Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thông điệp hòa bình từ Vĩ tuyến 17

Chúng tôi đi từ phía Nam ra, từng bước một, chậm rãi như đếm từng tấm ván của cầu Hiền Lương di tích được phục chế theo bản gốc với hai màu sơn xanh - vàng. Cạnh đó là cầu Hiền Lương bê tông cốt thép đang tấp nập người và xe cộ, mà chỉ cần chưa đầy ba mươi giây, xe đã vù qua cầu. Thế mà suốt 21 năm trước ngày giải phóng, bước chân người từ ngoài ấy vào phải dừng lại ở vạch hạn định ba nhịp rưỡi đầu Bắc sơn xanh, người trong ấy ra chỉ được bước đến ba nhịp rưỡi đầu Nam sơn vàng của cầu Hiền Lương bảy nhịp.

Hiệp định Genève 1954 đã khiến dòng sông Bến Hải hiền hòa bé nhỏ ở miền đất nắng gió trở nên nổi tiếng khi nó trùng với đường vĩ tuyến 17 được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt hai miền đất nước. Cũng chia cắt một tỉnh, chia cắt một huyện, chia cắt một xã, chia cắt một làng và bao nhiêu gia đình ở đôi bờ này đã mang theo định mệnh chia cắt của dòng sông. Chiếc cầu duy nhất nối liền hai bờ sông cũng phải sơn hai màu và từ đây chứng kiến nỗi nhớ thương giữa hai miền dài dằng dặc đến mấy mươi năm. Những năm đạn bom ác liệt, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi đặt chân đến bên bờ nam con sông, đã thốt lên: “... một con sông kỳ lạ của Vĩnh Linh. Sông gì mà chỉ có “một bờ”, tồn tại như một nỗi đoạn tuyệt của lịch sử ròng rã mấy mươi năm”.

Chuyện ấy bây giờ đã trở thành quá khứ. Chiến tranh kết thúc đã nửa thế kỷ rồi. Hôm nay, hai chiếc cầu cũ, mới Hiền Lương chỉ cách nhau vài mét cùng in bóng xuống dòng Bến Hải, chụm đầu vào bờ phía Bắc tạo thành hình chữ V vững chắc thường được lý giải rằng đó là biểu tượng của chiến thắng (Victory) và cho chữ Việt Nam. Cứ dịp 30/4, đồng bào từ mọi miền đất nước hội tụ về khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải để cùng nhau thực hiện nghi thức thượng cờ “Thống nhất non sông” và thả chim bồ câu biểu tượng của khát vọng hòa bình. Mỗi năm, quãng sông và cây cầu lịch sử này đón hàng triệu lượt khách nội địa và quốc tế đến đây thăm quan đủ thấy địa danh Vĩ tuyến 17 - Hiền Lương - Bến Hải đã trở thành tâm thức của nhân loại như thế nào. Cùng với độ lùi của thời gian, khi đến với vĩ tuyến 17, người ta thấu hiểu nỗi đau chiến tranh để trân quý hơn giá trị của hòa bình.

Vào một dịp kỷ niệm 30/4, tôi có theo một đoàn du khách DMZ đi thăm quan Vĩnh Linh. Trong đoàn có những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Quảng Trị bày tỏ mong muốn tiếp xúc với một gia đình “chồng Bắc vợ Nam” mà họ cho là “đặc sản” của Vĩnh Linh và đã thành nguyên mẫu của những tác phẩm để đời trong văn học nghệ thuật viết về miền đất giới tuyến này. Đó là những gia đình phải anh em vợ chồng bị chia đôi bởi dòng sông Bến Hải được tái hiện một cách chân thực trong hai bộ phim truyện kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam “Chung một dòng sông” và “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Đó là người đàn ông gác đèn biển bên bờ bắc Cửa Tùng nhớ người vợ bên kia bờ vĩ tuyến trong hồi ức của nhạc sĩ Hoàng Hiệp khởi nguồn cho ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Hay chàng trai Vĩnh Linh bờ Bắc cưới cô gái vùng Cùa Cam Lộ bờ Nam trong đám cưới “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” sau ngày 30/4/1975 mà nhà thơ Cảnh Trà đã chứng kiến rồi viết nên những tứ thơ dạt dào cảm xúc: Chúng ta đã trải qua ngàn trận đánh / Ðể bây giờ đất nước được vẹn nguyên / Cho con đò khỏi “gác mái tình duyên”/ Và chiếc cầu “chặng đường thôi nghẽn lại”...

Không ai đi tìm được tuổi tên chú rể và cô dâu của đám cưới đầu tiên đưa dâu qua cây cầu Hiền Lương sau ngày 30/4/1975 ấy. Nhưng trong chuyến đi dọc theo đôi bờ con sông Bến Hải để tìm lại những cuộc tình may mắn được đoàn viên, chúng tôi tình cờ biết được câu chuyện vợ chồng ông Hoàng Nghi và bà Hoàng Thị Hoa - chú rể và cô dâu của đám cưới được rước dâu qua cầu Hiền Lương vừa mới được phục dựng lại, ngay sau khi hiệp định Paris 1973 được ký kết chỉ vài tháng và giới tuyến quân sự được dời chuyển vào sông Thạch Hãn.

Nhà ông Nghi ở làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, bờ Bắc sông Bến Hải. Còn bà Hoa ở làng Tam Hữu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, phía bờ Nam sông Bến Hải. Một lần bà Hoa bí mật đưa thương binh ra miền Bắc dưỡng thương đã vô tình đi lạc vào làng Hiền Lương và được ông Nghi là dân quân du kích đang làm nhiệm vụ ở đây giúp đỡ. Ông Nghi đưa bà về khu nhà của đội du kích Hiền Lương ở lại một thời gian. Tình cảm giữa hai người nảy sinh, nhưng không lâu bà Hoa vượt sông Bến Hải trở lại quê nhà tiếp tục phục vụ kháng chiến.

Mấy lần ông Nghi bí mật vượt sông vào Triệu Phong đi tìm người thương. Ông nghĩ ra cách đóng giả người đánh cá trên sông, chèo thuyền để sang bên ấy. Nhưng cũng chỉ được vài lần thì cảnh sát bờ Nam phát hiện nên những lần sau ông đành gửi gắm nỗi nhớ thương vào những lá thư. Trong mười lá thư ông viết gửi bà chỉ nhận được hai lá, vì thế tình yêu ấy càng quặn thắt, đau đáu hơn.

Mãi cho đến khi hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973, vợ chồng ông Nghi và bà Hoa mới được dắt tay nhau qua cầu Hiền Lương không còn cách trở. Đám cưới của họ được đưa thành một hàng dài đi qua cây cầu sắt vừa bắc xong sơn còn tươi mới, bà con đôi bờ vĩ tuyến đứng thành hai hàng trên cầu vỗ tay thay cho tiếng pháo đón dâu mừng hạnh phúc. Năm mươi năm rồi, ông bà tuổi đã ngoài thất thập, sống bên nhau trong ngôi nhà nằm ngay mép nước Hiền Lương, con cháu họ đã trưởng thành và tóc họ đã pha sương.

Vợ chồng ông Nghi đưa các cháu dạo bước qua di tích cầu Hiền Lương

Vợ chồng ông Nghi đưa các cháu dạo bước qua di tích cầu Hiền Lương

Hôm đoàn khách DMZ ghé thăm rồi hỏi chuyện, ông Nghi nói đám cưới của vợ chồng ông thì qua cầu sắt, đám cưới hôm nay thì qua cầu bê tông. Vẫn dòng sông và cây cầu ấy nhưng năm mươi năm rồi không còn cảnh chia ly bên thương bên nhớ. Cũng không bên nào phải cầm súng chĩa về phía nhau nữa. Chỉ cần như thế, là đủ để thấm thía hai từ hòa bình!

*

Bây giờ, về vùng đất bên ven bờ Hiền Lương có thể nghe nhiều câu chuyện về những người Mỹ mà người dân vĩ tuyến sẽ luôn nhớ đến: những người hoạt động để khắc phục hậu quả sau chiến tranh, những người hỗ trợ phát triển xã hội cho các khu vực bị chiến tranh tàn phá hủy diệt...  Màu xanh không chỉ trở lại mà còn vô cùng xanh tốt, trải dài khắp nơi. Trong sự hồi sinh ấy có sự hỗ trợ của các cựu binh quay trở lại để hàn gắn vết thương chiến tranh.

Hai năm nay, du khách đến thăm quan khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải sẽ dừng lại chụp ảnh với hàng cây xanh mát cạnh Tượng đài khát vọng thống nhất non sông. Trồng hàng cây ấy là những cựu chiến binh Mỹ và bạn bè trong tổ chức Peace Trees Vietnam - Cây Hòa Bình Việt Nam. Đây là một tổ chức phi chính phủ của Mỹ thành lập năm 1995 và thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh ở Quảng Trị. Trong gần ba mươi năm qua, Cây Hòa Bình đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị tháo dỡ và phá hủy khoảng 105 nghìn vật liệu nổ, làm sạch 400 ha đất nhiễm mìn, trồng hơn 50 nghìn cây xanh ở những vùng đất từng là nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh.

Những Cây hòa bình được gieo trồng đã đâm chồi nảy lộc và xanh tốt không chỉ đem lại màu xanh cho đôi bờ sông tuyến mà còn mang ý nghĩa lớn lao hơn, bởi nó còn là cây của hòa giải, cây của sự hòa hợp dân tộc… Gác lại quá khứ, người Mỹ đến với mảnh đất Quảng Trị bắt nhịp cầu của tình hữu nghị, đoàn kết, từ sự tin cậy, thấu hiểu để kết nối giữa người dân hai nước.

Còn nhớ một buổi chiều cuối tháng 8/2019, lần đầu tiên sau 24 năm Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, một Đại sứ Mỹ đến viếng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và thắp hương viếng hơn một vạn liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây. Đại sứ cũng đến thăm di tích lịch sử cầu Hiền Lương bắc qua con sông giới tuyến Bến Hải. Đó là một buổi chiều nhiều cảm xúc đặc biệt. Đại sứ Daniel Kritenbrink đã cùng đoàn sứ quán Mỹ đi bộ từ phía bắc qua phía nam cầu. Ở ngay vạch chỉ trắng phân chia ranh giới Bắc - Nam thời đất nước chia cắt, đại sứ Daniel Kritenbrink đã dừng khá lâu để bắt tay nói chuyện cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam. Cái bắt tay giữa hai bên từng là kẻ thù của nhau trên cây cầu từng là điểm giao tranh ác liệt là một biểu trưng của nỗ lực hòa giải và cho thấy hai nước đã làm được rất nhiều điều trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị vì hòa bình hợp tác và phát triển.

Cuộc gặp mang nhiều thông điệp về tương lai của Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam  ngay tại Vĩ tuyến 17 - Hiền Lương - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Cuộc gặp mang nhiều thông điệp về tương lai của Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam ngay tại Vĩ tuyến 17 - Hiền Lương - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Hòa bình luôn là khát vọng lớn lao của nhân loại. Nhất là khi mỗi ngày chúng ta thấy súng vẫn nổ nơi này nơi kia trên thế giới, nhiều đất nước đang phải điêu tàn vì chiến tranh thì câu chuyện hòa bình luôn được nhắc mãi. Quảng Trị đang nỗ lực xây dựng mảnh đất này trở thành biểu tượng hòa bình và tôn vinh giá trị của hòa bình. Dự kiến tháng 7 năm 2022 sẽ diễn ra lễ hội “Vì Hòa bình” lần đầu tiên có quy mô quốc gia và quốc tế. Khi thông điệp vì hòa bình được cất lên từ Quảng Trị, một mảnh đất từng bị hủy diệt và nay đang hồi sinh mạnh mẽ trong hòa bình sẽ làm lay động tới rất nhiều những vùng đất trên thế giới đã từng có hoàn cảnh tương tự. Và trong không gian lễ hội Vì Hòa bình, Vĩ tuyến 17 - Hiền Lương, từ điểm chia cắt trong chiến tranh sẽ là điểm hẹn của hòa bình và điểm đến của du lịch hòa bình.

 

 

NGUYÊN THẢO
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 331

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground