Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tôi yêu Savanakhet, nơi có Khamkham Chatthavong

K

hi còn cách Savanakhet đến một trăm cây số, tôi đã để ý thấy ông tài xế lái chuyến xe "liên vận" khởi hành từ Đông Hà, chất ngất hàng hóa và người, một tay cầm vô lăng, tay kia áp điện thoại vào tai, trò chuyện với ai đó rất sôi nổi. Đoạn, ông quay lại, nói với ra phía sau:

-Ai từ báo Quảng Trị sang, yên tâm, có người đón ngay tại bến xe nhé!

Đường Lào hun hút. Hai bên, rừng già tràn cả ra phần bê tông nhựa phẳng lỳ. Thi thoảng mới gặp một bản làng nhỏ bé và yên hòa. Lâu lắm mới thấy một chiếc xe ô tô bán tải chạy ngược chiều, phía sau thùng xe là những mẹ, những em đầu trần chang chang, ngồi nhấp nhổm giữa rau quả, cá mú, thịt thà và những tà khăn rằn phất phơ, nụ cười lấp lóa trong nắng.

Còn khoảng ba mươi, hai mươi cây số nữa, lại có cuộc điện thoại, lại chuyện trò rất thân tình, với ra phía sau, ông tài xế lặp lại câu nói liên quan đến tôi:

-Yên tâm, có người đón ngay tại bến xe nhé!

Xe dừng, một thanh niên có khuôn mặt nhẹ nhõm, nói tiếng Việt bằng chất giọng con trai vùng Bắc bộ ấm áp,  bước ngay tới cửa. Anh cầm lấy tay tôi như đã gặp từ lâu lắm rồi, vỗ vỗ vào lưng tôi, anh bảo:

-Đi đường có mệt không? Về nhà thôi.

Đó là anh Khun My, được báo Savanphatthana nhờ phiên dịch tiếng Việt những ngày tôi lưu lại ở đây. Đi bên cạnh là anh Si lăm phăn, Trưởng ban Biên tập của báo, người thấp đậm, luôn nở nụ cười nhân hậu.

Tôi đến báo Savanphatthana như về với nhà mình.

Buổi sáng đầu tiên, đến cơ quan để chào mọi người, tôi đã thấy có dòng chữ Lào viết trên tấm bảng treo trước phòng máy vi tính, chữ viết rất mới, dường như thông báo sự có mặt của tôi và anh họa sĩ từ báo Quảng Trị sang. Tôi đoán vậy vì thấy "báo Quảng Trị" được viết bằng chữ Việt in hoa rất trang trọng.

Chúng tôi đã có cuộc giao ban ngắn với ban biên tập và phóng viên của báo trước khi làm việc với lãnh đạo Sở Thông tin- Văn hóa Savanakhet về những công việc cụ thể mà chúng tôi sẽ làm với bạn trong những ngày sắp tới.

Sau những buổi xã giao ban đầu, chúng tôi cùng các bạn ở báo Savanphatthana bắt tay vào những công việc chuyên môn như xử lý ảnh của phóng viên chụp về, lên trang, trình bày báo, chỉnh sửa lại măng sét...Việc đang ngon trớn, tự dưng có một nhà báo nữ, người dong dỏng, khuôn mặt rám nắng và duyên dáng, tóc búi cao, một tay kéo tôi ra phía cửa, một tay kéo anh Khun My, nhờ anh Khun My hỏi tôi rằng, đi ra phố chơi một chút có được không?

Tôi gật đầu.

Khun My giới thiệu với tôi, đây là Khamkham Chatthavong, cử nhân tiếng Anh, phóng viên trẻ của báo. Khamkham viết báo rất giỏi và từng phiên dịch tiếng Anh khi có khách nước ngoài đến làm việc.

Khamkham thấy tôi đồng ý thì vui lắm, khuôn mặt rạng rỡ, cử chỉ cũng trở nên lúng túng, khác với sự năng động của ngày thường, đi đi, đến đến, nhanh nhẹn, tháo vát. Em dắt chiếc xe máy dáng thể thao, xoay trở mãi mới ra được khuôn cửa rộng, khác với lúc đến, xe phanh kít, len lỏi điệu nghệ giữa hàng hàng xe máy san sát.

Khamkham chụp lên đầu tôi chiếc mũ bảo hiểm, giao chìa khóa xe, rồi từ tốn ngồi lên yên sau, giọng nói nhẹ như gió thoảng: Cà phê!

Tôi đã có một buổi sáng thong dong khắp phố phường, nơi được mệnh danh là "Thành phố Hồ Chí Minh "của bạn. Những dãy phố cổ trầm mặc rêu phong, có cảm giác như thời gian đang ngưng lại bên ô cửa màu gỗ mun ánh lên trong buổi ban mai yên ả. Qua những chùa  chiền thấm đẫm mùi trầm và hương thơm từ loài hoa đại cánh trắng nhị vàng. Qua những dãy phố sang trọng, hàng hóa bề bộn nhưng lòng người thuần hậu.

 Ngoài kia, sông Mê Công đang mùa nước cường, cuồn cuộn phù sa, ầm ào, sôi sục. Con đường bên sông, cuộc sống lại an nhiên, "cây và đá sạch như vô nhiễm"  như trong một câu văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Khamkham vỗ vỗ vào vai tôi, chỉ về phía bên kia đường. Một quán cà phê ẩn nhẫn giữa màu xanh cây trái, hồ nước và tiếng chim hót. Thi thoảng, tiếng chuông chùa thả vào thinh không những sợi ngân trầm trầm, như nghe rất gần, như nghe rất xa. Cà phê với bạn mà chẳng ai nói với ai được một câu. Khamkham hết nói tiếng Lào, chuyển sang tiếng Anh, rồi có lúc hỏi tôi những câu thông dụng bằng tiếng Nga cầu may. Thấy tôi mơ hồ hiểu được chút ít, Khamkham mừng rỡ, tiếp thêm một câu dài dòng và lặp đi lặp lại.  Thứ tiếng này chỉ có thể đánh thức ở tôi vẻn vẹn có vài từ thôi, sau đó lại ngồi im lặng. Tôi thấy sự thất vọng của Khamkham dâng đầy nơi khóe mắt. Muốn nói đôi câu tiếng Việt, nhưng biết Khamkham không hiểu, đành thôi.

Đối với một nhà báo, nếu không thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ, thì chỉ còn cách hiểu nhau, học tập lẫn nhau thông qua nhiếp ảnh nữa mà thôi.

Các ngành nghệ thuật nói chung đều dùng hình tượng để phản ánh hiện thực. Tạo hình nhiếp ảnh khác với các loại hình nghệ thuật khác ở khía cạnh này. Nhiếp ảnh không thể tạo hình bằng cách góp nhặt, tập hợp lại các tính cách, những thuộc tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng để xây dựng thành một chỉnh thể, mà nhiếp ảnh phải tạo hình từ chính cuộc sống thực, con người thực, sinh động, cụ thể đang xảy ra trong một không gian, thời gian xác định. Khi tôi ướm hỏi Khamkham chụp ảnh báo chí có tốt không, qua anh Khun My, Khamkham bảo không được tốt, tôi có hứa là sẽ giúp em tiến bộ bằng kinh nghiệm chụp ảnh ít ỏi của mình.

Vậy là tôi và Khamkham, một người một máy ảnh, có dịp lên đường.

Hồi học Đại học báo chí, tôi hào hứng nhất là khi học chuyên đề ảnh báo chí. Do vậy, những lý thuyết cơ bản của chuyên đề này, tôi thuộc nằm lòng. Tôi chủ động rủ anh Khun My đi cà phê để nhờ anh chuyển ngữ phần lý thuyết này sang tiếng Lào, gửi cho Khamkham tham khảo trước. Từ khái niệm tạo hình; đặc trưng của tạo hình nhiếp ảnh; ánh sáng, màu sắc, cung bậc màu sắc trong tạo hình nhiếp ảnh; đối tượng chính và cách thể hiện các đối tượng; sự phân bố không gian và tính phương hướng của đối tượng trong ảnh; thời cơ bấm máy...Sau khi nắm sơ bộ về lý thuyết, Khamkham chở tôi bằng xe máy làm một chuyến ra ngoại ô thực hành.

Lúc này, bà con đang vào vụ thu hoạch. Lúa tẻ, lúa nếp hạt căng tròn, thân cây dài rạp xuống sát đất. Màu vàng của no ấm ngờm ngợp trên những cánh đồng, in dấu trên những khuôn hình mà chúng tôi lựa chọn tâm đắc. Những khuôn mặt người Lào, đàn ông hay phụ nữ, thiếu niên hay người già, đều toát ra vẻ nhân hậu, thuần phác, hiền lành, giản dị.

Hôm sau, Khamkham rủ tôi đi chùa.

Thành phố có rất nhiều chùa, cổ kính, lộng lẫy, hoành tráng, khiêm nhường...đủ cả. Chúng tôi chọn một ngôi chùa bình lặng, thơ thẩn ở đó một ngày. Một nhà sư dáng mực thước mà sâu sắc, đôn hậu mà uyển chuyển, nói tiếng Việt rành rỏi có hỏi tôi, chúc phúc gì cho bạn gái cùng đi. Tôi thưa là mong muốn Khamkham mãi mãi xinh đẹp. Nhà sư từ tốn, trong năm pháp chúc mừng của tín ngưỡng Phật giáo, có lời chúc về sắc đẹp đó: Sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh, trí tuệ.

Sự nhiệt tình của tôi chưa đủ, tôi đoán chắc Khamkham có năng khiếu và tinh thần tự học đáng nể về nhiếp ảnh nên chỉ một thời gian hết sức ngắn, em đã tự chụp được những bức ảnh có góc cạnh, có ngôn ngữ, có chiều sâu và ý tưởng mạch lạc, rõ ràng. Chúng tôi rất mừng.

Có một buổi chiều rảnh rỗi, mấy anh em trẻ trong tòa soạn rủ nhau uống bia Lào và mực nướng đưa từ Quảng Trị sang, ngay sát bờ sông Mê Công. Nhậu cườm cườm, anh Khun My nói với tôi, Khamkham đã đăng ký với anh để học tiếng Việt, bắt đầu từ ngày mai. Khamkham nói, phải học tiếng Việt thật giỏi để có thể nói chuyện thật vui với các bạn Việt Nam, để nói chuyện "thật lòng" với các anh nhà báo Quảng Trị, chứ như bây giờ, nói xong một câu, rả cả hai cánh tay, nhiều khi nói một đường, hiểu một nẻo, ức không chịu được. Tôi bật cười, nhờ anh Khun My nói với Khamkham rằng, đợi khi em đọc thông viết thạo tiếng Việt, thì tôi đã về Việt Nam lâu rồi, làm sao có dịp nói chuyện với nhau được nữa. Khamkham bảo, có khó gì đâu anh, chúng ta đang sống trong "thế giới phẳng" mà, chỉ cần để lại cho em một địa chỉ email, là xong. Còn không nữa, quyết đi đến tận cùng con đường số 9 này là gặp được nhau thôi mà!

Khamkham nói đến đây, mắt nhìn xa xăm ra hướng cây cầu Hữu Nghị đang đổ bóng trong ráng chiều.

Khi chúng tôi chuẩn bị về Quảng Trị, Khamkham xin cơ quan nghỉ hai ngày. Khi trở lại, em tặng tôi và anh bạn đồng nghiệp, mỗi người một chiếc áo màu xanh do em tự dệt lấy.

Anh Si lăm phăn cũng đưa từ quê lên tặng tôi một chiếc khăn rằn do vợ anh mới nhuộm, nồng nồng mùi thơm khói bếp, cây cỏ.

Những ngày mới về từ Savanakhet, thi thoảng tôi có nhận email của Khamkham chuyển cho tôi xem những bức ảnh báo chí em chụp cùng với lời nhắn hỏi thăm sức khỏe bằng tiếng Anh, sau đó là tiếng Việt. Em đã thực hiện được lời hứa của mình, cố gắng học thật tốt  tiếng Việt để nói chuyện với các bạn Việt Nam "thật lòng".

Tôi yêu Savanakhet, yêu nước Lào anh em cũng vì ở đó có những người giữ đúng lời hứa và yêu thật lòng tiếng nước tôi, như Khamkham Chatthavong.

                                                            Đ.T.T

 

 

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 198 tháng 03/2011

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

27/04/2024 lúc 05:02

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground