Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

“Tôi ước giá như cha tôi còn sống để xin lỗi Việt Nam”

Tin ông Craig Mc Namara, con trai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S.Mc Namara đến Việt Nam, trong đó có Quảng Trị tham gia làm phim theo đề nghị của Ban Truyền hình đối ngoại (VTV4), Đài Truyền hình Việt Nam khiến tôi thấy thú vị, hồi hộp đợi chờ lúc gặp mặt ông nên cả buổi trưa không ngủ.

Bộ phim VTV4 đang quay này là phim tài liệu đặc biệt Cuộc đọ sức của ý chí, nhằm nêu bật tầm vóc, giá trị độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, phân tích những sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Lịch quay của đoàn làm phim khá dày đặc, thời gian trống không có nhiều, tôi phải tìm cách “chèn” vào. Giờ hẹn cứ dịch chuyển, tôi liên lạc từ 11 giờ, 12 giờ, đến 13 giờ, chuông điện thoại của tôi reo lên, giọng niềm nở của phóng viên Lê Thùy Dung trong đoàn làm phim của VTV4: “Đoàn vừa kết thúc cảnh quay buổi sáng, đang nghỉ ăn trưa tại nhà hàng thịt trâu Sóng Chiều, anh đến được rồi đó”.

Tôi phóng xe chở vợ tôi cùng đến. Khi đi, tôi dặn vợ mang theo chiếc nón lá Việt Nam, có hình lá sen xanh, hoa sen tím do vợ tôi vẽ, kèm dòng chữ An lạc từng bước chân mang hơi hướng đạo Phật và mang ước nguyện hòa bình để tặng ông Craig Mc Namara. Trong không gian nhà hàng đặc sản thịt trâu Sóng Chiều thoáng đãng, mát mẻ, dân dã mà không kém phần thi vị bên bờ sông Hiếu trong xanh, đoàn đang ăn trưa vui vẻ, dường như quên mệt nhọc đường trường. Khi đoàn ăn trưa xong, vợ chồng tôi tặng ông Craig Mc Namara chiếc nón lá Việt Nam rồi cùng ông trò chuyện cởi mở, vì tôi dẫu chưa từng gặp ông nhưng đã “biết” về ông qua xa lộ thông tin. Cha ông, Roberts S.Mc Namara, người được mệnh danh là “kiến trúc sư trưởng” của cuộc chiến tranh tại Việt Nam, sau gần 30 năm im tiếng kể từ khi rời Lầu Năm Góc đã viết cuốn sách Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội đã cho dịch và xuất bản năm 1995), thừa nhận: “Chúng tôi ở trong các chính quyền Kennedy và Johnson, tham gia vào các quyết định về Việt Nam… Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”(1). Cha ông còn cho biết: “Việt Nam và sự dính líu của tôi ở đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới gia đình tôi, nhưng tôi không đi sâu vào tác động của điều đó đối với gia đình tôi và bản thân tôi”(2). Về những “ảnh hưởng sâu sắc” của chiến tranh Việt Nam đến gia đình mình mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Roberts S.Mc Namara không đi sâu thì ông Craig Mc Namara đã dám đi sâu phân tích, giải tỏ qua cuốn sách Because our fathers lied - A memoir of truth and family, from Vietnam to today (Vì cha chúng tôi dối trá: Hồi ký về sự thật và gia đình, từ Việt Nam đến ngày nay) của ông được xuất bản tại Mỹ năm 2022 và bản tiếng Việt sắp được xuất bản thông qua Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh. Ông vốn có quan điểm bất đồng với cha của ông về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông viết cuốn sách này để tìm cách “giải thoát” bi kịch gia đình và “món nợ” Việt Nam. Tôi hỏi mà như để bắt mạch dòng cảm xúc chính trong ông:

- Ông cho biết cảm nhận của ông khi đến với Quảng Trị, mảnh đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh và là nơi có hàng rào điện tử Mc Namara mang tên người cha của ông?

Được khơi đúng mạch, dòng suối nội tâm ông qua năm tháng nhọc lòng vượt bao thác ghềnh gay cấn, cứ thế trào ra:

- Đây là lần thứ hai tôi đến Quảng Trị và nhìn thấy hàng rào điện tử Mc Namara. Lần thứ hai này, tôi đã hiểu biết hơn rất nhiều so với lần thứ nhất. Và tôi đã đọc trước các thông tin để hiểu rõ hơn về sự thất bại của hàng rào điện tử Mc Namara. Cha của tôi là một người rất giỏi tính toán. Ông có thể đưa ra kết quả như có một chiếc máy tính cầm tay trong đầu mà không cần dùng tới một cái máy tính thực sự. Ông nghĩ trong chiến tranh Việt Nam, ông có thể sử dụng trí óc của mình trong việc tính toán bằng các con số để giành chiến thắng với Việt Nam. Và kết quả đã cho thấy cách tiếp cận đấy là sai. Ông đã nhận thấy là mình sai nhưng mà ông chưa bao giờ xin lỗi hoặc làm những điều gì để sửa chữa những sai lầm đó. Tôi ước giá như cha tôi còn sống cũng sẽ đến Quảng Trị và Đà Nẵng để nhìn thấy những hậu quả chiến tranh cũng như góp phần giúp đỡ những nạn nhân hoặc là giải quyết hậu quả bom mìn để lại. Tôi cũng ước giá như ông còn sống để có thể cùng với các cựu binh Mỹ về đây chứng kiến cũng như là xin lỗi phía Việt Nam rằng tôi đã sai, tôi hối hận với những gì mình đã làm. Và ngày hôm nay tôi ở đây, với tư cách cá nhân, tôi muốn gửi đến các bạn một lời xin lỗi. Nhưng mà tôi chỉ là một cá nhân thôi, tôi không phải đại diện cho đất nước của tôi để xin lỗi nhưng mà giữa con người với con người, giữa con người với nhau, tôi muốn gửi tới các bạn một lời xin lỗi chân thành - Ông Craig Mc Namara quay qua chỉ tay vào đóa sen nở trên chiếc nón lá Việt Nam của vợ tôi tặng, giọng xúc động - Và cũng đúng như lời bà đã viết trên cái nón này là: An lạc từng bước chân, tôi hy vọng mỗi bước chúng ta đi sẽ tìm đến với hòa bình.

Ông Craig Mc Namara (thứ ba, từ trái sang) với chiếc nón lá Việt Nam - Ảnh: P.V

Ông Craig Mc Namara (thứ ba, từ trái sang) với chiếc nón lá Việt Nam - Ảnh: P.V

Tôi phấn hứng cám ơn ông và bắt chặt tay ông rồi khơi tiếp mạch chuyện:

- Hồi nãy, ông có nói rằng ông Mc Namara giỏi tư duy về con số và kỹ thuật, rồi nhận ra tư duy đó trong chiến tranh Việt Nam, với hàng rào điện tử Mc Namara là sai. Vậy vì sao mà nó sai như vậy? Yếu tố nào dẫn đến tư duy con số, kỹ thuật đó bị sai?

- Ví dụ như là cái việc đếm xác chết trong chiến tranh. Về chiến thuật, ông dựa vào việc đếm xác, tức là càng có nhiều người chết nghĩa là càng tốt. Cái ấy không áp dụng đúng được - Ông Craig phân tích như thể một nhà “Việt Nam học” - Ông đã không hiểu được một điều rằng, Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam sẵn sàng hi sinh tất cả để có được độc lập và tự do. Ông cứ nghĩ rằng cái việc đếm xác đấy nếu cho thấy thương vong quá lớn chẳng hạn sẽ làm chùn bước phía Việt Nam. Nhưng ông không biết được yếu tố lịch sử và văn hóa của người Việt đấy là sẵn sàng trả giá để có được độc lập, tự do.

Đề cập đến cuốn sách “gai góc” mà ông đã viết ra, tôi đưa ra một lời ngỏ:  

- Được biết, ông có viết một cuốn sách về cha mình xuất bản ở Mỹ năm 2022, bản tiếng Việt sắp được xuất bản. Xin ông cho biết là ông có muốn giới thiệu cuốn sách này tại Quảng Trị không? Năm nay chưa làm kịp thì có thể năm sau và chúng tôi sẵn sàng phối hợp với ông để giới thiệu cuốn sách này tại mảnh đất Quảng Trị, nơi có hàng rào điện tử Mc Namara. Có thể chúng ta gặp nhau và tổ chức giới thiệu cuốn sách này trong năm 2026.

- Tôi rất là cám ơn thịnh tình của anh và nếu có dịp, có cơ hội thì sẽ quay lại. Tất cả chúng ta cùng làm vì hòa bình không chỉ đối với Việt Nam và Mỹ mà còn trên thế giới nữa.

Có một điểm đáng lưu ý, về tên cuốn sách, ông Craig Mc Namara đã đặt là Because our fathers lied… (Vì cha chúng tôi dối trá…), tức là ông không dùng từ father: cha, số ít, mà dùng từ fathers: những người cha, số nhiều, ngụ ý rằng, ngoài cha của ông ra, còn có những người cha khác trong cỗ máy chiến tranh của Mỹ lúc đó đã nói dối con em của mình về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Từ lúc còn trẻ, ông Craig Mc Namara đã sớm có thiện cảm với Việt Nam, sớm phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Lúc đó, trong phòng ông ở, ông đã treo một lá cờ của Mỹ nhưng mà ông treo ngược để tỏ thái độ phản đối Mỹ gây chiến ở Việt Nam và ông có treo một lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để tỏ niềm thiện cảm. Nhắc lại chuyện này với ông, tôi hỏi ông:  

- Lúc đó sao mà ông hiểu được Việt Nam rất sớm? Ông có đọc thông tin sách, báo, giúp ông có nhận định sớm, hiểu được sớm về Việt Nam?

- Bởi vì khi tôi còn bé, các thầy cô giáo, giáo sư ở trong trường, có rất nhiều người có hiểu biết đúng đắn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và nói cho tôi biết là Việt Nam có lịch sử như thế nào, không phải chỉ thời chống Pháp, chống Mỹ mà còn cả nghìn năm Bắc thuộc và những nét văn hóa của người Việt Nam. Từ đấy mà tôi hiểu. Khi họ nói, họ dạy như thế, tôi đồng tình.

Thế rồi, tôi hỏi một câu vào sâu thẳm nhức nhối nội tâm ông lâu nay:

- Thời gian ông Robert S.Mc Namara chuẩn bị làm hàng rào điện tử, hai cha con ông có thường thổ lộ, trò chuyện với nhau không?

- Anh là một người cha đúng không ạ, anh cũng có những đứa con của mình. Ông ấy cũng là một người cha và có những đứa con. Ông ấy nghĩ rằng, ở cương vị là một người cha, nếu làm những quyết định mà nó ảnh hưởng đến tính mạng của hàng triệu người, người cha đấy sẽ cảm thấy rất khó khăn để mà nói chuyện đấy với đứa con của mình. Tôi đã cố để hỏi ông ấy về cuộc chiến nhưng dường như có một bức tường vô hình ngăn giữa chúng tôi và ông ấy không bao giờ chia sẻ điều gì cả.

Bức tường ấy, rút cuộc, ông Craig Mc Namara đã tìm cách phá đi, dù muộn màng và dù cha con ông âm dương cách biệt.

Ông Craig Mc Namara (thứ nhất, bên trái) trò chuyện với tác giả bài viết - Ảnh: P.V

Ông Craig Mc Namara (thứ nhất, bên trái) trò chuyện với tác giả bài viết - Ảnh: P.V

Người Việt Nam có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ông Craig Mc Namara đã đi xa hơn cha mình. Trong bài viết Suy nghĩ nhân đọc hồi ký Mc Namara, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có nêu một ý rằng: “Về phía người Việt ở hải ngoại, thì tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, trong một bài báo thật ngắn, chỉ thấy cần góp thêm một ý với Mc Namara qua hồi ký, rằng Ông Mc Namara, ông còn thiếu một lời xin lỗi với nhân dân Việt Nam(3). Điều cha của ông chưa làm, hoặc chưa dám làm là xin lỗi Việt Nam thì ông đã làm, ông đã nói lời xin lỗi Việt Nam, dù ông không có lỗi. Cha của ông trong cuốn sách của mình có nhắc câu của nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại Aeschylus: “Phần thưởng cho nỗi khổ đau là kinh nghiệm”(4) và cảnh tỉnh nước Mỹ rằng: “Có nhiều phương cách mang tính xây dựng hơn để đề cập đến kinh nghiệm của dân tộc ta về Việt Nam, chứ không phải đi tìm hiểu lòng kiêu hãnh, những thành đạt, những nỗi thất vọng và thất bại của riêng tôi”(5). Vâng, thưa nhà viết kịch Hy Lạp vĩ đại, kinh nghiệm máu xương của nhân loại là hãy giữ vững Hòa bình bằng những bước chân an lạc, như những bước chân chúng tôi tìm đến nhau, trong buổi trưa này, ở một làng hoa mang tên An Lạc, bên bờ sông Hiếu hiền hòa!

___________

(1) Robert S.Mc Namara, Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.12.

(2) Robert S.Mc Namara, sđd, tr.13.

(3) Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 1, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2002, tr.85.

(4) Robert S.Mc Namara, sđd, tr.12.

(5) Robert S.Mc Namara, sđd, tr.13.

 

NGUYỄN HOÀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 367

Mới nhất

Từ “thần tốc” đại thắng mùa xuân đến “thần tốc” vươn mình vào kỷ nguyên mới

21/04/2025 lúc 08:57

Năm mươi năm sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi lại nghe trên Quảng Trị khúc ca hào hùng của những năm tháng đã qua, những bè cao và bè trầm hòa quyện vào nhau cùng những khoảng lặng dài và sâu ngân rung từ lòng đất đang mang nhịp sống của những người đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì hòa bình. Và tôi lại nghe, lại thấy khát vọng hòa bình bay lên từ mảnh đất thân thương Quảng Trị.

Văn học nghệ thuật nỗ lực sáng tạo góp phần tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của quê hương Quảng Trị

23/04/2025 lúc 08:56

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, Quảng Trị bị chia cắt bởi dòng sông Bến Hải - Vĩ tuyến

Hà Thị Học - gương sáng giữa đại ngàn

23/04/2025 lúc 08:54

Bằng tất cả tâm huyết, lòng yêu thương và lẽ phải, bà Hà Thị Học người Vân Kiều ở thôn

Ước hẹn ngày xưa

22/04/2025 lúc 23:25

Anh là Chung, đồng hương của tôi. Những ngày chủ nhật anh thường rủ tôi về nhà riêng ở một con phố ngay giữa lòng thủ đô. Đến đây, tôi được gặp chị Dung, vợ anh. Chị không đẹp, nhưng có một giọng nói rất dễ thương, rất phổ thông, rất Hà Nội, kèm theo là nụ cười lúc nào cũng tươi rói trên môi.

Tọa đàm “Văn học nghệ thuật Quảng Trị - 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” 30/4/1975-30/4/2025

18/04/2025 lúc 22:32

Sáng ngày 18/4, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị tổ chức tọa đàm “Văn học nghệ thuật Quảng Trị - 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” 30/4/1975-30/4/2025.

Quảng Trị tổ chức triển lãm số về Hoàng Sa, Trường Sa trong trường học

18/04/2025 lúc 12:35

TCCVO - Sáng 18/4/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đông Hà.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground