Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng gọi từ Cam Lộ

Trước khi  rời Hà Nội vào Quảng Trị công tác, một anh cùng cơ quan cầm tay tôi nói:

- Quý vào đó, nhớ thắp hộ cho mình một nén hương ở bất cứ nghĩa trang liệt sĩ nào nhé!

Tôi hiểu lòng anh – một người lính đã từng uống nước Do Linh, ăn sắn Cam Lộ, từng ôm súng đánh giặc trên mảnh đất bom đạn tơi bời này thì hơn hai mươi năm dằng dặc chưa có dịp trở lại chiến trường xưa là sự day dứt trăn trở không dễ gì khoả lấp được. Giữa dòng chảy ào ạt của cuộc sống, những người lính trải qua thời máu lửa dù phải bươn bả nuôi con ăn học vẫn có lúc đi ngược thời gian trở về với đồng đội của mình đã từng sống chết…

Một miền đất của thời máu lửa như Quảng Trị với Dốc Miếu, Cồn Tiên, Cửa Việt, Thành Cổ, Đông Hà, Cam Lộ, Khe Sanh … ai đã từng ăn bờ ngủ bụi chịu bom hứng đạn để đánh giặc ở đây càng không thể không canh cánh trong lòng nỗi nhớ thương đồng đội. Chỉ tính riêng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở thượng nguồn sông Bến Hải đã có 10.333 đồng đội ta nằm ở đó. Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 đang hối hả hoàn thiện để kịp cắt băng khánh thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sĩ có số mộ còn nhiều hơn. Những người lính của đoàn 584 (Bộ chỉ huy quân sự tính) đang ngày đêm băng rừng lội suối giữa trùng điệp Trường Sơn để tìm đồng đội. Và, 535.000 người dân ở xứ sở gió Lào cát trắng vẫn không nguôi ngoai một câu hỏi thiêng liêng: còn bao nhiêu anh em miềng đang nằm đâu đó chưa được phát hiện quy tập về?

Tôi đã thay mặt anh thắp một nén hương ở nhà bia tưởng niệm 108 chiến sĩ của Sư đoàn 320 hy sinh trong tổng tiến công chi khu quân sự Cam Lộ ngày 02.02.1968. Lặng lẽ cúi đầu tưởng nhớ trước những dòng chữ vàng khắc trên đá: Cao Xuân Hải, Đoàn Xuân Quý, Nguyễn Tiến Đường, Nguyễn Khắc Yên… Đầy đủ họ tên 108 liệt sĩ.

Đứng bên tôi là anh Đinh Ngọc Hoàng, người mà vào một buổi sáng mùa mưa năm 1991 khi đào hố trồng cây trong vườn nhà anh Đinh Ngọc Quế (anh ruột Hoàng) đã phát hiện ra ba hài cốt liệt sĩ. Nhà bia tưởng niệm – công trình tình nghĩa của nhân dân Cam Lộ được dựng lên ở đây. Nhà Hoàng ở bên phải kề sát nhà bia và vợ chồng anh (làm nghề chữa xe đạp) được chính quyền giao cho việc trông nom hương khói…

Rót cho tôi ly nước chè xanh, Hoàng kể:

- Sáng hôm ấy, anh Quế nhờ em đào hố trồng cây, khi ấn những lát xẻng vào lớp đất xốp khác thường, em nghĩ mình đã gặp trúng hầm phế liệu chiến tranh. Đào rộng ra và sâu lút xuống đầu em vô cùng sửng sốt khi bắt gặp ba bộ xương người và một đôi dép cao su, một tấm dù hoa, một bàn chải đánh răng cán nhựa khắc hai chữ Hồng Hà, ba đoạn dây dẫn điện ở mìn clâymo. Sau này em được biết chính bọn địch đã dùng sợi dây mìn trói xác các anh để kéo xuống hố chôn. Thời gian sau, bộ đội và nhân dân tổ chức đào rộng ra để tìm nhưng không phát hiện thêm dấu vết nào nữa.

Bất giác, tôi đăm đăm nhìn qua vườn nhà anh Quế, trong cái nắng như trút lửa của tháng năm và cái nóng hầm hập của gió Lào cây cối trong vườn vẫn xanh tươi toả bóng. Bưởi, chanh, đào, Sabuchê có vẻ như xanh mướt hơn nơi khác. Lá lào xào như tiếng vọng của đất. Dưới những tán lá xanh kia liệu còn có liệt sĩ nào đang nằm đó? Còn bao nhiêu linh hồn đồng đội của chúng ta đang bị những sợi dây mìn thít chặt và ai trong số đó có cha, mẹ, vợ con, anh em đang khắc khoải nhắn tìm trên đài trên báo?

Những chi tiết đã được nghe kể nhức nhối trong tôi. Suốt mồng một mồng hai tết Mậu Thân tên thiếu tá Rao, quận trưởng lồng lộn như cọp dữ. Hắn cho lính lái máy ủi đào một cái hố dài mười lăm mét, sâu hai mét, dùng dây mìn clâymo trói xác anh em ta lại kéo xuống. Lèn chặt xác liệt sĩ trong cái huyệt chung đó, bọn chúng dùng máy san bằng, sau đấy lát những tấm ghi sắt lên trên làm bãi đáp cho máy bay trực thăng …

Lẽ nào, trong 108 cán bộ chiến sĩ ta ngã xuống trong trận đánh đêm giao thừa ấy chỉ có ba người trở về cùng đồng đội? Còn 105 liệt sĩ nữa ở đâu? Ba hài cốt đã phát hiện ra có nằm chung trong cái hố chôn người tập thể. Hai cái hố chồng chất xương người ấy không nằm trong vườn nhà anh Quế hoặc nó ở ngay dưới nền nhà của anh? Tôi hỏi đi hỏi lại Hoàng: “Thế lần đào sau không phát hiện được gì cả à?” – “Không anh ạ! Nói ra anh đừng cho em mê tín dị đoan. Sau khi đào xuống không phát hiện được gì, chờ cho các anh cán bộ về, bọn em ở lại tổ chức “cầu cơ” với ý muốn các anh bộ đội sống khôn chết thiêng lên nhập vào báo cho chúng em biết chỗ tìm. Em là người “ngồi đồng” nhưng không lên được. Nhiều hôm rằm chờ đến khuya em ra nhà bia thắp hương và ngủ luôn ở đó. Cũng không thấy mộng mị gì hết. Không biết phần xương cốt của các anh khác đang ẩn khuất ở đâu?”

***

Bãi cỏ rộng chừng một sân đá bóng. Chỉ toàn một loại cỏ xanh rì mọc sè sè trên mặt đất. Lưa thưa dăm ba ngôi nhà dân vừa dựng xung quanh.

Chỉ vào cái cọc gỗ đóng xuống chỗ trũng nhất của bãi cỏ đại uý Nguyễn Ngọc Cường – trợ lý chính sách huyện đội Cam Lộ - nói với tôi:

- Đây là tâm điểm cái hầm địch chôn liệt sĩ ta. Qua khảo sát, nếu đào tìm phải mở rộng trong khu vực có bán kính 100 mét, anh ạ.

Tôi giở sổ tay, xem lại những dòng mình đã ghi chép khi làm việc với trung uý Nguyễn Văn Phương – Chỉ huy phó chính trị huyện đội Cam Lộ. Theo tài liệu của Hội cựu chiến binh Mỹ (tham chiến ở Việt Nam) VVA trao đổi và cung cấp cho ta sau chiến tranh thì tại thôn Tân Tường (xã cam Thành, huyện Cam Lộ) ở tọa độ 111-577 (toạ độ ta xác định là 57.700-11.100) phía nam đường Chín cách điểm U1 (mốc địa giới 100 mét trong chiến tranh chống Mỹ địch đã lấp 80 liệt sĩ chúng ta trong một huyệt chung.

Để hiểu rõ hơn về trận đánh này, chúng tôi đã tìm đến bác Trần Quang Biên - Nguyên là huyện uỷ viên Cam Lộ- người dẫn đường cho “tiểu đoàn đặc công của Bộ (không rõ phiên hiệu) đêm 26.8.1966 đánh vào cứ điểm địch.

- Thương các chú ấy quá ! Đến, chúng tôi chưa kịp nhìn rõ mặt mũi nhau, không biết tên tuổi quê quán của chú mô hết, kể cả chỉ huy. Mãi lo cho trận đánh, không ai nghĩ tới chuyện tìm hiểu hỏi han - người cán bộ hưu trí tóc đã điểm sương nghèn nghẹn nói với hai anh em tôi.

Chuyện xảy ra đã ba mươi mốt năm rồi, khi kể lại bác ngỡ như vừa mới hôm qua. Từ Rào Trù (km7 đường 9) khoảng ba giờ chiều tiểu đoàn xuất phát. Hoàng hôn buông dần. Mảnh trăng khuyết đầu tháng treo lơ lửng phía dãy Trường Sơn úa buồn như mắt goá phụ. Đêm nay tiểu đoàn có nhiệm vụ tiêu diệt trận địa pháo của sư đoàn 3 thuỷ quân lục chiến Mỹ đóng ở Động Tranh. Lực lượng địch bố trí ở đây rất mạnh, có cả Mỹ lẫn nguỵ, hàng rào kẽm gai lớp trong lớp ngoài giăng bủa nhằng nhịt.

Trước khi vào vị trí tập kết, trinh sát về báo cáo lại trận địa địch vừa rải thêm lớp hàng rào bùng nhùng (trước đó không có) nên có ý kiến dừng trận đánh lại để tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng hơn. Nhưng chỉ huy đơn vị sau khi bàn bạc, bổ sung thêm một số biện pháp xử lý vẫn xác định quyết tâm tiêu diệt địch, không để nó tiếp tục tác oai tác quái gây tội ác với đồng bào đồng chí chúng ta. Vì thế, trận huyết chiến đã xảy ra. Cả địch và ta đều bị tổn thương nặng nề. Chúng tăng cường thêm lực lượng phong toả gắt gao mọi con đường. Người sống sót thoát khỏi vòng vây đã khó nói chi tới chuyện đưa xác đồng đội ra. Sáng hôm sau chúng kéo xác anh em ta xuống trũng sâu, dùng ét xăng đốt tử thi, khói bay khét lẹt một vùng rồi lấp bằng lại.

Cái trũng sâu ấy, dân địa phương gọi là vùng Sao Sa. Chính cái bãi cỏ ở thôn Tân Tường, nơi tôi và Cường vừa đến sáng nay.

***

Chiếc xe máy loại 78 cũ rích xộc xệch chở tôi và Cường lên cầu Khe Van. Đường 9 chạy về phía tây càng lắm cua, nhiều dốc. Nắng nóng. Gió thổi ào ào như muốn hất ngược chúng tôi xuống đường. Xe chạy rì rì, chỉ nhanh hơn người đi bộ chút đỉnh.

- Tuy xấu mã thế nhưng nó là người bạn đường thân thiết của em đó anh ạ! Nghe dân báo về huyện đội đâu có mộ liệt sĩ là em phải nhờ “hắn” chở đến để kiểm tra ngay. Dân mình thật tốt ! Tuy phải lặn lội đầu rừng cuối động để kiếm miếng cơm manh áo, dù là người đi tìm nhặt phế liệu đến làm rẫy phát nương chặt củi hễ phát hiện ra mộ là báo với bọn em liền. Rồi cũng chính người báo tin dẫn bọn em đến đó kiểm tra. Có lúc họ còn tham gia cất bốc, rửa ráy, hương khói cho liệt sĩ. Cách đây mấy tháng dân báo cho bọn em một mộ liệt sỉ ở Ba Lòng, khi bốc lên hài cốt bọc kín trong bao nilon hầu như vẫn còn nguyên, kể cả miếng gạc thấm máu băng trên đầu. Xong xuôi mọi việc thì trời đổ mưa, phải lấy nilon che hài cốt liệt sĩ. Trời sập tối, chúng tôi phải đội mưa ngồi canh bên hài cốt đợi đến sáng mai mới dùng hai xe đạp cáng về Nghĩa trang liệt sĩ huyện mai táng.

Nhìn dáng người mảnh gầy, nước da đen cháy của Cường, tôi thấy thương hơn những người cán bộ quân đội làm công tác chính sách ở địa phương. Quên mình, tận tâm, chu đáo là những phẩm chất không thể thiếu được ở họ.

Tất tưởi với công việc chung trong lúc gánh trách nhiệm gia đình trên vai người sĩ quan ấy không nhẹ nhàng gì. Trước đây, Cường là lính của Trung đoàn Chiến Thắng, bây giờ chuyển về làm trợ lý chính sách của huyện đội Cam Lộ. Vợ chồng anh chắt chiu dành dụm xây được ngôi nhà nho nhỏ ở xã Cam Thành (ven thị trấn) nhưng vì bố tuổi cao sức yếu không ai chăm sóc hôm sớm, hai vợ chồng anh đành phải bán nhà về quê ở với bố. Hàng ngày, anh phải thực hiện cuộc hành trình gần 20 cây số (cả đi lẫn về) từ nhà lên cơ quan bằng chiếc xe 78 cà tàng. Lương đại uý nuôi bố già, vợ và hai con xem chừng cũng chật vật…

Cầu Khe Van nằm ở Km31+630m của quốc lộ 9, dài 31 mét, rộng 9,6 mét. Nhiều lần ngược xuôi đường 9 nhưng chưa một lần tôi dừng lại lại ở đây, nơi chỉ có lau lách sim mua và dăm ba nếp sàn nhà ám khói.

Đứng trên đầu cầu phía đông, Cường chỉ tay về cột điện cao thế trước mặt nói khe khẽ:

- Theo VVA cho ta biết thì đây là điểm hai, nằm phía đông bắc Khe Van, ứng toạ độ 981-545 (toạ độ của ta là 54.500-98.100) địch đào hào chôn 300 liệt sĩ của ta ở đây.

Trời ! Quả đồi nhỏ bé hình bát úp nằm dưới chân núi Dôi này là nấm mộ không tên của 300 đồng chí chúng ta ư? Một nấm mồ hoang vắng, bí ẩn, ít người biết đến nằm kề sát sự tâp nập của con đường xuyên Á. Những đoàn xe ăm ắp hàng và người chạy từ Đông Hà lên, trên Lao Bảo thị trấn cửa khẩu quốc tế xuống. Con đường đang được nâng cấp mở rộng để “hướng tới tương lai”. Con đường đang “khép lại quá khứ” hận thù. Những người lính Mỹ may mắn sống sót lại sau cuộc chiến lại đi qua con đường này đến thăm Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây … nơi đế giày viễn chinh của họ đã đặt xuống để cuối cùng phải gặt lấy nỗi kinh hoàng trước đòn trừng phạt sấm sét của chính nghĩa và sự ám ảnh triền niên về cái chết vô lý ở miền đất nhiệt đới khắc nghiệt này. Ai trong số họ đã từng ở Khe Van và bây giờ khi đón nhận lời chào hữu nghị cùng với ánh mắt thân thiện và độ lượng của người Việt Nam có thoáng chút ân hận day dứt về những việc đã làm?

- Ta đi tiếp qua điểm một anh nhỉ. Tiếng Cường cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

Theo con đường nhỏ, chúng tôi đi lên đồi. Đất bạc màu, bị mưa gió xói mòn. Cũng chỉ có lau lách, sim mua. Rưng rưng mấy bông sim tim tím đầu mùa. Vạt bạch đàn hai năm tuổi là thứ cây có giá nhất trên mặt đồi cằn cỗi nơi đây.

Nhưng xin chớ dửng dưng với khoảnh đồi này. Nó đã được ghi trong tài liệu của VVA: Phía tây bắc cầu Khe Van, cách đầu cầu từ trên Lao Bảo xuống 220 mét, bên trái đường mòn lên đồi ứng với tọa độ 979-544 (ta xác định là 54400-97900) có một đường hào chôn khoảng 300 liệt sĩ của chúng ta.

Tôi nhìn quanh. Dấu vết chiến tranh sót lại một cách mờ nhạt, đơn điệu. Chỉ còn mấy sợi thép gai của Mỹ đã rỉ rét, tưởng khẽ chạm vào là tan vụn và dăm ba bao cát rách rưới lẫn vào đất đá. Không có dấu tích gì về những đồng đội thân yêu của chúng ta.

Dấu tích ấy, nếu có, nó sẽ lưu lại nhức nhối trong lòng đất kia. Đó là những bộ xương người chồng chất lên nhau hoặc đã hoại tan ra thành tro bụhi. Có thể, còn lại những di vật quen thuộc của người đã khuất: đôi dép cao su sém lửa, chiếc bình tong nham nhở vết đạn hay biết đâu vẫn còn dăm lọ Pênixiêlin đựng giấy tờ ghi tên họ quê quán liệt sĩ…

Trước mặt, cách chỗ chúng tôi đứng chừng 50 mét có một chỗ đất bị lõm xuống kéo dài từ chân đồi ra mép bờ tây Khe Van. Vệt đất mang hình dáng của một con hào dài, sâu đã bị lấp. Cường nói:

- Em rất nghi vệt đất lõm ấy. Có thể là nơi địch đào hào vùi lấp liệt sĩ  ta.

Mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi đến thăm gia đình người trồng bạch đàn trên đồi. Một ngôi nhà ngói ba gian nằm kề bên vệt lõm. Vợ, chị Trần Thị Liên đi làm rẫy vắng. Chỉ có chồng là anh Hồ Văn Xô và bốn đứa con suýt soát tuổi nhau ở nhà.

Anh Hồ Văn Xô người Vân kiều năm nay tuổi bốn mươi. Anh mồ côi bố mẹ từ nhỏ, lớn lên nhờ ăn hạt bắp củ sắn, uống nước ngọn suối, sưởi cái bếp của bản Kà Reng. Đến tuổi biết đi “sim” thì xung phong vào bộ đội, đóng ở Việt Trì. Đã có vợ nhưng chị không sinh nở được. Xuất ngũ về làm quen với một cô gái người kinh ở xã Cam Tuyền (Cam Lộ) thường lên làm ăn ở bản rồi dần dà thành vợ  thành chồng. Vợ chồng anh trước kia nghèo xơ xác như cái rẫy không có hơi người. từ khi chuyển ra gần đường 9 (vị trí bây giờ) hai vợ chồng vừa làm rẫy, vừa trồng bạch đàn, vừa buôn bán (bỏ gạo muối, một số hàng tiêu dùng khác trong nhà bán cho dân bản) nên khấm khá dần. Dành dụm, chắt chiu dựng được ngôi nhà ngói, con cái không phải cởi trần phơi nắng dầm mưa bốn mùa như nhiều đứa trẻ khác ở bản. Chỉ tội, sau khi làm nhà xong anh Xô bị bệnh tâm thần lúc tỉnh lúc ngơ… Dù lúc này anh đang tỉnh táo tiếp chuyện chúng tôi nhưng nhìn vào đôi mắt lờ đờ ươn ướt như chực trào lệ, tôi biết anh không phải là người khoẻ mạnh. Có cái gì đó như sự thảng thốt, thất thần trong đôi mắt nhạt nhoà kia. Anh nói:

- Khi lên cơn em thấy dưới nền nhà mình toàn xương người.

- Có bao giờ anh mơ thấy bộ đội mình không? Tôi hỏi:

- Có! Đôi khi, em thấy các anh về. Anh ôm súng, anh chống gậy, anh gõ ông bơ hát … nhưng sau đó khói lửa ở đâu trùm đến mịt mù. Em chẳng thấy anh nào nữa, chỉ thấy toàn xương trắng.

- Vợ con có hay bị ốm đau không?

- Không. Vợ con em đều khoẻ, làm ăn được, chỉ có em bị bệnh, làm khổ vợ con.

***

Tôi xin được gọi đó là toạ-độ-máu, nơi 680 liệt sĩ đang bị vùi sâu trong đất nếu nguồn tin của Hội cựu chiến binh Mỹ VVA cung cấp cho chúng ta là đúng. Nếu cộng thêm 105 chiến sĩ của chúng ta đã ngã xuống trong trận giao tranh ác liệt ở chi khi quân sự Cam Lộ tết Mậu Thân năm 1968 thì gần 800 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Nếu cộng thêm những mộ liệt sĩ đang nằm rải rác đâu đó trong những cánh rừng vạt núi hoang vu mà dân ta thỉnh thoảng vẫn bắt gặp báo về thì con số ấy là bao nhiêu? Chưa ai xác định được! Chỉ mới trong một huyện nhỏ bé như Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị số liệt sĩ chưa được quy tập về đã đến con số ngàn. Quả là gánh nặng nghìn cân.

Và, xin được trở lại với vườn nhà anh Quê, thôn Tân Tường, cầu Khe Van với những câu hỏi ám ảnh trong tôi sau lần đi tìm hiểu: bao giờ ta mới có điều kiện để kiểm chứng nguồn tin của VVA cung cấp, trao đổi cho là đúng? Tới bao giờ chúng ta bắt tay vào làm cái công việc muôn vàn tình nghĩa là đưa 800 hài cốt đồng đội về nơi hương khói linh thiêng?

Vẫn biết, đồng tiền con nhà khó phải chia năm xẻ bảy. Nhưng có lẽ chẳng ai yên lòng nổi khi biết trên mảnh đất Cam Lộ nhỏ bé và nghèo khó này còn có 800 liệt sĩ của ta đang cô quạnh trong lòng đất lạnh lẽo. Tới bao giờ đây cái kế hoạch tìm lại đồng đội không còn nằm trên giấy nữa mà nó phải được bắt tay vào làm theo tiếng gọi tha thiết của hàng triệu trái tim? Tôi tin cả nước sẽ cùng Quảng Trị, cùng Cam Lộ làm tốt công việc tình nghĩa này mà trước hết là những cơ quan, đơn vị chuyên trách phải có câu trả lời về kinh phí cũng như kế hoạch đã được thông qua. Và, cũng đừng quyên “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Tại sao chưa có ai nghĩ đến dồng tiền tự nguyện góp vào việc làm tình nghĩa của nhân dân cả nước nếu Cam Lộ cất lên một tiếng gọi chân tình? Như nhân dân đã từng tự nguyện đóng góp để tôn tạo, làm đẹp thêm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, như thiếu nhi cả nước đã đóng góp gửi về nơi yên nghỉ của các liệt sĩ đã từng sống chiến đấu trên đường mòn Hồ Chí Minh này 5000 bát hương tình nghĩa. Nếu Quảng Trị quyết tâm khai quật “toạ độ”máu kia để tìm 800 đồng đội thì tôi tin cả nước sẽ hưởng ứng, sẽ một lần nữa hướng về Quảng Trị. Tiền sẽ không phải là việc khó nếu lòng người luôn đầy đặn nghĩa tình.

                                                                     Cam Lộ 5.1997
N.H.Q.

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 36 tháng 09/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

8 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

11 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground