Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thị xã Quảng Trị máu và hoa

Nằm cạnh đường thiên lý Bắc-Nam theo Quốc lộ 1, có con sông Thạch Hãn chảy qua, Thành Cổ Quảng Trị được cả thế giới biết đến như một địa chỉ của chiến tranh khốc liệt vào bậc nhất của loài người từ xưa đến nay. Khốc liệt đến nỗi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gọi nơi này là thành phố tuẫn đạo trong lịch sử Việt Nam và thế giới, thức tỉnh lương tâm nhân loại, lưu vào hậu thế một nơi chốn tâm linh hành hương, một cõi thiêng bi tráng.

Còn với Thành Cổ Quảng Trị lại thường gợi đến cỏ, đặc biệt là cỏ non, có lẽ ám ánh từ bài hát rất hay, thổn thức cả nỗi niềm và xúc động tận tâm can của nhạc sĩ Tân Huyền “Cỏ non Thành Cổ”. Nhưng nếu để ý một chút thì sẽ thấy sen được trồng khá nhiều, đặc biệt là hai bên hồ nước cổng vào thành. Và đây là loài sen trắng, một giống sen quý, lặng lẽ, thanh khiết trong không gian tưởng niệm thiêng liêng và bi tráng. Sen trắng tượng trưng cho sự thuần hóa của nhân tính còn gọi là bồ đề tâm, hoa có tám cánh theo quan niệm Phật giáo đó chính là Bát chánh đạo.

Lung linh đêm Thành Cổ Quảng Trị -Ảnh: TRÀ THIẾT

Lung linh đêm Thành Cổ Quảng Trị -Ảnh: TRÀ THIẾT

Dịp tháng Tư, về với Thành Cổ sẽ thấy lòng lắng lại khi ngắm nhìn hoa sen nơi đây và cảm nghiệm sâu hơn những câu chuyện chiến tranh và hòa bình khi khói lửa đâu đó bên trời kia vẫn bao trùm cuộc sống bao người. Và mặc dù không phải là một địa phương nổi tiếng với hoa sen nhưng nhiều làng quê trên đất Quảng Trị cũng có những hồ sen đẹp và ấn tượng như Phương Sơn, Vệ Nghĩa (Triệu Phong) hay Trường Phước, Lương Điền (Hải Lăng)...

Trong vài dịp chuyện trò với họa sĩ Trương Đình Dung ở thành phố Đông Hà, anh cũng bày tỏ tình yêu đối với hoa sen và để tâm sáng tác nhiều họa phẩm có giá trị mỹ thuật về loài hoa đặc biệt này. Còn cố họa sĩ Võ Xuân Huy có bức tranh sen đỏ cũng rất ấn tượng. Sen đỏ biểu tượng cho trái tim sơ khai, là loài hoa của Quan Thế Âm. Còn nhớ cách đây ít năm, ở huyện Gio Linh giáo hội Phật giáo có tổ chức lớp tu học lấy tên “Hương sen mùa hạ”. Biết đâu có thể mai nay sen trở thành biểu tượng của Thành Cổ Quảng Trị thì cũng là vạn sự tùy duyên, thuận nước đẩy thuyền...

Họ Hoàng Bích Khê (Triệu Long, Triệu Phong) có tiếng khoa cử lại liên quan mật thiết với thị xã Quảng Trị sau này. Ông Hoàng Hữu Bính từng đỗ tiến sĩ Hoàng giáp dưới triều vua Thành Thái năm 1889. Đang làm quan tuần phủ, chán ghét giặc Pháp nghênh ngang, ông từ quan về làm việc ở Quốc Tử Giám. Được một thời gian thì cũng bỏ về làng sống chờ đợi thời cơ kháng Pháp. Bích Khê lúc ấy được coi là vườn đào tụ nghĩa tập hợp những người chống giặc ngoại xâm. Không may ông bị bệnh rồi mất tại quê nhà.

Con ông Hoàng Hữu Xứng học hành đỗ đạt làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, giám khảo các kỳ thi hương, thi hội. Trải qua những lận đận quan trường khi vận nước rối ren, ông vẫn được nhìn nhận là một ông quan mẫn cán, thanh liêm, nặng lòng với dân với nước. Ông để lại cho đời sau cuốn sách quan trọng về bản đồ đất nước: “Đại Nam quốc cương giới vựng biên” do ông đứng ra tổ chức biên soạn và Nghĩa Trủng đàn, một nghĩa cử sáng ngời sau hơn cả trăm năm.

Nghĩa Trủng đàn là một nghĩa trang đặc biệt do ông Hoàng Hữu Xứng và gia đình tự bỏ tiền mua đất rồi quy tập những thi hài không nơi nương tựa, trong đó có nhiều nghĩa sĩ Tây Sơn chống giặc Mãn Thanh vị quốc vong thân. Đó là nơi yên nghỉ của hàng nghìn linh hồn phiêu dạt tại làng Thạch Hãn gần Thành Cổ Quảng Trị. Việc nghĩa này thật đáng trân trọng xiết bao. Qua hơn một thế kỷ binh đao tao loạn, nghĩa trang này đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử, được bà con Bích Khê đến khói hương, tưởng vọng những người thiên cổ.

Những dịp lễ tết, những ngày đại sự Nghĩa Trũng Đàn đã đón những khách gần xa, để cho tâm nguyện vị tha bừng sáng, lan tỏa một tinh thần, đạo lý Việt Nam thương người như thể thương thân trong tình nghĩa đồng bào. Còn đây văn bia do hậu duệ Hoàng Phủ Ngọc Tường phụng soạn ngợi ca tấm lòng của tiền nhân đối với người đã về với cát bụi trôi sông lạc chợ. Những tấm lòng nhân như thế dù khởi thủy từ xưa vẫn sẽ còn lại mãi mãi với muôn sau.

Cách đây hơn ba tuần, đại tá Trần Ngọc Long, cựu chiến binh chiến đấu ở mặt trận Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, người chỉ huy trực tiếp trong chiến dịch Thành Cổ may mắn sống sót, đã vào thị xã Quảng Trị để dự lễ kỷ niệm. Khi được mời lên phát biểu, ông xúc động nói những lời gan ruột, coi Quảng Trị như quê hương thứ hai của mình và mong mỏi vùng đất này ngày càng phát triển, đổi mới để không phụ lòng những người đã hy sinh, những người đã đổ máu cho ngày nay thanh bình, đất được nở hoa.

Điều gì khiến một ông lão khi đã lên tuổi bảy mươi ở tận Thủ đô lại làm nên một đại sự cao cả là vất vả tìm kiếm, đối chiếu hồ sơ với thực tế và biên soạn thành cuốn sách về danh tính hơn 4.000 liệt sĩ đã hy sinh ở Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Đó chính là sự thôi thúc bên trong, của một nội tâm không thể ngồi yên, không muốn ngồi yên khi nhớ về đồng đội cho dù tuổi cao sức yếu. Ông với sự hỗ trợ hết sức hiệu quả của một đồng đội là cấp dưới năm xưa cũng từng chiến đấu nơi này là thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Một cựu chiến binh đã giải ngũ với một lãnh đạo cao cấp quân đội đương chức đã tự nguyện đồng hành trong sứ mệnh đi tìm đồng đội. Họ đã thành công với sự giúp sức của nhiều tấm lòng. Và đó chính là cách thể hiện tự giác cao độ đạo lý nhân văn đối với những người đã tận hiến đời mình cho Tổ quốc. Và nay, khi đã ngoài tám mươi tuổi, ông lại vẫn vào Quảng Trị dù sức khỏe ngày một yếu đi. Mỗi lần đi viếng đồng đội là mỗi lần ông không cầm được nước mắt dù cuộc đời binh nghiệp của ông đã khóc quá nhiều trước sự ra đi của những người lính chiến. Có ai đó nói rằng sở dĩ những người hy sinh vẫn bất tử là vì người còn sống vẫn luôn nhớ thương họ khôn nguôi. Quả đúng như vậy khi dân ta thủy chung với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Nghĩa Trủng đàn -Ảnh: N.K

Nghĩa Trủng đàn -Ảnh: N.K

Và trong những cuộc hội ngộ mới đây nhiều vị lãnh đạo đã có những phát biểu chân tình, những cam kết chính trị được nhiều người ghi nhận. Đồng chí Văn Ngọc Lãm, Bí thư Thị ủy Quảng Trị cho hay dịp kỷ niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị cũng là cơ hội để bày tỏ sự tri ân đối với chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Còn đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã chân thành nói rằng lãnh đạo các cấp muốn lắng nghe mọi người, nhất là các cựu chiến binh góp ý để địa phương tiến nhanh hơn trên con đường phát triển, đi tới tương lai.

Tôi lại nhớ đến một đoạn văn trong bút ký “Đêm chong đèn nhớ lại” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Quảng Trị là thành phố đã chết để cho nhân loại thức tỉnh và tự mình hoàn thiện. Tôi đã chôn cất hài cốt của nhiều liệt sĩ còn gửi lại trên mảnh đất Thành Cổ mà tôi đang thừa kế, với tư cách là một người sống sót. Lịch sử được làm nên bởi những người đã chết, và vì thế trong quan hệ với lịch sử, mỗi nhà văn làm công việc của mình với tư cách là một kẻ sống sót.

Từ đáy lòng quằn quại, tôi cố gắng giải mã bức thông điệp câm lặng của các anh chị để lại. Rằng, những người chết đi không hề mong ước được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không, không, không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ, cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm”.

Vâng, chính điều đó phải là tâm nguyện thường trực và bổn phận thiêng liêng cần được nhắc nhở với mỗi người đang sống, với hết thảy những người đang sống, thôi thúc chúng ta cùng đến với đồng bào, đồng chí...

PHẠM XUÂN DŨNG
http://www.baoquangtri.vn/Phong-su-Ghi-chep/modid/412/ItemID/170405/title/Thi-xa-Quang-Tri--mau-va-hoa

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

11 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground