C |
uộc sống với phong phú, đa dạng với nhiều chiều kính, cung bậc sắc thái khác nhau trong biểu hiện về mặt xã hội, giai cấp, về chính trị, kinh tế, đạo đức v.v.. đòi hỏi ở nhà văn một sự cảm thấu (empathy), một sự nhạy cảm đặc biệt, “Sự đáp ứng một cách xúc động và sâu sắc đối với những ấn tượng của cuộc sống, sự thâm nhập thấm qua những giới hạn bên ngoài của các hiện tượng và sự kiện, sự nắm được những đặc điểm của chúng mà cho đến nay chưa ai biết tới - đó là một thuộc tính hữu cơ của tài năng nghệ thuật chân chính” (M.B Khranchankô, cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn hóa, nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội 1978, tr.12).
Có những thể loại văn học rất ngắn nhưng lại chứa đựng một lượng thông tin, một nội dung thông báo cực lớn như là những phát hiện, khám phá ra chân lý đời sống từ những cảm nhận đặc biệt. Chẳng hạn, thơ Haiku, Tanky của Nhật Bản, thơ Thiền (các bài kệ) của các Thiền sư Việt Nam… Cũng có thể loại với dung lượng lớn (như tiểu thuyết chẳng hạn), nhà văn phải huy động vốn sống, vốn tri thức văn hóa đồ sộ của nhân loại, của dân tộc, của bản thân vào tác phẩm. Giữa đại dương vốn sống, giữa trường văn hóa rộng lớn đó, giữa các sự kiện, những biến động lịch sử đầy phức tạp, chính đời sống con, tư tưởng tình cảm, thân phận con người trong cuộc đời là đối tượng trung tâm của sự mô tả, phản ánh của nhà văn. Và chính tình yêu, sự cảm thông với thân phận và con người là niềm tin, là ánh sáng làm sáng lên mọi mối quan hệ của cuộc đời, để phân biệt được đẹp - xấu, đánh giá được thiện - ác, cao cả hay thấp hèn, đạo đức hay phi đạo đức.v.v…
Vì thế văn học vừa chân thành vừa cao cả.
Văn học phản ánh từng con người một, từng số phận một, cụ thể như cuộc đời thực. Nói là riêng nhưng là chung, bởi vì động đến những yếu tố của đời tư con người như: Những nỗi niềm trong cuộc sống, cái vinh, cái nhục, những cái được, cái mất gắn với tâm sự của con người trên ba vấn đề chính thuộc về thân phận của mỗi người là tư do, hạnh phúc, nhân phẩm, là động đến cái vùng nhạy cảm nhất ở mỗi tâm sự của con người, là tạo ra không khí cảm ứng trước tình đời, cảnh đời. Không có một trái tim nhạy cảm nào, không có một tâm hồn phong phú nào lại dững dưng, vô cảm trước thân phận mình trước nỗi đau cũng như hạnh phúc của những người xung quanh. Trong văn học có các chủ đề vĩnh cửu như: cái chết, tình yêu, hạnh phúc v.v.. là để động thấu nỗi niềm sâu xa, những cung bậc tình cảm thiêng liêng nhất của con người nơi trần thế. Vì thế văn học đề cập đến số phận từng cá nhân nhưng lại là chung cho mọi người.
Mình là ta đấy thôi, ta vẫn gửi cho mình
Sâu thẳm mình ư? Lại là ta đấy
(Chế Lan Viên)
Như vậy con người trong văn học có sức quy tụ trong mình nó cả thế giởi, cả nhân loại.
Lạ lùng thay đấng tạo hóa ở từng thời điểm lịch sử lại phú cho những cá nhân tất cả những tinh hoa của thời đại mình, của dân tộc mình để đẻ ra một học thuyết, tạo ra một mô hình xã hội trong thực tế, quy tụ, thu hút bao nhiêu nhân tài, vật chất làm đổi hướng cả một dòng chảy của đại dương nhân loại bao la, thúc đẩy sự di tới của lịch sử. Văn học là hình thái ý thức của xã hội, trong ý nghĩa rộng của nó là ánh hồi quang, là sự thăng hoa quan hệ đời sống, luôn song hành cùng lịch sử. Có thể từ văn học mà hiểu đúng, hiểu thêm về lịch sử và hiện tại đó sao?! Nhưng các hình tượng: Prômêtê trong thần thoại Hy Lạp; Hăm lét, Đôngkisốt trong văn học thời kỳ Phục hưng; Phao-xtơ của văn học thời kỳ Khai sáng; Ép-Ghênhi-Ônhêghin trong thời kỳ Thức tỉnh của dân tộc Nga sau chiến tranh Vệ quốc 1812; Tôn Ngộ Không trong “Tây Du Ký” của người Trung Hoa báo hiệu một thời hưng thịnh, hài hòa giữa đạo và đời.
Hơn bất cứ một lĩnh vực hoạt động tinh thần nào, thiên phú cho nhà nghệ sỹ có một tài năng nhạy cảm đặc biệt và mô hình hóa (model) khả năng nhạy cảm đó, để đánh giá một cách chính xác cuộc sống bằng cảm xúc. Trước những biến động của cuộc sống, nghệ sĩ nắm bắt những mối quan hệ của đời sống khi chúng vừa mới hình thành. Để có được “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna- Karênina”, “Tội ác và trừng phạt” trong văn học Nga, các tác giả của các tác phẩm trên đều thừa nhận vai trò của A. Puskin, N.Gôgôn từ những tác phẩm mang tính dự báo như “Roxlavliép” tập truyện của ông Ben- Kin hay “Chiếc áo khoác”…
Để có được một Paven Vlaxov, một Paven Coóc Saghin văn học Nga đã được chuẩn bị mẫu người đó từ “Câu chuyện ngày hôm trước” từ “Cha và con”. Và Boris Pasternak, M.A Bungakov không thể chiếm được đỉnh cao của văn học Nga (thời kỳ Xô Viết) nếu không cách tân những yếu tố sẵn có trong các tác phẩm của A. Puskin, N.Gôgôn, L. Tônxtôi, M. Đoxtôievski, Santưcốp- Sê đrin… Cũng như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tản Đà… Không thể vượt lên các bậc tiền bối, nếu không đứng trên vai những người khổng lồ mà bề rộng và chiều sâu của văn hóa đã dồn tụ vào họ, nhiều khi chính họ cũng không hề biết . Chỉ biết rằng họ là một mắt xích nối liền quá khứ với hiện tại, trong chuỗi vận động không ngừng vừa gắn bó với cội nguồn, lại vừa mở rộng vòng tay tiếp nhận những thành tựu mới mẽ của cộng đồng nhân loại để vừa giữ được bản sắc riêng vừa tái tạo những giá trị mới trong những cuộc hôn phối không “môn đăng hộ đối” nhưng đầy quyến rũ đầy quyết liệt, phá vỡ những khuôn mẫu đã thành sáo rỗng bất chấp những sự trì trệ và những rào cản. Động lực của sự tìm kiếm đó, là sự sáng tạo những giá trị, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của cuộc sống, thỏa mãn yêu cầu đánh giá cái đẹp trên bình diện tinh thần, đã trở thành niềm say mê của những “Crixtốp Côlông” trong văn học trong từng thời đại. Có như thế ta mới có một Nguyễn Du với “Kiều” để đất nước hóa thành văn; có Hồ Xuân Hương làm thơ, sự sống tự nhiên bừng dậy trong những sinh hoạt tự nhiên nhất của cuộc sống hàng ngày để sự sống sinh sôi, rạo rực ấm áp trong từng hơi thở của đời sống của tự nhiên, một Tản Đà “gảy lên một khúc dạo đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ” (Hoài Thanh và Hoài Chân) mà thành quả là cuộc cách mạng thơ ca 1932- 1945.
Cùng với dòng chảy của lịch sử, lũy tre làng vẫn bám chặt vào mạch đất quê hương, sau tà áo dài và vành nón lá nghiêng nghiêng và cây đa, bến nước, sân đình còn có cả những nỗi khát khao, cái hoài bão mà ngay từ những thập niên đầu thế kỷ, trên bình diện phong trào xã hội đã nung nấu tâm huyết của những nhà nho Duy Tân. Những năm 30 bùng cháy với lý tưởng những người Cộng sản. Qua tiến trình đấu tranh giành độc lập, lại bùng lên vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ với những tên gọi mà ngay từ thuở những năm đầu thế kỷ đã xuất hiện: “Duy tân để tự cường” hay “Đổi mới”, “Hội nhập” mà chúng ta sử dụng ngày hôm nay. Trên bình diện văn học , từ thuở ấy đã vang lên trên trang báo của “Tiểu thuyết thứ bảy” lời tâm sự của Lưu Trọng Lư “những sự đau thương, buồn chán, vui mừng, yêu ghét của chúng ta không còn giống những sự thương đau, buồn chán, vui mừng, yêu ghét của ông cha ta nữa, đó là một sự thực!...”. Đến thập niên 80 ta lại bắt gặp một lời tân sự đầy tâm huyết, “Văn học ta rồi cũng phải gia nhập đời sống văn học thế giới, đua tranh với thế giới chứ nhỉ? Mà bằng cái gì? Bằng tác phẩm chứ không phải bằng cách ăn nhờ mãi vào cái danh hiệu là nhà văn Việt
Trên thực tế, nền văn học chúng ta trong hai thập niên sau khi đất nước đã thu về một mối, dân tộc thực sự là một cộng đồng thống nhất, rất nhiều những người cầm bút tâm huyết với nghề nghiệp thuộc nhiều thế hệ đã tốn rất nhiều công sức cho sự vận động vươn mình lên của văn học. Trong vận hội mới của dân tộc hôm nay, nền văn học của chúng ta đang khát khao, mong mỏi những hình tượng có khả năng dự báo, từ trong chiều sâu của truyền thống dân tộc làm dậy lên sức sống mới, khái quát cả một thời kỳ mới của dân tộc mà từ hiện thực hôm nay bao người đang tìm kiếm, trăn trở.
Đà Lạt. 1996
N.V.K