Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/12/2023 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tình tang cùng Thủy Ứ

Bàu Thủy Ứ ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, mênh mông như một chiếc gương trời, gắn liền với vùng đất làng Trạng Vĩnh Hoàng ngày xưa. Chúng tôi được trải nghiệm một ngày lênh đênh theo thuyền của người dân địa phương đi đặt lừ bắt tép, thưởng thức món tép nhảy trứ danh và lắng nghe những chuyện xưa của bàu khi đến ở đây...

Bàu Thủy Ứ - Ảnh: Đức Liêm

Bàu Thủy Ứ - Ảnh: Đức Liêm

1. 5 giờ sáng, chú Lê Hữu Thường, một người dân ở Vĩnh Tú, đưa chúng tôi ra bàu Thủy Ứ bằng thuyền sắt loại nhỏ. Vợ chồng chú có đấu thầu đánh bắt tôm cá tự nhiên trên bàu. Ngoài chú Thường, trên bàu còn có thêm mấy người, nhưng không thả lừ bắt tép mà thả lưới quăng chài đánh cá.

Thuyền chú Thường đưa tôi đi qua những xóm làng, cánh đồng, rừng cây nguyên sinh… Nghe nói, bàu Thủy Ứ đẹp nhất lúc sáng sớm. Chúng tôi cũng đi vào sáng sớm mùa hè cảm thấy nó đẹp hơn sức tưởng tượng. Bình minh trên bàu Thủy Ứ đẹp như một bức tranh thủy mặc. Bầu trời không gợn mây, gió rười rượi, sóng vỗ mạn thuyền tạo nên những âm thanh mơn trớn. Nhìn quanh, biển nước mênh mông, phẳng lặng. Người địa phương gọi bàu nước này là “Thủy Ứ”, nghĩa là nước đọng hay chỉ là chỗ đất trũng sâu chứa nước ở giữa một bên là làng mạc, một bên là những quả đồi lúp xúp rặng trâm bầu. Tên gọi nghe có vẻ bé nhỏ nhưng bàu nước thì quá ư mênh mông.

Tôi đã đi qua bao bàu nước lớn nhỏ, nhưng bàu Thủy Ứ làm tôi thích thú. Vùng đất nào có sông hồ chảy qua đều đẹp và đầy sinh khí. Bởi sông nước hữu tình cũng làm lòng người đẹp thêm. Nó chính là cảnh quan, phong thủy của mỗi vùng đất. Bàu Thủy Ứ là một báu vật vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Vĩnh Tú, Vĩnh Linh. Nhờ có nhiều mạch nước ngầm trong lòng đất nên bàu ăm ắp nước quanh năm.

Ven bờ Thủy Ứ có cánh rừng nguyên sinh gọi là rú Hàn còn rất hoang sơ. Trong rừng có những cây trâm bầu, cây ve, cây dẻ, cây sim... làm thành tầng, thành lớp, thành một vành đai bảo vệ bàu nước rất hiệu quả. Trong buổi lênh đênh trên bàu, chú Thường còn kể rằng, ngày xưa sen mọc rất nhiều, sen phủ kín mặt bàu, tỏa hương thơm ngát một vùng. Tuy vậy, ngày chúng tôi đến bàu, tiếc thay, màu hoa sen hoa súng đã tàn, chỉ còn lác đác vài bông hoa điểm tô cho mùa hè Thủy Ứ.

Chú Thường thường thì hỏi gì nói nấy. Nhưng đụng đến chuyện bàu Thủy Ứ là chú kể say sưa. Lúc thì thông tin đoạn bàu này sâu bao nhiêu, đoạn bàu kia rộng mấy trăm thước, lúc lại kể nhiều giai thoại thần bí, lạ kỳ gắn chặt với cuộc sống thường ngày bao thế hệ người dân. Chú Thường cứ khẳng định rằng sở dĩ người Vĩnh Tú vừa thông minh khoẻ mạnh, vừa luôn lạc quan tếu táo chính là nhờ ngay từ nhỏ đã được uống, được tắm trong làn nước ngọt mát và linh thiêng ở bàu Thủy Ứ.

Bắt tép trong bàu Thủy Ứ  để làm nên món tép nhảy trứ danh - Ảnh: Nguyên Thảo

Bắt tép trong bàu Thủy Ứ để làm nên món tép nhảy trứ danh - Ảnh: Nguyên Thảo

Bàu còn là một kho cá tôm dồi dào, ngày xưa có những con cá to ngoài sức tưởng tượng, vì thế mà trong chuyện trạng có con cá đô (cá lóc) làm được bảy món, mổ bụng cá ra có cả con chồn, vảy cá dùng để lợp nhà... Rõ ràng trên thực tế, không thể có con cá đô nào to nuốt cả con chồn và vảy cá lợp được mái nhà. Thế nhưng câu chuyện qua lời chú Thường kể, lại là một sự hợp lý hợp tình nghe thật thú vị.

2. Mỗi sáng chú Thường nhấc những cái lừ được thả từ chiều hôm trước lên cũng có được vài ba ký tép. Gỡ tép xong rồi chở vào bờ đã có mối để bán. Mỗi ký giao cho người thu mua được hơn trăm ngàn đồng, vị chi mỗi ngày chú kiếm được khoảng ba trăm ngàn. Hỏi vì sao không làm thêm nhiều lừ để thả, chú Thường bảo của bàu cho nên không tham.

Sáng đó chúng tôi đi gỡ tép đến 9 giờ mới về tới nhà. Vợ chú Thường đã chuẩn bị sẵn một rổ rau thơm cùng một tô xì dầu mù tạt. O nói làm món gỏi tép nhảy đặc sản bàu Thủy Ứ, dễ lắm. Tép vừa bắt lên con nhỏ trong suốt, còn nhảy tanh tách cứ để nguyên thế rưới nước cốt chanh vào, nó dãy một lúc rồi nằm yên, cho thêm lạc rang chín và rau ngò tây cắt mịn cùng nhiều loại gia vị khác trộn đều. Gỏi tép nhảy ăn kèm gồm bánh tráng và rau cải non. Chẳng cần tẩm ướp gì cả, dân dã mà ngon miệng. Tép vừa ngọt, vừa thơm, không có mùi rong rêu bùn đất.

Trưa nắng, chúng tôi ngồi trên chiếu bạt uống rượu, thưởng thức gỏi tép nhảy, nghe chú Thường kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng, cảm giác rất thư thái nhẹ nhàng. Chú nói về quả dưa đỏ dân làng trồng được, lớn lắm, nhưng bằng hình ảnh đạn bắn vào mắc kẹt không ra được, thằng cu ăn dưa bị gãy mấy cái răng vì nhai phải vỏ đạn. Chú nói về những quả ớt khổng lồ, gặp gió đung đưa rổn rảng, nên khi đi thăm đồng từ xa dân làng tưởng bầy voi vô phá, khua ngà lung tung. Một củ sắn để lâu ngày quên đào lên, con trâu của dân giẫm phải sụp vô trong ruột, mắc kẹt luôn, thế là từ trâu đen thành trâu trắng vì bột sắn phủ lên kín người…

 Món tép nhảy trứ danh - Ảnh: Nguyên Thảo

Món tép nhảy trứ danh - Ảnh: Nguyên Thảo

Qua những câu chuyện trạng, thiên nhiên và con người Vĩnh Tú hiện ra thật đẹp, quê kiểng, dân dã, chất phác và hồn nhiên. Từ bàu Thủy Ứ, rú trâm bầu, ruộng đồng, vườn cây đến con cá, quả dưa, củ khoai, trái ớt… tất cả đều sinh chuyện, luôn gắn với một giai thoại độc đáo, hài hước, tưng tửng và mang tính bất ngờ thú vị. Và chú Thường thấy tiếc khi bây giờ di sản chuyện trạng ấy đang dần mai một.

Cái sự thở than ấy của chú Thường, không hiểu sao trở đi trở lại trong đầu tôi khi nghĩ về câu chuyện quy hoạch bàu Thủy Ứ. Cách đây chưa lâu, tôi có nghe nói huyện Vĩnh Linh đã có một kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị bàu Thủy Ứ, rồi quy hoạch bàu thành khu dịch vụ du lịch. Thực tế mấy năm qua, bàu Thủy Ứ đã có những khởi động ban đầu đúng hướng. Khi người dân địa phương đã nhận ra sức hấp dẫn của bàu nước quê nhà nên đầu tư mở nhà hàng ẩm thực. Mấy căn chòi được dựng lên giữa bàu nước rộng mênh mông để khách thư giãn, có bến thuyền ngắm cảnh. Còn đặc sản chủ yếu là những món ăn được đánh bắt từ trong lòng bàu: cá chép, cá rô, tép nhảy… và dĩ nhiên không thể thiếu “đặc sản” chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Khách đến, ngồi xếp bằng trên chòi, ăn những món ăn đặc sản và lắng nghe những nghệ nhân kể chuyện trạng. Khách sẽ có cơ hội hình dung lại không gian đã nảy sinh ra cách nói trạng, kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng ngày xưa nó như thế nào. Đó là những chiếu trạng bên bàu nước ngọt trong lành, chân tình và gần gụi. Đấy là chưa nói tới chuyện, nếu tổ chức cho du khách đi thuyền lênh đênh trên bàu, kể cho họ nghe những sự tích ngày xửa ngày xưa bàu Thủy Ứ... chắc chắn sẽ hấp dẫn. Nếu làm được như vậy thì bàu Thủy Ứ sẽ phát huy được vẻ đẹp trời ban cho một vùng đất, mà đáng ra mọi người dân đều phải được thụ hưởng.

Chiếu trạng ngày xuân ở Vĩnh Tú. Vùng đất sơn thủy hữu tình  đã sinh ra những chuyện trạng rất đặc sắc - Ảnh: Trung Thành

Chiếu trạng ngày xuân ở Vĩnh Tú. Vùng đất sơn thủy hữu tình đã sinh ra những chuyện trạng rất đặc sắc - Ảnh: Trung Thành

Câu nói “hãy nâng niu và trân trọng bàu Thủy Ứ” của chú Thường như vẫn vẳng lại trên đường trở về sau một chuyến đi. Tôi đã nói với chú ấy rằng thử lênh đênh bàu Thủy Ứ một ngày xem sao, nhưng cái sự lênh đênh ấy hóa ra lại là một chuyến đi vừa thú vị, vừa lắng đọng, khi bàu nước ngoài kia thì rất đẹp, mà trong chúng tôi vẩn vơ bao chuyện trở trăn với bàu nước ngọt lành này...

 

NGUYÊN THẢO
Chuyên đề 10: Kí ức xưa

Mới nhất

Nghiên cứu phát huy giá trị di tích Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong

22/11/2023 lúc 15:26

TCCV Online - Ngày 22/11/2023, Sở Khoa học và công nghệ; Sở Văn hóa, thể thao và du lịch; UBND huyện Triệu Phong đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Hệ thống di tích Chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hoá và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản”.

Nghĩa tình và nhiều việc làm Tình nghĩa

19/11/2023 lúc 23:20

Tại thành phố Đông Hà có một nhóm thiện nguyện ý nghĩa và gắn kết với tên gọi “Nhóm Nghĩa Tình”. Thành viên nhóm là những cô giáo đã nghỉ hưu nhiệt huyết, tràn đầy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội...

Tâm tình của diễn viên - đạo diễn Lê Cung Bắc (1946 - 2021) qua tập hồi ký "Bụi cát chân mây"

17/11/2023 lúc 09:53

TCCV Online - Đại thi hào Nguyễn Du đã viết bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký nhằm bày tỏ mối thương cảm, tri âm cùng người con gái đời Minh, tài hoa bạc mệnh, oan khiên, đau đớn. Khi kết thúc, ông đã không khỏi ngậm ngùi tự hỏi: “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?"

Phản ánh tích cực, toàn diện các mặt của đời sống xã hội

16/11/2023 lúc 14:32

TCCVO - Chiều ngày 15/11/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 9, 10/2023 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/12

25° - 27°

Mưa

07/12

24° - 26°

Mưa

08/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground