Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tìm bóng cha ông

1

Ở cái rẻo đất nhỏ nhoi sát sông Bến Hải có tên là Xuân Mỵ của huyện Gio Linh này  nhiều lần tôi đã đi tắt về ngang mà chưa dừng lại. Một phần máu mủ ruột rà bên nội  của tôi ở đây. Thủa nhỏ, lũ trẻ chúng tôi ở bờ Bắc vẫn thường nhìn qua bên  Xuân  Mỵ để đồng thanh hát bài đồng dao mà chưa hiểu hết nghĩa của nó: Văn chương Xuân Mỵ, lý sự Thuỷ Khê, làm thuê Cẩm Phổ, ở lỗ làng Tùng, rùng rùng làng Cửa...và để lúc xa cứ như thấy mình mắc nợ với  Xuân Mỵ, mắc nợ với bài đồng dao vì nhiều điều chưa khám phá. Khắc khoải, vấn vương da diết về ký ức tuổi thơ, về miền quê thân thuộc...Để rồi tự mình lần tìm trong ký ức, tìm trong hoài niệm về vùng quê ấy để hiểu, để nhớ, để yêu thêm một miền đất Gio Linh dày trầm tích.       

Xuân Mỵ quê tôi Bắc giáp sông Bến Hải, Nam giáp làng Thuỵ Khê và Thuỷ Bạn, Tây giáp sông Cánh Hòm và phía Đông giáp làng Cát Sơn. Tên làng Xuân Mỵ từ khi xưa đến nay giữ nguyên không thay đổi. Chữ “Mỹ” hay chữ “Mỵ” đều có nghĩa như nhau - tức là đẹp – khác chăng là do cách phát âm của địa phương mà thôi. Văn bản chữ Hán ghi là “Mỹ”, địa phương phát âm thành “Mỵ”nên về sau chữ Quốc ngữ cũng ghi tên làng là Xuân Mỵ. Hai  vị thuỷ tổ họ Ngô và Đỗ đã có công lao trong quá trình khai khẩn, rồi đến họ Mai, Trần Cảnh, Trần Quang, Nguyễn Xuân, Nguyễn Đức,Trần Văn, Nguyễn Hữu. Dù dòng họ nào ở làng Xuân Mỵ  cũng đều đồng cam cộng khổ với các dòng họ khác  khai khẩn điền thổ, tạo dựng làng mạc, để con cháu đời đời phúc thịnh.

Xa xưa như những làng quê Việt, trãi qua bao  nhiêu năm binh lửa chia cắt, rồi sát nhập, rồi chia tách, đôi khi có cả sự vô tình lãng quên nữa để rồi vẫn tồn tại một ngôi làng với nhiều tiếng thơm giữa lòng đất nước. Có thể điểm qua các mốc để bạn đọc hình dung ra sự tách nhập của một ngôi làng  cũng như rộng hơn là vùng đất Quảng Trị này.  Dưới thời các chúa Nguyễn, làng Xuân Mỵ thuộc tổng Minh Lương, huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Bình. Từ năm Minh Mệnh 17 (1836) do trích đất 3 tổng: An Xá, Bái Trời, An Mỹ của huyện Minh Linh chuyển về cho huyện Địa Linh (Gio Linh nay) mới lập nên làng Xuân Mỵ tách ra khỏi tổng Minh Lương và sát nhập vào tổng mới là Xuân Hoà thuộc huyện Minh Linh. Từ tháng 3 - 1946, làng Xuân Mỵ thuộc xã Xuân Lộc; từ tháng 1 - 1947, thuộc xã Vĩnh Xuân, huyện Vĩnh Linh; đến tháng 9 - 1950 thì thuộc xã Vĩnh Liêm, huyện Vĩnh Linh. Từ tháng 7 - 1954, làng Xuân Mỵ thuộc xã Trung Hải, quận Trung Lương và sau khi đất nước thống nhất thì thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh cho đến tận ngày nay.

Tôi tin rằng tất cả mọi con sông trên đất Việt này đều mang một đời sống. Chạm vào dòng sông là chạm vào lịch sử, là chạm vào bề dày của năm tháng vinh quang và đau khổ, vào sự biến động vật đổi sao dời. Có lẽ trong lịch sử hàng nghìn năm, bằng trầm tích lắng động cần mẫn của mình, dòng sông Bến Hải đã lập nên một dãi đất Hải Chữ, Xuân Long, Bách Lộc và Xuân Mỵ làng tôi. Vì thế đất làng tôi xen lẫn các cồn cát cao thấp nối dài của dãi Đại trường sa từ phía biển. Đất đai đa  phần bị phèn chua, cây lúa dãi khoai mọc lên cũng rất khó khăn gian khổ. Trước mặt là dòng Bến Hải, phía tây của làng cũng được ôm ấp bỡi vòng tay của dòng sông Cánh Hòm, cộng thêm những cồn cát trải dài về biển...Có lẽ vì thế mà tâm hồn người Xuân Mỵ khoáng đạt, thích tự do, gắn bó với ruộng đồng và sông nước. Dòng sông đã nuôi nấng ấp ui cho làng qua bao năm tháng. Dòng sông đã cho làng con cá con tôm, con cháu làng Xuân Mỵ có những đêm thức trộ đăng tần tảo  trên sông Bến Hải, để  rồi có ngày một người  phi tần gốc gác làng Xuân Mỵ về thăm quê không khỏi bùi ngùi trước cảnh hữu tình của sông nước, lòng hiếu thảo và chăm chỉ làm ăn  của xóm vạn chài bà đã xin triều đình cấp cho dân vạn chài này hai mẩu đất để “sinh cư, tử lấp” để từ đó hình thành nên một xóm Eo sát nhập vào  làng, tạo cho làng có ba xóm bề thế xóm Eo, xóm Chuôm và xóm Bến đứng sít vào nhau để cùng quay mặt ra dòng Bến Hải. Dòng sông cũng  đã cho làng tôi hội nhập thêm một nghề  nổi tiếng trong vùng: nghề làm muối. Cùng với làng Di Loan, Tường Vân sản lượng  muối của Xuân Mỵ ngày xưa cũng rất lớn. Sách phủ biên tạp lục – Lê Quý Đôn có ghi: “Xã Xuân Mỵ - Huyện Minh Linh thu theo nghạch cũ hàng năm 168 sọt, lễ 15 sọt (Theo tài liệu cổ từ thế kỷ XVI – XVII, theo lệ  thì một lò muối chừng sào ruộng thì thu một sọt, nữa sào thu một mủng, không đầy sào thu nữa mủng) để thấy Xuân Mỵ có nhiều lò chưng cất,  diện tích làm muối khá rộng và một bộ phận rất đông người dân Xuân Mỵ là diêm dân .

2. Xuân Mỵ là đất trọng văn và hiếu học, làng rất chăm lo đến việc khuyến học và thu vén nhân tài. Hồn cốt còn lại của làng  vào cái thời đô thị hoá chóng mặt này là ngôi miếu Văn Thánh của làng. Không biết ngôi miếu có tự bao giờ, nhưng khi tôi lớn lên, cứ vào dịp đầu năm ( ngày 25 tháng 2 âm lịch) làng tổ chức lễ tế tại miếu Văn Thánh. Lễ tế tuy là hương hoa đơn giản nhưng đầy thành kính để tri ân các vị tiền bối và cầu mong con em trong làng học hành đỗ đạt , thành danh để cống hiến cho quê  hương đất nước, giữ gìn các thuần phong mỹ tục của làng. Mỗi lần có các sĩ tử trong làng sắp sữa đi thi đều đến thắp hương cầu khấn ở Văn Thánh, lấy nước ở giếng Học trò  ở trong miếu mài nghiên mực với hy vọng đỗ đạt cao. Có lẽ nhờ vào niềm tin đó mà đã có biết  bao nhiêu thế hệ con em làng Xuân Mỵ đã thành danh trên con đường khoa bảng.

Dưới thời Nguyễn, mặc dù là vùng đất còn gặp nhiều khó khăn trong việc học hành thi cử cộng với qui chế  thi khắt khe nhưng có nhiều người dân làng Xuân Mỵ đã đỗ đạt trong các kỳ thi và được bổ làm quan hoặc giữ những chức tước khác nhau trong bộ máy cai trị của chế độ phong kiến. Nhà Nguyễn từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822) mới bắt đầu mở các khoa thi Hội và thi Đình, cho đến năm Khải Định thứ tư là khoa chót, có tất cả 39 khoa gồm 5 lân khoa, 32 chính khoa, 1 chế khoa và 1 nhã sĩ khoa, trong đó có 636 người trúng tuyển từ Thám Hoa đến Phó bảng, tỉnh Quảng Trị chiếm được 23 người, trong đó đất làng Xuân Mỵ có 3 người.

Sách  cũ Quốc triều đăng khoa lục, Đại nam thực lục chính biên cùng  khẳng định: Xuân Mỹ là làng có người đỗ đại khoa sớm nhất của huyện Minh Linh. Người mở đầu văn vận ấy là ông Nguyễn Xuân Bảng. Ông sinh năm 1812 đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ (1834) rồi bốn năm sau khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1838), ông đỗ luôn học vị Phó bảng (có thể xem như học vị phó tiến sĩ), trước hai ông tiến sĩ ở Sa Lung và Đơn Duệ ba năm, còn như các ông tiến sĩ ở Xuân Thành và Hà Thượng thì đến năm mươi bảy và sáu mươi năm

Ông Nguyễn Xuân Bảng  ra làm quan  lên chức rất nhanh . Từ một thuộc viên ở nội các, không bao lâu được đề bạt lên chức Lang trung Bộ lại, rồi tiếp đó cử giữ chức án sát Khánh Hòa, Sơn Tây, Hà Nội và đến cuối năm 1848, được giữ chức Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Qua sách sử và những lời truyền tụng để lại đựợc biết  thời kì làm việc tại nội các, ông chơi thân với bạn đồng khoa là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu và người bạn  đồng liêu là Nguyễn Hàm Ninh, hai nhà thơ nổi tiếng đương thời. Qua bài thơ hai ông này gửi ông có thể thấy ông tính tình khoáng dật, không phải say mê với danh lợi lắm.

Sau ông Bảng đỗ Phó bảng đến lượt em ông là Nguyễn Xuân Phiên đỗ tiến sĩ khoa Quí Mão (1843). Người làng Xuân Mỵ còn lưu truyền về ông Nguyễn Xuân Phiên, đó là một người học rất giỏi, con của một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm. Mẹ ông, một người đàn bà phúc hậu, rất mực thương con. Vì thương con lo cho con ăn học, bà phải quanh năm ăn đói mặc rách, làm lụng vất vả. Thương mẹ và để đền đáp công lao của mẹ, Nguyễn Xuân Phiên đã ngày đêm miệt mài học tập. Khi vào Huế thi, ông được đỗ đầu bảng rồi được triều đình giữ lại trong cung làm thầy dạy học cho triều thần và con vua. Nhờ tài đức của mình mà ông luôn được nhà vua và hoàng hậu quý mến. Còn các quan lại trong triều, ai ai cũng nể trọng ông

Như vậy, chỉ trong năm năm, làng có hai ông đại khoa. Chưa hết, đến năm 1876, làng lại có thêm một ông Giải nguyên (đỗ đầu cử nhân) là ông Trần Phát, và ông này năm sau tức là năm Đinh Sửu (1877) lại đỗ tiếp học vị Tiến sĩ. Con số đại khoa ấy dù đến khoa thi Hội cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919) cũng không có làng nào đạt đến cả.

Truyền thống hiếu học của người làng Xuân Mỵ cứ vậy đời trước truyền lại cho đời sau. càng về sau cái tinh hoa từ việc học càng rực rỡ, chói sáng. Thời thuộc Pháp, có ông Trần Cảnh Hảo, suốt cả cuộc đời thơ bé phải đi ở đợ chăn trâu cho một gia đình giàu có trong làng. Vốn tính thông minh mà chỉ nhờ vào nghe trộm bài giảng của người gia sư dạy con ông chủ  học mà ông Hảo trở nên sáng dạ rồi được ông chủ trân trọng thương yêu cho đi học. Ông Hảo học một năm hai lớp. Vào năm 1939, dưới thời Bảo Đại, ông Hảo đã đỗ cử nhân văn  khoa được bổ làm quan đốc học ở Huế. Cuộc đời ham học và học giỏi của Trần Cảnh Hảo sau này trở thành tấm gương soi cho các con ông. Cả bảy người con trai của ông là Trần Cảnh Huề, Trần Cảnh Lai, Trần Cảnh Huyên, Trần Cảnh Lưu, Trần Cảnh Mân, Trần Thị Hương, Trần Thị Mươi theo gương cha đã ăn học thành tài. Cả bảy người bây giờ đều là tiến sĩ, phó tiến sĩ, kỹ sư, nhà giáo... đang công tác trong đó có ba người đang làm việc ở nước ngoài.  Những năm sau hòa bình lập lại khoá thi đại học đầu tiên dành cho học sinh vùng giải phóng Quảng Trị từ bờ Nam sông Bến Hải đến bờ Bắc sông Thạch Hãn, trong số không nhiều những học sinh thi đỗ đại học năm ấy có tới năm học sinh người làng Xuân Mỵ. Năm học sinh thi đỗ đại học ngày ấy bây giờ là Nguyễn Hữu Hoài, tiến sĩ (Xí nghiệp dầu khí Vũng Tàu); Nguyễn Danh Sắt, thạc sĩ (Trường Đại học Tây Nguyên); Trần Cảnh Bình (Công ty Xi măng Quảng Trị); Nguyễn Xuân Hướng (Bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Cu Ba); Nguyễn Đức Thế (Trường THPT huyện Gio Linh). Trên khắp mọi miền đất nước đã có hàng chục người con làng Xuân Mỵ nhờ học hành đỗ đạt mà công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã, đang nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau. Trong số này phải kể đến: Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Tuyến (Trường Đại học Sư phạm Huế); Phó tiến sĩ Mai Xuân Hoài (Phân viện Khoa học TP. Hồ Chí Minh); Tiến sĩ Vật lý - hạt nhân Nguyễn Tắc Anh (Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt); Kỹ sư Nguyễn Thanh Hải (Viện Khoa học Kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng); Tiến sĩ Vật lý hải dương học Nguyễn Tắc An (Viện nghiên cứu biển Nha Trang); Dịch giả Trần Việt Tú (Bộ Giáo dục) và hai con gái của ông là nhà báo Trần Thanh Tâm, Trần Thanh Bình (Báo phụ nữ)... và nhiều người khác. Đó là những con số đáng trân trọng, đủ làm cho người dân Xuân Mỵ hãnh diện về phong thổ của quê hương mình đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước.

Tôi trở về Xuân Mỵ một ngày nắng đầu hè oi ả, làng quê vẫn còn thưa thớt, nhà cưả vẫn chưa còn đông đúc lắm, cát vẫn trãi dài dưới những lối đi và trong ký ức. Người tôi cần gặp là ông Trần Cảnh Thản trưởng thôn Xuân Mỵ, ở đây chúng tôi còn biết thêm về truyền thống hiếu học của làng  trong những năm gần đây vẫn không ngừng được phát huy. Mọi gia đình dù ở vào hoàn cảnh nào cũng tích cực động viên con em đến trường. Làng luôn luôn xem việc học tập của con em mình là một trong những công việc mà hết thảy mọi gia đình phải đặt lên hàng đầu. Bình quân hàng năm làng có từ 8 đến 10 em thi đậu vào các trường Đại học và  Cao đẳng. Ông Thản còn cung cấp thêm cho chúng tôi những con số như: gia đình ông Nguyễn Xuân Huyến là một gia đình nghèo có 2 con đều học rất giỏi,có em Nguyễn Thành Nhân đạt giải Tin học quốc gia 2010; gia đình ông Nguyễn Xuân Bình thuộc gia đình làm ruộng , thu nhập thấp nhưng 3 người con rất chăm chỉ học tập, đã có 2 người con đậu đại học, hay như gia đình ông Trần Cảnh Liên và bà Phạm Thị Thi có 4 người con đều thi đậu đại học, có người còn học lên Tiến sĩ và Thạc sĩ, hiện nắm giữ nhiều cương vị chủ chốt ở các cơ quan nhà nước…. hay như gia đình các ông: Nguyễn Danh Tỵ, Nguyễn Đức Quýnh, Nguyễn Xuân Hiếu, Trần Cảnh Liêu, Trần Quang Việt ... vẫn có từ hai đến bốn con học đại học, trong đó có nhiều người đã ra trường công tác.

Thầy Trương Sĩ Tiến, một con người tâm huyến với sự nghiệp giáo dục ở Quảng Trị đã có lần nói: Quảng Trị không nhiều khoa bảng, ngàn đời nay trí lực luôn vắt kiệt vào  hai tiêu chí: chống lại sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và dập tắt cường bạo ngoại xâm, nhưng con dân xứ này đã tìm ra một hướng đi thích hợp, tự học mà đứng  lên. Sự tự học và hiếu học ấy đang hiển hiện không những ở mảnh đất Xuân Mỵ mà toàn huyện Gio Linh này.

Quanh bàn trà trao đổi chuyện trò với anh Trần Lương Quang - Phó chủ tịch UBND huyện Gio Linh chúng tôi cùng chung quan điểm là  thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng và đạt giải học sinh giỏi  các cấp là kết quả của một quá trình khổ luyện học tập, rèn luyện bền bỉ và kết quả của lòng say mê, ý chí vượt khó, vượt khổ nhiều năm của các em. Mỗi em đều có một hoàn cảnh, thách thức phải vượt qua, nhiều em đi học nhà xa vất vả, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đời sống khó khăn vậy mà liên tục trong nhiều năm Gio Linh luôn là mảnh đất của sự học. Anh Quang cung cấp cho tôi những con số:  Trong những năm gần đây  trung bình mỗi năm toàn huyện có trên 300 em học sinh, sinh viên các trường đạt giải cấp tỉnh và thi đỗ vào các trường đại học hệ chính quy.Trong năm 2009- 2010 về văn hoá tại các kỳ thi cấp  huyện có 22/25 trường có học sinh đạt giỏi. Trung học cơ sở các kỳ thi cấp tỉnh có 74 em đạt giải học sinh giỏi văn hoá, máy tính cầm tay, giải toán qua internet, tin học trẻ… Huyện được xếp thứ 2 về học sinh giỏi máy tính cầm tay, xếp thứ tư về học sinh giỏi văn hoá trong toàn tỉnh. Tại cuộc thi học sinh giỏi toán quốc gia qua internet giành cho học sinh lớp 9 có 4/4 em đạt giải quốc gia, tập trung ở các vùng: Thị trấn Gio Linh, Trung Hải. Trung Giang, Gio Quang, Trung Sơn, Gio Mai. Có thể những con số này đọc lên nghe có vẻ khô khan nhưng sự học ở mảnh đất này không hoàn toàn như vậy, nó có cả một chiều sâu, chiều dày, bất chấp thời gian và tro bụi.

3.Vẫn chưa tìm thấy một sáng tác nào để lý giải bốn chữ trong bài đồng giao” văn chương Xuân Mỵ” thủa nhỏ, ngoại trừ làng quê này có  nhà văn Xuân Đức, người có tên tuổi trên văn đàn cả nước. Mảnh đất ân tình hiền như củ khoai củ sắn, thơm thảo như hoa ngâu hoa sứ ấy đã bồi đắp phù sa tâm hồn để cho anh có nhiều tác phẩm trả nợ với mảnh đất sinh thành.  Và cả những lớp người đi trước cùng nhiều thế hệ người Xuân Mỵ đã toả đi khắp đất nước với nhiều chức danh Tiến sĩ, Giáo sư, Bác sĩ, Nhà văn, Nhà báo và cả những doanh nhân thành đạt....họ đã mở những con đường cho tuổi trẻ Xuân Mỵ   hăng hái bước và con đường tân học và đạt được nhiều  thành tích đáng kể, giữ được truyền thống của cha ông.           

 Và dòng họ nào ở làng Xuân Mỵ này mà chẳng thiên di huyết thống. Huyết thống làng tôi sẽ như dòng sông Bến Hải chảy mãi, chảy mãi và không ngừng thẩm thấu. Dòng sông sẽ về đâu nếu không xuôi về biển lớn. Nếu không xuôi được về biển có nghĩa dòng sông đã cạn dòng, tự lấp mình trong sa mạc thời gian. Vì thế tôi tin nghạch đất ấy, khí vận ấy, long mạch và lòng người ấy mãi mãi là sinh khí trường tồn để sản sinh ra  những người tài, hiếu học, những người mang trong mình hình bóng của  ông cha  mình thủa trước.

Trại viết Gio Linh - Tháng 6/ 2011

                                                                                                        T.L

 

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 204 tháng 09/2011

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

3 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

4 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground