Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thức cùng thiên nhiên

 đảo Cồn Cỏ có những người lâu nay chúng ta ít nghe đến. Còn có một ngôi nhà mà các đoàn khách trong đất liền ra thăm đảo ít khi ghé đến. Có lẽ bởi họ, những người mặc thường phục sống và làm việc trong ngôi nhà đó, khu vườn đó quá ư bình lặng, khuất trong một vườn chuối um tùm. Những chuyện về họ tôi được nghe lính đảo kể lại phần nhiều, còn họ là những người cũng trầm lặng như ngôi nhà ấy, nên ít khi kể về mình. Hôm tôi đến chơi, ngỏ ý muốn được nghe chuyện, Lê, một trong những chủ nhà lục tìm tìm trong các tủ sắt tập tài liệu chép tay đã úa vàng "Lịch sử trạm khí tượng Hải Văn Cồn Cỏ". Đúng vậy, họ - anh Cường, anh Tâm, Sơn và Lê là những chủ nhân của ngôi nhà trên tầng thượng trăng nhiều dây ăng ten như chuồng bồ câu đặt máy đo nhiệt độ, áp suất không khí, những tâm pin mặt trời… Tôi như có cảm giác rằng, hình như cả một thiên nhiên đang ùa về đây…

Ngày 7 tháng 3 năm 1974, Nha khí tượng Trung ương ký quyết định thành lập trậm khí tượng - Hải Văn Cồn Cỏ - Ngày 25 tháng 3 năm 1974. Trạm trưởng mới bổ nhiệm Nguyễn Xuân Cự cùng hai nhân viên lên thuyền nan, xuất phát từ Cửa Tùng nhằm hướng Cồn Cỏ, chếch về Đông Bắc 61 độ. Cồn Cỏ, hòn đảo đã hai lần được tuyên dương anh hùng. "Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận". Cồn Cỏ tọa độ tọa độ 17o10' vĩ độ Bắc, 107 o 22' kinh độ Đông.

Buổi đầu, ba anh em ở nhờ nhà của lính đảo, rồi bắt tay vào việc dựng lán trại, lắp đặt máy móc chuẩn bị cho buổi làm việc đầu tiên. Vạn sự khởi đầu nan. Bây giờ, miền Nam vẫn còn nổ súng, khó khăn vất vả lại càng nhân lên. Thiếu nước, thiếu ăn thì đã có anh em lính đảo. Nhưng lính đảo vốn đã gian khổ nhiều rồi, lại đang chiến đấu. Anh em trong trạm bảo nhau tự lực cánh sinh là chính. Ngày vào rừng chặt cây, cắt tranh về làm nhà, đêm mò cua, bắt ốc về nấu ăn. Buổi đầu ấy, Trạm đặt bản doanh ở trước bãi biển Hi Rôn, sát cạnh khẩu đội Sông Hương. Thế rồi, sau hai tháng chuẩn bị, cuối cùng ba căn nhà lá đùng đình, mái lợp cỏ tranh cũng được cất lên, máy móc được lắp đặt đúng vị trí.

Những dòng chữ của người chấp bút viết cuốn lịch sử đến đây bỗng dưng run rẩy, không đều, dù những trang trước đó, chúng đều tăm tắp và rất đẹp. Có lẽ anh đã rất xúc động khi ghi lại những tháng ngày đáng nhớ ấy…

Ngày 1 tháng 6 năm 1974, lúc 0 giờ 0 phút. Trạm chính thức thu thập số liệu về khí tượng, hải văn, thời tiết; chính thức liên lạc mạng với các Trạm quan trắc trên toàn miền Bắc, chính thức thông báo sự có mặt của mình. Trạm trưởng Nguyễn Xuân Cự như một vị chỉ huy điềm tĩnh mắt chăm chú theo dõi điện báo viên đang gõ ma níp, phát đi bức điện đã mã hóa các thông tin về thời tiết.

Bức điện đã phát xong, phía bên kia yêu cầu phát lại một vài nhóm tín hiệu. Vậy là đã thành công! Kể từ 0 giờ ngày hôm ấy, Trạm khí tượng hải văn Cồn Cỏ trở thành Trạm quan trắc tiền đồn của miền Bắc chúng ta, như chính đài quan sát của anh Thái Văn A trên đồi Hải Phòng là con mắt của trời Cồn Coe, biển Cồn Cỏ. Kể từ 0 giờ ngày hôm ấy cho đến tận hôm nay, những ngày của tháng 9 năm 1998. Liên tục, đều đặn. Ngày bốn phiên vào lúc 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ, trên không gian Cồn Cỏ, từ dãy ăng ten trên tầng thượng ngôi nhà trầm lặng lại vọng lên những làn sóng điện, truyền đến Hà Nội, Huế, Đà Nẵng những số liệu, những chữ số, những thông tin về trời Cồn Cỏ hôm nay, gió Cồn Cỏ hôm nay, biển Cồn Cỏ hôm nay… Để nơi nhận là những Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực phân tích tổng hợp để dự đoán thời tiết ngày mai.

Ấy là những ngày thường, còn khi có bão, theo quy định Trạm phải làm việc liên tục, 24 trên 24, mỗi giờ một lần lên máy. Biên chế trạm chỉ có bốn người, anh em thay phiên nhau người trực máy, người quan tắc, người lo che mưa che gió cho thiết bị, người nấu cơm…

Năm 1985, cơn bão số 8, sức gió giật trên cấp 12. Cồn Cỏ đúng vào mắt bão. Phiên trực 1 giờ sáng, Trạm trưởng Nguyễn Cự cầm đèn pị dò dẫm ra cọc thủy chí cắm ở bến nghè đọc mức nước. Mưa thì từng nắm sỏi ném vào mặt đau rát. Gió lồng lộng hất tung người lên, đi thẳng người không được đành phải bò, nhích dần từng mét như bộ đội. Chỉ cần vượt qua bờ đa kia một quãng 20 mét rồi soi đén pin là có thểd đọc được nước đã dâng lên đến đâu… Bất ngờ! Một con sóng to như tòa nhà lừng lững ập đến. Sóng cuộn! Nguyễn Cự chỉ kịp ôm vội lấy một gốc phong ba rồi nhắm mắt. Cả anh và phong ba cuộn tròn, nhào lộn trong sóng biển mù mịt. Nhưng cây phong ba vốn bám rất chắc vào vách đá, rễ cây chỉ bật tung lên, và vẫn kịp giữ lại người Trạm trưởng gầy yếu tuổi đã ngoại tứ tuần không cho sóng cuốn đi. Giờ anh nghỉ hưu ở Vĩnh Quang huyện Vĩnh Linh. Tôi gặp anh trong vườn nhiều tiêu, chè xanh ngăn ngắt, nghe anh kể chuyện bằng một giọng chậm rãi, rồi hỏi một câu ngớ ngẩn:

- Thế lần ấy thoát chết rồi, anh có đọc được mực nước trên cọc thủy chí không?

Anh nói hơi vẻ ngượng ngùng:

- Lần ấy thì không, vì đèn pin đã mất vả lại cọc thủy chí cũng đã bị sóng biển cuốn rồi. Đó cũng là lần duy nhất trong đời quan trắc của mình không hoàn thành nhiệm vụ.

- Không hoàn thành nhiệm vụ? Anh có bị cấp trên phê bình không?

- Không đâu. Người ta cũng hiểu. Nếu lần ấy bị sóng cuốn đi thì sẽ thành liệt sĩ! Anh cười, nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt khắc khổ, và tôi cũng ngỡ ngàng nhận ra, đâu chỉ có những nười lính mới được quyền hy sinh khi ôm bọc phá xông lên mở cửa, khi tung lựu đạn vào nắp xe tăng địch… Những người như các anh cũng có thể hy sinh khi chỉ còn cách cọc thủy chí chưa đầy hai mươi mét trong khi trong tay không có bộc phá và lựu đạn, chỉ có cây đèn pin và chiếc máy nhỏ đo độ mặn của nước biển.

Sau cơn bão ấy, Trạm chỉ còn trơ lại hai nửa bức tường đá và các tủ sắt đựng tài liệu. Toàn bộ hệ thống nhà cửa, vườn khí tượng, máy móc thiết bị đã bị sóng gió phá sạch. Trạm ngừng hoạt động gần một tháng. Tôi nhận ra điều đó khi lần giở những bảng biểu  ghi chép số liệu còn lưu lại, những dãy số nhỏ li ti, đều tăm tắp chợt ngừng vào ngày 6/10/1985, rồi đến 0 giờ ngày 1/11/1985 lại tiếp tục. Trong khoảng thời gian ấy, Trạm được quy hoạch, xây dựng khang trang và kiên cố hơn. Anh Nguyễn Văn Cường, Trạm trưởng đương nhiệm khoe: "Ngôi nhà này cũng là bộ đội công binh thiết kế và thi công đấy" Tôi nhìn ngôi nhà: tường dày, nửa mét, trần bê tông dày 0.2 mét. Những phòng làm việc, phòng ngủ, phòng đặt máy móc thiết bị được bố trí khép kín rất khoa học, tiện dụng và như một pháo đài! Có lẽ người thiết kế đã tính toán kỹ lưỡng cho nó có khả năng chịu được một cơn bão trên cấp 12? Anh Cường dẫn tôi vào phòng làm việc.

- So với năm 1985, Trạm bây giờ được trang bị hiện đại hơn, máy móc thiết bị làm việc được ưu tiên của nước ngoài, phụ tùng thay thế lúc nào cũng đầy đủ và toàn là đồ "xịn"! Anh nói với vẻ tự hào, y như anh đang kể về những đứa con của mình vậy.

Tôi tò mò sờ tay lên những thành máy sạch sẽ và thơm tho, thấy mát lạnh… Tôi thích thú giở những tấm biểu đồ xanh đỏ, chằng chịt những số liệu và những hình vẽ đồ thị đẹp đẽ mà máy móc ghi lại. Những hình vẽ loằng ngoằng, cao thấp, sống động… theo một quy luật nào đó mà tôi chẳng thể nào hiểu nỗi. Cũng giống như tôi đã chẳng thể nào đọc được điều gì trên bảng điện tim đồ khi một lần đưa em đến bệnh viện, bác sĩ xem xét những vấn đề của trái tim em…

Màu mực xanh bình yên. Màu mực đỏ ngời ngời. Tiếng anh Cường nghiêm trang như tiếng một thuyền trưởng: "Bây giờ là gió Tây Nam. Tốc độ 14 mét giây. Gió nhẹ hơn hôm qua!" Vâng, cầu mong ngày nào gió cũng nhẹ hơn…

Tôi nhìn ra cửa sổ. Trời Cồn Cỏ rất xanh, chẳng có tí mây nào. Những con sóng dào dạt xô bờ, như giận dỗi, như vỗ về ai đó. Ngoài sân, tay cầm kính lặn, tay xách một nhành san hô đẹp như vương miện, một chàng trai còn ướt nước biển bước vào. Tôi hỏi giọng nghịch ngợm:

- Lê định mang ra Hà Nội để mồi chài các em đấy à?

- Hỏng rồi anh ơi!

- Sao hỏng? Mà hỏng gì?

- Việc đi học đại học của em ấy! Hỏng rồi, thiếu đúng một điểm.

Trước đó, tôi có nghe Lê được cấp trên cho ra Hà Nội ôn thi đại học chuyên ngành Khí tượng Hải Văn. Xét tiêu chuẩn Lê đủ cả: Văn hóa 12/12, đã học qua trung cấp, đã ở đảo 3 năm. Vậy mà giấc mơ thành ông Nghè của Lê đã vỡ. Lê nói giọng buồn buồn:

- Đấy là cơ hội duy nhất để em thi thố với đời, vậy mà…

- Năm sau thi tiếp, lo gì?

- Không có đâu anh, năm sau phải nhường cho người khác rồi.

- Nhưng hồi học phổ thông Lê là học sinh giỏi cơ mà?

- Anh tính, đã bảy tám năm là không rờ đến sách vở, ở đảo liền 4 năm ra Hà Nội thấy cái gì cũng lạ, làm sao địch nổi với người ta ở thành phố có bao nhiêu thuận lợi?

Tôi không biết nói gì thêm, xót xa thay cái chuẩn 13 điểm, mà Lê cộng cả điểm ưu tiên mới được 12… Nhưng Lê ơi, đừng buồn! Có cả ngàn lẻ một cách tiến lên trong đời, mà cần chi phải bước chân qua giảng đường đại học. Tôi biết mình sẽ là sáo rỗng khi nói với Lê rằng, công việc hôm nay Lê đang làm là quý lắm. Chỉ là ghi chép lại những thay đổi của trời đất, chỉ là những con số nhỏ li ti, ngày này sang ngày khác, chênh nhau một vài đơn vị, một vài "phẩy" nhưng chúng là những con số quan trọng. Những con số sẽ sống trên bàn làm việc của nhà khoa học, sẽ nói cho họ biết rằng quy luật của thiên nhiên, rằng bao nhiêu năm thì bão lớn, bao nhiêu năm thì bão vừa bão nhỏ, nước biển đang dâng lên hay hạ xuống dần, và những con sông ở đất liền có làn ngọt hơn nước biển ở ngoài khơi xa. Những con số nói rằng: ngày mai sẽ ra sao?

Anh Tâm, hôm nay đảm nhiệm phần trực nhật, vừa nấu cơm xong, tuy còn dính nhọ nồi, ôm cây đàn guitar chỉ có bốn dây: "Đừng tuyệt vọng. Tôi ơi. Đừng tuyệt vọng…" Anh là người yêu văn nghệ, khi nói chuyện thường chêm một câu tiếng Anh, tiếng Pháp, kiểu như "Ai lớp diu, Bờravô." Làm cái lính trẻ thường đến xem ti vi đen trắng cười tủm tỉm. Anh đang vui, vừa nhận được tin vợ sinh con gái đầu lòng. Tối hôm qua đã thịt con gà ký rưỡi để khao anh em mừng một cô gái Huế hẳn sẽ rất dễ thương đã có mặt trong đời. Đang hát, chợt anh dừng lại:

- Cứ gió kiểu này còn lâu mới có thuyền ra được! Đang sốt ruột chờ thuyền vào đất liền về thăm con gái.

- Gió đang nhẹ dần đi kia mà, anh Tâm?

- Nó mạnh dần nhưng mà sắp mạnh lên đấy, chỉ vài ngày nữa là cấp 6, cấp 7, 16 đến 18 mét giây.

Quả đúng thế thật, những ngày sau gió Tây Nam 18 mét/giây. Sóng bạc đầu xô nhau trùng điệp. Và cô gái Huế sẽ rất dễ thương kia phải chờ đúng 20 ngày nữa mới được người cha Lê Văn Tâm biết mặt.

Ấy là mùa gió Tây Nam, còn gió mùa Đông Bắc biển động có khi hai, ba tháng trời, chuyền tiếp tế không ra được. Gạo hết, thực phẩm hết phải vay tạm anh em lính đảo, rồi cũng có khi chỉ còn muối trắng. Sợ nhất là pin đèn hết, làm ca ban đêm phải dùng bật lửa lội dưới nước lạnh căm căm để xem mực nước trên cọ thủy chí. Đi đêm không đèn, dẫm lên rắn lục trên đường, nhớ lại còn thấy rờn rợn. Ở Cồn Cỏ không hiểu sao rắn lục rất nhiều, đêm chúng bò ra nằm cuộn tròn giữa đường như một đoạn thừng màu xanh. Có hôm, chẳng hiểu bằng cách nào, một chú rắn lục chui vào trong buồng đặt máy đo áp suất không khí ngoài vườn. Mở ra, thấy đôi mắt xanh lè…

Những ngày tháng đang qua đi trong ta, có bão giông và có yên bình; nhưng tôi biết từng đêm từng đêm, vào lúc 0 giờ sáng, phòng làm việc một ngôi nhà trầm lặng trên Cồn Cỏ lại sáng ánh đèn, rồi từ dãy ăng ten trên tầng thượng lại rung lên những làn sóng điện.

- Trời Cồn Cỏ hôm nay…

- Gió Cồn Cỏ hôm nay…

- Sóng Cồn Cỏ hôm nay…

Những vòng quay của máy đo gió vẫn quay, chiếc kim nhỏ vẽ lên những đồ thị sống động, như là những vết khắc của Thời Gian…Và tôi cảm thấy mình bỗng dưng bé nhỏ quá, chẳng bao giờ có thể hiểu nỗi những bí ẩn muôn trùng của trời đất, của Thiên Nhiên. Cũng như đã một lần tôi ngơ ngác trước tấm bảng điện tim đồ, chẳng thể nào biết được những vấn đề y học của trái tim em, khi người bác sĩ già bước ra nói với tôi và em một điều hệ trọng…

Cả một thiên nhiên đang ùa đến…

                                                         Hà Nội, lớp sáng tác văn học 9-1998.

                                                                                T.H

Trần Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 51 tháng 12/1998

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground