N |
hững năm 1973, 1974, 1975 Quảng Trị có khoảng ba mươi vạn dân, nhưng có hai bệnh viện tỉnh. Một của Mặt trận Dân tộc giải phóng Quảng Trị dời hậu cứ về đóng ở phía Bắc sông Hiếu, khu nhà của thương phế binh ngụy bị bom và pháo đánh sập. Sau ngày 27.1.1973, bệnh viện tỉnh có 200 giường bệnh. Mọi sinh hoạt ăn, ở, điều trị, mổ xẻ cho người bệnh đều tiến hành trong 32 chiếc lều bạt dã chiến thời ấy kéo dài trong 6 tháng trời.
Còn một bệnh viện tỉnh nữa, chưa có sách báo nào nói đến. Đó là bệnh viện tỉnh Quảng Trị đóng ở phần đất do Mỹ- ngụy kiểm soát bao gồm huyện Hải Lăng và năm xã của huyện Triệu Phong.
Cũng từ sau Hiệp định
Để yên lòng dân, đối xứng với thị xã Đông Hà nơi Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh và các sở, ty, bệnh viện tỉnh về đặt đô ở đó phía Nam tỉnh, Mỹ ngụy cũng đặt “tỉnh lỵ” Quảng Trị tại Diên Sanh kéo dài lên đường quốc lộ số một, bệnh viện này xây dựng một khu cát bằng nhà lắp ghép, quy mô 100 giường bệnh (nay là bệnh viện Hải Lăng).
Sáng ngày 19.3.1975, thừa lệnh của Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Trị, một đoàn cán bộ bệnh viện tỉnh có anh Sơn, tôi, anh Khoan, anh Tư (điện quang) và một số anh chị em cán bộ kỹ thuật Y- Dược vào kiểm kê toàn bộ tình hình bệnh viện tỉnh (ở Hải Lăng) về trang bị, khả năng thực hành chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế ở lại.
Sáng hôm ấy, mặt trời rạng rỡ nhô lên trên lũy tre làng. Từ phía Bắc sông Hiếu, xe chúng tôi vượt qua cầu phao thị xã. Chiếc Toyota có sơn dấu hồng thập tự ở hai bên và phía sau do nhân dân Nhật Bản trợ giúp ban đầu chạy bon bon trên đường nhựa thênh thang. Xe vượt cầu phao Thạch Hãn lúc 8 giờ sáng. Hai chiếc cầu phao này khá chắc chắn để đảm bảo xe tăng, xe bọc thép, đại bác tầm xa sang sông, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.
Con đường số một từ Đông Hà vào thị xã Quảng Trị nhộn nhịp đông vui. Thị xã Quảng Trị, Sư đoàn ba ngụy và thủy quân lục chiến đã bỏ chạy.
Cố Chủ tịch Lê San, lúc bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Quảng Trị đi vào bằng chiếc U- oát tròn có bảo vệ. Hình ảnh của ông in đậm vào ký ức tôi, sau hai mươi năm rồi vẫn còn tươi rói như hôm qua vậy. Vị Chủ tịch tỉnh mặc bộ bà ba màu tro, đội chiếc mũ cối mới và đi đôi dép cao su bốn quai. Có lẽ chiếc mũ cối xinh xắn ấy đi với ông suốt hành trình cuộc đời cho đến lúc ông mất.
Các xe đi vào tiếp quản thị xã Quảng Trị tại Diên Sanh đều có gắn biển đặc biệt ở kính trước và cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.
Đây là một điều xảy ra hiếm có trong lịch sử một đất nước. Một tỉnh, diện tích hơn bốn ngàn cây số vuông, dân số lúc đó ba mươi vạn, trong vòng ba năm hai lần về tiếp quản thành phố thị xã.
Đường vào, nhiều ổ gà, hố đại bác phá nát, khó đi. Hoan hô pháo binh giải phóng. Mùa xuân 1972, khi Mỹ và ngụy tháo chạy khỏi Đông Hà, Quảng Trị, đoạn đường từ Quảng Trị đi Huế, chúng bỏ xe, chạy bộ vì pháo binh của quân giải phóng đặt từ trên núi, câu trúng lòng đường, trúng từng xe chở lính rút chạy chúng hết vía mấy hồn, mạnh ai nấy chạy, quẳng tất, cả xe.
Nhớ lại hồi chiến tranh chín năm, lúc bấy giờ đánh Pháp, ta chưa có pháo binh tầm xa thiện chiến như bây giờ. Đoạn đường Huế- Quảng Trị, giặc Pháp luôn bị đánh bất ngờ bằng phục kích “độn thổ”, “bom giật, mìn đạp”, lựu đạn chăng giây.v.v… Giặc Pháp cho dù đi bằng cách nào cũng bị ăn no đòn. Chúng đặt tên cho con đường này là “con đường không vui” (route sans foie).
Nhiều tướng tá ngụy, Pháp, Mỹ đã chôn chặt tên tuổi và cuộc đời binh nghiệp cá nhân chúng tại con đường không vui đó.
Lịch sử tuy mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng có những khoảnh khắc hội tụ trên mảnh đất “Ô châu Ác địa” này. Từ năm 1958, Nguyễn Hoàng vào nhận chức trấn thủ Thuận Hóa, chọn chỗ đặt “đô” ban đầu ở Ái Tử, rồi sang Trà Bát (1570), sau dời đến Cát Dinh (1600- 1626) cũng trên mảnh đất Quảng Trị. Năm 1885, vua Hàm Nghi từ bỏ cung đình ra Tân Sở với mưu đồ lớn cho cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đó. Năm 1973- 1975 tại xã Cam Thành, Cam Lộ được chọn đóng thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.
Đoạn đường từ con sông Hiền Lương nối liền với sông Thạch Hãn của quê mẹ vẻn vẹn ba mươi cây số, dân tộc Việt Nam và nhân dân Quảng Trị phải đi mất mười tám năm sáu tháng tám ngày. Con đường từ thị xã Đông Hà nối liền với thị xã Quảng Trị chỉ có mười cây số, nhân dân ta đi mất ba năm.
Tám giờ rưỡi ngày 19.3.1975, đoàn chúng tôi có mặt ở bệnh viện Quảng Trị (ngụy) ở Hải Lăng.
Bác sĩ Lê Văn Mộ, tốt nghiệp Y khoa ở Huế, lúc bấy giờ là Trưởng ty Y tế Quảng Trị (ngụy) kiêm giám đốc bệnh viện tỉnh đã ra đi cùng vợ con.
Tờ lịch trên bàn làm việc của anh dừng lại ngày 17.3.1975, chưa kịp xé. Người ta bảo rằng tất cả ra đi từ trong đêm trước, sáng 17.3.1975 toàn khu vực thị xã vắng tanh.
Bệnh viện duy nhất còn một bác sĩ ở lại: đó là anh Lê Mậu Thiên quê ở Bích La, Triệu Phong. Trên ba chục anh chị em cán bộ y tế, y tá ở lại với cách mạng. Tiếng là bệnh viện tỉnh, nhưng tổ chức và trang bị rất hạn chế. Bệnh nhân phải mổ xẻ và điều trị chất lượng cao đều chuyển vào bệnh viện Huế. Nếu so sánh lúc đó với bệnh viện Quảng Trị đã dời về Đông Hà thì kém xa bệnh viện của ta một trời một vực về đội ngũ cán bộ, trang bị và trình độ kỹ thuật. Bệnh viện Hải Lăng lúc này chỉ điều trị hơn thuần nội khoa, mổ viêm ruột thừa chưa được vì không có kíp mổ chuyên khoa ngoại và gây mê hồi sức tốt. Các phẫu thuật đều gửi vào Huế. Còn bệnh viện tỉnh tại Đông Hà lúc đó, các phẫu thuật và cấp cứu đều tiến hành tại chỗ: Vết thương sọ não, máu tụ hộp sọ, các phẫu thuật mạch máu, ngực, bụng, gan, lách, thận, đóng đinh nội tủy.v.v… Nhiều phẫu thuật nặng cả tuyến quân và dân y đều tập trung về bệnh viện tỉnh lúc này.
Theo chủ trương của tỉnh, chúng tôi tiếp nhận số anh chị em y tá, cán sự y tế ở lại ra làm việc tại Đông Hả. Nhiều anh chị em ngạc nhiên về trình độ, tay nghề của các bác sĩ, y tá đi kháng chiến ở rừng về. Từ ngạc nhiên đến khâm phục và kính trọng. Lúc đầu, anh chị em này ở lại chỉ sợ cách mạng, còn chưa phục về trình độ chuyên môn, tay nghề của số anh chị em ở rừng về đâu. Người ta còn mê tín bác sĩ, y tá người Tây, người Mỹ giỏi hơn người Việt
Hôm đó, bệnh viện Triệu Hải có một ca liệt bàng quang, bí đái, anh em không tài nào đặt xong thông nước tiểu được. Một bác sí (ở lại sau giải phóng) dùng kim to chọc trên xương mu để tháo nước tiểu, bàng quang khỏi căng. Nước tiểu chảy xuống bên trong, gây viêm phúc mạc nặng, anh em không chuẩn đoán ra, mời tôi về hội chẩn. Tôi về thăm khám rồi cho đi cùng xe cấp cứu về bệnh viện tỉnh… Bệnh nhân được phẫu thuật, dẫn lưu nước tiểu, dẫn lưu cùng đồ hai bên, mười ngày sau xuất viện. Sau đó, tôi góp ý về xử trí chuyên môn với anh chị em.
Phải nói rằng các bác sĩ tốt nghiệp ở Huế hoặc Sài Gòn thời Mỹ- ngụy có điều kiện học tập và thực tập tốt, nhiều anh chị em được đi tu nghiệp ở Úc, Mỹ, Nhật, Pháp.v.v…ngoại ngữ Anh và Pháp thành thạo.
Chúng tôi ở rừng về, số bác sĩ giỏi ngoại ngữ đếm đầu ngón tay. Y tá văn hóa lớp ba, lớp bốn. Thời gian cùi cõng, đào hầm, đằn gỗ nhiều hơn thời gian học tập chuyên môn. Quảng Trị sau ngày giải phóng, tai nạn bom mìn do Mỹ để lại xảy ra liên tục. Hôm đó ở công trường 8, một trường hợp tai nạn bom mìn, vết thương phát rộng cả gan phải. Chúng tôi tiến hành phẫu thuật khâu và cắt gan phân thùy theo phương pháp Tôn Thất Tùng. Anh chị em cán sự y tế ở lại sau ngày giải phóng quá đỗi ngạc nhiên. Lúc này, các chuyên gia y tế của Đức và Mỹ công tác tại bệnh viện Trung ương Huế cũng chỉ biết cắt gan phân thùy theo phương pháp Tôn Thất Tùng.
Mãi sau này giải phóng miền
Chúng tôi cảm hóa anh chị em ở lại bằng sự tận tụy của mình với người bệnh, bằng trí tuệ và nghề nghiệp, bằng đức độ, khoan dung mà cuộc sống kháng chiến ở rừng đã rèn luyện thấm vào gân cốt mỗi người. Lúc đầu, anh chị em này cũng mặc cảm không ít. Trong thời gian chung sống, công tác, hai lớp người này (đi kháng chiến và lớp người làm việc trong thời Mỹ- ngụy) đã gắn bó, hòa quyện lẫn nhau.
Bệnh viện tỉnh lúc này có anh Toản, bác sĩ tổ chức làm phó giám đốc phụ trách công tác chính trị tư tưởng. Số cán bộ y tế dưới thời Mỹ- ngụy ở lại, ít nhiều cũng ngại “cộng sản”.
Trong vùng tạm chiếm, chúng nói xấu Cộng sản hết cả lời. Toản không làm chuyên môn, nhưng buổi tối anh hay đi kiểm tra tình hình trực và làm việc của y tá, bác sĩ. Một số anh chị em trong diện “O3” (tên gọi lúc đó) rất ngại gặp anh, nên thường lánh mặt khi anh đến khoa. Y tá Dạ ở khoa ngoại có giọng “nhại” rất giống anh Toản.
Hôm nào Cương hay một số anh chị em khác trực, Dạ đi từ phía sau, “khịt khịt” mũi, nhại giọng Toản:
- Ầy! ầy! hôm nay cậu nào trực ngoại mà bỏ vị trí hầy?
Cương lẻn trốn vào phòng nhân viên thay quần áo, dán mắt qua ở khe hở theo dõi, lặng im, tim đập thình thịch.
Một chốc sau, Dạ lò dò kiểu đi của Toản vào khoa, đóng giả lãnh đạo kiểm tra tua trực đêm.
Cương nhảy từ buồng ra, vật Dạ xuống nền nhà, cởi hết quần áo, chỉ tòng ngòng chiếc quần đùi rồi đét vào mông bảo:
- Lần sau chừa nghe, làm tau hết hồn.
- Dọa eng chút cho vui, thế mà đã “són” ra quần, tụt hòn lên cổ. Ớn thật. Khi mô cũng: như Cương “O3” đây!
Ngành y có thứ bậc. Học trò thường tôn thờ ông thầy dạy mình. Thế hệ chúng tôi lúc ấy, anh nào đi Ngoại thờ thầy Tùng, anh nào đi Nội thì thờ thầy Chung.
Hồi đó làm gì có chuyện điều trị theo một phác đồ. Thầy Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung là chúa ghét làm ăn kiểu đó.
Chúng ta một thời mắc bệnh “tập thể” trong y học. Bệnh nhân nặng, sắp chết, mời hội chẩn. Có dạo lại mời đủ bốn thành phần: Đảng, Chính, Công, Thanh. Chẳng may bệnh nhân không qua được, trách nhiệm san sẻ mọi người. Có thời lại mời hội chẩn cả hộ lý, chị nuôi.
Bệnh viện Quảng Trị (thời Mỹ ngụy) đóng ở Hải Lăng lúc đó không phải thiếu y tá, bác sĩ, phương tiện kỹ thuật. Tất cả đã có tuyến điều trị chất lượng cao sau nó, đó là bệnh viện Trung ương Huế.
Chúng tôi đi xem xét, kiểm kê, lập danh sách số nhân viên y tế ở lại và tài sản bệnh viện. Kể ra chẳng có gì đánh giá. Kho thuốc rỗng tuếch. Một đống hộp bột bó xương gãy, không rõ ai đã đi qua trước chúng tôi lấy dao nhọn chọc thủng nhiều hộp, bột bó chảy ra ngoài. Bột bó xương lúc này rất quý đối với chúng tôi. Nhãn sản xuất bột bó tại Nhật.
Sáng ngày 20 tháng 3, chúng tôi đến xem “dinh tỉnh trưởng” ngụy. Quyển lịch trên bàn làm việc dừng lại ngày 17.3.1975. Bàn ghế đóng rất mốt. Bộ sa- lông mút dày, có riềm đăng ten bị xé rách nát. Qua phòng tiếp khách là phòng ngủ của viên đầu tỉnh ngụy. Giường rộng theo mốt thời trang hiện đại Âu Mỹ. Nhiều chiếc song gỗ tiện gãy cong queo. Chiếc đệm lót giường dày đến gang tay bị rạch nhiều đường nham nhở đan chéo nhau. Người dẫn đường nói với tôi: Tổ du kích địa phương truy địch tháo chạy đã dùng lưỡi lê “nghịch ngợm” thế đấy.
Chúng tôi ở lại Hải Lăng ba ngày rồi trở ra Đông Hà. Dọc đường quốc lộ một, quân ta đi vào trùng trùng điệp điệp. Huế, địch đã bỏ chạy. Quân ta đang bao vây Đà Nẵng. Tây Nguyên địch rút không kèn trống, bị đánh tơi bời. Cả nước đang “thần tốc” hành quân ra trận. “Đấu tranh này là trận cuối cùng”. Dân tộc Việt
Hỡi các nhà “nhân quyền” trên thế giới! Các ông thử nghĩ xem, có dân tộc nào như dân tộc này, ròng rã suốt hai thế kỷ: 19 và 20 này đã chịu đựng, nhẫn nhục, hy sinh hết thảy để đấu tranh đòi bằng được dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc. Chúng tôi đổi lấy nhân quyền bằng xương máu của một dân tộc suốt hai thế kỷ; mở màn, kết thúc bằng trận đánh cuối cùng này; trận đại thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam, lừng lẫy khắp năm châu bốn biển.
T.M