Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tháng Chín năm ấy Bác Hồ đi xa

Mùa thu năm ấy thời tiết miền Bắc nặng nề, oi ả. Trời không nắng gắt cũng chẳng mưa rào, suốt ngày và chiều đêm bức bối. Mây đen vần vũ, đám này vừa tan hé chút sáng, đám kia xuất hiện. Đài khí tượng báo, có cơn bão từ biển Đông sắp đổ vào mạn Quảng Bình, Vĩnh Linh. Dường như mọi người cùng linh cảm có chuyện không hay sắp xảy ra. Mấy cụ già người Hà Nội nói thời tiết dạo này giống hệt năm Ất Dậu 1945. Sang thu trời nặng trịch, rồi mưa to ập xuống, lũ tràn về nước sông Hồng tràn làm vỡ đê. “Được cái là ngay sau đấy, Cụ Hồ về Hà Nội đọc Tuyên ngôn Độc lập” - một cụ nói thêm như thể trấn an nhau.

Chúng tôi công tác tại báo Nhân dân ai cũng hay tin Bác Hồ lần này mệt, Bác yếu lắm, tuy nhiên chỉ thì thầm và lặng lẽ theo dõi nét mặt thủ trưởng cơ quan. Mấy ngày liền khoảng gần trưa và cuối chiều, anh Hoàng Tùng đi họp về, mặt buồn thiu lầm lũi lên gác vào luôn phòng làm việc, khác với thói quen gặp ai giữa sân hay tại đầu cầu thang, bao giờ anh cũng dừng lại buông một câu bông phèng.

Năm giờ sáng ngày 3 tháng chín (22 tháng bảy năm Kỷ Dậu), chị phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam buồn bã đọc Thông báo của Trung ương về tình hình sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không riêng người dân Hà Nội mà cả nước xôn xao sau khi nghe thông báo. Chương trình thời sự tám giờ sáng ngày hôm ấy, Đài lại phát Thông báo mới: “Mặc dù được các bác sĩ tận tình chăm sóc, sức khỏe Bác Hồ vẫn chưa khá lên”.

Mọi người ngầm hiểu: Vậy là gay rồi. Bác Lâm nhân viên thường trực cơ quan hỏi nhỏ tôi: “Thế nào, hở anh Quang?”. Ý bác: “Cụ Hồ mất rồi sao?” nhưng không dám hỏi thẳng. Tôi cũng vòng vo: “Đồng bào miền Nam hay tin chắc xúc động lắm, bác nhỉ”. Nghe tôi đáp bác Lâm bật khóc, vội rút khăn lau nước mắt. Bác là người quê ở Thừa Thiên, trước làm Chủ tịch xã, không thuộc diện cán bộ tập kết nhưng bị bọn tay chân Ngô Đình Diệm săn lùng dữ quá, một mình bác vượt biên ra Bắc, và được nhận vào làm một chân vừa làm bảo vệ vừa thường trực của cơ quan báo ngoài giờ làm việc. Bác Lâm hồi ấy tuổi đã cao, hiền lành, hai hàm răng nhuộm đen, dưới cằm lơ thơ chòm râu chưa kịp bạc, một thân một mình ngày ăn cơm tập thể đêm ngủ giường cá nhân, cái giường kê ngay tại phòng thường trực sát bên cổng vào cơ quan. Ngày cũng như đêm hầu như bác chỉ quẩn quanh ở chỗ ấy, ngồi trong phòng hoặc ra sân hút điếu thuốc lá tự cuộn, mong ngóng chờ ngày được trở lại quê hương.

Tôi lại gặp anh Viên, một nhân viên khác cạnh gốc cây sấu già giữa sân cơ quan. Hôm ấy hình như không ai có thể đứng ngồi yên một chỗ. Anh Viên là thương binh người Quảng Nam trước làm du kích, chiến đấu bị thương nặng, què một chân hỏng một mắt. Anh nóng nảy, tính khí hơi thất thường, đặc biệt vào những lúc trở trời bị các thương tích cũ hành hạ. Anh hỏi thẳng tôi: “Cụ Hồ mất rồi sao?”. Tôi loanh quanh không dám nói thẳng, anh cáu kỉnh quay lưng đi nơi khác.

Trưa tôi từ cơ quan vừa về tới nhà, bà già giúp việc bế đứa cháu bé của tôi đứng chờ sẵn ở cửa phòng: “Cụ Hồ mệt nặng lắm, phải không chú?”. Vừa nhìn thấy tôi bà đã lo lắng hỏi. Đến đêm, sau bữa ăn tối, không hiểu sao bà già hiền lành từ vùng quê ra Hà Nội chưa lâu, ít khi trò chuyện với ai, hôm nay bỗng dưng mau miệng: “Có phải Bác Hồ mất rồi, hả chú?”.

Đêm hôm ấy có nhiều người trằn trọc. Trời Hà Nội lại gặp cơn giông. Đài Khí tượng báo tin, cơn bão biển Đông dự báo từ hai hôm trước đã đổ vào địa phận Quảng Bình lúc này thuộc vùng cán xoong ngày đêm không ngớt vang tiếng bom rơi đạn nổ, như thể bão tố về hùa với bom đạn Mỹ làm khổ thêm dân ta. Bốn giờ sáng, tôi dậy mở chiếc đài bán dẫn, ngóng tin tức. Chương trình Thời sự đầu tiên trong ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Thông báo mới của Trung ương, chính thức công bố Tin buồn Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Thực tế nhiều người đã thầm thì từ miệng sang tai cho nhau biết cái tin dữ ấy, không rõ từ đâu lan truyền khá rộng tại Hà Nội ngay trong đêm qua.

Trước khi dắt xe ra đi làm sớm hơn mọi bữa, tôi bảo cháu trai nhỏ lúc này vừa thức dậy: “Bác Hồ mất rồi, con à!”. Nó cáu kỉnh buông luôn hai tiếng: “Đừng hòng!” rồi vùng vằng quay lưng đi. Hai tiếng ấy cháu chưa bao giờ dám thốt ra trước mặt người lớn mà chỉ la hét vào những lúc vật lộn nô đùa với bạn bè cùng lứa. Như cũng cảm thấy mình vô lễ, cháu quay lại nhẹ nhàng nói thêm: “Bác Hồ chỉ ốm thôi”. Thì ra hôm qua cháu cũng có nghe tin không vui như tất cả mọi người. - “Bác Hồ mất thật rồi, con à, - tôi đáp. - Đài phát thanh vừa thông báo đó”. - “Con không tin!”, nó lại đáp, giọng cộc cằn.

Làm sao lứa tuổi cháu có thể tin nổi Bác Hồ kính yêu luôn gần gũi bên cạnh các cháu thiếu nhi và tất cả mọi người, Bác lại có thể không còn nữa trên đời này!

Trưa hôm ấy tôi đi làm về, nhìn thấy trên bàn học của cháu có tờ giấy trắng nắn nót ghi dòng chữ: “Bác Hồ mất lúc 4 giờ 47 phút ngày 3 tháng 9 năm 1969”. Tôi chưa kịp hỏi cháu đã thưa luôn với bố: “Con viết ra giấy cho khỏi quên mất ngày giờ”.

Sáng hôm sau, trên đường đi làm theo các phố quen thuộc từ ngôi nhà tập thể gần gò Đống Đa về phía bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi gặp rất nhiều công nhân nam nữ từ nội thành đạp xe ngược về phía Khu công nghiệp Thượng Đình giống hệt như mọi ngày, có điều hôm nay mặt ai nấy đều buồn rười rượi. Nhiều chị mím môi lại như đang cố nén cái buồn chực bật ra thành nước mắt. Một số người đã kịp dán dải băng đen lên ngực áo mình. Đến đầu phố Khâm Thiên, thì nhìn thấy tất cả các nhà hai bên đường đều đã tự ý treo cờ rủ mà không cần thông báo của tổ dân phố. Tới phố Ấu Triệu sát bên nách Nhà thờ Lớn Hà Nội, tôi gặp một bà già ngồi trên vỉa hè trước cửa nhà bà, lúi húi khâu dải băng tang vào lá quốc kỳ ông chồng cầm ở tay.

Bầu trời Hà Nội hôm nay nặng trịch, cứ cuốn cuộn mây đen, tất cả mọi người dân Hà Nội bất kỳ nam hay nữ, cụ già hay trẻ nhỏ, đều có vẻ mặt đăm chiêu ai cũng giống ai.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp an ủi người dân trong ngày Quốc tang  của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: T.L.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp an ủi người dân trong ngày Quốc tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: T.L.

Tại cuộc họp giao ban của tòa soạn diễn ra thường lệ như mọi sáng, Tổng Biên tập Hoàng Tùng vừa mở miệng chưa nói nên lời đã bật khóc. Anh cố nén nỗi buồn thông báo cho anh em biết diễn biến sức khỏe của Bác những ngày cuối cùng, đồng thời cho biết sơ qua nội dung bản Di chúc Bác để lại. Nghe anh nói ước nguyện của Bác Hồ những ngày cuối đời là Bác muốn được đi thăm đồng bào miền Nam và cảm ơn bạn bè quốc tế, mọi người đều ứa nước mắt. Đến lúc anh nói đến yêu cầu của Bác xin được hỏa táng thì mọi người trong phòng họp, nam cũng như nữ, cùng vỡ òa ra nức nở đau thương. Hồi ấy chúng tôi chưa biết được chuyện, hơn một năm trước, vừa đi chữa bệnh ở nước ngoài về, Bác Hồ có viết bức thư tay gửi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Bác nêu ý kiến rất cụ thể kế hoạch cho Bác cùng với hai người thân cận, một là thư ký một là thầy thuốc, chỉ cần chừng ấy thôi, được giúp Bác vào miền Nam thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng khó khăn lắm mới thuyết phục được Bác Hồ, xin Bác thư cho thêm một thời gian, chúng ta chiến thắng lớn hơn nữa, đường vào Nam suôn sẻ hơn, chúng tôi sẽ tổ chức chuyến đi mời Bác vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam!(1)

Những điều quan sát vào những thời khắc đau buồn ấy tôi ghi vội vào cuốn sổ tay theo thói quen, và cũng “cho khỏi quên đi”, như lời cháu nhỏ con trai tôi nói. Có ngờ đâu một phần tư thế kỷ sau, tình cờ bắt gặp tại một bộ Đại bách khoa toàn thư danh tiếng hàng đầu thế giới mục từ “Hồ Chí Minh” dài vượt xa số chữ thông thường dành cho một danh nhân kim cổ, có câu kết như sau: “Là nhân vật bản lề, vừa là nhà hòa giải vừa là người khởi xướng (cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam), Hồ Chí Minh là nhà cách mạng của thời đại mà sự từ trần gây tổn thất và xúc động tâm can đông đảo người dân nhất, bao gồm cả những người chưa bao giờ nghĩ mình là người cách mạng”(2).

...Vậy là nửa thế kỷ ngày Bác Hồ đi xa. Một khoảng thời gian dài hơn một nửa đời người. Đất nước ta từ bấy đã có thêm mấy thế hệ công dân, nhiều người trong số họ trưởng thành đã có nhiều cống hiến cho dân tộc. Đất nước ta trải qua những ngày bùng nổ niềm vui toàn thắng, nỗi bức bối khi nền kinh tế sau chiến tranh gần như sắp sụp đổ tới nơi, đời sống người dân một lần nữa lại chịu muôn vàn khó khăn trong lúc phải gồng mình chặn tay bọn Khơme đỏ giết người tại Tây Nam và đánh tan cuộc xâm lược ở biên giới phía Bắc, một số chàng trai lại phải lên đường ra trận, và nhiều người đã mãi mãi nằm lại tại các tuyến đầu, cuộc sống có khi còn khắc nghiệt hơn thời chống Pháp, chống Mỹ. Rồi tiếp ngay sau đó là đổi mới, phát triển, đất nước Việt Nam ta khởi sắc như con sông vừa chuyển dòng, càng về xuôi càng thuận chèo mát mái, bất chấp sóng cả gió to.

Bác Hồ đi xa đã nửa thế kỷ. Tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường cho dân tộc ta đi. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. “Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm...!” Lời Bác vang vọng đến ngàn năm. Tuy nhiên xin chúng ta chớ nói, chớ viết: “Tên tuổi Hồ Chí Minh đời đời tỏa sáng” dù đó là thực tế trăm phần trăm, thực tế vững bền vượt lên mọi khắc nghiệt của thời gian. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời là một người hành động, một người hiến dâng tất cả cho đất nước, vì nhân dân, Bác không muốn ai tụng ca Bác như ngợi ca một vị thánh. Suốt cả cuộc đời, Bác Hồ chẳng bao giờ màng đến công danh, tên tuổi.

Riêng tôi, hơn bảy mươi năm qua tôi vẫn nhớ, vẫn ghi lòng tạc dạ cho đến ngày được về với Bác, lời Bác đích thân dạy bảo phóng viên, mà tôi đã có dịp kể lại đôi ba lần. Ấy là vào cuối năm 1957, Bác Hồ bất chợt đến thăm báo Nhân dân, nói chuyện với anh em, chiếc đồng hồ quả quýt trong tay. Ấy là các Đại hội II và Đại hội III của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959 và 1962, Bác Hồ đến thăm và thân mật chuyện trò với các đại biểu dự Đại hội với tư cách “một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Ấy là vào dịp mùa lúa đông xuân năm 1958, phóng viên tháp tùng Chủ tịch nước về tỉnh Hưng Yên thăm bà con nông dân đang làm thủy lợi, đào sông dẫn nước mở rộng diện tích vụ lúa xuân.

Bác Hồ đến thăm báo Nhân Dân - Ảnh: T.L

Bác Hồ đến thăm báo Nhân Dân - Ảnh: T.L

Ấn tượng và xúc động trước cảnh Bác Hồ chân mang đôi dép cao lấm bụi đất, thoăn thoắt lội bộ dưới nắng chang chang qua cánh đồng rộng khô cằn, gập ghềnh những tảng đất được xếp ải chờ tới ngày đổ nước làm chiêm, Người bắt tay hỏi han trò chuyện với nhiều bà con, hết đội xã này sang đội xã khác, không để sót một xã nào có người làm thủy lợi hôm ấy mà bà con không được trực tiếp gặp Bác ngay tại công trường..., rồi tại bài tường thuật viết ngay trong đêm hôm ấy, tôi mấy lần nhấn mạnh chi tiết mình ngỡ là đắt giá.

Vào đầu giờ làm việc sáng hôm sau, phóng viên được gọi lên Phủ Chủ tịch gặp Bác. Bác Hồ nói hiền từ: “Bác đã đọc bài của chú. Chú viết thế là được”. Sau lời động viên, Bác nghiêm giọng: “Nhưng Bác hỏi chú: Chú viết Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng. Vậy Bác Hồ từ xưa tới nay chỉ biết ngồi trên xe, Bác Hồ không đi bộ bao giờ à?”. Rồi cao giọng hơn một chút, Bác nói gần như gắt: “Chuyện Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng thì có gì mà nói lắm thế!”.

P.Q

_________________

(1) Nguyên văn bức thư có in trong Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản lần thứ ba, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập XV, tr. 437-438.

(2) Encyclopedia Universalis, NXB Encyclopedia Universalis, Paris, 1996, tập XI, tr.529-532.

 

PHAN QUANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 335

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground