sớm mai, khi bình minh vừa chớm ở hừng đông, tôi lại gánh gồng tổ ấm nhỏ, rời xa con phố ồn ào xe lại qua, vượt khoảng hai mươi phút đường đi xe máy, để tìm về trong cánh diều của biển Thái Lai. Con đường ngoằn ngoèo giữa những ruộng dưa đỏ xã Vĩnh Tú, con đường nho nhỏ xuyên rừng dương cằn cỗi cát trắng, dẫn tôi đến với tiếng sóng vỗ của đại dương bao la. Bãi biển Thái Lai như một ân sủng mà thiên nhiên dành tặng cho bà con xã Vĩnh Thái và người dân huyện Vĩnh Linh. Thái Lai mùa này dịu dàng như cô gái mới lớn, một chút ngây thơ trong trẻo, một chút hoang sơ tuổi sớm mai của cuộc đời.
Bình minh như chiếc đèn pin khổng lồ chiếu vào biển còn ngái ngủ nên tím biếc, nên loang loáng như dát bạc. Đôi khi những đám mây ngơ ngẩn ngang qua, bị ánh sáng chói lòa hắt lên thành choáng ngợp với muôn hình muôn vẻ, đa sắc đa màu. Tôi thích nằm ở bãi cát mát rười rượi, tha hồ tưởng tượng những phượng hoàng đỏ rực hay vó ngựa tung trời. Cũng có những buổi sớm mai biển rất đằm thắm, trong vắt đến nỗi nhìn thấy rõ đôi bàn chân mình in dấu. Bọn trẻ thích thú đùa giỡn cùng những chú cá nhỏ chờn vờn quanh mình, để tiếng cười vang cả mặt biển đến xa xa.
Biển Thái Lai không dữ dội, không sâu thẳm, không mạnh mẽ như những bãi biển mà tôi từng đến. Sóng hiền hòa cứ nhè nhẹ như người cha luôn vỗ về con yêu nhưng sợ làm đau chúng. Những đứa con mệt nhoài nơi gió bụi cuộc đời, thỉnh thoảng lại về đầm mình vào biển mặn, được xoa bóp, được hàn gắn lại bao vết sẹo mà do lăn lộn để phải mang vào thân. Biển cũng chính là mẫu hình tự chữa lành. Đêm đêm về sáng, biển chìm trong tĩnh lặng, liếm láp lại cơ thể bị giẫm đạp, bị giày xéo của tiệc tùng buổi đầu hôm, để sớm mai lành lặn như chưa từng có dấu chân của thế nhân. Biển là vị lương y, cho da trẻ hết ngứa, xương người già hết mỏi và tâm hồn bao kẻ bận rộn lại trở nên trong veo. Có phải thế chăng mà bao người con của Thái Lai da rám nắng đỏ au, cơ bắp cứng cáp như cuộn dây thừng dây chão neo thuyền mà nụ cười lại lấp lánh như ánh bạc của biển khơi. Có phải thế chăng mà những buổi chiều nườm nượp người xe đến chọn cho mình quán quen, đặt trước chút hải sản tươi chong, rồi lao mình đầm vào dòng nước mát.
Vì yêu sự bình yên của thiên nhiên, tôi tách mình khỏi dòng người đổ xô về biển lúc xế trưa. Tôi thích đến với Thái Lai khi bình minh ló rạng. Cả bãi biển mênh mông chỉ lác đác vài gia đình nên biển càng như dài rộng thêm, như càng hoang sơ thêm. Biển buổi sớm mai không có tiếng ồn ào chúc tụng, tiếng rộn rã lanh canh của những ly bia. Thái Lai buổi bình minh được là chính mình, cài lên lơ thơ vài khóm muống biển tím biếc, thở thật hiền như cô thiếu nữ còn say ngủ.
Khi chiều về, Thái Lai như bừng tỉnh. Tiếng hàng quán rộn rã, nào bát nào ly. Hương vị mặn mòi của biển hòa cùng hương thơm chế biến từ các nhà bếp thu hút hàng dãy xe máy, xe ô tô, kín cả cung đường. Thức ăn tươi sạch cùng với sự mộc mạc của người dân Vĩnh Thái đã làm hài lòng biết bao thực khách ghé qua. Những đứa trẻ say trong cái nắng chiều sắc đỏ, ngụp lặn giữa những con sóng êm đềm. Nam thanh nữ tú dìu bước nhau đi, chọn khoảng trời bên biển đẹp nhất để lưu lại những ký ức tuổi xuân.
Ảnh: N.L
Người dân Thái Lai ra biển thả lưới giăng câu để sớm mai trở về khoang nặng những tôm, mực, cá tươi lấp lánh như nụ cười hạnh phúc của cơm áo gạo tiền. Mà người ở nhà cũng lầm lũi củ sắn củ khoai, để mong vơi nhẹ cánh tay chài lưới. Khoai lang Thái Lai “bở soe” như bánh thuẫn, ngọt cái ngọt vốn dĩ của khoai, thêm cái mặn mòi của biển, thực sự khiến người ăn phải cảm thấy thán phục. Mùa khoai đến, nhà nào cũng nấu một nồi to tướng, lại phải om thêm một ấm nước chè để bên. Ăn một miếng khoai phải uống một ngụm nước chè thì khoai mới trôi xuống cổ mà không mắc nghẹn. Thiên nhiên ưu đãi, đãi cả chè lẫn khoai. Ăn khoai thì phải uống nước chè để khỏi nghẹn; mà uống nước chè cũng phải ăn khoai mới mong không bị xót ruột. Vậy là, những hương vị cuộc đời, nào ngọt, nào mặn, nào chát đắng, hóa ra cũng chỉ một cái nuốt ực mà thôi. Nuốt hết hương vị nhân sinh ấy, ngồi trông ra biển, thấy mình thật nhỏ bé. Thế nên phải sống như thế nào để trọn vẹn, để tĩnh tại, để hòa hợp, để người và thiên nhiên mãi mãi tương hỗ lẫn nhau.
Đường đang được mở rộng. Cung đường nối những bãi biển với nhau. Rồi đây, người ta sẽ đi từ Ngư Thuỷ, vào Đông Luật, ghé Cửa Tùng, Trung Giang, đến Cửa Việt, chắc chắn sẽ dừng lại ở Thái Lai để được tự mình chạy nhảy theo nhịp con sóng vào ra.
Thái Lai ơi! Hãy gọi bình mình lên!
N.L