Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thế trận lòng dân

N

ói đến Cách mạng miền Nam là nói đến thế trận lòng dân. Không có thế trận này, chúng tôi không thể tồn tại được chứ đừng nói gì đến việc làm nên chiến thắng.

   Bấy giờ có việc, tôi luồn sâu trong vùng địch hậu tổ chức đường dây liên lạc và tận mắt chứng kiến cảnh tượng lạ lùng này. 45 năm đã trôi qua mà tôi không thể nào quên cuộc đấu trí của đồng bào miền tây Quảng Trị, đến từ Triệu Nguyên, Ba Lòng, Tà Rụt... Cuộc đấu trí thật là ngoạn mục, vừa tỏ rõ trí khôn, vừa thể hiện sâu sắc tình cảm sâu nặng của đồng bào Pakô, Vân Kiều đối với Đảng, Cách mạng và Bác Hồ.

   Thị xã Quảng Trị trung tuần tháng 11.1956.

   Mưa phùn rả rích ngày này qua ngày khác làm cho phố xá thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị đã buồn càng tẻ nhạt hơn. Mấy dãy nhà tôn lụp xụp dọc đình chợ im lìm như ngái ngủ, nay chống cửa mở hàng. Những chiếc khăn len xanh đỏ tồn đọng từ mùa đông năm trước, những chồng giấy điều vàng mã ế ẩm sót lại từ tết Nguyên đán, những chiếc gương phủ mờ lớp bụi phía sau có lồng hình các cô ca sĩ, thịt cá hộp, sữa hộp, những bộ quần áo rằn ri kiểu Mỹ may sẵn và la liệt các chủng loại hàng tạp hóa lộn lạo khác nữa được rũ bụi bày ra trên các sạp hàng. Đặc biệt ở các dãy quán ăn, gà luộc, bún phở, lòng sả, tiết canh vịt quyện mùi hành tây, tiêu ném, khói bếp lan tỏa ra giữa không gian gọi mời. Đó là không khí ráo riết chuẩn bị cho ngày lễ “Quốc khánh” đầu tiên của chế độ Ngô Đình Diệm. Tuy vậy, trước tiền sảnh Ty Cảnh sát ngụy vẳng ra nhiều câu nói của kẻ bề trên đầy hách dịch và lo lắng:

   - Sao chuẩn bị cả tháng nay mà vẫn chưa thấy ai đến? Không khéo Việt cộng lại xúi họ phá rối. Việc đại lễ mà không suôn sẻ thì tiêu cả lũ...

   - Dạ nửa tháng nay chúng em đã về tận thôn bản thúc giục họ góp bạc, đã góp tất họ phải đi. Thuộc hà đã ra lệnh mở cửa rừng tuần nay, đã cho canh gác cẩn mật khắp nơi rồi ạ! Dạ tổ chức xong lễ “tuyên thệ” này tụi em mới hết vất vả, hết lo lắng ngày đêm đấy ạ...

   Tay trưởng ty Cảnh sát ngụy chốc chốc lại ra cổng nhìn xuôi nhìn ngược, liếc nhìn đồng hồ ra vẻ sốt ruột lắm. “Lạ, đã ba giờ rồi mà chưa mống nào chịu đến” – Hắn đi đi lại lại như người cuồng chân.

   Lác đác trên các ngã đường bùn lầy nhầy nhụa, từng tốp năm bảy đồng bào thượng du chậm rãi đi về. Trái với mọi lúc, khi có việc về xuôi đồng bào thường diện vào những bộ váy áo sặc sỡ nhất. Hôm nay nhiều người chỉ đóng cái khố, choàng tấm chăn chiên bạc phách, hoặc khoác cái áo vá chằng vá đụp những vụn vải màu. Vừa đi vừa thi nhau nhả ra từng cụm khói trắng từ những chiếc điếu dài ngoẵng to bằng nắm tay đen sì. Tới gần ty Thông tin tuyên truyền họ đi chậm lại, im lặng không ai chuyện trò với ai, lặng lẽ không trầm trồ nhòm ngó tới những tiệm ăn, cửa hàng xén như mọi khi nữa. Tên cảnh sát ra đón họ trương cổ lên hỏi hàng loạt:

   - Răng mà về chậm rứa? Bảo đúng 12 giờ kia mà!...Răng mà về ít rứa, không sợ cụ Ngô trừng trị à?...

   Một anh thanh niên ghẻ lạnh đáp:

   - Bà(1) tui không biết giờ. Bà tui đi từ gà gáy sáng, mỏi nhừ cả chân mới tới nơi. Đồng bào hắn đau nhiều, hắn không đi. Bà tui còn đến nơi rồi còn nạt nộ thì bà tui về...

   Biết đã lỡ lời, tay cảnh sát nhanh nhảu mời đồng bào vào xem triển lãm. Nhóm này ngồi phịch xuống cửa ho húng hắng, nhóm kia chỉ trỏ con chó bẹc-giê nhăn răng sủa ong óc bên ty Cảnh sát. Trong nhà thông tin tiếng to tiếng nhỏ bàn tán, tiếng Kinh tiếng Thượng lẫn lộn. Thấy tên trưởng ty Cảnh sát vào, già làng bản Húc hắng giọng hỏi:

-               Cái ni vẻ ai mà ra ri?

Tên trưởng ty được dịp, đắc chí chỉ trỏ giải thích:

   - Bên ni là cụ Ngô, là miền Nam sung sướng ăn ngon mặc đẹp, béo tốt phương phi. Bên ni là Việt cộng nằm vùng, Việt minh ở miền Bắc ăn đói mặc rét ốm o gầy gò, bảy người vin một cành cây đu đủ không gãy...

   Nó còn liến thoắng thì già làng bản Húc đã trợn mắt, ra hiệu cho mọi người đang lao nhao phản đối tĩnh lặng. Chậm rãi mà đĩnh đạc, cụ nói:

   Nga Tàu ở xa bà tui chưa thấy. Nhưng mà cán bộ Việt minh, người miền Bắc thì bà tui biết, là con cháu Bok Hồ, là người miềng cả. Răng vẻ họ có đuôi? Quốc gia nói không thật...Từ trong đám đông có một giọng nói giận dữ:

   - Quốc gia nói láo. Từ nay đồng bào bà tui không tin được điều gì nữa.

   Đám đông tự giải tán kéo nhau ra đường xem chợ búa, bỏ lại tên cảnh sát kia tưng hửng như những bức tranh nguệch ngoạc ngốc nghếch trên tường.

   Do đồng bào tập trung về muộn, buổi lễ tuyên thệ và liên hoan phải hoãn lại ngày hôm sau. Đêm ấy đồng bào ngủ lại trong cái nhà thông tin trống trải bốn phía không phên, gió hắt vào lạnh buốt. Những tấm phản gỗ dài hễ động đậy là kêu răng rắc, đã khuya mà không ai nhắm mắt được. Mấy chục cái điếu lập lòe, khắp cả gian phòng như có bầy đom đóm. Xa xa tiếng chim từ quy lảnh lót buồn tênh càng không ai ngủ ngáy gì được. Tinh mơ, những đám sương mù còn bay là đà trắng xóa trên dòng Thạch Hãn, cả thị xã còn ngủ say im lìm thì đã có người đến thức đồng bào dậy bảo cử người đại diện đi mổ trâu kịp còn làm lễ.

   Già làng bản Húc ung dung vuốt chòm râu bạc, gài lại cúc áo, hít một hơi thuốc thật sâu, cầm cây mác đứng dậy mà rằng:

   - Xin cho gặp ông tỉnh trưởng để bà tui yêu cầu một việc cần thiết rồi mới đâm trâu.

   Người kia còn đang ngơ ngác chưa rõ chuyện gì thì cũng vừa lúc có đoàn người ăn mặc quần áo chỉnh tề, theo sau có mấy người lính bồng súng oai nghiêm vừa tới. Thì ra tỉnh trưởng thân hành đến sớm hỏi thăm đồng bào đêm qua có ngủ ngon không và căn dặn những điều thuộc về nghi thức trong buổi lễ. Đối diện với ông tỉnh trưởng, già làng bản Húc chậm rãi thưa:

   - Theo tập tục của đồng bào thượng bà tui, mỗi lần đâm trâu thì phải xem lúc trâu đổ xuống trôốc nó ngoảnh về phương mô. Nơi nào con trâu ngoảnh mặt về, phía ấy phúc lành yên ổn, rẫy ruộng tươi tốt, dễ làm dễ ăn.

   Già làng bản Húc định nói thêm gì nữa nhưng chưa tìm ra đủ từ phổ thông thì ông tỉnh trưởng kia đã lanh lảu:

   - Được, được. Tưởng là yêu sách gì chứ việc ấy thì đồng ý.

   Già bản Húc chớp lấy cơ hội, nói tiếp:

   - Bữa ni tuyên thệ việc nước, đầu trâu ngảnh về phía nào tức là phía đó thắng lợi ạ! – Già nhìn mọi người xung quanh rồi mạnh dạn: - Nếu trâu quay đầu về miền Bắc thì cụ Hồ thắng; quay đuôi về phía Nam thì Ngô tổng thống đổ ạ!

   Trong thoáng chốc ông tỉnh trưởng cùng đoàn tùy tùng nhìn nhau sửng sốt, nhưng rồi họ kịp trấn tỉnh lại ngay. Tỉnh trưởng gật gật đầu, ra chiều đắn đo, suy nghĩ lung lắm. Già làng bản Húc nhanh trí tiếp lời:

   - Vậy thay mặt bà con Kinh Thượng, già bản này mời các ông ra sân làm chứng.

   Ông tỉnh trưởng cúi xuống thì thầm với tên lính cẩn vệ. Anh ta vội vã đi dắt trâu cột vào cột cờ giữa sân. Tên lính đứng nghiêm, xác định phương hướng lần cuối cùng mới cột chặt cổ trâu vào. Mỗi lần trâu cựa quậy mình anh ta tát mạnh vào mông rồi xoa xoa dỗ dành. Tội nghiệp con trâu thản nhiên như không hề có việc gì xảy ra. Miệng nhồm nhoàm nhai lại cỏ, phô hàm răng trắng nõn ra như cười đùa, cái đuôi phe phẩy. Công việc chuẩn bị đã xong, ông tỉnh trưởng phẩy tay ra hiệu, lập tức hai tên lính khác vác hai ngọn giáo sáng loáng, nhọn hoắt bước ra, tư thế như hai võ sĩ lên đài. Già làng bàn Húc bước ra vỗ về con trâu, thì thầm điều gì đó vào tai nó như là khấn. Ông tỉnh trưởng ra lệnh, nhanh như cắt hai tên lính phóng hai ngọn giáo vào cổ và bụng con trâu. Bị đâm bất ngờ, con trâu chồm lên bứt gần hết dây dợ. Mọi người đang nháo nhào, anh thanh niên người Thượng nhảy ra đâm mũi lao vào giữa cuống họng, máu phọt ra đỏ lòm. Con trâu lồng lên, lộn ngược một vòng mới đổ sầm xuống đất. Anh thanh niên rút mạnh lưỡi mác, máu bắn phun ra thành vòi, con trâu thở ra phì phò, từ từ nhắm mắt. Con mắt nó bây giờ thật là ngây ngô, thơ dại, bình an như nó hiểu ra là đã làm xong phận sự cao cả của mình. Bốn phía đồng bào cười ran, vỗ tay bôm bốp. Họ rào rào trao đổi với nhau bằng tiếng Thượng vỡ chợ, không ai hiểu gì cả, chốc chốc chỉ nhận ra hai chữ “miền Bắc” với những chuỗi cười giòn tan. Ông tỉnh trưởng ngụy quyền như ngậm bồ hòn, thốt ra những lời hối cải không ra hối cải, mệnh lệnh chẳng ra mệnh lệnh:

   - Hỏng! Hỏng! Hỏng hết cả rồi. Thề thốt, tuyên thệ như ri là hỏng, chẳng ăn thua gì với họ cả. Đã trót thì phải trét, mau tập trung họ lên lễ đài nghe diễn thuyết.

   Ông tỉnh trưởng bước lên lễ đài thao thao diễn thuyết. Khi thì đấm mạnh xuống bục, khi thì thỏ thẻ, nghĩa là đã trổ hết ngón nghề tâm lý chiến học được trong lò đào tạo, thế nhưng đồng bào chẳng ai để tâm đến hắn nữa. Họ bấm bẹo, liếc mắt, rúc rích cười, nghĩ mãi đến chuyện cái đầu con trâu quay về miền Bắc, ông tỉnh trưởng thuyết giáo xong từ lúc nào không ai hay biết. Đến lượt một tên tay sai đẹp mã tốt giọng bước lên bục đọc bản tuyên thệ viết sẵn. Giọng hắn sang sảng, gay gắt khoáy vào lỗ tai mọi người. Ấy vậy mà không dập tắt được những làn sóng rì rầm trong đám đông. Ông tỉnh trưởng như người lính xung phong thét lên ra lệnh giơ tay tuyên thề. Những cánh tay lẻ tẻ rời rạc, lô nhô giơ lên thụt xuống. Có cái cong cong giơ lên giữa chừng, cái như đấm về phía trước...

   Ông tỉnh trưởng nhìn cảnh tượng trên chỉ còn biết độn thổ. Hắn quay sang nạt nộ đám đàn em, những trưởng ty cảnh sát, trưởng ty thông tin tuyên truyền, ra lệnh giải tán. Có điều ông ta không hề biết tới nguồn gốc từ đâu mà người miền tây Quảng Trị làm công tác tuyên truyền cao thủ hơn cả bộ máy chính quyền Mỹ - Diệm.

   Chung sống với đồng bào miền Tây từ năm 1954-1973 tôi chứng kiến không biết bao nhiêu là chuyện cảm động, thương tâm. Năm 1961, đóng quân ở bản Húc, đồng bào mời ăn cơm nếp, bắp nướng và rượu đoác. Họ giành 90% số lương thực sản xuất được, nghĩa là gần hết khẩu phần ăn của gia đình, bản làng mình ủng hộ cách mạng. Thế mà có hôm ở giữa rừng sâu tôi nhận được tin 121 đồng bào xã Húc chết gục vì thuốc độc giặc Mỹ hèn hạ lén lút thả xuống đầu nguồn suối. Một bản làng giàu có khác đất đai màu mỡ phù sa bên con sông nhiều tôm cá như Tà Rụt có đến 409 người chết đói ngay trong mùa rẫy đầu tiên bị giặc Mỹ thả chất độc hóa học xuống vùng đất này (1964). Giặc Mỹ dùng hết mọi thủ đoạn này đến thủ đoạn khác, đồng bào vẫn hướng về cội nguồn miền Bắc, con trâu miền Tây quay đầu về miền Bắc, ơi những tấm lòng trong trắng thủy chung của đồng bào miền Tây...tất cả chụm lại thành thế trận lòng dân, chỗ dựa vững chắc cho Cách mạng miền Nam giành thắng lợi.

                                                               Hà Nội – Đông Hà tháng 9.2000

                                                                                 P.C – Y.T

Chạm Chí kể:phay: Y Thi ghi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 73 tháng 10/2000

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground