Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thao thức biên cương

Dọc theo 179,628 km đường biên giới của tỉnh Quảng Trị đã mọc lên thêm nhiều điểm chốt, nhiều lán dã chiến để ngăn chặn “giặc Covid-19” ngay từ chốn phên dậu của đất nước.

Tôi rời miền xuôi với nhiều thiết bị bảo hiểm để ngược lên biên giới tham gia “ăn lán, ngủ rừng” cùng với các chiến sỹ bộ đội Biên phòng bám trụ chống dịch Covid-19. Thời tiết lúc này đã giữa hè nên ánh mặt trời xuyên thấu lá cây rừng, phả cái nóng như muốn đốt khô những tán rừng vừa qua mùa thay lá. Tôi đến Đồn Biên phòng Ba Tầng để được trải nghiệm cùng các chiến sỹ thức với đêm dài, nghe tiếng gió rít trong cơn dông chiều sầm sập âm u miền biên ải. Lúc chuẩn bị xuất phát từ đại bản doanh của Đồn Biên phòng Ba Tầng, Thượng úy Quốc Vương, Trung đội trưởng vũ trang đã chuẩn bị tinh thần cho tôi:

- Lên chốt vất vả lắm anh ạ, trời nắng nóng thế này nhưng chỉ cần một cơn mưa ập xuống là ngay lập tức rét run người. Dông lốc đến không thể nào lường trước được, có khi gió mạnh thổi thông thốc vào lán nên áo mưa được ưu tiên cho việc che đậy chỗ nằm và lương thực, thực phẩm, còn người thì cứ đứng giữa mưa chịu trận. Anh xem nếu sức khỏe không đảm bảo thì nói với các anh trong Ban chỉ huy Đồn bố trí đến những chốt dã chiến khác thuận lợi hơn.

Mặc dù cũng hơi có chút lo lắng nhưng tôi vẫn nói cứng.

- Các anh bám trụ được thì tôi cũng chịu đựng được. Tôi cũng đã nhiều lần lên biên giới để viết về cuộc sống, công việc, nhiệm vụ của những người chiến sỹ Biên phòng và bà con các dân tộc vùng cao rồi nên các anh cứ yên tâm.

Tôi và thượng úy Vương rời Đồn trên chiếc xe máy cá nhân của anh. Nắng lắm, từng đợt gió phơn quạt rát da người. Vương vững tay lái, còn tôi lại ôm chặt vào lưng anh bởi nếu bám không chặt vào người cầm lái thì việc bị rơi xuống đường sẽ là điều tất yếu. Suốt cả chặng đường gần mười cây số, chúng tôi chả nói chuyện với nhau được câu nào vì ai cũng phải tập trung cho việc vượt núi lên chốt dã chiến. Dẫu cung đường có khó khăn đến đâu thì cũng không ngăn được chúng tôi có mặt nơi điểm cần đến. Giữa mênh mông núi đồi, lán dã chiến của bộ đội trông thật nhỏ nhoi đơn độc. Tôi nhìn về phía xa, thấy thấp thoáng mấy ngôi nhà lẩn khuất trong rừng cây và hỏi Vương:

- Những ngôi nhà ở phía ấy là của ai?

Vương nhìn theo hướng tay tôi chỉ, rồi trả lời:

- Đó là nhà của người dân cụm bản BLu, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan nước bạn Lào. Từ đây đến đó khoảng gần ba cây số anh ạ.

- Thế đường biên giới ở chỗ nào?

- Chúng ta đang đứng cách đường biên giới chỉ 50 mét thôi anh.

Nói rồi Vương đưa tay chỉ cho tôi đường biên giới quốc gia trên thực địa cứ uốn lượn theo những đỉnh núi cao và lòng suối thung sâu. Bất chợt tôi nghĩ, hẳn nhiều vị trí, nhiều cung đoạn của đường biên chỉ có dấu chân những chiến sỹ Biên phòng chứ chắc sẽ chẳng mấy ai đủ can đảm để đặt bàn chân mình lên nơi ấy.

Vương tiếp tục giới thiệu cho tôi hiểu:

- Đồn Biên phòng Ba Tầng quản lý đoạn biên giới dài 18,903 km với 10 cột mốc quốc giới và có cả trăm đường mòn, lối mở do bà con hai bên tự ý mở ra để dễ cho việc qua lại thăm thân lẫn nhau. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, để ngăn chặn người xuất nhập cảnh vùng biên giới trái phép đưa mầm bệnh từ ngoài vào, Ban chỉ huy đơn vị đã tiến hành lập 7 chốt dã chiến và tuần tra khép kín biên giới 24/24 giờ. Chốt do em phụ trách là chốt số 5 đóng trong địa giới hành chính của thôn Loa xã Ba Tầng.

- Thế chốt được lập từ khi nào vậy? Tôi hỏi Vương.

- Dạ, chốt được lập từ ngày 17 tháng 2 đến nay anh ạ, nhưng với chúng em thì công tác thường trực phòng chống dịch bệnh đã triển khai thực hiện ngay từ sau tết Nguyên đán Canh Tý. Em được đơn vị cho về nghỉ tết đợt 2 nên trưa ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch em có mặt tại đơn vị, ngay chiều hôm ấy đã có lệnh từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị về triển khai kế hoạch trực chiến phòng chống dịch Covid-19, thế là mọi công việc gia đình đều phải hoãn lại chờ lúc nào hết dịch mới giải quyết sau, mà vợ chồng em lại có điều đặc biệt nên thời gian xa cách lại càng dài hơn.

Dựng lán trại kiên cố phòng, chống Covid-19   tại chốt thuộc Đồn Biên phòng Ba Nang, huyện Đakrông - Ảnh: Thanh Thọ

Dựng lán trại kiên cố phòng, chống Covid-19 tại chốt thuộc Đồn Biên phòng Ba Nang, huyện Đakrông - Ảnh: Thanh Thọ

Vương bắt đầu kể câu chuyện về mình cho tôi nghe khi màn đêm đã buông xuống trên biên giới. Trong chiếc lán dã chiến nhỏ nhoi, chiếc đèn pin sử dụng bằng năng lượng mặt trời tạo nên một luồng sáng như ngôi sao mọc lên từ phía rừng để định vị và báo hiệu cho mọi người nhận biết nơi bắt đầu của chủ quyền đất nước.

- Em sinh năm 1991 là năm Tân Mùi mà theo cách nói lái của người dân Quảng Trị là “tui mần”, có nghĩa phải tự mình phấn đấu, cố gắng thì mới mong mọi sự thành đạt. Khi đang là cậu học sinh cấp 2, em mơ ước trở thành kỹ sư chăn nuôi bởi làng Lưỡng Kim, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong quê em nghề chăn nuôi khá phát triển, thế nhưng khi nhìn thấy trong xã có nhiều anh thi đậu Học viện Biên phòng, trong đó có cả anh trai ruột của em nên tháng 9 năm 2011 em thay đổi quyết định thi vào Học viện Biên phòng để đi theo con đường “lấy binh làm nghiệp”. Sau 5 năm học tập và luyện rèn trên thao trường vùng núi Sơn Tây, Ba Vì, tháng 11 năm 2015 em tốt nghiệp và nhận công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau. Tháng 8 năm 2018 em được chuyển công tác về Quảng Trị và nhận công tác tại Đồn Biên phòng Ba Tầng từ đó cho đến nay.

- Thế điều “đặc biệt” của vợ chồng em là gì thế? Tôi hỏi Vương.

- Em và vợ có rất nhiều dự định cho năm 2020 thế nhưng dịch Covid-19 ập đến đã làm bọn em bị xáo trộn mọi ý định. Em thì bám biên giới để chống dịch, còn vợ em là bác sỹ phụ trách khu cách ly đặc biệt của tỉnh đặt tại bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi Quảng Trị nên từ ngày mùng 6 tết đến hôm nay, chúng em mới chỉ gặp nhau được hai ngày khi em được về Bộ Chỉ huy để nhận quyết định thăng quân hàm. Hai vợ chồng em đều cùng trên tuyến đầu chống dịch nên phải hy sinh chuyện tình cảm riêng tư để chăm lo việc chung...

Tôi và Vương đang say sưa trò chuyện thì từ ngoài lán, Binh nhất Hồ Văn Xưa gọi lớn.

- Anh Vương ơi, có ánh đèn pin đi từ phía đường biên giới vào bản Loa.

Nhanh chóng, Vương vùng dậy và lao vội ra khỏi lán nhìn về hướng có ánh đèn đang đi từ phía đường biên giới vào. Vương ra lệnh cho Binh nhất Xưa: “Gọi ngay đồng chí dân quân và đồng chí Binh nhất Nguyễn Thành Lộc dậy cùng tôi đi kiểm tra, còn đồng chí ở lại trực lán cùng với đồng chí công an xã”. Chưa đến 5 phút sau, tổ tuần tra gồm ba thành viên do Vương làm tổ trưởng đã chìm lẫn trong màn đêm của núi rừng biên cương. Chúng tôi ở lại lán cùng với bao sự lo lắng cho các anh. Hình như hiểu được tâm trạng của tôi nên Binh nhất Hồ Văn Xưa trấn tĩnh:

- Anh lo chi, chuyện này đối với chúng em là bình thường mà.

- Trời tối nguy hiểm thế mà các anh không sợ à? Tôi hỏi Xưa.

- Dạ, sợ chi anh, nếu bị con bọ cạp hay con rết cắn chỉ đau khoảng bốn đến năm giờ là hết chứ lỡ khi bị rắn độc cắn còn nguy hiểm hơn nhiều.

- Vậy đã có ai bị rắn cắn chưa?

- Dạ chỗ lán em thì chưa nhưng nơi khác thì có rồi anh ạ. Có lán khi trời mưa xuống, rắn lục xanh còn chui cả vô chăn, may anh em phát hiện kịp thời chứ không thì cũng có người phải đi cấp cứu.

Tôi và Xưa ngồi nói chuyện với nhau chừng hơn một tiếng đồng hồ thì tổ tuần tra trở về lán. Theo thông báo của Vương thì ánh đèn pin ấy là của một người dân trong bản đi tìm con bò của gia đình bị lạc.

- Từ đây đến chỗ gặp người dân đi tìm bò khoảng bao nhiêu cây số? Tôi hỏi Vương.

- Dạ, tầm khoảng 5 hoặc 6 cây số gì đó anh ạ.

- Trời đất, 5, 6 cây số đường đồi núi lại đi vào ban đêm mà các anh đi chỉ mất hơn một giờ cả đi và về à? Tôi ngạc nhiên.

- Đi riết thành quen rồi anh ạ, từ hôm dựng lán đến nay chẳng có đêm nào mà chúng em không đi tuần tra.

Tuần tra băng rừng - Ảnh: HTT

Tuần tra băng rừng - Ảnh: HTT

*

Đêm nơi rừng sâu, tôi nằm mãi vẫn không thể nào chợp mắt được. Trở dậy tôi thấy Vương đang ngồi bên chiếc bàn nhỏ, một tay cầm chiếc đèn, một tay cầm bút cắm cúi viết vào quyển sổ. Chiếc đèn tích điện bằng năng lượng mặt trời dùng trong thời gian dài nên bây giờ đã bị giảm độ sáng. Tôi nhẹ chân đi đến gần, đặt tay lên vai Vương và hỏi:

- Viết gì mà say mê thế?

- Nằm mãi không ngủ được nên em viết mấy dòng tâm trạng cho khuây khỏa thôi anh.

Quyển sổ khá dày, thượng úy Vương cho tôi xem những trang mà anh vừa mới viết.

Biên giới, ngày ... tháng ... năm 2020

Vợ yêu ơi! Vậy là thời gian cứ trôi và kéo dài thêm những tháng ngày chúng ta không gặp nhau. Gần 5 tháng chỉ 2 ngày gặp vội, bây giờ ngồi một mình lặng lẽ trên chốt dã chiến, anh lại càng nhớ và thương em nhiều hơn nhưng nhiệm vụ của cả anh và em trong thời điểm này là chẳng thể khác được bởi cả hai chúng ta đều cùng nhau trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Chúng ta không phải là vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ để đợi chờ cơn mưa ngâu tháng 7 nhưng anh và em sẽ cùng gửi nỗi niềm thương nhớ vào nhau, động viên nhau đợi chờ ngày dịch Covid-19 đi qua để vợ chồng mình lại được gặp gỡ nhau mà không phải vội vàng vì nhiệm vụ. Anh thương và yêu em rất nhiều...

Hằng ngày, Thượng úy Lê Quốc Vương vẫn chăm chú ghi vào quyển sổ công tác dòng mệnh lệnh “Thường xuyên tuần tra, không được lơ là”. Anh đang cùng với đồng đội sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh bởi các anh hiểu rằng phía sau lưng mình là sự bình yên của Tổ quốc.

NGUYỄN THÀNH PHÚ

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

14 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

19 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground