Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thông điệp này đến được bạn tôi không?

Lời B.B.T: Nhà văn Cao Hạnh - Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt, là một cây bút trưởng thành từ cơ sở. Để có được cương vị như hiện nay, ông đã từng làm đủ nghề như: Cày ruộng, buôn rắn, bán ếch, phát hành sách báo, viết kịch, đạo diễn..vv.. Nhưng kỷ niệm lớn nhất trong đời văn, đời làm quản lý của ông là những năm ông làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Vĩnh Linh. Đó là những tháng năm thăng trầm, nghiệt ngã, là sự cạnh tranh kịch liệt giữa đơn vị ông và Công ty Chiếu bóng Bến Hải. Giờ đây, sự được mất ông không lấy làm cay cú, ăn thua. Mà tất cả đều trở thành nỗi đau giằng xé trong cõi lòng nhà văn. “Thông điệp này đến được bạn tôi không?” là một hồi ký thấm đẫm chất nhân văn.

BBT xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm của ông.

N

ăm 1986 - 1993 tôi làm Giám đốc Nhà VHTT huyện Vĩnh Linh. Đó là những năm đầu tiên Nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng XHCN. Các ngành các cấp gặp rất nhiều khó khăn. Riêng ngành văn hóa do tính chất lao động đặc thù phải gặp những trở ngại, thách thức lớn hơn. Nhà văn hóa trung tâm chúng tôi có 11 biên chế. Nhà nước chỉ trả lương cho CBCNV, còn mọi khoản kinh phí khác, đặc biệt là kinh phí hoạt động sự nghiệp thì đơn vị tự cân đối lấy thu bù chi.

Với hai nhiệm vụ: Vừa phải hoạt động sự nghiệp, vừa phải tổ chức kinh doanh tạo ra nguồn kinh phí. Hai nhiệm vụ này có một mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại với nhau, làm cơ sở cho nhau phát triển. Buông lỏng một trong hai nhiệm vụ là Nhà văn hóa triệt tiêu.

Công tác nghiệp vụ thì chúng tôi quá thành thạo, vì phần lớn anh em đều có bằng cấp và rèn luyện qua thực tế. Nhưng với việc kinh doanh thì chúng tôi thật lạ lẫm. Với một đội ngũ văn nghệ sĩ, lâu nay chỉ quen việc sáng tác thơ, ca, nhạc, họa, giờ nghe nói làm kinh tế ai nấy rất ngỡ ngàng. Còn cơ sở vật chất thì sao? Chỉ có một ngôi nhà hai tầng, kiến trúc theo kiểu nhà hát ở Liên Xô (cũ) với một sân khấu và hội trường có 420 ghế ngồi nhưng đã ọp ẹp. Mọi trang thiết bị đều cũ kỹ có thứ rét rỉ xếp vào hàng sắt vụn. Nhà lại dột nát, chỉ cần một trận mưa là nước đổ xuống lênh láng. Đồng vốn không có, biết lấy gì để tạo nguồn thu ?

Với cương vị Giám đốc, tôi rất lo lắng. Làm sao để có kinh phí hoạt động? Một năm ít nhất cũng có hai lần tổ chức hội diễn ở huyện và tỉnh với khỏan chi phí gần 30.000.000 đồng (tiền bấy giờ) đó là chưa kể đến số tiền tổ chức các Câu lạc bộ, các cuộc thi thể thao, sửa chữa các trang thiết bị, công tác phí, tiếp khách…

Ban Giám đốc đưa ra nhiều phương án, cuối cùng tôi chọn phương án chiếu phim làm hoạt động chính cho việc tạo nguồn thu. Quyết định này là sự kiện đầu tiên làm nổ bùng mâu thuẫn giữa Nhà VHTT Vĩnh Linh và Công ty Chiếu bóng Bến Hải đóng trên địa bàn.

1. Cuộc thương lượng không đưa đến hiệu quả:

Có thông tin báo vào cho Công ty Điện ảnh và Băng hình tỉnh Quảng Trị, anh Phùng thuế Dưa (Giám đốc Công ty thời bấy giờ) hộc tốc đánh xe ra Vĩnh Linh. Một cuộc hội đàm được tổ chức ngay ở Phòng Văn hóa. Tại đây anh Phùng Thế Dưa yêu cầu anh Lê Vĩnh Hiệp với cương vị là Trưởng phòng văn hóa thông tin, quản lý Nhà nước trên địa bàn hãy giải tán đội chiếu phim của Nhà văn hóa. Anh Lê Vĩnh Hiệp vốn là một giáo viên, lại từng công tác ở Ban Tuyên giáo huyện ủy, nên tính tình và cách làm việc rất thận trọng. Anh Hiệp cho người mời tôi sang cùng dự họp. Tôi bắt tay anh Dưa và anh Hợi, nhưng hai bên đều cười gượng gạo. Lâu nay anh em chúng tôi đều ở trong một ngành, vào họp Sở đều gặp nhau luôn. Với anh Dưa, tôi là đồng hương, với anh Hợi càng gần hơn (vợ tôi và vợ Hợi cùng ở trong một xí nghiệp). Thế mà bây giờ gặp nhau mặt lạnh như tiền. Để phủ đầu tôi anh Dưa nói với giọng khẳng khái “… Việc chiếu bóng là của ngành điện ảnh, tôi yêu cầu các đồng chí không nên đá lộn sân. Nếu các đồng chí không dừng lại tôi sẽ báo cáo với huyện, với tỉnh...” Tôi ngồi im để cho anh nói đến cạn ngôn từ, lúc đó tôi mới rút văn bản trong cặp ra nói nhỏ:

- Mời anh xem giấy này.

Anh Dưa xem xong gãi đầu. Tôi lên giọng:

-  Quy chế 310 của Bộ Văn hóa -  Thông tin cho phép tất cả các nhà VHTT tổ chức loại hình chiếu phim có bán vé thu tiền để trang trải cho hoạt động phục vụ nhu cầu quần chúng. Anh đã rõ chưa?

Anh Lê Vĩnh Hiệp nói thêm: “Trước lúc tổ chức chiếu phim, Nhà VHTT đã có tờ trình xin Phòng và UBND huyện cho phép, các đồng chí ấy mới thực hiện”. Biết mình đuối lý, anh Phùng Thế Dưa chuyển giọng: “Nhưng tội lắm hai eng ơi … Quân hai eng có lương ăn còn quân bọn tui phải tự túc. Mấy eng coi mưa rét thế này mà chúng nó phải khiêng máy móc lên miền núi, xuống miền biển thì mấy eng biết. Đường sá lầy lội, đôi khi trong bụng không có một hạt cơm, tội lắm…”

Anh còn kể cho chúng tôi nghe những CBCNV ở Công ty anh không có việc làm, về nghỉ tự túc ở mãi Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Có người làm ruộng với vợ con, có người phải đi đào phế liệu chiến tranh ngày được mười nghìn. Nhưng đến kỳ sinh hoạt chi bộ hàng tháng đều phải mua vé xe, vé tàu về sinh hoạt đầy đủ. Cơ quan cũng chẳng có đồng nào để hổ trợ. Nghe ra tôi đã chạnh lòng, định bụng sẽ dựng việc chiếu phim ở Nhà văn hóa, nhưng lúc đó anh lại đổi giọng oang oang làm tôi phật ý:

-  “… Không có cách nào khác, buộc tôi phải báo cáo với cấp trên”

-  “..Được. Anh cứ báo cáo đi”

Hai bên lại tiếp tục cuộc đấu lý. Anh Hiệp đứng ra dàn hòa. Nhưng cuối cùng vẫn không thống nhất được ý kiến. Anh Dưa đành đánh xe vào Đông Hà ngay lúc bấy giờ.

2. Nhà văn hóa triển khai kế hoạch, buổi đầu tiên lỡ nhịp đứt dây đàn.

-  Tôi biết Công ty Điện ảnh và Băng hình tỉnh thế nào cũng tìm cách ngăn chặn đơn vị tôi. Bởi vậy, tôi bảo anh em chuẩn bị kế hoạch đối phó, kiểm tra máy móc, phim ảnh tuyệt đối không để xảy ra trục trặc trong suất chiếu đầu tiên. Nhà cửa đựơc quét sạch, ghế ngồi được lau chùi cẩn thận, sân bãi cũng được dọn sạch sẽ. Băng rôn, áp phích quảng cáo cũng được treo lên. Tôi đi kiểm tra một lượt thấy yên tâm. Để tạo được sự ủng hộ ban đầu, tôi còn ký một loạt giấy mời gửi cho lãnh đạo huyện, các ban ngành đồng thời còn tổ chức một đội quân cò mồi cho suất chiếu đầu tiên. Chủ trương lời lãi chưa cần tính mà quan trọng là gây được dư luận tốt để thu hút khán giả. Tôi rất mừng khi thấy các bà đi chợ dừng lại trước cửa Nhà Văn hóa ngắm nghía các băng rôn, áp phích và hài lòng. Các thanh thiếu nhi thì kéo vào sân xem biển quảng cáo. Tôi nghĩ bụng: Cá đã cắn câu rồi, tối nay thế nào cũng được một mẻ đầy.

Về phía Công ty Chiếu bóng Bến Hải chẳng thấy họ động tĩnh gì. Đội quân dò la về báo rằng: họ vẫn ngồi đánh cờ và nói chuyện tếu, thỉnh thoảng gặp anh em Nhà Văn hóa có khích bác vài câu. Đúng 16 giờ chiều, khi đơn vị chúng tôi chuẩn bị phát lời quảng cáo thì chiếc xe Com- măng- ca của Công ty Điện ảnh và băng hình Quảng Trị từ ngoài Quốc lộ 1A rẽ vào phố thị loa phát thanh oang oang. Chiếc xe đựơc trang trí đẹp như xe rước dâu, lại có cả cờ phướn tung bay phần phật. Điều làm chúng tôi giật mình là họ quảng cáo bộ phim “Người không mang họ”, tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Xuân Đức, nên càng thu hút khán giả hơn. Cộng thêm vào đó lời quảng cáo quá hay. Trong tôi đã bắt đầu có sự chấn động tôi giục anh em phải “lên tiếng” gấp. Nhưng khổ nỗi, nhân viên quảng cáo của Nhà văn hóa nguyên là một cán bộ thể dục thể thao. Anh ta là một trọng tài giỏi trong các cuộc thi đấu bóng đá, bóng chuyền nay chuyển sang việc quảng cáo phim không rành bằng việc huýt thổi. Chiếc mic-cờ-rô tiếng rè như người bị cúm, lúc mất, lúc được. Từ giám đốc đến nhân viên bắt đầu run. Khán giả bỏ về sân của Công ty Chiếu bóng Bến Hải. Một số thanh niên mua lỡ vé đòi trả lại. Có người vào ngồi ở ghế rồi nhỏm dậy bỏ ra. Các đại biểu ngoảnh mặt nhìn lui không thấy ai họ cũng tìm cách cáo từ cho tế nhị. Tốp khán giả “cò mồi” cũng làm phản nốt. Trong rạp trống huơ trống hoác, chỉ còn một số CBCNV vểnh cổ nhìn sang sân Công ty Chiếu bóng nét mặt  ủi xìu trông thiểu nảo.

3. Mở đợt phản công giành lại thế chủ động, hạ giá vé, tăng suất chiếu kiếm bữa nuôi quân.

Bị thua “trận” đầu tôi tức tối vào Huế cầu viện. Qua tìm hiểu, tôi biết anh Duy có máy 31 in ăn đứt máy 29 in của Công ty Chiếu bóng Bến Hải. Anh Duy lại có một đội quân hành nghề rất vững vàng. Nhưng mời được anh Duy ra Vĩnh Linh cực khó. Vì gia đình anh ở Cố đô, máy chiếu lại đang hợp đồng với Trung tâm Văn hóa - Thông tin Bình Trị Thiên, giờ rời bỏ để về một huyện của tỉnh lẻ không phải chuyện dễ dàng. Phải dùng “đòn” kinh tế chứ không thể sử dụng lời lẽ ngọt ngào để rủ rê anh được. Biết Trung tâm VHTT Bình Trị Thiên đang hợp đồng với anh tỷ lệ 50/50%, tôi quyết định nâng lên 80% cho anh, Nhà Văn hóa chỉ hưởng 20% thôi. Sau khi tính toán kỹ, anh Duy ký hợp đồng và chỉ một tuần sau đưa toàn bộ máy móc ra lắp đặt tại Nhà Văn hóa. Đội quân Công ty Chiếu bóng phải rời Nhà văn hóa về lại sân bãi của mình. Hai bên đều dàn thế trận. Về phía chúng tôi có lợi thế máy móc tân tiến hơn. Chúng tôi chọn bộ phim “Hải âu phi xứ” là một bộ phim rất mùi mẫn để khởi đầu. Tôi còn chuẩn bị một đội văn nghệ gồm các nữ sinh xinh đẹp có giọng hát hay để biểu diễn trước lúc bật máy chiếu. Các bà bán hàng xén cũng được mời vào rạp xem phim không mất tiền, bán hàng không thu lệ phí, cốt là để hút khách.

Khi lời quảng cáo bằng giọng Huế được cất lên, khán giả nghe đến ngọt tai. Lại thấy một tốp nữ mặc áo dài từ trụ sở huyện đoàn kéo về Nhà văn hóa để chuẩn bị biểu diễn, khán giả từ sân Công ty Chiếu bóng tràn hết qua sân Nhà văn hóa. Và khi tiếng hát lời ca được cất lên từ sân khấu thì ở bên ngoài khán giả chen chúc nhau mua vé vào rạp. Một nhóm thanh thiếu nhi máu xem phim võ thuật còn ngồi lại ở sân bãi Công ty Chiếu bóng, nhưng hồi lâu không chịu được khát nước, thèm ăn quà vặt cũng bỏ qua Nhà văn hóa. Đêm ấy Nhà văn hóa bội thu. Chúng tôi mở cuộc khao quân, ăn nhậu, hát hò rôm rã. Còn anh em bên Công ty Chiếu bóng Bến Hải thu dọn máy móc, chốt chặt cửa ngủ sớm.

Để bành trướng thế lực, tôi quyết định hạ giá vé và tăng suất chiếu buổi trưa. Bất cứ cơ quan ban ngành nào trong huyện có chương trình tổng kết, khai mạc, khánh thành công trình hoặc tổ chức đại hội các đoàn thể là tôi tìm đến ngay. Đây là cách kinh doanh dựa vào tâm lý khách hàng. Thường lúc người ta có việc đại sự họ thường thởi thải hơn. Với một suất chiếu 30.000đồng, chỉ bằng ẵ suất chiếu thông thường, đơn vị nào chẳng muốn bỏ tiền ra để cho CBCNV xem phim nhân ngày trọng thể. Ai cũng tưởng như cho không biếu không, nhưng thực chất tôi đã tính rất kỹ phần lãi cho đơn vị mình. Vì khoản vận chuyển máy móc đi về và suất ăn cho người phục vụ tôi đã xin các đơn vị. Hai khoản này cộng lại đã trên 40.000 đồng. Anh em đi chiếu phim được đưa đón bằng ô tô xịn lại được ăn cơm chiêu đãi còn sướng hơn ăn cổ ai chẳng ưng. Nhà văn hóa chỉ cần có 25.000đồng để trả cho chủ máy, còn lãi 5.000 đồng để chi phí cho giao dịch là đủ rồi. Tiền lãi tuy ít nhưng chiếu được nhiều suất, hơn nữa phong tỏa hết địa bàn làm cho các Đội chiếu bóng của Công ty bị ách tắc.

4. Bị ép nguồn phim, tìm ra ngoại tỉnh: Đà Nẵng, Nghệ An, ghé lại Quảng Bình bỏ hàng ăn “phết phẩy”:

Được một thời gian làm ăn khấm khá, Công ty Điện ảnh và Băng hình tỉnh bắt đầu “ra đòn” khác. Các bộ phim hay Công ty đều giành cho quân mình chiếu trước, buộc chúng tôi điêu đứng. Chúng tôi đành chia nhau hai ngả đi tìm nguồn phim. Anh Duy vào Đà Nẵng còn tôi ra Nghệ An để đón nguồn phim nhập Cảng Cửa Lò. Mọi công việc ở cơ quan do Họa sĩ Lê Đức Ngạn điều hành. Có khi đến mười ngày tôi chỉ ở trên tàu xe, chạy hết chỗ này đến chỗ khác, chứ không được ở nhà. Khi tìm được ngồn phim ở Cửa Lò tôi nghĩ ra một sáng kiến: tăng giá băng hình đồng thời gia hạn để đem vào thả cho mấy huyện ở Quảng Bình. Lấy số tiền cho thuê băng ở Quảng Bình trả cho Nghệ An, như vậy đơn vị mình đã lãi ròng về khoản thuê băng. Nhưng làm điều này cũng như chơi dao vậy “chơi dao sẽ có ngày đứt tay” phim chúng tôi không xem trước được nội dung, sợ vớ phải phim đồi trụy thì phải ra tòa. Bởi vậy có ngày tôi phải xem đến 4,5 bộ phim một lúc trước lúc cho thuê lại.

Cách làm này được thu lãi ở hai công đoạn, một công đoạn cho thuê lại phim và một công đoạn thu ở suất chiếu. Cả hai khoản cộng lại rất hời. Nhưng thật quá vất vả. Cũng chỉ được một thời gian rồi bị lộ, Sở VHTT cử cán bộ Phòng nghiệp vụ ra nắm bắt tình hình, chỉ đạo cho Ban kiểm tra văn hóa của tỉnh thường xuyên theo dõi. Chúng tôi cũng cử người canh gác ở hai địa điểm, hễ bao giờ thấy đoàn kiểm tra ra thì kịp thời báo với chúng tôi. Có bữa đoàn kiểm tra thay đổi số xe “tình báo” không phát hiện được. Đoàn kiểm tra ập vào rạp làm anh em khiếp vía. Tôi thì tỏ ra lì đòn. Thực ra tôi rất sợ, nhưng ra vẻ bình tĩnh để anh em có chỗ dựa. Những lúc tang chứng đang mập mờ tôi cãi toáng. Còn những lúc tang chứng rõ rành rành tôi vào Sở van lạy. Giám đốc Sở là nghệ sĩ ưu tú Xuân Đàm, Phó Giám đốc là nhà văn Xuân Đức đã sẵn lòng thương đến số kiếp của một thằng nghệ sĩ đàn em phải chịu cảnh nghèo khổ nên bao giờ cũng tha thứ. Tôi bị bảy lần bắt, bảy lần tha, chẳng khác nào một viên tướng trong Tam quốc vậy.

Sau đó Sở VHTT ra thông báo cho tất cả các Đội chiếu bóng trên địa bàn toàn tỉnh phải sử dụng phim trong luồng, có dán tem. Lúc đó tôi như con chim bị cầm lồng, không được đi Đà Nẵng, Nghệ An để lấy phim ăn phết phẩy nữa. Từ đó tôi lại bị ép nguồn phim, khiến anh Duy rút hợp đồng đưa quân vào Huế, bỏ lại Nhà văn hóa trống huơ, trống hoác.

5. Đi tìm “Tiên sinh” Lê Hạnh -  “Quân sư” mở “Trận đồ bát quái” phá vòng vây khép chặt đội hình.

- Sau mấy lần thất bại, tôi mới ngẫm ra một điều: Làm nghề chiếu phim không phải dễ, đòi hỏi vừa phải có phương tiện và tay nghề. Một ý nghĩ lóe lên trong óc tôi là phải đi tìm người tài. Người tài phải ở ngay trong ngành chiếu bóng. Phải rồi Lê Hạnh -  một tay thuyết minh có cỡ ở ngành chiếu bóng. Vị “tiên sinh” này hiện nay về nghỉ chế độ 176, làm thơ và nuôi cá trê phi. Có người khuyên tôi: Lê Hạnh chán nghề rồi không còn nhiệt huyết nữa. Nhưng tôi tin anh chàng đang còn làm thơ là tôi “lừa” được. Tôi, Lê Đức Ngạn và Văn Tuyên cùng đi. Ba anh em vừa đến ngõ thấy Lê Hạnh đang ngây ngất với giàn hoa trước sân, mồm nghêu ngao đọc bài thơ tứ tuyệt của Lý Bạch.

- Kẻ sĩ ẩn dật lâu ngày quá hè ? – Tôi cất tiếng.

- A, chào các văn nghệ sĩ. Hôm nay sao rồng lạc vào nhà tôm thế này.

- Lạc đâu. Ta đi tìm ông như Lưu Bị đi tìm Khổng Minh đây.

- Tài hèn sức mọn như tôi mà quan trọng thế à ?

- Đừng khiêm tốn. Lát nữa bọn mình sẽ nói chuyện.

- Mời vào nhà uống nước đã.

Lê Hạnh mời nước nhưng anh lại với tay lấy chai rượu gạo sóng sánh như mật ong rót ra bốn chén.

- Nào nâng cốc. Chúc sức khỏe.

Chúng tôi cùng chạm cốc. Cái thứ rượu gạo ở quê uống rất êm nhưng nồng độ cao, uống vào trong người nghe rừng rực khí thế.

- Nào, có việc gì nói luôn đi.

Văn Tuyên vào đề ngay:

- Bọn mình mời ông giúp Nhà văn hóa việc chiếu phim ấy mà. Lê Hạnh xua tay.

- Tưởng gì chứ phim ảnh thì bưa (vừa) rồi.

- Phim ảnh nói sau, đọc bài thơ nghe đã.

Tôi đánh lãng chuyện.

- Thơ thì có -  Lê Hạnh hào hứng. Anh rót thêm một lượt rượu nữa, cả bốn người cùng dốc cạn cốc, Lê Hạnh hắng giọng đọc. Xong bài thứ nhất chúng tôi vỗ tay. Lê Hạnh cao hứng đọc tiếp một chùm ba bài. Biết Lê Hạnh đang ở độ thăng hoa, tôi trổ bài tán tỉnh. Thơ viết hay, giọng đọc đầy ngữ khí. Nhưng tiếc rằng đọc ở không gian này rất bị hạn chế, nếu đọc ở quảng trường thì hiệu quả tăng gấp bội.

Lê Đức Ngạn thêm vào:

- Hồi trước lạo thuyết minh phim đến đoạn đọc thơ nghe hay tuyệt.

- Bây giờ nào còn cơ hội cầm míc-cờ-rô nữa.

- Sao lại không ? Bọn mình đang tổ chức câu lạc bộ thơ ở Nhà văn hóa, hôm nào mời ông lên tham dự nhé - Văn Tuyên lái nhanh vào chủ đề.

- Xong ngay - Lê Hạnh đáp.

-  Nhưng câu lạc bộ thơ hoạt động được phải có kinh phí. Vì vậy chúng tôi lấy hoạt động chiếu bóng tạo nguồn thu để nuôi CLB thơ. Với nghề chiếu phim ông là bậc thầy. Ông giúp bọn mình một tay nhé -  tôi xoáy riết vào vấn đề. Lúc này là Lê Hạnh không từ chối nữa, anh gật đầu nhận lời và còn mách bảo cho chúng tôi tuyển thêm anh Ngô Vinh là một kỹ thuật viên, hiện đang ở Hồ Xá. Chúng tôi kéo nhau đến nhà Ngô Vinh, nào ngờ Ngô Vinh là em vợ của nhà viết kịch Quang Tính. Ông Quang Tính vừa là chú họ, vừa là thủ trưởng trực tiếp của tôi trước đây. Ông Quang Tính rất nhiều mưu lựơc, tôi nghĩ bụng: ta lại có thêm một “Bàng Thống”(*) nữa.

Chiều hôm đó cả mấy anh em cùng lên Nhà văn hóa. Lê Hạnh kiểm tra và lau chùi toàn bộ dàn máy chiếu phim đã ngủ yên trong kho hơn mười năm. Hạnh và Vinh hì hục lau chùi từng bộ phận, dầu mỡ bê bết khắp mặt mũi, thân thể như hai con trâu lấm.

Còn Quang Tính vẫy tôi lại bày mưu: hãy bám lấy Xuân Đức mà sống, bây giờ Xuân Đức là Phó Giám đốc Sở kiêm Giám đốc Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Chúng ta hãy hợp đồng với ông ấy, để ông ấy chịu tư cách pháp nhân, làm như thế chẳng những thắt chặt tình anh em mà việc làm ăn được vững bền.

Thật là cao kiến, tôi mừng lắm. Hai ngày sau tôi vào Sở gặp anh Xuân Đức, nghe tôi trình bày xong anh Xuân Đức đồng ý ngay. Anh còn bảo mọi giấy tờ thủ tục anh lo,Nhà văn hóa Vĩnh Linh chỉ lo phương tiện và tổ chức đội lưu động cho tốt. Nhà VHTT tỉnh sẽ cử một cán bộ ra tham gia vào đội lưu động vừa chiếu phim vừa hoạt động thông tin tuyên truyền.

Một tuần sau, anh Lê Hồng Vinh là nhân viên của Trung tâm văn hóa tỉnh “bay” ra, mang theo “chiếu chỉ triều đình”, tiếp “chiếu chỉ” tôi sướng rân người. Đội bắt đầu hoạt động, Lê Hạnh “dàn trận” rất khéo: Ngoài cổng các bà hàng xén xếp thành một hàng, ở tiền sảnh móc Mic- cờ-rô hát đơn ca, trong hội trường bên trên mắc màn ảnh rộng, dưới màn ảnh rộng đặt ti vi 31 in hợp đồng với Ngân hàng. Loa phóng thanh đặt trên tầng cao. Xe quảng cáo chạy về tận xã. Khi trong hội trường tin vi bật lên chiếu dạo thì các bà hàng xén cuốn vào hội trường, diễn viên đơn ca ở tiền sảnh cũng vào theo. Mấy phút sau ti vi tắt thì bật máy chiếu màn ảnh rộng. Khán giả lấy làm thích thú vì một đêm vừa được xem văn nghệ, video, phim nhựa mà chỉ một vé thôi, những đêm sau Nhà văn hóa không còn chỗ chứa, chúng tôi phải chiếu liền hai suất.

Chúng tôi còn hợp đồng máy 100 in của anh Dương ở Trung tâm văn hóa Đông Hà ra, phong tỏa khắp địa bàn. Hơn ba tháng trời bị “bao vây”, Công ty Chiếu bóng bị lâm vào thế bí, sức lực cạn kiệt. Ngang qua Công ty, tôi thấy họ mỗi người một cái soong lui cui nấu thổi ở các gốc cây. Trong soong chỉ được góc loong gạo, thậm chí vài củ khoai ăn trừ bữa. Tôi còn nghe tin anh Hợi đã bỏ về nhà. Anh Lê Đức Kiệm lên thay. Công ty đang chuẩn bị lực lượng để mở cuộc tấn công mới. Mấy ngày sau tôi thấy họ điều động quân liên tục và bổ sung thêm phương tiện mới, tôi rất lo. Nhưng rất may, Sở đã có quyết định điều tôi vào phòng nghiệp vụ. Tôi như kẻ bỏ của chạy lấy người.

Đoạn kết:

Ba mươi năm đã đi qua. Giờ đây nhớ lại những chuyện xưa, tôi thấy việc mình làm thật ấu trĩ. Nhưng dẫu sao tôi cũng dễ thông cảm cho mình vì đó là buổi đầu bước vào cơ chế thị trường, chẳng mấy ai không gặp những khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng có một điều tôi không thể tha thứ cho mình được, đó là những hành động làm tổn thương đến bạn bè đồng chí. Mỗi lần nghĩ lại lòng tôi nhói buốt. Ôi ! cũng chỉ vì bát cơm manh áo mà chúng tôi đã giành giật, xâu xé lẫn nhau.

Anh Dưa, anh Hợi ơi … Mong các anh hãy thông cảm và tha thứ cho tôi. Trong số các anh, những người ở ngoại tỉnh, từ đó đến giờ tôi không gặp lại, liệu có ai vì cuộc cạnh tranh ngày ấy mà sạt nghiệp, lâm chung ? Tôi cầu cho cuộc sống các anh, vợ con các anh gặp đựơc nhiều may mắn để cho tôi đựơc thanh thản trong lòng.

Ba mươi năm rồi giờ đây mái tóc tôi đã bạc, tôi như chú ngựa già vẫn còn nặng cổ xe, gõ những bứơc chân mỏi mệt trên đường, ngoái đầu nhìn lại hun hút  quảng đường đã đi qua .. cầm bút viết những dòng sám hối, mong sao đến được với các anh và âu cũng là lời nhắn gửi người đời rằng: Trong cuộc sống hôm nay cần có sự cạnh tranh để vươn tới, nhưng xin mọi người hãy hướng trái tim ấm áp vào nhau.

C.H

 

Cao Hạnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 163 tháng 04/2008

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground