Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thanh ngọc và ánh sáng âm nhạc

C

ó những nốt nhạc lung linh như bảy sắc cầu vồng. Có những giai điệu huyền mơ như hoàng hôn  tím, vọng tưởng xa vời, khao khát bình minh. Có lời ca réo rắt tiếng chim khuyên, ầm ào lời sóng, lời sông và thiết tha tiếng đời êm ái… Với tôi, thì bài ca của Thanh Ngọc được cấu thành từ những nốt nhạc mang hình ánh sáng, xuyên qua khoảng tối đời mình để đến với đời, với người.

Lê Thanh Ngọc sinh năm 1952, tại làng Lệ Sơn, Quảng Bình. Năm 1972, anh có hai giấy báo: Một giấy gọi nhập học đại học y khoa Thái Bình và một giấy gọi nhập ngũ. Là trai thời loạn, dĩ nhiên, Thanh Ngọc chọn giấy gọi nhập ngũ để rồi trở thành người lính của Tiểu đoàn 53B tỉnh đội Quảng Bình, sau đó được đi học lớp sĩ quan, chỉ huy kỹ thuật thông tin tại Hà Bắc. Trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của quân và dân ta thời bấy giờ thì giọng hát của Thanh Ngọc được chú ý. Anh được cử đi học lớp “Giới thiệu nhạc lý và ghi ta” do Bộ Tư lệnh Thông tin tổ chức 15 ngày. Và từ 15 ngày ấy, âm nhạc đã trở thành bùa mê, là chướng nghiệp chướng si mê của cuộc đời Thanh Ngọc.

Năm 1975, khi tiếng súng tấn công vang lên khắp chiến trường miền Nam thì cũng là lúc Thanh Ngọc bị hỏng cả hai mắt trong lúc phục vụ thông tin chiến đấu. Nằm ở viện Thông tin 103, cạnh giường họa sĩ Lê Duy Ứng, có lẽ niềm tin “tàn mà không phế” của Thanh Ngọc được nhân lên gấp bội, để có một chút gì với cuộc đời mà anh rất đỗi yêu thương này. Một năm sau (1976), anh được về trại điều dưỡng thương binh Đông Hà và gặp người bạn đời sẻ chia đớn đau, sẻ chia hạnh phúc với mình - Chị Dương. Và cũng chính từ đây, được sự khích lệ động viên của vợ, Thanh Ngọc chính thức đi vào con đường viết nhạc, để người bây giờ gọi anh bằng cái tên trìu mến: nhạc sĩ thương binh Thanh Ngọc.

Bài hát đầu tiên Thanh Ngọc ra mắt khán giả là một bài hát rất thành công: bài “Nghề em yêu nhất”, viết về những cô gái nuôi dạy trẻ ở nhà trẻ Hoa Sen Đông Hà. Phải nói rằng, đô là một “đơn đặt hàng” thành công khi giai điệu mở đầu ngọt tươi như suối đầu nguồn:

“Mười tám tuổi chưa tính chuyện chồng con mà em đi chăm những đàn em nhỏ”.

Đó là bài hát được tặng giải A về sáng tác tại hội diễn tỉnh Bình Trị Thiên năm 1980. Công cuộc xây dựng lại quê hương sau chiến tranh đã tạo ra những cảm xúc ban đầu thôi thúc anh cầm bút. Anh gắn bó với mảnh đất Đông Hà- Quảng Trị như một tình yêu máu thịt và chính từ tình yêu ấy làm nẩy bật những cảm xúc chân thành nhưng đằm thắm trong anh.

Thanh Ngọc có một kỹ năng tư duy âm nhạc tốt, đôi khi có nhiều đề tài được anh phát hiện thật bất ngờ. Chỉ với cái vốn sống hồi đôi mắt còn ghi nhận được hình hài, ánh sáng, sau này chỉ có nghe, nghe và nghe, nhưng trong các bài hát của Thanh Ngọc ta thấy rõ hình dáng cuộc đời với nồng nàn hơi thở của nó. Giai điệu của anh chạm vào từng ngõ ngách, lời ca đề cập tới nhiều ngành nghề, tới từng trở trăn của xã hội. Đôi khi anh viết về những đề tài tưởng chừng rất khó viết, tỷ như ngành thuế. Nhưng Thanh Ngọc vẫn rất thành công. Bài hát “Thương anh quản lý thị trường” của anh lại là một ca khúc rất trữ tình, đằm thắm trong âm hưởng dân ca.

Tôi nhớ có lần lên nhà Ngọc chơi. Trời gió nam bỏng rát mặt đường. Vào nhà thấy Ngọc đang đánh trần với cây ghi ta, mồ hôi nhễ nhại. Đó là một hình hành ảnh làm tôi xúc động. Bởi tôi hiểu rằng, sáng tạo nghệ thuật là một lao động  vô cùng gian khổ, với Ngọc thì sự lao động ấy vất vả được nhân lên rất nhiều. Khi bản nhạc đã hoàn chỉnh trên giấy, đứa con trai lại đèo Ngọc “xuống Đông Hà” trên chiếc xa đạp cà tàng để Ngọc hát cho các nhạc sĩ Lê Quang Nghệ, Trần Tích… nghe và góp ý kiến. Ngọc lại mất ngủ, lại đánh trần với vây đàn, lại chụm đầu với con, đọc cho con ghi từng nốt, rừng âm hình tiết tấu. Sẻ chia với anh niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, gánh vác phần lớn việc nhà để anh có thời gian sáng tác, không ai khác chính là vợ anh. Đó là chỗ dựa vững chắc của cuộc đời Thanh Ngọc. Anh cảm nhận tình yêu qua hơi thở của người vợ hiền, một điểm tựa tâm linh để anh còn được hát với đời.

Nghe đài, anh nhận biết Cồn Cỏ có loài hoa phong ba bất chấp gió táp và bão tố. Đời lính gian lao anh đã biết, cây phong ba anh đã hình dung cái thế đứng vững vàng, ngạo nghễ giữa trời cao biển rộng. Hoa phong ba và người lính đảo. Hình tượng thật đẹp, đẹp như chủ đề âm nhạc mở đầu bài hát, rồi sau đó tạo cao trào như muôn ngàn con sóng xô bờ:

“Một loài hoa gọi đời ta, làm giông tố, làm mưa sa…”

Ca khúc “Hoa phong ba” đã ra đời như vậy, đó là một bài ca cảm động về lính và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Thanh Ngọc viết nhiều. Có thể kể ra đây “Khúc hát ru đầu nguồn”, “Một thoáng chợ phiên”, “Bồng bềnh Khe Sanh”, “Tuần tra trên đường Chín”.v.v… đã mang đến cho anh những thành công. Bên cạnh đó, anh còn thành công trong các ca khúc “Hoa biển”,” Sóng Cửa Tùng”, “Lá xanh rồi”, “Mưa”… được đông đảo công chúng yêu thích…

Âm nhạc của Thanh Ngọc mộc mạc nhưng đằm thắm, mượt mà đến đôn hậu như chính con người anh. Ca khúc của anh phảng phất chút dân ca Bình Trị Thiên, chút ca Huế, điệu hò Quảng Trị, nét dân ca nhuần nhụy quê nhà. Anh biết gây ra rồi chắt chiu từng hạt vàng lấp lánh trong vốn dân ca truyền thống để làm ra những ca khúc nhỏ xinh cho riêng mình. Là một nhạc sĩ của người lính đã đi qua chiến tranh, cũng có lúc anh trăn trở, suy tư với “Lá xanh rơi” nghĩ về một thời tuổi mười tám, đôi mươi để cảm nhận một tình yêu còn mãi:

“Lá xanh rơi, rơi về đâu

Lá xanh rơi, màu xanh phơi phới

Vì sao lá rơi? Vì sao lá rơi?

Bước chân ai dọc Trường Sơn

Dấu chân ai nằm trên xác lá?”

Lời ca nghe dung dị tha thiết, gọi thức đến vô cùng.

Trong thẳm sâu tâm hồn, Thanh Ngọc luôn tâm đắc với câu nói của vị Giáo sư người Lu-i Brai: “Nỗi bất hạnh lớn nhất của người mù là sự nhàn rỗi”. Từ suy nghĩ đó, Thanh Ngọc nỗ lực lao động để vươn lên số phận của mình. Ngoài việc làm nhạc, anh theo học lớp dạy chữ nổi và tham gia các hoạt động của Hội người mù. Tâm sự với tôi, anh nói: Mình có thể sống được với nghề âm nhạc, nếu sắp tới mình được đi học lớp âm nhạc do Trung ương Hội người mù tổ chức: “Ước mơ ấy của anh, tôi hy vọng sẽ được thực hiện. Bởi thành tích của anh: Hai lần đạt giải C của Hội LHVHNT Việt Nam (1993- 1994), Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng năm 1995 của Bộ VH-TT… đã nói lên bề dày hoạt động âm nhạc của anh rồi.

Đang định chấm hết những dòng về Ngọc, thì tôi lại nhận được điện thoại của anh. Anh báo: “Mình đang gấp rút hoàn thành bài hát HƯƠNG ĐÊM” để kịp đi thi đại hội văn nghệ - thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Quảng Trị, mừng kỷ niệm 25 năm giải phóng quê nhà. Có rãnh thì lên chơi với mình nghe…”.

Một lần nữa, tôi rất tin, đặt hết kỳ vọng vào anh ở kì thi Thể thao những người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất I đầy ý nghĩa này.

V.T.H

Võ Thế Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 31 tháng 04/1997

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

2 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground