Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 14/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

“Tiếp sức đến trường” - Khởi hành từ Quảng Trị

Đôi khi những chương trình lớn lại bắt đầu từ những số phận nhỏ. Từ trước đến nay đã có bao nhiêu cô cậu trò giỏi nhà nghèo đã gác mộng sinh viên? Tôi không thể biết hết cho đến một ngày tôi gặp Nguyễn Thanh Lập, cậu học trò nghèo thôn An Tiêm, xã Triệu Thành hai năm liền đậu rất cao đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn không thể nhập học vì nhà nghèo quá.

Tôi còn nhớ sáng hôm đó, ngày 5/9/2003, đưa con gái đi khai giảng ở trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thành phố Đông Hà) thì gặp anh Phạm Đức Châu (sau này anh Châu là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị và đã nghỉ hưu), dạo đó anh Châu đang làm Chủ tịch Hội phụ huynh học sinh của trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và tôi cũng có chân trong Ban chấp hành hội. Chúng tôi đang ngồi ở văn phòng của thầy hiệu trưởng Lê Minh Giám uống nước trà chờ đến giờ khai giảng, chợt anh Châu như nhớ ra điều gì vội nói với tôi: “Hôm qua, anh gặp một em học sinh ở Thành Cổ Quảng Trị, em ấy đậu đại học hai năm liền và không có tiền đi học”.

Hỏi địa chỉ cụ thể thì anh Châu không biết, chỉ biết bố em ấy trước đây có cái tiệm đóng giày tên là Tân Lập, trong một lần xui xẻo, những người thợ xây khi đập bỏ bức tường cạnh cái quán đóng giày nhỏ của ông đã bất cẩn để tường sập đè lên khiến người bố thiệt mạng. Chỉ với thông tin như vậy thì chắc cũng có thể tìm ra được em sinh viên ấy, vậy là ngay sau đó, gửi con gái mình cho cô giáo chủ nhiệm nhờ khai giảng xong cô trông hộ.

Tôi bỏ dự buổi lễ khai giảng, vội vàng phóng xe máy vô thị xã Quảng Trị. Việc hỏi tìm nhà của Lập cũng không mấy khó khăn vì thị xã vốn nhỏ hẹp. Tôi tìm về nhà Lập, ngôi nhà nhỏ tạm bợ nép trên mảnh ruộng bên đường từ thị xã Quảng Trị về Cửa Việt, thuộc xóm Rào, xã Triệu Thành (Triệu Phong). Không biết nói thế nào về gia cảnh này, mẹ Lập, bà Lan, nay đã 60 tuổi, bao nhiêu năm nay nuôi bảy đứa con nhờ vào gánh hàng rau củ bán ở chợ thị xã. 

Hỏi tìm Lập, em đã vào Sài Gòn để xin bảo lưu kết quả, dù năm trước em cũng từng đậu đại học Bách khoa và trong khi những bạn bè tíu tít tựu trường thì em nuốt nước mắt cầm cái bay theo nhóm thợ xây đi phụ hồ kiếm sống. Bài báo về Lập “Hai lần đậu đại học, nhưng cổng trường vẫn xa” đăng ngay hôm sau đó, mùng 6/9/2003 đã gây nên sự xúc động lớn trong bạn đọc. Và cũng từ một cuộc điện thoại khác của bạn đọc, mách cho tôi biết có em Lê Minh Hiếu ở Hải Lăng (Quảng Trị) cũng cơ cực không kém và có nguy cơ không thể nhập học. Tôi lại tất tả đi tìm Hiếu. Câu chuyện “Hiếu cà-rem và giấc mơ đại học” đăng liền sau bài về Lập thực sự đã mở đầu cho nhiều câu chuyện cảm động khác về những “Trần Minh khố chuối” thời nay.

Cùng với nhiều bài viết khác của các đồng nghiệp trên mọi miền đất nước về các tân sinh viên nghèo đăng trên báo Tuổi Trẻ, ngay sau đó bạn đọc của Tuổi Trẻ đã đặt vấn đề: Tại sao báo Tuổi Trẻ không khởi động một chương trình nào đấy giúp các sinh viên hoàn cảnh gieo neo này được đến trường? Vậy là chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo có thêm một chương trình nhỏ mang tên “Tiếp sức đến trường” được thực hiện từ năm học 2003 - 2004 mà Lập, Hiếu... là những sinh viên Quảng Trị đầu tiên có tên trong số những tân sinh viên nhận học bổng từ chương trình này.

Lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tại Quảng Trị - Ảnh: Hoàng Táo

Lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tại Quảng Trị - Ảnh: Hoàng Táo

Bây giờ học bổng “Tiếp sức đến trường” đã đi tới mùa thứ 20, số sinh viên nhận học bổng đã lên tới con số vạn, nhưng câu chuyện của những anh chị em mạnh thường quân của Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị vẫn ghi dấu như một sự tiên phong, đặc biệt là anh Lê Quốc Phong - nguyên Tổng Giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, người đồng hành không mệt mỏi của chương trình. Anh là người đứng ra tổ chức giải Golf gây quỹ học bổng cho “chương trình lớn” của báo Tuổi Trẻ ngoài nhiệm vụ lo “chương trình nhỏ” cho sinh viên quê nhà.

Đất Quảng Trị có cả hàng trăm tân sinh viên như Hiếu, như Lập. Làm sao có đủ tài lực giúp cho những sinh viên nghèo này? Như một cơ duyên, thời điểm này (năm 2004) CLB những nhà doanh nghiệp Quảng Trị tại TP Hồ Chí Minh cũng được thành lập. Ngay trong buổi họp mặt đầu tiên ấy, CLB đã xác định ngoài việc hỗ trợ cho nhau trong chuyện làm ăn, tương trợ nhau khi hoạn nạn… thì mục tiêu chính trong giai đoạn này vẫn là hỗ trợ “Tiếp sức đến trường” cho các sinh viên quê Quảng Trị, rồi lâu dài sẽ hỗ trợ thêm các sinh viên quê miềng đang sống khắp mọi miền đất nước.

Nhớ lần đầu tiên (năm 2004) tổ chức chương trình nên hơi “khớp”, anh em trù tính trao khoảng 20 suất, mỗi suất 2,5 triệu đồng, tổng cộng chừng 50 triệu đồng. Tính toán như vậy nhưng khi chúng tôi thông báo về chương trình này trên các phương tiện thông tin đại chúng, có hơn 100 hồ sơ gửi về. Em nào cũng đáng được quan tâm, đáng được xem xét nhưng rồi tiền thì có hạn, biết làm sao để đáp ứng cho hết? Nhưng rồi trước những hoàn cảnh quá khó khăn ban tổ chức đã quyết định vận động các doanh nghiệp hỗ trợ thêm để nâng lên 30 suất, và đến phút chót đã là 33 suất, tổng trị giá 82,5 triệu đồng. Không thể nói đấy là một số tiền lớn nhưng với 2,5 triệu đồng cho một học sinh nghèo khó vùng nông thôn số tiền ấy tương đương gần 2 tấn lúa, và với số tiền ấy các em có thể vượt qua những thách thức ban đầu của hành trình đại học.

Từ 33 suất học bổng của năm đầu tiên ấy, 20 năm sau, số học bổng có năm lên tới 200 em và những năm gần đây số kinh phí cho học bổng đều từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/năm. Có thể đó chưa phải là một số tiền lớn nhưng với những sinh viên nghèo nó thực sự quý giá, đủ cho các em trang trải trong những ngày đầu gian khó. Và 20 mùa học bổng qua, những sinh viên nhận học bổng những đợt đầu tiên nay có em đã ra trường, có em săn được học bổng đi du học, làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Có em đã quay lại hỗ trợ từ số tiền mình kiếm được cho các thế hệ đàn em, khiến học bổng “Tiếp sức đến trường” càng ý nghĩa hơn trong sự sinh sôi đền đáp.

Càng ý nghĩa hơn khi sau năm đầu tiên, những thông tin về chương trình này của CLB Nghĩa tình Quảng Trị đăng trên báo Tuổi Trẻ nhiều doanh nhân các tỉnh thành khác đã bảo nhau: Quảng Trị nghèo mà còn làm được vậy sao chúng ta có đồng hương rất thành đạt tại đây không tập hợp lại mà làm như Quảng Trị? Và từ đấy thêm nhiều CLB Tiếp sức đến trường các tỉnh thành ra đời, góp cùng những người làm báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình này.

Còn nhớ, trong năm đầu tiên khi đi xác minh hoàn cảnh từng tân sinh viên để xét trao học bổng, gặp một em học trò làng Mai Xá (Gio Linh) hỏi tôi: Anh có thấy người Quảng Trị miềng chào nhau có lạ không? Tôi ngơ ngác nhìn em, hỏi: Em thấy lạ chỗ nào? Cậu học trò cười rất tươi: Thì người ta chào nhau hay hỏi “Khỏe không? Độ ni mần ăn ra răng?” còn người Quảng Trị miềng, nhất là mấy ông bố hay hỏi: “Con cái học hành ra răng? Năm ni có đứa mô vô đại học không?”. Câu nhận xét của cậu học trò khiến tôi giật mình, dù từ lâu tôi vẫn biết với người miền Trung, nhất là người Quảng Trị, dù giàu có mấy mươi mà con cái học hành không đến đâu cũng coi như chưa thành đạt! Cái chất miền đất này nó thế, như thơ Nguyễn Bính ngày xưa: Nhà ta coi chữ hơn vàng / coi tài hơn cả giàu sang trên đời… Biết là đất nghèo học giỏi nhưng thời buổi mà người ta hay gọi chữ nghĩa là “kinh tế thị trường” thành ra có giỏi mà không có tiền đi học cũng chịu! May sao vẫn nhiều lắm những tấm lòng quê hương vẫn tiếp sức cùng những trò nghèo.

Nhiều khi một sự hỗ trợ nhỏ nhưng mang một tác động lớn. Anh Vũ Văn Bình - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã phát biểu tại đêm trao học bổng năm đầu tiên (tháng 9/2004): Một suất học bổng 2,5 triệu đồng chưa thể cho các em an tâm suốt hành trình đại học nhưng nó sẽ giúp các em vượt qua khó khăn buổi đầu. Và khi vượt qua rồi nó có thể thay đổi một số phận, mở ra một tương lai...

Tỉnh Quảng Trị khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: Hoàng Táo

Tỉnh Quảng Trị khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: Hoàng Táo

Hai mươi năm qua, những suất học bổng từ vài triệu đến nay 15 triệu đồng/suất… đó là những điều chúng ta có thể nhìn thấy được. Cũng gần hai mươi năm qua, danh sách những sinh viên ngày nào nay trở thành những bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhiều người là doanh nhân thành đạt và trở lại giúp đỡ thế hệ đàn em. Những gương mặt ấy chúng ta có thể gặp lại trên trang báo mỗi mùa học bổng “Tiếp sức đến trường” mới. Nhưng đôi khi nhìn học bổng “Tiếp sức đến trường” từ một góc khác, chúng ta sẽ nhìn thấy những vẻ lấp lánh riêng. Mới rồi tôi trở lại với xóm nhỏ ở xã Triệu Thành chỉ để biết sau gần hai mươi năm, nơi bắt đầu câu chuyện “Tiếp sức đến trường” nay đang như thế nào, người mẹ ấy nay đang ra sao.

Khi đặt bút những dòng cuối cùng trong bài báo “Hai lần đậu đại học, nhưng cổng trường vẫn xa” vào tháng 9 năm 2003 về Nguyễn Thanh Lập, chàng tân sinh viên khởi đầu cho chương trình này, tôi đã không viết về em mà viết về bà mẹ của em:

“Mẹ của Lập vừa từ chợ trở về, trong cơn mưa xiên hạt, trên khóe mắt bà Lan không biết nước mưa hay nước mắt khóc thương thằng út lên tàu vào Sài Gòn mà không biết đường học hành của con mình sẽ ra sao. Bà Lan bảo: “Cái nhà tui ở đây là làm tạm trên đất ruộng của xã, không giấy tờ bìa hồng bìa đỏ chi cả, xã đòi giải tỏa mấy lần, giá ba thằng Lập đừng chết sớm rứa và nếu là đất của nhà tui thì tui đã cầm sổ hoặc bán cho thằng Lập nó đi học chú ơi!”. Và bà lại khóc.

Tôi nhìn quanh nhà, vật sang trọng nhất trong nhà là cái giường gỗ mới mà chị Vân, người con gái của bà Lan lấy chồng tận Nghệ An về thăm nhà, vừa mua cho mẹ nằm cách đây mấy hôm. Hóa ra bây giờ cả mấy mẹ con bà vẫn khổ đúng nghĩa là không tấc đất cắm dùi... Nhưng với những đứa con thông minh, bà vẫn còn bao nhiêu hi vọng ở tương lai, chỉ có điều giờ đây tương lai của Lập đang hết sức chông chênh...”.     

Và hai tấm ảnh chụp nỗi buồn thương lo lắng khi không lo được cho con đi học và tấm ảnh hôm nay, khi bà đang ngồi xem những tấm ảnh con cái mình gửi về từ TP Hồ Chí Minh. Nhìn hai tấm ảnh cùng một nhân vật ấy, niềm vui và nỗi buồn cách nhau 20 năm khiến cho gương mặt người mẹ ở tuổi 80 dường như trẻ hơn lúc 60, và tôi tin học bổng “Tiếp sức đến trường” đã góp một phần nhỏ cho niềm vui của bà mẹ nghèo Quảng Trị. Hơn hai vạn tân sinh viên đã được tiếp sức, và tôi nghĩ đến nụ cười của hai vạn người mẹ trong hai mươi mùa học bổng đã qua…

 

LÊ VIỆT THƯỜNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 352

Mới nhất

Hai chiều thời gian, nhìn từ một khu đô thị mới…

10/01/2025 lúc 09:50

Thời gian gần đây, mỗi khi thư thả tôi lại thường chạy quanh quanh khu đô thị mới Vincom Đông Hà. Rồi ngồi xuống những chiếc ghế để quanh khu vực công viên, ngồi thật im lặng và nhìn ra chung quanh, không chỉ xứng đáng để đây là một “đô thị mẫu” mà từ khu đô thị này chúng ta có thể chiêm cảm hai chiều thời gian cho Đông Hà và một hành trình phát triển.

Giữ lửa nghề truyền thống giữa nhịp sống hiện đại

10/01/2025 lúc 10:10

Tọa lạc bên bờ nam sông Hiếu, làng nghề rèn ở phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị từ lâu được biết đến với bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống, tồn tại qua nhiều thế hệ. Những lò rèn từng đỏ lửa sớm hôm, tiếng búa đe vang vọng khắp vùng gắn liền với cuộc sống lao động và sinh hoạt của người dân nơi đây. Thế nhưng, dưới sức ép của thời đại công nghiệp hóa, làng nghề rèn đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay, cả phường chỉ còn lại khoảng 4 lò rèn hoạt động thường xuyên, so với hàng chục lò ở thời kỳ “hoàng kim” cách đây hai thập kỷ.

Tên gọi của Trung đoàn

25/12/2024 lúc 21:44

Chớm vào thu. Bầu trời rưng rưng những cơn mưa bất chợt. Những cơn mưa đám mây giăng giăng như

Nhớ một thời thương khó vỡ đất

10/01/2025 lúc 10:00

Khai hoang lập nghiệp ở vùng đất được xem là rừng thiêng nước độc, họ đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để bạt đồi san đất tăng gia sản xuất góp phần kiến thiết lại quê hương sau ngày đất nước thống nhất... Và chính nhờ hành trình vượt khổ ấy để đến hôm nay người dân nơi đây đã có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc từ những cánh rừng tràm mênh mông, những vườn cây lúc lỉu quả bốn mùa, một vùng đất “xanh” đáng sống mà rất nhiều người ao ước…

Lan man chuyện “ăn hàng” ở Đông Hà

10/01/2025 lúc 09:37

Mỗi người đều tự hào và yêu quý nơi mình sinh ra theo mỗi cách khác nhau. Có người tự hào theo kiểu cùng quê với một danh nhân nào đó. Có người mang niềm tự hào với những công trình văn hóa, với lịch sử. Và dung dị như anh bạn tôi, tự hào vì ẩm thực, vì món ăn quê hương. Nên chi, hễ có bạn bè đến Đông Hà chơi, tôi lại gọi điện nhờ anh tư vấn nên mời người ta đi ăn món gì, ở quán nào. Anh bạn sành ăn coi việc trải nghiệm ăn uống của chính mình là một thế mạnh riêng, là niềm tự hào của bản thân anh.

Trùng phùng ở Prin C

10/01/2025 lúc 21:43

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bản Prin C (nay thuộc huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan,

Đông Hà xanh trên nền đất khát

10/01/2025 lúc 16:22

Đông Hà những ngày đầu như tôi thấy, mùa hè thị xã quắt lại trong nắng gió, núi đồi cứ nhấp nhổm. Các con đường ngoằn ngoèo, lên xuống nên tôi liên tưởng: Sau này lấy bản quy hoạch phố của Đà Lạt mà theo! Nói vui như vậy, vì thị xã lúc đó trần mình giữa dầm dề mưa và chang chang nắng. Tàn tích của sân bay, quân cảng; của quốc lộ, ngã ba… đầy ám ảnh trơ trơ trong mưa rét và xào xạc gió phơn. Thế mà ngay bên hông thị xã trẻ trung, hơi chếch về phía nam có một rừng cọ dầu bời bời xanh tốt. Nó khác hoàn toàn với màu bàng bạc của trơ trọi. Tôi được biết rừng cọ trồng từ năm 1977, là món quà hữu nghị của Malaysia nhằm phủ xanh những vùng đất cằn cỗi sau chiến tranh; dầu cọ còn được sử dụng làm chất đốt và phục vụ đời sống sinh hoạt.

Sở Thông tin và Truyền thông tổng kết công tác năm 2024

10/01/2025 lúc 10:54

TCCVO - Chiều 9/1/2025, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024,

Đông Hà một ngã ba sông, trăm dòng nước chảy

09/01/2025 lúc 15:56

Cũng như bao con sông chảy qua những làng quê trên nước Việt thân thương, những dòng sông trôi qua thành phố Đông Hà an nhiên sống một đời sông nhưng đời sông lại gắn chặt với tình đất, tình người bên lở, bên bồi từ thượng nguồn nơi sông sinh ra cho đến khi sông hòa vào lòng biển lớn.

Bến đò Tùng Luật - Di tích cấp Quốc gia đặc biệt

09/01/2025 lúc 15:22

Bến đò Tùng Luật thuộc thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh; cách cầu Hiền Lương 7 km về phía đông và cách cầu Cửa Tùng 2 km về phía tây. Bến đò Tùng Luật còn có tên là Bến đò B - một mật danh xuất phát từ yêu cầu phục vụ chiến trường miền Nam trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

15/01

25° - 27°

Mưa

16/01

24° - 26°

Mưa

17/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground