Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng chim gọi hè

Mùa hè với mọi người thường bắt đầu bằng gì nhỉ? Là những cơn gió nồm mát rượi luồn vào ô cửa sổ ban trưa, là ánh nắng xiên qua mái hiên, là mùi hương thơm dìu dịu của bụi hoa giẻ phía vườn nhà đang theo gió lan xa. Riêng tôi, ngoài nắng, ngoài gió, ngoài những mùi hương thì mùa hè còn tìm đến, rối rít thổ lộ bằng muôn tiếng chim ca.

Yên, bạn tôi lần nào ghé lên nhà tôi chơi cũng y nguyên một câu cảm thán: “Cái làng gì như khu rừng. Chả thấy nhà cửa, tường rào, biển hiệu gì, toàn thấy cây”.

Quả thật, so với những ngôi làng kề cận, làng tôi rậm rịt những cây là cây. Từ cây cổ thụ nơi gốc sân đình đến những tầng cây ăn trái trong mỗi khu vườn có người ở, rồi cây bụi, dây gai, dây leo chằng chịt khắp những cung đường bao bọc lấy xóm làng… Mỗi loài, mỗi họ, bốn mùa trong năm cứ từ tốn chuyển dịch, thay lên mình những màu áo khác nhau. Hết xanh lại vàng, hết vàng lại lần nữa, lần nữa phủ lên mình màu xanh non mượt.

Thấy ngôi làng rậm rạp, nhiều khách phương xa ghé thăm vẫn hay than phiền, kêu ca um tùm này nọ. Thế nhưng mặc kệ, ai than thì than, ai phiền thì phiền, người dân trong làng vẫn luôn tự hào, thiết tha với chốn không gian xanh yên bình và mát rượi ấy. Ba tôi là người mê làng, mê ruộng vườn, mê cây lắm lắm. Ba bảo, làng muốn cho ra dáng làng thì phải có nhiều cây, cây cho sự sống, cây gọi chim về.

Còn nhớ, những buổi chiều mùa hè, cánh đồng và bầu trời đầu làng được những váng đỏ rót sáng, nối tiếp làm cho không gian khắp nơi như thênh thang, cao rộng thêm ra. Xa xa, lấm tấm từng đàn chim rủ nhau bay về làng tìm tổ. Nào thì chim sẻ, chào mào, sáo sậu, bồ chao, chích chòe, chim sâu, bìm bịp… Mỗi loài mỗi đặc tính, một nơi chốn kiếm ăn nhưng trong chiều nhạt nắng, chúng lại cùng chung nhau nơi chốn trở về.

Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ

Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ

Ở làng, vườn nhà tôi trồng nhiều tre nhất. Những lũy tre um tùm được cha trồng sát mép sông phần làm hàng rào, phần để giữ đất. Chiều chiều, khi tôi nghe tiếng những ngọn tre va vào nhau xào xạc, nhìn đám lá liên tục rung lên xao xác là tôi biết lũ bìm bịp sau một ngày kiếm ăn đã trở về. Bìm bịp là loài chim lớn, thường sống theo cặp, thân màu vàng cháy pha đen, đuôi khá dài, đôi chân khỏe. Chúng thường cất tiếng gọi bạn vào lúc chiều xuống. Những âm thanh trầm buồn cất lên trong chiều hoàng hôn yên lặng càng gợi cảm giác tĩnh mịch cho khu vườn rậm ven sông.

Nếu vào mùa đông ngày nhanh sập cửa, trời sẽ tối ngay khi ai đó còn chưa kịp nhìn thấy khói lam chiều, thì vào mùa hè, hoàng hôn sẽ kéo dài bởi những vệt sáng vấn vít mãi chưa tắt. Đâu đó, tôi nghe từ những vườn hoang vọng đến tiếng một loài chim đặc biệt khác nữa. Đó là loài chim có cái tên rất tam sao thất bản: “bắt cô trói cột”, “năm trâu sáu cột”, “con còn côi cột”,…

Đây là loại chim thuộc họ cu cu, có lông màu xám nhạt. Vào mùa đông, chúng thường theo đàn tỏa về phương Nam tránh rét, khi hè đến chúng lại tìm đến  lưu trú trên những khu rừng, biền bãi, đậu trên những tầng tán, bụi cây dồi dào sâu bọ ở một số ngôi làng.

Sở dĩ, chim có nhiều cách gọi như vậy vì việc đặt tên được dựa vào phiên âm của tiếng hót. Cũng là bốn âm tiết, lên xuống trắc bằng, nhưng tùy vào cảm nhận của người nghe để có lựa chọn riêng cho vùng miền mình. Ở làng tôi, để đặt tên loài chim này, người ta đã gắn cho nó một huyền tích.

Bà tôi kể, ngày xưa, có hai vợ chồng nọ vì tìm cách mưu sinh nên đã đi lên một ngọn đồi thuộc vùng trung du để đốt nương làm rẫy. Sau khi phát cỏ, chặt cây rạp xuống, họ cho phơi nắng suốt một ngày dài. Buổi chiều, khi cành lá đã héo khô, hai người châm lửa đốt. Sau mồi lửa, cây cỏ bám nhau cháy phừng phực, tỏa ra hơi nóng, bỏng rát khắp không gian. Bỗng nhiên, từ đâu mọi người nghe những tiếng thét của một con vượn mẹ: “con còn côi cột, con còn côi cột”…

Thấy tôi chưa hiểu, bà mới kể thêm, trước khi lên đường đi kiếm ăn, vượn mẹ đã cẩn thận đặt vượn con lên một cây cột cao để phòng trừ nguy hiểm. Nhưng khi lửa cháy, vượn mẹ đã không kịp chạy về cứu con, nó chỉ biết đứng từ xa thét lên trong đau đớn. Từ đó trở đi, cứ chiều về, nơi khu rừng hoang bắt đầu xuất hiện một loài chim liên tục cất tiếng hót “con còn côi cột, con còn côi cột”…

Câu chuyện bà kể không biết có thật hay không nhưng nó đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Tiếng chim kêu ấy không chỉ gợi lên một niềm tiếc nuối, xót thương, mà còn như đang nhắc nhở về một lối sống thân thiện, cần phải tôn trọng thiên nhiên, môi trường. Bao giờ cũng có thêm một thế giới khác giữa những ngọn đồi, rừng cây.

Chim trời thì mùa nào, nơi nào cũng có nhưng tiếng hót trẩy hội nhất phải ở miền đất lành. Mùa hè ở làng, tôi thường dậy sớm đón bình minh. Ngồi dưới hiên nhà, tôi lắng tai nghe dàn hợp âm trong veo, ríu ran đầy quen thuộc. Trên gốc bưởi đầu hè, những chim sâu bố, chim sâu mẹ đang ríu rít chuyền cành, đôi chân nhảy nhót, tiếng hót lích chích, nhìn có vẻ tươi vui và bận rộn lắm. Tôi trộm nghĩ, thế nào trưa nay chim sâu con cũng có một bữa no.

Bọn chích chòe than, vành khuyên, sáo sậu quen làm tổ ở dãy xoan trước nhà cũng thức giấc, bắt đầu chao liệng, một số không thèm đợi bạn đã đập cánh vù bay đi, rớt lại trong không gian những âm thanh lảnh lót.

Như cha, tôi yêu làng mình, vì làng còn giữ được tiếng chim…

D.T

Diệu Thông
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 333

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

5 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

6 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground