Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thăng trầm một thị xã

T

rở lại Quảng Trị sau hơn 27 năm xa cách, trong tôi ngổn ngang bao hoài niệm. Những hồi ức quá khứ xen lẫn với sự ngạc nhiên thích thú khi đi qua bao con đường cây lá đã kịp lên xanh. Ngồi ở cà phê Tịnh Gia Viên, ngắm nhìn lại dòng sông Thạch Hãn trong nắng mai lấp lánh, tôi tưởng chừng  sông vẫn như thế ngày nào. Ôi dòng sông mồ hôi của đá...

I - Quảng Trị tuổi thơ của tôi.

Một chú bé lang thang qua các phố phường thị xã để lùng mua những cuốn sách tuổi hoa phiêu lưu, trinh thám mà mình ưa thích. Chú bé dừng lại trước cửa hiệu sách Tao Đàn trên đường Trần Hưng Đạo tò mò nhìn ngắm rồi chọn mua lấy quyển "Hai chị em lưu lạc" - chú bé ấy là tôi của ngày xưa.

Một chú bé đi dọc đường bờ sông Thạch Hãn nước xanh veo để trở về nhà sau buổi học. Trên tay cắp cặp sách và nghiêng ngó tìm hái những trái me chua trước cổng một ngôi chùa rồi leo lên vắt vẻo trên cành cây - Chú bé ấy là tôi ngày xưa.

Một chú bé thường trốn mẹ la cà qua các phố vào sân trường Nguyễn Hoàng, Thánh Mẫu, Têrêxa rồi đến trước ngõ trường tiểu học Nam Quảng Trị cúi nhặt những trái ngô đồng khô rụng để về làm bánh xe của đồ chơi con trẻ - Chú bé ấy là tôi của ngày xưa.

Dù không muốn nhắc lại những cảm nhận kinh hoàng của chiến tranh qua ký ức thơ trẻ ngày ấy, nhưng hình ảnh của những chuyến xe nhà binh chở đầy các sắc lính chạy ra bổ sung cho căn cứ Ái Tử, Đông Hà, Quán Ngang, Dốc Miếu... và tiếng đại bác đêm đêm gầm vang cả bầu trời, căn hầm trú đạn ẩm ướt và cảnh chết chóc tang thương vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tôi suốt cả một đoạn đời.

Rồi một ngày, tôi nhớ cuối mùa xuân, khi những đợt tiến công như sóng cồn của quân giải phóng tràn vào thị xã, những dòng người dắt díu nhau chạy băng qua đại lộ kinh hoàng, vượt qua Cầu Dài để tránh những làn đạn chiến tranh... thì tôi hiểu rằng thị xã Quảng Trị - tuổi thơ của tôi, đang nằm trong một cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Ở Huế, những âm vọng về  những cuộc chiến giành nhau từng tấc đất đã được lan truyền hàng ngày. Chùa Tỉnh hội đổ sụp trong giấc mộng từ bi lệ ứa của đức phật thương khóc chúng sanh. Rạp Kim Châu - Rạp chiếu bóng duy nhất của thị xã tan tành như cám, ngôi trường Bồ Đề bên cạnh vườn nhà tôi chỉ còn trơ lại bộ khung nham nhở vết đạn cày xới - chưa kịp một lần tiễn một thế hệ học sinh ra trường với ấp ủ hoài vọng thành tài. Ngôi trường Nam Quảng Trị thân yêu của tôi cũng chịu chung số phận bi thương...

Sau này lớn lên tôi mới biết, đó là hệ quả của 81 ngày đêm chiến cuộc xảy ra nơi thị xã bé nhỏ của tôi. Mỹ đã huy động một lực lượng hùng hậu với máy bay, tàu chiến lấy Quảng Trị làm mục tiêu hòng đập nát sự kiên gan bền chí của hàng tiểu đoàn quân giải phóng. Điểm cuối của cuộc giao tranh khốc liệt ấy là Thành Cổ với 250 ngàn mét vuông diện tích chất chứa bao thương vong, uất hận, căm thù và nước mắt. Thị xã Quảng Trị lúc ấy đã thành bình địa, còn trong lòng người vẫn cứ mãi khắc ghi hình ảnh và nuối tiếc vô vàn một thị xã thân thương.

II -  Cảm nhận về một thị xã hồi sinh:

Tôi trở về như một thôi thúc không cùng trong suốt những tháng năm bôn ba lưu lạc. Thị xã Quảng Trị lại như một nét mày hiền dịu của cô gái uốn quanh nép mình khiêm nhường trên ánh mắt lấp lánh là dòng sông Thạch Hãn. Tôi đã đi loanh quanh các phố và cảm nhận đến những kỳ diệu của sự hồi sinh. Bạn tôi giờ là cán bộ Thị ủy Quảng Trị hiểu thấu sự háo hức của một người con Quảng Trị đi xa trở về, cùng tôi nhịp bước và giới thiệu những điều gây cho tôi nhiều bất ngờ thù vị: "Sau khi chia tỉnh, Quảng Trị là một tỉnh vô cùng khó khăn. Không gì khác hơn để vươn lên là huy động hết nguồn lực để xây dựng lại từ đầu. Thị xã Quảng Trị lại càng phải gắng sức tối đa bằng khối óc và bàn tay để phục hồi, phát triển. Kết quả của sự chung lưng đấu cật ấy là một thị xã bây giờ, như cậu thấy đấy...". Chỉ riêng với mảng quy hoạch, tôi đã thấy một thị xã định hình bằng các con đường chạy theo ô bàn cờ. Đường Trần Hưng Đạo vẫn là trục chính của thị xã. Chợ Quảng Trị với chất ngất hàng hóa đủ cung ứng cho sức mua của cư dân một đô thị loại hai. Những lô nhà xây khang trang trật tự dọc đường Trần Phú, Lê Đình Chinh, Trần Hưng Đạo... cho thấy triển vọng của một đô thị với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật được sắp xếp khoa học. Các khu vực phụ cận lại trở thành những vùng đất trù phú tươi tốt được tưới tiêu liên tục bằng công trình Thủy lợi Nam Thạch Hãn. Một dự án thiết kế đập cao su tiên tiến ở đây cũng đang được các chuyên gia thủy lợi Việt Nam và Trung Quốc nghiên cứu thực hiện...

Một điều làm cho tôi hết sức chú ý là khi vào thăm Thành cổ Quảng Trị. Một số hạng mục ở đây đang được trùng tu. Bạn tôi kể rằng dự án quy hoạch và xây dựng bên trong thành cổ rất hấp dẫn. Nơi đây sẽ được trồng một rừng mai theo từng ô có lối đi ở giữa. Các giải phân cách sẽ được đặt giữa các dãy ghế dành cho khách thăm quan du lịch. Ở giữa, một dòng sông nhỏ nhân tạo chảy uốn khúc theo ý tưởng "Non Mai Sông Hãn", một ý tưởng tự hào của người Quảng Trị. Cũng trong buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đã bước lên khu tượng đài có 81 bậc, tượng trưng cho 81 ngày đêm tử thủ cổ thành. Giữa trời đất tinh khôi của một ngày mới, tôi thấy dường như tất cả sẽ trở thành tuyệt diệu khi ngọn gió sớm mai trong lành thổi qua thị xã hiền hòa, thổi qua những ám ảnh đau thương trong tôi ngày ấy để cuốn theo tất cả một quá khứ bi hùng.

Cùng với niềm háo hức ấy, tôi đem trao đổi với anh Nguyễn Thế Cương - hiện là giám đớc DMZ tour Quảng Trị (Du lịch vùng khu phi quân sự) những cảm nhận về một Quảng Trị hồi sinh. Anh Cương hồ hởi khoe "Chúng tôi đã đưa Thành cổ vào danh mục những điểm tham quan của DMZ tour bên cạnh cầu Hiền Lương sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, sân bay Ái Tử, cứ điểm Tà Cơn, Khe Sanh, Nhà thờ La Vang... Nhìn mắt anh tôi thấy ngời lên niềm hy vọng vào một ngày mai. Với tôi, sự hồi sinh của thị xã Quảng Trị đã trở thành một điều kỳ diệu. Sự kỳ diệu ấy, có lẽ vẫn ẩn hiện đâu đó bằng sự chịu đựng thử thách, vượt qua mọi cam go thách đố của số phận trong mỗi người dân Quảng Trị kiên cường.

                                                                                     T.T.B

Trần Thanh Bình
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 62 tháng 11/1999

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground