Bạn trẻ mua tò he tại Lễ hội chợ Đình Bích La - :Ảnh: Thanh Long
1. Dù nay đã bước sang tuổi bảy mươi, nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến nghề nặn tò he truyền thống của quê hương thì trên khuôn mặt “nghệ nhân” Lê Bá Thời làng Bích La, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong ánh lên một nụ cười tươi tắn đầy vẻ tự hào và chuyện trò sôi nổi: “Tui nói thiệt chú đừng cười chứ giờ đã bảy mươi niên rồi mà cứ mỗi dịp Tết đến xuân về đi đào đất sét để nặn tò he chưng chơi và đem ra lễ hội Chợ Đình Bích La bán cho du khách là tui mừng vui như trẻ con được bố mẹ mua áo quần mới ngày Tết vậy...”.
Ngày ấy, xóm Cửa Rào nơi ông Thời sinh ra lớn lên, hầu như nhà nào cũng làm tò he để bán cho người chơi xung quanh vùng. Nhất là lớp thanh thiếu niên ai cũng có một con tò he giắt túi vào dịp nghỉ hè, lễ tết hay những đêm trăng sáng cùng nhau rong chơi thổi vang khắp xóm làng. Ông Thời kể rằng, những con tò he mang dáng hình các con vật thân quen thường ngày như gà, cá, vịt, mèo... ngộ nghĩnh phát ra những âm thanh vui nhộn đã cuốn hút ông một cách kỳ lạ từ ngày còn tấm bé. Để “nói có sách, mách có chứng”, ông Thời mở tủ kệ chứa đồ trang trí sửa soạn những con tò he dáng hình 12 con giáp cùng những con vật yêu thích khác được “hóa thân” từ thớ đất sét ruộng đồng mà ông đã nung lửa kỹ càng cất giữ làm kỷ niệm cho chúng tôi xem. Thật bất ngờ, những khối đất sét qua bàn tay khéo léo nhào nặn của nghệ nhân Lê Bá Thời đã trở thành những hình thù thú vị. Tuy không đặc sắc, tinh xảo, phong phú như tò he xứ người nhưng những chú tò he mộc mạc được tạo nên từ đồng đất quê hương gợi bao nỗi nhớ thương trong ký ức của những người đang sống, những người xa quê.
Cứ thế, cuộc chuyện trò của chúng tôi đang sôi nổi, vui vẻ bỗng ông Thời lặng im, đôi mắt ông chùng xuống trầm tư như đang tưởng nhớ về một thủa xa xưa nào đó… Rồi ông nói chậm rãi thực lòng: Hiện nay nặn tò he không còn là nghề kiếm kế sinh nhai như xưa, nhưng đó vẫn là nghề truyền thống tổ tiên để lại. Thế nên cứ vào những ngày tháng cuối năm khi việc đồng áng đã hoàn tất, ông cùng những người trong xóm tranh thủ trời nắng ráo, ra bờ sông Vĩnh Định đào đất sét đem về nhào nặn tò he. Trước là để thỏa lòng đam mê về những con tò he ngộ nghĩnh trong những ngày vui xuân đón Tết và quan trọng hơn là để hồn quê được lưu giữ mãi cùng năm tháng đời người.
Theo ông Thời, để làm ra những con tò he ưng ý nhất phải trải qua rất nhiều công đoạn làm đất kỹ càng. Đất sét khi đào về thì đem ra nhồi thật nhuyễn, sau đó cắt từng lát mỏng để tìm nhặt loại bỏ đá sỏi và những tạp chất trộn lẫn. Làm sạch xong đất được tiếp tục nhồi cho đến khi nào mềm nhuyễn không còn dính vào tay nữa thì bắt đầu làm. Để con tò he có âm thanh nghe trong trẻo, vang xa thì do tay nghề của từng người thợ, nhất là tùy thuộc vào cái kèn làm bằng lá cọ gắn vào tò he. Lá cọ sau khi cắt về phơi nắng hoặc treo lên chạn bếp hong khô cho vừa độ để khi đem ra sử dụng kèn sẽ không bị giòn vỡ…
Tò he sau khi hoàn thiện được xếp đặt cẩn thận chờ đến ngày 30 Tết sẽ tô sơn phết màu để tạo thêm đường nét sặc sỡ, ngộ nghĩnh, bắt mắt. Và khuya mồng 2 rạng ngày mồng 3 Tết chúng sẽ được trang trọng mang ra lễ hội Chợ Đình Bích La bày bán với những gửi gắm năm mới may mắn luôn đến với mọi người. Cùng với những sản vật cây nhà lá vườn dân dã đậm hồn quê như chè xanh, mía, chuối, vài buồng cau, nắm trầu, mớ cá con tôm,... con tò he được bày bán trong lễ hội Chợ Đình Bích La là một điểm nhấn đặc sắc đánh thức du khách với bao yêu thương và hoài niệm.
Ông Thời còn thổ lộ thêm, mấy mươi năm gắn bó với những con tò he mộc mạc, dung dị, thân quen từ đồng đất quê hương, nhưng mỗi khi nó cất tiếng “tò te” thánh thót hòa cùng tiếng nói cười rộn rã của muôn người du xuân, tiếng trống khai hội Chợ Đình Bích La làm trào dâng một cảm xúc khó tả về mảnh đất hiền hòa thắm đượm tình người, tình quê này.
2. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày rằm tháng Giêng âm lịch, người dân làng Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng lại nô nức trống dong cờ mở chuẩn bị cho lễ hội cầu ngư (cầu mùa) và hội đấu vật truyền thống của làng hơn 400 năm qua.
Thi đấu vật ở làng Trung An ngày xuân - Ảnh: Văn Ba
Theo ông Lê Quang Ngoãn (60 tuổi, làng Trung An) lễ hội cầu ngư truyền thống của làng trong những ngày đầu xuân nhằm để khẩn cầu mưa thuận gió hòa, ngư dân bình yên trong những chuyến ra khơi bám biển đánh bắt thuyền đầy tôm, cá. Và ngay sau phần lễ được tổ chức tôn nghiêm, trang trọng, thành kính thì sẽ diễn ra hội đấu vật đầy tinh thần thượng võ, thu hút sự tham gia của hàng chục đô vật cùng đông đảo người dân đến xem, cổ vũ tạo nên một không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu năm mới.
Cùng với lễ hội cầu ngư thì hội đấu vật ngoài yếu tố tâm linh truyền thống như cầu mong cho dân làng yên ổn, mọi sự an lành đến với muôn người còn là một hoạt động rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí cho dân làng. Bên cạnh đó, hội đấu vật nhằm mục đích lưu giữ truyền thống võ vật - một sinh hoạt văn hoá đặc trưng của người Việt với niềm mong ước cho nhân dân nhiều sức khoẻ để chế ngự thiên nhiên xây dựng cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc.
Trong ký ức ông Ngoãn (người từng hai lần vô địch hội đấu vật làng Trung An) thì đấu vật trong hội xuân của làng xưa có khác so với bây giờ. Các cặp đấu phải bằng nhau về hạng cân, lứa tuổi, già trẻ... và áp dụng nguyên tắc luật thi đấu vật dân tộc như phải đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng” đồng thời giữ (đè) được đối thủ trong vòng ba giây là giành chiến thắng. Hình thức thi đấu diễn ra theo trình tự từ lứa tuổi nhỏ đến lớn, nếu đô vật nào có bốn lần thắng liên tiếp thì được vào vòng chung kết. Sau khi chọn được bốn đô vật xuất sắc vào vòng trong sẽ tiến hành lượt đấu tìm ra hai đô vật vào đấu chung kết để tranh giải nhất.
Còn xưa, người chơi nào muốn đứng trên bục danh dự cao nhất đều phải thi đấu liên tục với tất cả các đô vật không kể nặng nhẹ, cao lớn, thấp gầy, già trẻ… cho đến khi không còn ai thách đấu nữa thì mới nhận được cờ chiến thắng. Đấu vật xưa cũng tự do hơn và chỉ duy nhất một giải thưởng cho người vô địch. Chính nhờ quy định ngặt nghèo vậy nên khi người chơi đoạt giải cao nhất thì gia đình, dòng họ rất đỗi tự hào, người dân mến mộ. Tự hào hơn, người chiến thắng sau khi nhận cờ được cùng các bô lão trong làng rước cờ chiến thắng đến dâng cúng, báo công tại miếu âm hồn của làng...
Ông Ngoãn chia sẻ thêm, để có một trận đấu toàn thắng đòi hỏi người chơi phải tập luyện về kỹ thuật, chiến thuật bài bản, công phu. Trước hết, các đô vật phải rèn luyện thể lực cho bền sức, chân tay phải vững vàng, mạnh mẽ để khi thi đấu từng bước chân di chuyển tới lui, bước ngang, bước xéo, xoay vòng được vững chắc. Nhất là đôi tay cần phải chắc khỏe, dẻo dai để khi nắm hoặc lồng vào tay đối thủ sẽ tạo cho mình cảm giác tự tin, chiếm ưu thế. Đặc biệt, khi bước ra cuộc chơi thì tinh thần phải vững vàng, mắt nhìn thẳng để không bị đối phương đánh đòn tâm lý, gây tư tưởng hoang mang, dao động. Ngoài ra, các đô vật còn phải tập luyện cách té ngã thế nào cho khỏi đập đầu xuống đất, khỏi gãy tay, thương tích, tập cách né tránh, thoát hiểm…
“Để nói về những điều thú vị về hội đấu vật truyền thống ngày xuân của làng Trung An có lẽ không bao giờ diễn tả hết được. Bởi nó mang đến cho con người những giờ phút thư giãn, thảnh thơi, vui chơi thỏa thích trong không khí trong trẻo của mùa xuân...”. Ông Ngoãn bộc bạch.
Cuộc sống hiện đại ngày nay với nhiều đổi thay, những thứ đồ chơi, trò chơi điện tử hiện đại đang lấn át dần những trò chơi dân gian xưa. Thế nhưng, trải qua những thăng trầm lịch sử, những con tò he mộc mạc, ngộ nghĩnh được hóa thân từ thớ đất sét ruộng đồng vẫn luôn giữ được sức cuốn hút tâm hồn người chơi trong mỗi độ Tết đến xuân về. Hay những hội đấu vật truyền thống ở các làng quê vẫn luôn được tổ chức trang trọng, văn minh, lành mạnh, thu hút đông đảo người xem đến cổ vũ, hò reo... chứng tỏ ẩn sâu trong nó những tinh hoa hồn cốt dân tộc không dễ gì quên.