Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tôi lòn qua tuổi thơ

Người ta, khi đi gần hết cuộc đời vẫn ngẩn ngơ nhớ tuổi thơ của mình. Những người trẻ cũng không ngoại lệ, nhất là khi gặp lại bạn đồng niên, tay bắt mặt mừng cười cười nói nói: coi bữa nay phát tướng dữ, ngày xưa gầy nhom, coi bữa nay trắng da dài tóc, ngày trước như lọ lem chẳng khác…

rồi từ đó kí ức chạy về, chuyện nay thì ít, chuyện xưa thì nhiều. Những buồn vui, những ngày đi qua tuổi thơ như cánh cổng nhỏ lấp lánh, đến già cứ ngồi kể, dù muốn hay không thì mình vẫn có thời nhỏ, muốn trở về phải bước qua cánh cổng tuổi thơ, tự mình thu nhỏ mình “lòn” qua cánh cổng.

Chiều quê - Ảnh: T.T

Chiều quê - Ảnh: T.T

Trong kí ức hơn bốn mươi năm của tôi, cánh đồng và những cơn mưa không có quá nhiều người. Có khi là vùng kí ức đơn độc của tôi và đàn bò mà màu lông vàng của chúng như những đóm lửa giúp tôi nhận thấy đường đi, giúp tôi trở về nhà bình thản, an toàn vì màu lông vàng ấy không thiếu con nào. Từ 8 đến 10 tuổi, ngày nào cũng mang gia sản mấy chục triệu đi gặm cỏ giữa cánh đồng rộng lớn mênh mông. Khi lũ bò ăn, tôi đứng chơi vơi nhìn trời, nhìn núi và chẳng hề nghĩ số bò kia vốn rất nhiều tiền, chỉ làm nhiệm vụ cho ăn no, mang về đủ. Nỗi sợ hãi về thiếu một, thậm chí vài con lông vàng là nỗi ám ảnh của tôi. Mặc dù, tôi chưa hề để mất một màu vàng nào trong số đó, nhưng nếu điều đó xảy ra...

Trong kí ức của đời người còn có một tương lai, đó là những điều dự kiến. Nếu một con lông vàng biến mất, nếu một con lông vàng bị què chân, nếu một con lông vàng ăn lúa bị người ta bắt cột… nó không vừa vặn với những đứa trẻ lên mười. Dường như điều ấy khiến nếp nhăn trên trán tôi và những đứa bạn đến sớm hơn. Chúng tôi nơm nớp lo âu, nơm nớp cầu mong điều an yên đến với mình, cầu mong mỗi buổi chiều đến đủ những con lông vàng chứ không phải điểm cao ở trường học hay tấm giấy khen có chữ kí và con dấu đỏ của nhà trường, tuyệt nhiên không.

Trong giả định của một ngày mưa, nếu mất một con lông vàng, tôi sẽ chẳng trở về nhà. Tôi sẽ tìm kiếm nó bằng mọi cách để đến khi màu vàng óng ánh đó đứng trước mặt tôi, tôi sẽ cười, sẽ mang nó về chuồng, bảo với mọi người trong gia đình, nó tham cỏ ở vùng cây rậm rạp, nhưng cuối cùng tôi đã tìm ra… Rồi một giả định khác, nếu tìm mãi không thấy con lông vàng thì tôi sẽ bỏ đi. Đi đâu, làm gì chẳng biết. Tôi sợ ánh mắt của cha, mặc ông ấy chưa lần nào đánh đòn tôi. Tôi sợ nước mắt của mạ, nếu mất đi một con lông vàng mạ phải tần tảo bao năm mới gom góp đủ tiền để mua. Sợ lời quở trách của các anh chị tôi, họ sẽ bảo do tôi ham chơi nên để mất bò, để mạ mất đi nước mắt.

Cơn mưa tháng bảy âm lịch đã kín bưng, nó chợt đổ xuống như những tấm thảm dày. Kéo theo mưa là gió, kéo theo gió là đàn bò không chịu được mưa, chúng cứ gồng mình tìm đường tháo chạy. Chốc chốc không chịu được nước mưa đâm thốc tháo vào mặt, chúng nghiêng đầu lại nhưng vẫn thành hàng chạy một mạch khiến tôi theo muốn đứt hơi. Mọi thứ chẳng thể kịp trở tay nên khi về đến chuồng, tôi mới kiểm được chúng, trong màu lông vàng tối sẫm vì nước đã thiếu mất một, con nhỏ nhất đàn.

Cánh đồng cỏ xanh mướt cùng cơn mưa mát rượi chẳng thể khiến tuổi thơ tôi khỏi lo lắng qua những ngày dài. Tôi dẫm lên cỏ, lội trong mưa, tìm con lông vàng nhỏ nhất đàn để đến khi tôi bắt gặp nó ở một đàn bò khác thì thằng Hành đi lủi thủi dưới mưa, nó chẳng nói chẳng rằng. Ngày hôm sau, làng tôi xôn xao chuyện thằng Hành bỏ nhà ra đi lúc khuya, nó làm mất một con lông vàng.

Tôi gói gém kí ức về nó, một đứa bạn kiệm lời, quần áo rách tả tơi không phải nhà nghèo mà vì nó số khổ, khi mẹ nó mất sớm, nhà đông anh em, phải sống với người cha hà khắc đến con chẳng còn đường về. Tôi đã trang trí cho tình bạn của chúng tôi khi có chiếc mũ đẹp nhất tôi đã cho nó, chia sẻ bữa ăn ở những ngày mưa, đã đứng nhìn nó hàng giờ lấy cuống cây sắn xây lên những bảo tháp chở che, bao dung và độ lượng. Để rất nhiều năm, khi nhìn qua bờ rào, coi bên nhà hàng xóm có ai không, để hỏi về một người.

Có những ngày mưa, khi mùa đông bắt đầu trở gió. Những cơn gió lạnh sớm vào tháng mười tôi run rủi bắc ghế ra ngoài hiên, ngồi xem hàng cây xanh, ranh giới giữa hai nhà. Nó được gọi là bờ rào theo từ phổ thông chớ làng tôi gọi hàng cây đó là “trôông”. Một dãy phân cách bằng cây xanh chia ranh giữa hai gia đình, nó rất tạm bợ, nên nhiều khi hàng xóm lấn đất của nhau là chuyện thường tình. Mà hồi mấy chục năm về trước người ta lạ lắm, đất ngoài đồng rộng thênh thang chẳng ai để ý, đi “xén” cái bờ rào, để từ đó nhìn nhau khó chịu, có khi lại thổi um lên bằng những câu nói gây mất lòng nhau. Rồi giận hờn nhau mươi ngày nửa tháng, để rồi con đường nhỏ cắt ngang bờ rào ngủ yên, lối hàng xóm thường qua lại với nhau, khi thì chút muối, lúc chút mắm, có khi gạo… mượn với nhau đi qua những ngày gian khó.

Hàng xóm của tôi là anh trai thằng Hành, nhà có năm chị em. Những người không chịu được người cha hà khắc nên bỏ ra ở riêng. Ngày đám cưới, anh trai thằng Hành ra dắt của người cha một con bò. Anh ta bảo, làm cha phải có nghĩa vụ với con. Người cha chịu lý đứng lặng im, tôi chậc lưỡi, đáng con bò để mất là của thằng Hành, việc gì phải bỏ nhà ra đi.

Thỉnh thoảng đứng bên này, nhìn thấy anh trai nó, tôi cắt bờ rào đi qua, hỏi coi có tin gì của thằng Hành không, anh chị nó lắc đầu. Có khi chỉ qua không cần hỏi, tôi cũng được người nhà thằng Hành bảo, chắc nó không còn nữa. Bất giác tôi cắt một vài bờ rào khác, đi xa hơn chút để nghe ngóng tình hình. Không ai hay về nó. Từ làng trên xóm dưới, người ta thường cắt bờ rào để đến nhà nhau, ít khi đi qua cổng chính. Nên con đường vào nhà mỗi người, cỏ mần trầu mọc chi chít, năm thì mười bữa phải lấy cuốc xớt đi…

Lối đi nhỏ qua bờ rào ấy thật hay ho, nó đủ cho người lớn lách người, như một cánh cửa hẹp. Đêm đêm, đèn dầu đỏ, tiếng người cảnh báo đi ngang bờ rào, chưa thấy người đã thấy tiếng, nghe luôn cả lí do người kia đến đêm hôm. Nên lớn bé gì cũng biết chuyện làng trên xóm dưới, tối qua ai đến nhà ai, làm gì đều biết tỏng tong. Bởi tiếng chó sủa rộn ràng, tiếng chủ nhà đe đàn chó… những âm thanh đó đi cùng tôi suốt những tháng năm dài.

Bắt còng trên cát biển - Ảnh: H.H.L

Bắt còng trên cát biển - Ảnh: H.H.L

Bờ rào cũng là nơi để người nhà này nhà kia chửi đổng nhau khi mất con gà, mụt măng, khi mất trái mít hoặc nhánh cây vô cớ bị chặt… hầu hết là đàn bà. Chẳng mấy chốc, từ một người trở thành vài người, rồi vài người trở thành số đông. Bởi ai cũng nghĩ người mất của chửi mình, nhất là khi người ta đứng hướng về phía nhà mình thì không còn nghi ngờ gì nữa. Họ đối qua đáp về rất lớp lang, từ ngày này qua ngày khác. Buổi sáng trước khi ra đồng, người ta đứng bờ rào chửi đổng, trưa về cũng ra đấy, chiều tối cũng không buông. Nên lũ trẻ thường kết vè, khi ai đó mất gà, thấy chủ nhà chửi chúng túm tụm nhau lại đồng thanh trêu: “Con gà tui là con gà nổ / Ai cắt cổ / Ai nhổ lông / Ai chôn lòng / Ai ăn lật đật nửa đêm…”.

Bao chuyện buồn vui với bờ rào, với lối nhỏ cắt ngang, với tình làng nghĩa xóm sau giận rồi thương, hết thương lại giận. Hàng trăm năm, bờ rào cây xanh um như tình người. Nó hằn lên trong trí nhớ của những người sống ở làng, kể cả khi làng trở thành phố xá thì những lớp người sau vẫn được nghe kể về làng như câu chuyện cổ tích giản dị mà đẹp đến vô cùng. Có khi, bờ rào lấp lánh trong những giấc mơ của những đứa trẻ từng bước đi trên con đường làng.

Dọc đường làng tôi được trồng rất nhiều mít. Cây làm ranh giới cho mỗi khu vườn, cây nuôi lớn tuổi thơ chúng tôi. Thời đói nheo đói nhóc, sáng nào lũ trẻ chúng tôi cũng kéo nhau đi khắp làng để thử mít nên cây nào có quả ngon ngọt… tôi và lũ bạn thuộc nằm lòng. Vào mùa, tôi thường “dú” mít ở những bụi cây để mỗi sớm mai hoặc mỗi chiều về đói là có ăn. Nhưng nhiều lúc cũng bị con lông vàng cướp lấy. Khi đàn bò ngửi thấy mùi thơm, chúng lục lọi, chúng tụm nhau lại để chia chác với món mà ngoài cánh đồng chẳng bao giờ có.

Thằng Hành có cách khắc chế những con lông vàng thật hay ho, khi nó đặt quả mít to đùng lên cây duối. Vài ngày sau những con lông vàng gọi nhau chạy tròn dưới gốc cây, thằng Hành chỉ đứng cười, chờ lũ lông vàng tản ra, nó trèo lên cây cắt đưa cho tôi một miếng.

Con đường làng nhỏ nhoi đã dẫn nhiều người đến với những thế giới khác nhau, những hoàn cảnh rất khác nhau. Đường làng ngày ấy giờ được gói trong kí ức của rất nhiều người. Tôi đi qua đó, như lòn qua tuổi thơ của mình. Mà những thứ mắc lại từ ngày nghèo khó có khi rộng lớn hơn con đường. Có khi, hình ảnh thằng Hành cùng với trái mít thơm tho trên cây duối xanh là ngày hạnh phúc nhất của tuổi thơ, của nó.

Hồi này, có một vài lần nó trở về cùng vài đứa nhỏ, rồi đi. Đi chục năm rồi trở về một mình. Bên tường rào bằng lưới B40, tôi đứng nhìn sang nhà anh trai thằng Hành nghe ngóng. Anh bảo, thằng chi mà số khổ, mất có con bò thay đổi cả một đời, đi hoang.

Thỉnh thoảng tôi và Hành gặp nhau nhưng chỉ nhìn nhau gật đầu chớ hiếm khi nói chuyện. Lẽ thường, chúng tôi như mấy mươi năm về trước, trên cánh đồng rộng lớn thường chia sẻ thức ăn, hỏi han những điều cần thiết… Thời gian còn lại mỗi đứa tìm thứ cho riêng mình, không hẳn là hạnh phúc hay không hạnh phúc, chỉ giản đơn trong hằng hà sa số những thứ diễn ra giữa thiên nhiên, trong thế giới loài người, chúng tôi lầm lũi, kiếm tìm điều mình muốn.

Để giữa biển người mênh mông, có khi thấy mình còn trẻ, có khi thấy mình sống với những ngày vừa đủ để nghỉ ngơi, để còn bước đi. Mặc ở phía trước là gì, có còn tuổi thơ không…

HOÀNG HẢI LÂM
Chuyên đề 10: Kí ức xưa

Mới nhất

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 09:29

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 09:34

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 09:32

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 09:23

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

27/04/2024 lúc 05:02

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground