Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thầy tôi - những người lính trên Tàu không số

 

LTS: Cho đến nay, có biết bao nhiêu tài liệu đã được công bố và bao nhiêu cuốn sách đã được viết ra nhưng vẫn chưa giúp người đọc thỏa mãn một câu hỏi: Tại sao việc ngăn chặn cuộc lưu thông huyết mạch Bắc - Nam bằng những phương tiện hiện đại nhất của một cường quốc quân sự lại bị thất bại bởi những con người bình thường với những phương tiện thô sơ? Đường Hồ Chí Minh trên biển với hình ảnh những con tàu không số đầy bí ẩn giữa đại dương bao la luôn là những câu chuyện đầy cảm động với người trong cuộc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu bút ký của nhà báo Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Cậu ngồi trên chiếc xe lăn, mặt rạng niềm vui mà khóe mắt lại rưng rưng: “Thằng Bé con anh chị Sáu đó hả? Mẹ khỏe không cháu? Giời! Bốn mươi bảy năm rồi còn gì”... “Năm ấy... à, năm 1967 - Vàm Lũng - rừng đước Mũi Cà Mau - Tàu 69...”. Giọng ông đứt quãng nghẹn ngào. Đâu chỉ vì sức kiệt của người thương binh 2/4 bao năm ròng phải bươn chải cuộc sống gia đình, lại thêm di chứng của căn bệnh tai biến mạch máu não mấy năm nay mà đó là sự xúc động mỗi khi gặp lại người của chiến khu rừng đước Mũi Cà Mau - Bến của Đoàn Tàu không số. Bởi với ông, nơi ấy là quê hương máu mủ ruột rà. Người “con giai Thành Nam” ấy là Phan Hải Hồ, chiến sĩ báo vụ trên con Tàu 69 anh hùng của Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

*

Để có được cuộc gặp gỡ này, tôi phải nhờ PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo (tuổi mới bốn mươi hai cũng là “giai Thành Nam”). Thành Lợi biết nỗi mong mỏi của tôi muốn về Nam Trực (tỉnh Nam Định) thăm một người cậu kháng chiến nên hăm hở giục tôi đi mặc dù trời Hà Nội đang giông mưa mù mịt. Chính anh làm “bác tài” cho tôi. Nhưng về gần Nam Định tôi thủ thỉ với anh: “Đã làm ơn thì ơn cho trót... Sẵn em cho anh tới thắp hương bàn thờ cụ Nguyễn Bính luôn nghen”. Anh đáp: “Vâng, tiện đường mà anh”. Gần tới gian tưởng niệm nhà thơ, tôi hỏi: “Anh nhớ phải đi ngang chợ Viềng?”. Thành Lợi sốt sắng: “Thì đấy, khoảnh đất trống trước mặt mình kìa anh”. Và Lợi xướng luôn: “Chợ Viềng mỗi năm chỉ có một phiên / Làm cho trai gái tốn tiền trầu cau”. Mấy câu ca dao hóm hỉnh chân chất này có lẽ đã gieo vào hồn của “ông vua thơ tình chân quê” Việt Nam. Tôi chợt nhớ tới chị Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính. Chị Cầu học trên tôi mấy lớp thuộc Trường Trung học Kháng chiến Lý Tự Trọng, khu Tây Nam Bộ. Lần đầu tôi gặp chị Cầu ở bìa rừng, nghệ sĩ biên đạo múa truyền thống của Đoàn ca múa nhạc Tây Nam Bộ nắm tay tôi dắt lại trước mặt chị Hồng Cầu: “Hai đứa kết nghĩa chị em đi, cũng là con một với nhau mà - Bà cười khanh khách - Chị Cầu là con của nhà thơ Nguyễn Bính và thi sĩ Hồng Châu đó cháu”. Tôi mắc cỡ bởi cái thơm lây bất ngờ ấy. Và bà cao hứng: “Sao đặc trời cao sáng suốt đêm / Sao đêm chung sáng chẳng chia miền / Trời còn có bữa sao quên mọc / Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em” (Đêm sao sáng - Nguyễn Bính). Nghe xong tôi ngẫm ngợi hoài, rồi tôi mới thấm thía được rằng “Đêm sao sáng” của Nguyễn Bính chính nói lên nỗi khát vọng của thống nhất non sông, để không còn cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”. Cậu Ba Hải Hồ của tôi - anh giai Thành Nam cùng hàng triệu thanh niên đã lên đường theo lời Bác Hồ như Hịch núi sông: “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do”...

Hồi ức đưa tôi về một đêm khuya cuối năm trong rừng đước đại ngàn. Đêm ấy, tôi giật mình tỉnh giấc bởi các loại súng liên hồi từ phía biển Vàm Lũng. Pháo sáng đỏ rực một góc trời. Hừng đông máy bay đủ loại như bầy quạ đen lượn dọc theo bờ biển từ cửa Bồ Đề tới Mũi Cà Mau, bom, pháo xé toác những mảng rừng xanh thẳm. Trận địa phòng không của ta ở cửa Rạch Gốc nã đạn quyết liệt lên từng tốp máy bay giặc. Các chú bộ đội trong đơn vị hậu cần - nơi tôi theo mẹ đang công tác ở đó, nói: “Tụi này trúng kế rồi. Mình bắn để kéo nó ra xa chỗ con tàu vào cửa đó mà”.

Lúc đó còn nhỏ tôi đâu biết tàu gì nên buổi chiều như thường ngày, tôi lại vào rừng bắt cua biển. Cứ theo triền kênh đi mãi đến khi thấy trạm quân y hiện ra trước mặt. Các cô chú ở đây cưng tôi lắm nên tôi ghé chơi xin nước uống. Thế nhưng khi bước vào đơn vị, tôi thấy mấy chú thương binh nặng vừa mới đưa về. Thấy tôi mấy chú như giật mình, vây lại hỏi tới tấp: “Ai đưa cháu qua đây? Cháu qua với ai?”. Cậu Ba Điệp, Thủ trưởng trạm Quân y đến bên tôi nghiêm giọng: “Con lỡ thấy các chú thương binh rồi nên vì bí mật con không được về. Cậu sẽ nhắn chị Sáu (mẹ tôi) mang mùng mền, quần áo qua cho”. Tôi thầm reo trong đầu: “Ở đây! Ở đây!”. Các chú nói: “Phải ở đây! À, mà ở đây học luôn!”.

Vậy là từ đó tôi trở thành học trò bất đắc dĩ mà thầy của tôi chính là những người lính trên con tàu không số. Ban đầu thầy của tôi là những cậu thương binh nhẹ. Về sau, mấy cậu thương binh nặng gần lành sẹo cũng dạy học cho tôi. Trong những người thầy đó có cậu Ba Hồ - người lính trên con Tàu 69 ấy. Trên biển, để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển nên gọi Đoàn Tàu không số nhưng đối với sĩ quan và chiến sĩ vẫn đặt con số riêng cho tàu: Chi bộ của con tàu thứ sáu này có 9 đảng viên nên gọi là Tàu 69.

Có thể nói Tàu 69 có tiểu sử bi tráng nhưng rất anh hùng: Tàu vào Vàm Lũng - Ngọc Hiển, mang 70 tấn vũ khí cho chiến trường. Lúc trở ra bị cả bầy tàu và máy bay giặc bủa vây. Cùng với hỏa lực trên bờ chi viện, Tàu 69 đã bắn cháy 2 tàu và làm bị thương mấy chiếc khác của giặc. Mặc dù bị mấy trăm vết đạn nhưng nó vẫn vào được bến cảng giữa rừng - bến cảng của ý chí và nghị lực phi thường từ những người lính Đường Hồ Chí Minh trên biển, và còn bởi bến cảng ấy là bến cảng của lòng dân Ngọc Hiển - Cà Mau kiên trung bất khuất. Kẻ thù có hạm tàu, đại bác, máy bay hiện đại nhất hành tinh phải bất lực, mặc dù mấy năm ròng lùng sục, theo dõi, bủa vây mà chẳng làm được gì con tàu bất khuất ấy.

Tôi nhớ cậu Loan (quê Hải Phòng) chiến đấu với tốp lính giặc do máy bay đổ quân để bảo vệ con tàu đến viên đạn cuối cùng; cậu Kiểu (quê Quảng Bình) mới mười chín tuổi mà gan dạ kiên cường. Tôi và cậu Kiểu khăng khít nhau lắm. Lần nào cậu đến cũng mang những món đồ chơi nhặt được từ bãi biển. Còn tôi thì chuẩn bị cho cậu cả bao vải vụn để mang về cho đơn vị chùi súng. Cậu Kiểu dáng trung trung, mặt tròn, hiền hậu hay bị mấy cô gái quân trang bắt nạt. Mẹ tôi cưng cậu Kiểu, bảo chị thợ đẹp, may giỏi, đo đồ cho cậu. Cậu vui mà ngượng chín người, đứng chết trân, mặt đỏ như gấc. Còn các cô thì khúc kha khúc khích... Để “cứu bồ” tôi níu tay cậu Kiểu: “Cậu ra đây làm dùm con cái này...”.

Rồi mấy ngày sau súng nổ vang rền phía biển mà cánh rừng bên trong là nơi cất giấu con tàu không số. Cậu hy sinh ngay vàm sông để đánh chặn không cho tàu giặc luồn vào căn cứ nơi cất giấu con tàu. Tôi và các cô thợ may tinh nghịch không bao giờ gặp lại cậu. Cậu ra đi ở tuổi mười chín. Các cô thợ may khóc rấm rứt trước bộ quân trang vừa may xong gấp ngay ngắn đang chờ người ra trận...

*

... Tôi tất tả chạy về cơ quan khi nghe báo: “Anh có người cậu ruột ở Nam Định vào thăm, ông nói tôi là cậu ruột của thằng Bé”. Ông mặc chiếc áo giải phóng quân năm xưa đã phai màu, một chân giả bước đi khập khiễng, vác một bao đồ cồng kềnh. Trước mặt tôi giờ đây là một ông lão chứ không phải một thanh niên lịch lãm ngày nào ở Tàu 69 dạy tôi học. Nhìn cậu nước mắt tôi chực trào. Tôi đưa cậu về nhà mình. Thời gian xa cách gần 40 năm vậy mà cậu và mẹ tôi gặp nhau không chút bỡ ngỡ. Chỉ thoáng giây lát, mẹ tôi thảng thốt: “Trời ơi, Hồ! Cậu Ba!”. Còn cậu thì: “Zậy mà - ông bắt chước giọng miền Nam - em cứ tưởng chị quên thằng em một giò này rồi chớ”. Rồi ông cười ha hả mà nước mắt rơi lả chả...

Các mẹ, các chị miền Nam luôn dành tình cảm cho bộ đội từ Bắc vào Nam chiến đấu: “Tụi nó xa nhà, xa cha, xa mẹ, vào đây chiến đấu. Nói dại chớ biết đâu rồi chẳng có về...”. Bởi vậy, quân trang mẹ tôi phụ trách mỗi năm may hàng ngàn bộ quần áo cho bộ đội theo kích cỡ định sẵn, nhưng riêng các cậu miền Bắc vào là mẹ tôi tự tay may đo cẩn thận nên mặc vào các cậu ưng ý lắm. Sau ngày giải phóng miền Nam, về quê nhiều cậu còn cất giữ chiếc áo mẹ tôi may ngày ấy. Cũng như tôi và mẹ luôn cất giữ, nâng niu kỷ niệm về tháng ngày được sinh hoạt, chiến đấu chung với các cậu. Sau câu chuyện tâm tình, cậu Ba Hồ cho biết, cậu lặn lội đi chuyến này vào rừng đước Cà Mau là để kiếm hài cốt của cậu Kiểu. Sau mấy ngày phơi nắng tìm mộ đồng đội không kết quả, cậu Ba Hồ buồn bã lên tàu về quê Nam Định. Nhưng ít lâu cậu điện thoại tới biểu: “Gia đình cậu Kiểu ở Quảng Bình sẽ vào Cà Mau, con giúp nhé”.

Quả thật sau đó, anh rể và đứa cháu cậu Kiểu gặp tôi trong băn khoăn lo lắng: “Hai lần vào mà chưa tìm thấy em nó. Vậy nên cả nhà không thể yên lòng...”. Mặc dù chủ nhật nhưng chỗ thâm tình vả lại làm việc nghĩa nên chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển nhận giúp. Tôi cho xe cơ quan đưa người thân cậu Kiểu đến tận nơi. Chưa đầy ba giờ sau họ báo về là đã tìm thấy mộ và phòng Lao động - Thương binh - Xã hội đang làm thủ tục. Chiều về gặp lại tôi, anh rể cậu Kiểu sụt sùi: “Chắc em tôi nghĩ tấm lòng của cậu nên dẫn đường tôi đi. Vừa vào là gặp ngay....”.

*

Người thầy của tôi - thương binh Phan Hải Hồ của Đường Hồ Chí Minh trên biển đã ra đi sau khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Từ Nam Trực, mợ Ba báo tin buồn cho tôi trong nghẹn ngào. Tôi thấy mình có lỗi bởi đâu còn dịp đến thăm cậu nữa. Tôi viết những dòng ký ức kỷ niệm này như thắp một nén hương kính viếng cậu Ba, một trong những người thầy đã từng dạy tôi không chỉ những con chữ, con số. Bởi đó chính bài học đầu đời mà tấm gương các cậu đã trao về khí phách anh hùng, tấm lòng nhân hậu thủy chung, son sắt. Bài học rằng: “non sông này chỉ một mà thôi”.

N.B

 

NGUYỄN BÉ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 308

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground