Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tôi viết bài ca hồi sinh

 Xe chở đoàn làm phim vượt qua phà Niek Luong, trời đã sẩm tối. Từ Tây Ninh rộn rịp hàng quán với món bánh canh hai tô nóng hổi thơm phức, chúng tôi vào đất Campuchia hoang vắng đến rợn người. Hàng chục cây số không một bóng người qua lại, những dãy nhà đóng chặt cửa, không một ánh điện. Cậu lái xe lẩm bẩm: “Không biết có ai chở phà không”. May quá, xe đến vừa lúc chiếc phà rà rà cập bờ. Sáu người Campuchia khăn rằn choàng cổ và hai bộ đội Việt Nam vai đeo súng vẫy tay cho đoàn xuống bến. Một lúc sau, sáu chiếc command-car chở mấy đoàn nhà báo nước ngoài cũng lần lượt xuống đầy khoang trước. Chắc họ cũng như chúng tôi, đã gấp rút sang đây khi được tin quân Polpot đã bỏ chạy tán loạn ra khỏi Phnompenh. Nhưng, không một ai thốt nổi một lời nào trên con phà kẽo kẹt và rầm rì vượt sông. Như có những linh hồn chết oan ức đang vật vờ trong dòng nước một màu đen sẫm.

Hàng trăm cây số, vẫn cảnh hoang vắng tối mịt mùng đến rợn người. Được lệnh phải đề phòng tàn quân Polpot bắn tỉa, lần lượt hai người một nhoài người ra ngoài cửa xe, căng mắt quan sát. Như trong một giấc mơ hãi hùng, những con đường vắng ngắt, những cây chuối, những hàng dừa sõng soài đổ gục, không khí phảng phất mùi tanh tưởi của máu.

Rất khuya, xe mới đến trung tâm thành phố Phnompenh. Theo bản đồ, xe từ từ rẽ phải. Men theo một con đường rộng với hai hàng cây to trụi lá, cành cắt cụt nhô ra, hằn đậm trong bóng tối như những bộ xương khổng lồ nham nhở, chúng tôi đến nơi hẹn. Anh Thu, giám đốc cơ quan tôi, đang nóng ruột chờ đoàn trước cửa khách sạn.

Một cây nến leo lét đưa chúng tôi vào nơi nghỉ. Không ai nấu nướng gì, đành trằn trọc, thao thức. Tờ mờ sáng hôm sau, trời bỗng trở gió. Trong sảnh, ngoài sân, chỉ có những đoàn nhà báo, các phóng viên đang túm tụm nhìn ra con đường lớn vắng tanh. Chỗ nào cũng ngập ngụa rác, mùi hôi xông lên nồng nặc. Khoảng tám giờ sáng, một nhân viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đi cùng hai người Campuchia tổ chức một cuộc họp báo chớp nhoáng. Gần ba mươi nhà báo của nhiều nước vây quanh. “Mời các bạn lên xe. Chúng ta đến nơi sẽ nói chuyện sau”. Sau khoảng 10 km len lỏi qua một con đường hẹp, tất cả xe dừng lại trước một vạt ruộng trống trải. Bốn người Campuchia, cuốc thuổng trên vai, đang đứng bên một gốc chuối. “Đây là nơi bọn Khmer Đỏ đã chôn người trong sáu tháng qua”. Máy ảnh máy quay phim chĩa vào những nhát cuốc đầu tiên. Đào chưa đến một mét, bỗng nghe tiếng “Ục! Ục”, một luồng khí xông lên nồng nặc. Rồi dồn dập sau đó là những đầu lâu, những mảnh xương vụn, những miếng vải rách tả tơi còn đậm màu máu khô... được đào xới lên, ngổn ngang trên mặt đất. Là một nhà quay phim chiến tranh, đã từng dày dạn ghi hình những trận máy bay B52 ném bom hủy diệt tại miền Bắc Việt Nam, Trung Việt bỗng đứng sựng lại, rời chiếc máy quay phim, chiếc khăn tay ướt đẫm mồ hôi, mặt tái xám: “Không thể tưởng tượng nổi”.

Có tiếng nôn ọe của một chị nhiếp ảnh người nước ngoài. Tiếng người giải thích, giọng khàn đặc: “Gần 800 người đã bị đập chết trong ba ngày và được vùi lấp tại đây. Lúc đầu còn có đạn để giết, sau hết đạn là dùng cuốc, rìu, có lúc còn chôn sống”. Hai người Campuchia ngừng đào, chống chiếc cuốc, vài giọt nước mắt trên những khuôn mặt xương xẩu, đen sạm. Họ là hai bố con, cả gia đình mười lăm người đều bị chôn vùi tại đây trong một ngày. Và chính họ chờ bộ đội Việt Nam đến, đã dẫn đoàn đến vạt ruộng này.

Tối hôm ấy, trong bữa cơm dưới ánh đèn dầu tù mù, Trung Việt quay sang nói chuyện bằng tiếng Đức với một phóng viên Đài Truyền hình Đức. Cậu Tải lái xe lén bỏ một khoanh giò lợn hầm bí đao vào chén của chú ta. Việt quay lại, giật mình nhìn trừng trừng vào khúc xương rồi tái mặt, đứng vụt dậy, chạy ra cửa nôn thốc nôn tháo... Riêng tôi, từ đêm ấy, tôi không dám tắt đèn ngủ. Nếu chợt thức dậy trong bóng tối, hình ảnh những mảng xương của một bàn tay cứ như rụng dần rụng dần trước mắt. Mãi vài tháng sau mới bình thường lại được. 

Sáng hôm sau, chúng tôi theo một hướng dẫn viên người Campuchia đến thăm một trạm quân y nhận săn sóc những người dân vừa thoát khỏi các trại tập trung lao động của Khmer Đỏ, gọi là các Angkar. Trạm cách Phnompenh khoảng 30 km, là một dãy nhà lợp ngói đỏ nằm ngay trên trục đường lớn. Hai dãy giường chạy dọc cả gian nhà đầy người vạ vật nằm ngồi. Những hình hài da bọc xương. Một em bé nằm co quắp trên giường, đôi mắt mờ đục vô hồn lờ đờ ngước nhìn lên, miệng ngáp ngáp. Người dân nhặt cháu bé thoi thóp trên đường, đưa vào đây. Chị Minh, người y tá trong đoàn tình nguyện quân Việt Nam, nhỏ vài giọt sữa vào đôi môi khô héo. “Hôm nay cháu mới nhấp được vài giọt, may quá. Hôm qua cho sữa vào là nôn ra”. Gần đấy, một người đàn bà gầy gò, da xanh tái đưa một bàn tay chạm vào tay tôi. Chị thì thào, gật gật đầu: “Việt Nam! Việt Nam”. Hai dòng nước mắt rịn ra trên đôi gò má tái nhợt. Minh lại gần, khẽ vén chiếc khăn rằn rách bươm phủ trán người bệnh. Minh cho biết chị tên là Dixokhon, là nhạc sĩ sáng tác trong đoàn Nghệ thuật Ca múa Hoàng gia. Chồng là bác sĩ và hai con ở một Angkar khác bị đưa ra giết chết trước mắt chị, ba cái xác còn nhầy nhụa máu tươi đã bị vùi trong một nấm mồ tập thể. Khi các Angkar bị đánh tan tác, khóa cổng bị phá tung, quân Khmer Đỏ tháo chạy tán loạn, chị may mắn thoát chết và được đưa đến trạm xá tám ngày nay...

Một ý nghĩ vụt đến: thay cho một phóng sự quay ở nhiều địa điểm về cuộc tháo chạy và tội ác diệt chủng của quân Khmer Đỏ, nên tập trung làm một phim về nhạc sĩ vừa thoát chết này?

Tôi trình bày suy nghĩ của mình đến anh Thu. Anh đang ở lại Phnompenh để kịp thời chỉ đạo hoạt động của sáu đoàn làm phim thuộc Đài Truyền hình Việt Nam. Anh Thu đồng ý ngay. Suốt trong đêm ấy, tôi viết một kịch bản phim về Dixokhon, dưới ánh nến chập chờn khi tối khi sáng. Suy nghĩ mãi vẫn chưa đặt được tên cho kịch bản.

Tối hôm sau, trong bữa cơm, tình cờ tôi gặp anh Thắng, một bạn quen lớn tuổi của gia đình. Thời Pháp, anh đỗ bằng Thành Chung, được bổ làm thư ký tòa án ở Bắc Ninh, quen gọi là thày Phán Thắng. Sau năm 1954, anh xin vào làm phiên dịch tiếng Pháp ở Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài. “Tớ xin đi làm phiên dịch tiếng Pháp cho Ủy ban, vừa được đi đây đi đó, vừa luyện lại tiếng Pháp cho đỡ quên chứ lương thì thấp bỏ mẹ!”... Rướn đôi lông mày sâu róm điểm xuyết vài sợi bạc, anh vê vê hai ria mép, nheo mắt, che miệng nói khẽ: “Vừa tránh được sư tử ở nhà, vừa được giao lưu với các em trẻ khắp nơi...” Anh nói và cười hí hí, vầng trán xếp nếp, hai má rung rung, thật đúng với “tên gọi truyền miệng”: “Bác Phán Dê” ...

Khách Pháp rất quý và thích anh vì chàng trai sáu lăm tuổi vừa vui tính vừa thông cảm với giới trẻ, rất can đảm tháo vát khi đến các nơi bị bắn phá. Nhất là tiếng Pháp của “Monsieur Tan” thì thật là trên cả tuyệt vời. Tiếng lành đồn xa, phóng viên các nước nói tiếng Pháp hay xin “Monsieur Tan” làm phiên dịch đến nỗi Ủy ban phải tăng phụ cấp đặc biệt cho bác Phán Thắng mỗi tháng một hộp sữa đặc có đường và một cân đường trắng tinh. Bác chép miệng: “Chả bõ bèn gì” và nhường lại cho anh Hiếu cùng Phòng Lễ tân vừa có con mới sinh.

Khoảng tám giờ tối hôm ấy, tay phóng viên báo Pháp Humanité  (báo Nhân Đạo) nhờ tôi tìm Monsieur Tan. Vào các phòng nghỉ của nam, phòng ăn, phòng khách rộng mênh mông của cái khách sạn tối om không điện không nước này đều chẳng thấy đâu. Anh chị em Việt Nam vội cầm đèn pin chạy túa ra ngoài. Hai hôm trước, một nhiếp ảnh gia Việt Nam bị tàn quân Polpot chém lìa bàn tay trái trong khi đang lò dò ra ngoài khách sạn... Đèn loang loáng soi khoảng đất trống, lia vào một loạt hào chạy ngang dọc phủ cỏ dại. “Bác Thắng ơi!”, “Monsieur Tan! Monsieur Tan!”... Vẫn không có tiếng trả lời.

Chúng tôi chia ra nhóm ba người một tản ra bốn phía. Bỗng tôi nghe có tiếng ư ử như tiếng mèo rên. Ba chúng tôi dừng lại. Thấp thoáng một bóng đen trong một góc hào. Chúng tôi vội gọi hai bảo vệ người Campuchia mang súng theo và dò từng bước, phạt mấy bụi cỏ cao quá đầu đang che hết tầm nhìn. Tiếng rên rõ dần. “Trời ơi, bác Thắng!”, “Monsieur Tan!”. Lẫn trong đám cỏ lau dại là bác Phán nhà ta, hai mắt trừng trừng nhìn ngược lên một cây dừa, mồm ú ớ, chiếc quần tụt xuống đầu gối tồng ngồng chưa kịp kéo lên. Trên cây dừa, một xác người nằm vắt vẻo, mắt thao láo, mồm nhe răng, đôi bàn tay đung đưa... Không hiểu sao xác chết lại nằm trên cây dừa, và đã chết bao nhiêu ngày rồi. 

“Tớ định ra đây đi đại tiện, nhà vệ sinh khách sạn bẩn bỏ mẹ. Không ngờ chưa kịp ngồi xuống, vừa ngước mắt lên bỗng thấy trên một cành cây hai hố mắt đen ngòm trừng trừng nhìn lại mình, răng trắng ởn nhe ra... Hốt quá, chúng mày ạ. Mà tớ hét mãi nhưng lưỡi nó cứ cứng đơ...”. Cầm chai bia tu một hơi, bác Thắng kể lại, rồi chuyển sang í éo tiếng Pháp với tay phóng viên...

Mười ngày sau, đoàn chúng tôi trở lại trạm quân y dã chiến. Như có phép màu, Dixokhon đã đi lại được bình thường, nước da vẫn còn tai tái nhưng đôi mắt sáng nụ cười hiền hậu thật ấm lòng. Kéo tay tôi đi theo chị, chúng tôi vào một gian phòng có chừng hai mươi người đang ngồi quanh một chiếc bàn. “Xin giới thiệu với đoàn quay phim đây là một số anh chị em trong Đoàn Ca múa nhạc Hoàng gia mà tôi vừa tìm lại được. Tất cả đều có thời gian đi học tập hay bồi dưỡng thêm tại trường Múa Việt Nam nên đều biết tiếng Việt đấy”. Ai cũng vừa thoát chết từ trại tập trung Angkar, nhà cửa tan nát, gia đình ly tán, bị bắt đứng chứng kiến cái chết từ từ của người thân... 

Sáng hôm sau, chúng tôi theo Dixokhon về thăm ngôi nhà của chị ở ngay thủ đô Phnompenh. Cả một vườn hồng bạch quý hiếm trước sân đã héo khô, cành lá xám đen, gãy gục, các cửa sổ cửa lớn chỉ còn trơ khung, phòng khách phòng ngủ phòng ăn ngổn ngang giường chiếu gỗ đá, những bức tường cháy nham nhở, trơ gạch... Dixokhon kể: “Chồng tôi là bác sĩ tu nghiệp ở Pháp về, trước làm ở bệnh viện quân đội. Chúng tôi có hai con, một trai, một gái. Khi quân Polpot chiếm Phnompenh, chúng tôi bị lùa đi ở hai Angkar khác nhau. Khi biết chồng tôi là bác sĩ, và tôi là nhạc sĩ, chúng bắt giam hai vợ chồng và hai con lại một nơi. Chúng bắt đầu lôi đứa con trai mười tuổi của chúng tôi ra và phang mạnh một nhát búa vào đầu. Cháu trợn ngược đôi mắt ngã xuống. Cháu gái khóc thét lên, một tên rít lên và đập một nhát búa thứ hai. Cháu khuỵu xuống như một tàu lá héo. Chồng tôi đang bị trói chặt đã rú lên như điên dại. Lập tức hai tên tay dao tay búa xông đến. Tôi ngất đi, khi tỉnh lại thì cả ba xác người thân đã nằm trên nền đất, máu me tràn trụa. Không hiểu tại sao chúng không tiếp tục giết tôi mà giải về một Angkar gần đấy...”.

Hai ngày sau, Dixokhon đưa chúng tôi đến nhà tù Toul Sleng, nguyên là một trường trung học phổ thông bị Khmer Đỏ biến thành nơi giam và tra tấn người, nơi đã hành hình bố mẹ chồng chị. Vừa vào cái sân chơi rất rộng, người hướng dẫn đưa chúng tôi đến gần mấy khung gỗ có ba sợi dây thừng đang đung đưa. Anh chỉ vào một đoạn dây màu nâu đen sạm: “Những sợi dây dùng để treo cổ tù nhân. Bị mòn trơ hết cả rồi”.

Từ 1975 đến 1979, gần hai chục nghìn người đã bị giam, bị tra tấn và giết chết trong riêng nhà tù này. Chỉ còn sót lại mười bốn người, chúng chưa kịp đưa đi hành hình. Họ trở thành những hướng dẫn viên tình nguyện của khu gọi là “Nhà tù An ninh S1”. Dọc theo các hành lang tối tăm, chằng chịt dây thép gai, chúng tôi đến các phòng giam, phòng hỏi cung, phòng tra tấn. Mùi tanh tưởi còn đọng lại trên những bức tường loang lổ máu đã thâm đen. Ba gian chồng chất sọ người. Năm gian xếp chật xương người. Trước khi hành hình, chúng cho chụp ảnh chi tiết từng cảnh tra tấn tù nhân, từng cảnh chết thê thảm. Dixokhon lao vào phòng chứa hình ảnh. Một lúc sau, chị bước ra, nước mắt ràn rụa. 

Năm phòng chứa ngổn ngang các hiện vật của tù nhân cao đến tận trần. Quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, sách vở... còn nguyên vết máu. Không thể không nghĩ đến những phòng tóc trẻ em, tóc phụ nữ, phòng giày dép của trại giam Auschwitz kinh hoàng của Đức Quốc xã những năm 1941-1945.

Bước ra khỏi nhà tù Tuol Sleng, bỗng Trung Việt dừng lại, hướng máy quay lên bầu trời xanh, mây trắng bồng bềnh. Anh bấm máy một đoạn dài. Từ địa ngục trở về với cuộc đời. Thật khó quên. Dixokhon nắm chặt tay tôi. 

Chị lê từng bước, nói rất khẽ: “Tôi sắp viết xong một bản nhạc. Một bản nhạc để an ủi và giúp vong linh những người thương yêu trong gia đình tôi sớm được siêu thoát, được sớm trở về nương theo cõi Phật. Tôi phải thay gia đình tôi để kể lại, để chứng tỏ là chúng nó không thể nào tiêu diệt hết nổi đâu”.

Tôi trở lại nhà Dixokhon vài lần sau, trong ngôi biệt thự từ nay hoang vắng. Vài trang giấy đã đầy những nốt nhạc. Một loạt nến cháy dở trên chiếc bàn viết, vài giọt đọng lại chưa kịp khô, rung rung như những giọt nước mắt. Vương vãi trên nền nhà lăn lóc những nắm giấy vo tròn. Dixokhon đang đứng lặng bên một gốc cây mít đã có những quả non bám quanh thân. Chị thì thầm: “Cây mít này chồng tôi trồng kỷ niệm ngày tôi sinh cháu trai đầu lòng”. 

Nhạc sĩ Dixokhon (bên trái) và đạo diễn Xuân Phượng, Phnompenh 1979

Nhạc sĩ Dixokhon (bên trái) và đạo diễn Xuân Phượng, Phnompenh 1979

Khoảng hai mươi ngày sau Dixokhon mời đoàn quay phim đến nhà. Một đoàn người áo quần đen, khăn rằn quàng vai đang đứng trước sân. Bản nhạc viết ngày đêm đã xong, đã có lời. Một người nhấn lên mấy nốt nhạc trên chiếc guitar màu vàng phai, mặt gỗ chi chít vệt rạch ngang dọc, chiếc đàn tìm lại được trong đống rác ngập đầu ở một Angkar. Một tiếng sáo trúc vút lên. Dixokhon vung tay ra hiệu. Một tiếng ngân dài, trầm trầm, tha thiết, vang vang khắp khu vườn. Rồi với hai bè thanh, trầm, những giọng hát cất lên...

Dixokhon dịch lại cho tôi: “Hỡi những người thân yêu đã khuất, hãy về đây với chúng tôi. Chúng tôi phải sống để kể lại, chúng tôi tiếp tục sống vì tình yêu với những đứa con thơ dại đã lìa đời, vì căm giận những kẻ đã dùng những nhát búa oan nghiệt để cướp đi mãi mãi người chồng thân yêu. Campuchia, đất nước mến thương sẽ hồi sinh…”.

Nghẹn ngào tiếng hát tiếng đàn buổi sáng hôm ấy trên đất bạn. Máy quay phim lia theo những giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt không phấn son, đen sạm, những bộ quần áo đen rách tả tơi, những chiếc khăn rằn xỉn màu, quăn queo. Tiếng hát của hai mươi hai người còn sống sót của Đoàn Ca múa nhạc Hoàng gia Campuchia, xưa kia lộng lẫy xiêm y, vòng vàng lấp lánh.

Dixokhon tiễn tôi hôm đoàn làm phim trở lại Hà Nội. Chị tặng tôi bản nhạc viết tay. Đầu trang viết đậm dòng chữ: TÔI VIẾT BÀI CA HỒI SINH.

Tôi ôm chị vào lòng. Và cũng trong giây phút ấy, tôi đã tìm ra tên phim của mình.

Mấy tháng sau, đầu năm 1980, phim Tôi viết bài ca hồi sinh được chọn để dự thi tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig.

Tôi nhận được thư của anh Lý Văn Sáu, giám đốc Đài Truyền hình, từ Leipzig gửi về:

"Chị Phượng,

 Phim TÔI VIẾT BÀI CA HỒI SINH được chọn để chiếu khai mạc đêm "Thế giới chống nạn diệt chủng". Cả khán phòng đã đứng lên vỗ tay nhiều lần. Thật cảm động, tiếng hát của những con người từ cõi chết trở về. Phim được Giải Đặc Biệt của Ban Giám khảo. Vô cùng xúc động và rất cám ơn chị và đoàn làm phim".

Chúng tôi vội loan tin vui đến anh Chế Lan Viên, người viết lời bình cho phim và anh Hoàng Vân, người viết nhạc cho phim. Anh Hoan và chị Thường, anh Hoàng Vân và chị Ngọc Anh được chúng tôi mời đi khao một chầu phở Tư Lùn phố Hai Bà Trưng. Chỉ tiếc không có cách gì báo tin vui đến Dixokhon được.

*

Năm 2020, tức là bốn mươi mốt năm sau, tôi trở lại Phnompenh. Thành phố tấp nập người xe, qua lại dọc đại lộ Norodom về đêm. Hoàng cung lộng lẫy như những viên ngọc màu vàng lung linh sáng. Ác mộng diệt chủng không còn dấu vết trong lớp người trẻ đang nhàn nhã dạo bước trong một công viên tràn ngập hoa. Chúng tôi được mời đến một nhà hàng nổi tiếng với các món ăn Pháp, có đầu bếp từ Lyon sang. Chiếc Mercedes-Benz sang trọng êm nhẹ rời con đường lớn, rẽ phải. Hai hàng cây cổ thụ cành lá sum suê chạy dọc con đường ngập ánh sáng điện. Tôi bỗng ngờ ngợ. Hàng cây này mình đã thấy ở đâu rồi? Xe dừng trước sảnh khách sạn. Rất chuyên nghiệp, một tài xế đồng phục chỉnh tề mở cửa xe, nghiêng người mời chúng tôi vào trong và lái chiếc Mercedes đến sân đỗ xe.

Người mời chúng tôi là một vị quan chức cao cấp trong Bộ Văn hóa của chính phủ Campuchia. Trước kia anh là bạn cùng làm với tôi ở Đài Phát thanh và Truyền hình phố Quán Sứ, Hà Nội. Gặp lại nhau, anh chị rất vui, cùng nhau nhắc lại thuở hàn vi. Thuở ấy, vào mùa đông, dưới trời rét căm căm, co ro trong những manh áo mỏng, mấy anh chị em cùng đi đẩy xe bò chở tre từ bến Phà Đen đến tận phố Hàng Tre để lấy tiền mua gạo nuôi con. Nhiều khi chờ người mua trả tiền, đói mờ mắt…

Một chiếc bàn trải khăn trắng được hồ cứng, hai hàng giá nến bằng bạc với những cây nến trắng bóng, ba cụm hoa hồng nhạt hương thơm tỏa nhẹ... Sang trọng như các nhà hàng lớn tại Paris. Anh bạn Campuchia nâng ly champagne lăn tăn sủi bọt: “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay... Xin chúc mừng tất cả chúng ta”.

Sáng hôm sau, tôi thuê một chiếc taxi (taxi chạy xe Lexus!) và trở lại khách sạn Samakhi. Điều tôi ngờ ngợ đêm qua đã được sáng tỏ. Đúng đây là nơi cách đây bốn mươi mốt năm, năm 1979, đoàn quay phim chúng tôi đã tá túc gần một tháng. Những chiếc hào ngang dọc thuở ấy nay là những bồn hoa rực rỡ đủ màu, hàng cây cao trơ trụi năm nào nay đã ngồn ngộn sức sống, lá cành xanh tươi vẫy chào trước gió. Những bậc tam cấp nham nhở gạch vữa nay được trải thảm màu nâu nhạt trang nhã… Dấu vết xưa họa chăng là còn lại trong ký ức của những người tuổi chín mươi như tôi. Nhớ bác Phán Thắng đêm nào, nhớ ánh đèn pin loang loang trong một khách sạn không điện, không nước, không bếp...

Tôi để hai ngày đi tìm Dixokhon. Ngôi biệt thự của chị tôi không nhớ đường đi. Đến Đoàn Ca múa Hoàng Gia xập xình tiếng nhạc, không ai biết Dixokhon. Mãi đến lúc sắp trở về Hà Nội tôi mới biết tin là Dixokhon đã xuống tóc quy y từ hàng chục năm trước. Chị đã trở về nương bóng Phật trong một ngôi chùa cách Phnompenh gần trăm cây số.

Ngôi chùa này được xây trên đất một Angkar trước kia...

 

Hồi ký của XUÂN PHƯỢNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 336

Mới nhất

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

13 Phút trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground