Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng hát ngày giải phóng

H

ôm ấy vào một ngày cuối tháng tư năm 1972, Đội văn nghệ huyện chuẩn bị lên đường biểu diễn phục vụ đồng bào một xã ở vùng mới giải phóng. Anh giao liên huyện đến trao cho tôi lá thư của đồng chí Bí thư huyện ủy. Thư anh viết: “Có các đồng chí phóng viên Báo Nhân Dân, Báo Quân Đội và Xưởng phim Thời sự trung ương vào chiến trường để ghi lại những sự kiện chiến thắng của ta vừa qua trong chiến dịch. Đoàn có hai mốt đồng chí, chiều nay huyện bố trí về Cửa Việt, đồng chí sắp xếp cùng đi”. Thư anh còn dặn thêm: “Mặc dù Bắc Quảng Trị ta đã hoàn toàn giải phóng nhưng địch đang tăng cường đánh phá bằng không quân, củng cố tuyến sau đợi thời cơ phản kích hòng chiếm lại những phần đất đã bị mất. Chú ý nắm vững quy luật đánh phá của địch trước khi đưa anh em đột nhập vào cảng”. Xem xong thư, tôi đến gặp ngay các anh cánh nhà báo, tất cả đang tạm trú trong một căn lán dưới rặng tre lồ ô của làng Lạc Tân, nơi cơ quan văn phòng Huyện ủy Do Linh đang tạm đóng. Đoàn vừa rời khỏi điểm xuất phát vài trăm mét, hai máy bay F105 từ phía biển bay vào quần đảo mấy vòng rồi thi nhau trút bom xuống một chiếc cầu trước mặt, cách chúng tôi không xa. Anh em nhảy xuống ruộng ẩn nấp, đất đá, mảnh bom bay đến rào rào, vây lấy mọi người. Anh Quỳnh phóng viên Xưởng phim Thời sự trung ương ôm gọn chiếc máy quay phim trong lòng nấp sau một mô đất cạnh tôi càu nhàu: “Mẹ kiếp thằng Ních! Chưa gì đã phủ đầu ông”. Tốp máy bay trút hết bom quay đi, chiếc cầu đã hoàn toàn bị sập, hai vài hất tung ra giữa dòng chìm nghỉm để lại khoảng sông rộng trên hai mươi mét, trống hơ hầu như chưa hề có chiếc cầu ở đây bao giờ. Chúng tôi dưới ruộng ngoi lên, mặt mày quần áo lấm lem đầy bùn đất. Cầu bị đánh sập, một số không biết bơi, anh em lại dìu nhau qua sông. Đoàn vừa đến địa phận xã Do Hải thì trời đã tối sẫm. Lúc này phía trước mặt đang có những đám cháy lớn, lâu lâu ngọn lửa lại bùng lên, kèm theo những tiếng nổ chát chúa, giống bộc phá công đồn. Anh Hồng Khanh đi cạnh tôi chỉ tay hỏi nhỏ: Nơi ấy còn đánh nhau sao đồng chí?. Tôi nín cười nói nhỏ để anh đủ nghe: Đó là Cảng Cửa Việt, ta vừa giải phóng có nhiều kho tàng dự trữ chiến lược rất quan trọng. Địch sợ ta dùng gậy ông đánh ông, lấy súng đạn nơi này đi nện nơi khác, nên mấy ngày nay cho máy bay ném bom để phi tang.

   À, ra thế! Anh thở phào xem chừng yên tâm. Đêm ấy đơn vị du kích xã Do Hải nhường hầm cho đoàn tạm trú. Mọi người ăn tạm lương khô qua loa bữa tối. Các anh cánh báo viết chia nhỏ đi gặp du kích nghe kể chuyện. Có biết bao câu chuyện xúc động. Những gương chiến đấu vừa diễn ra trong những ngày vào chiến dịch. Đó là cô K, cô C, khi xe tăng ta vào Cửa Việt, tình nguyện lên xe dẫn đường vượt sông vào Quảng Trị đánh địch, sau đó không trở về; Đó là chuyện bà con ém một đại đội quân giải phóng giữa ban ngày trong một làng nhỏ để tối đến tiếp cận tiêu diệt địch. Một trung đoàn quân giải phóng qua sông gọn gàng, yên ắng bằng thuyền bè của dân; Đó là mẹ N dùng bước chân mình làm thước đo tầm pháo để bộ đội pháo binh đánh trúng kho hậu cần của Mỹ tại cảng Cửa Việt, lửa bốc cháy suốt ba ngày liền… Rồi câu hò sôi động ai đó sáng tác trong những ngày chống Mỹ được các anh chị thuộc lòng cất lên bằng điệu hò khoan:

Nguyễn Thị Mân giăng lưới phòng không quật nhào L19 – Nguyễn Ngọc Lễ dùng mìn tự tạo nhận chìm tàu chiến, tàu tuần.

Sông Cửa Việt máu Mỹ trộn lẫn đất bùn.

Trời Do Linh xác máy bay bốc lửa, thiêu giặc lái mấy tầng trên cao”

Câu hò dứt, anh Thu Bồn vỗ đùi đánh đét, khen hay. Khi hỏi đến tác giả ai chẳng nhớ tên. Chỉ biết đó là câu hò dân gian đã đi vào lòng quần chúng.

Đêm ấy, những câu chuyện du kích kể lại, người nghe chỉ nhớ trong đầu không ghi chép lên giấy vì phải giữ bí mật không ai được có ánh đèn nơi đóng quân. Vào năm giờ sáng, đoàn chuẩn bị đột nhập qua cảng. Từ phía ấy có hai người vượt sông bơi về phía chúng tôi. Anh Hồng Khanh ra hiệu cho anh em dừng lại chờ họ lên bờ. Xáp mặt, được biết cả hai là lính thiết giáp ngụy vừa vất lại xe pháo tại Cổ Thành chiều hôm qua, đang tìm đường về quê. Họ còn cho biết thị xã Quảng Trị đã rơi vào tay Quân giải phóng lúc 10 giờ sáng ngày 1 tháng 5. Nghe tin thị xã giải phóng ai nấy đều reo lên như trẻ con được mẹ cho quà. Thế là chúng tôi bỏ luôn kế hoạch đột nhập qua cảng, ngược lên mạn Do Hà tìm phương tiện để đi vào thị xã Quảng Trị. Háo hức nhất là các đồng chí xưởng phim thời sự. Từ Do Hải đến Do Hà, chặng đường trên bảy cây số, phải vượt qua nhiều khúc sông và hàng rào bùng nhùng. Mọi người vừa đi vừa chạy chẳng mấy chốc đã đến nơi. Tại làng Mai Xá, chúng tôi gặp anh Võ Duy Viện Bí thư Đảng ủy xã đang cùng với bà con đào giao thông hào dọc triền làng. Thấy chúng tôi anh vẫy tay cười. Đoạn bỏ xẻng, lột mũ tai bèo, phủi đất trên áo, nhảy lên bờ hào bắt tay anh em. Tôi trình bày công chuyện, nhờ anh giúp, anh đồng tình, nói luôn:

Chúng tôi vừa tậu được chiếc thuyền máy trọng tải trên năm tấn. Chiếc thuyền của một hộ gia đình quê Mai Xá, trước giải phóng vào làm ăn ở thị xã, nay quê hương giải phóng đã trở về còn đưa theo thuyền về ủng hộ cách mạng. Chúng tôi hò reo bắt tay anh lần nữa để tỏ lòng cám ơn. Chiều hôm đó anh em trong đoàn tranh thủ đi xem chiếc máy bay phản lực trinh sát bị du kích bắn rơi trong những ngày đầu chiến dịch nằm tại cánh đồng Soi bên kia sông. Riêng anh Doãn Nho buộc phải ở nhà để sáng tác bài hát do đơn đặt hàng của trung đội nữ du kích vừa mới thành lập. Chỉ sau một buổi chiều anh đã hoàn thành tác phẩm. Tối hôm đó hàng chục cô gái đến vây quanh nghe anh hát. Lời bài hát có đoạn:

“Chị em ơi! Quê ta nay đã giải phóng. Sung sướng bao nhiêu, làng thôn đều vui rộn ràng. Đã bao năm dưới nanh vuốt giặc, bao đau thương căm uất chất cao chờ ngày vùng lên, chờ ngày giải phóng nay đã đến rồi…”

Anh hát xong, mọi người vỗ tay râm ran và đề nghị anh tập cho các cô gái trong đêm nay. Anh tập, chẳng mấy chốc các cô đã thuộc lòng bài hát. Sau buổi tập đêm đó, họ trở về các hầm lán hầu như không ngủ, đây đó vang lên bài ca “Mừng quê em giải phóng”. Lần đầu tiên sau mười tám năm bị o ép dưới gông cùm Mỹ ngụy, nay họ được hát tự do bài ca cách mạng. Sáng ngày 2 tháng 5, chúng tôi xuống bến sông, chiếc thuyền đưa đoàn cầm cờ giải phóng đã chờ sẵn. Người lái thuyền và mười cô du kích ăn vận đẹp, vai mang AK xếp, làm công việc dẫn đường đang quây quần trên bến sông. Anh Võ Duy Viện gọi các cô lại căn dặn lần cuối và chia tay chúng tôi. Chiếc thuyền nổ máy chạy dọc sông Hiếu chừng một cây số, ngoặt trái vào sông Thạch Hãn. Thấy thuyền cầm cờ giải phóng chở bộ đội, du kích vào thị xã, hàng trăm đồng bào từ các trại tập trung trở về đang đi trên bờ vỗ tay hò reo, có người tung cả nón mũ lên không. Chúng tôi vẫy tay đáp lại đoàn này đến đoàn khác không ngớt. Các anh Xưởng phim Thời sự vác máy đứng trên nóc thuyền làm việc liên tục, quay hết cảnh này đến cảnh khác. Khoảng mười giờ sáng, chiếc thuyền chở đoàn cập bến thị xã. Phía trước mặt, cạnh bờ sông trên đường Quang Trung chiếc xe tăng số 419 mang nhãn hiệu USA không có người lái nhưng máy vẫn nổ khiến chiếc xe run bần bật, quay tròn trên mặt nhựa. Vô số những khẩu hiệu xanh đỏ viết ngoạch ngoạc “quân đội Việt Nam cộng hòa quyết tử thủ Quảng Trị”. Trên các tường nhà bờ thành còn ướt mùi sơn. Nhìn chiếc xe tăng đối diện với hàng chữ cạnh đó anh Quỳnh dương máy quay phim vừa quay vừa nói đùa: “Ông Thiệu miệng hùm gan sứa, vứt cả xe tăng mà chạy không kịp tắt máy còn bảo tử thủ. Anh nào đó thêm vào tử thì có còn thủ thì không” Các anh nói tiếu khiến mọi người ôm bụng cười. Chúng tôi vừa đi một đoạn dọc đường Quang Trung, thấy bốn người ăn vận nữa lính nữa dân mặt mày hốc hác vòng tay đứng đón trước mặt. Chúng tôi đến gần, một người bước lên nói giọng mếu máo: “Thưa các anh giải phóng, chúng em là lính thuộc sư đoàn Hai vừa mới thành lập, chán cuộc đời làm lính đánh thuê lắm rồi. Nay Quảng Trị giải phóng muốn trở lại quê nhà tìm lại vợ con, cho chúng em xin cái giấy thông hành”. Chúng tôi hỏi tên họ quê quán từng người. Xé sổ tay viết cho mỗi người mỗi cái. Đại loại là những người này đã gặp và trình diện với quân giải phóng, ký tên… Chúng tôi đến tòa Hành chính ngụy quyền tinh. Khu nhà gần 100 mét, trong các phòng làm việc có vô số các chồng hồ sơ tài liệu còn nguyên trên bàn. Những giấy tờ ấn loát dở dang vẫn nằm trong những chiếc máy chữ, máy quay rô-ne-ô không kịp tháo. Trước tòa nhà, lá cờ ba que và tấm ảnh ông Thiệu bị xé nát nằm chung một xó.

Các anh Xưởng phim Thời sự nhờ một đồng chí bộ đội trèo lên nóc tòa nhà treo cờ giải phóng vào đỉnh cột cờ để máy quay phim ghi lại sự kiện lịch sử này. Tại đây phần đông bộ đội ta áo quần còn mới nhưng bị rách tơi tả do kẽm gai cào cấu nhiều ngày đuổi giặc. Có đồng chí phải dùng dây buộc túm đôi ba chỗ vào một chiếc áo hoặc chiếc quần để khỏi bày da thịt. Họ là những người làm nên chiến thắng lịch sử vang dội trong chiến dịch năm 1972, thế nhưng khi gặp phóng viên quay phim, nhiếp ảnh, họ ngại không muốn đứng trước các ống kính do áo quần còn rách nát. Mấy cô du kích thấy bộ đội ta như vậy xúc động quay mặt đưa khăn chắm nước mắt. Khi hỏi được biết các anh bận đuổi giặc, ba lô quần áo để lại phía sau không kịp quay lấy. Chỉ có súng đạn lương khô mang theo bên người cứ thế mà tiến. Một đồng chí tuổi chừng ba mươi có lẽ là cán bộ chỉ huy cấp đại đội hỏi tôi: “Trong đoàn các đồng chí có cô nào biết may khâu. Tôi hỏi lại các cô. Rất may có hai chị từng là thợ may. Tôi dẫn hai người đến giới thiệu với đồng chí ấy anh tỏ thái độ vui mừng. Đoạn chỉ tay về ngôi nhà hai tầng bên cạnh: “Ở đó có bốn chiếc máy khâu đơn vị chúng tôi đang quản lý. Nhờ các cô giúp vá hộ cho một số bộ áo quần chủ yếu là các đồng chí làm nhiệm vụ giao dịch. Rút thuốc lá Rubi mời chúng tôi, anh nói tiếp: “Nhanh lắm cũng mất vài hôm nữa anh em mới có quân trang chuyển vào để thay thế. Tại ngôi nhà hai tầng nhiều đồng chí bộ đội ở trần có, mặc áo quần cộc có, đang vây quanh hai cô thợ để chờ nhận hàng”. Bây giờ các cô khâu áo cho chiến sĩ không phải ở hậu phương mà ngay tại mặt trận. Một nghĩa cử đẹp của tình quân dân đang diễn ra trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt.

Chúng tôi vào Thành Cổ bắt gặp hai bên đường hàng trăm nam nữ thanh niên Triệu Hải đang cùng với bộ đội cải tạo lại các ụ chiến đấu của địch vừa chiếm được làm thành công sự chiến đấu của ta. Kế hoạch ta giải phóng Quảng Trị vào ngày 1-5 có lẽ bất ngờ đối với địch, do vậy khâu phòng ngự tại đây trong rất buồn cười. Nhiều nơi địch dùng cả những bao gạo, bao đường, bao bột mì còn nguyên lấy từ các cửa hiệu của dân đưa ra đường xây công sự. Khi giải phóng bộ đội cho dân đưa các thứ ấy về dùng. Thay vào đó là hàng ngàn bao cát được xe GMC chở từ ngoại thành đưa vào. Chúng tôi đi hết một lượt trong Cổ Thành khoảng hai giờ chiều mới quay ra. Trưa hôm đó chẳng ăn uống gì nhưng không ai thấy đói bởi bị công việc cuốn hút. Vừa ra khỏi thành Bắc một đoạn chúng tôi lại gặp các đồng chí bộ đội lúc nãy, người nào người nấy áo quần tương đối lành lặn nhờ bàn tay của các đồng chí nữ du kích giúp vá khâu. Các anh bắt tay rối rít và tặng đoàn nhiều gói quà bằng chiến lợi phẩm thu được của địch, nhưng chúng tôi chẳng ai nhận một thứ gì. Anh Hồng Khanh thay mặt đoàn cảm ơn và khuyên họ giữ các thứ này lại, vì những ngày sắp đến cuộc chiến đấu có thể diễn biến phức tạp hơn mà khâu hậu cần là rất quan trọng.

Trong phút chia tay chúng tôi bịn rịn bên nhau không ai dứt ra được. Các cô nữ du kích lại đưa khăn chấm nước mắt khi phải xa rời bộ đội mà lòng rộn lên tiếng hát mừng ngày quê hương Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi đi một quảng khá xa mà phía sau những bàn tay còn vẫy theo tình cảm quyến luyến giữa những người trở lại hậu phương và những người còn ở mặt trận.

V.M.T

Vũ Mạnh Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 31 tháng 04/1997

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

4 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground