Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trăm năm nói chuyện tình yêu

Con sông nhỏ một đời tăm mát

                                                                        …Nơi mối tình đầu tôi đã đánh rơi

                                                                                                            (Thơ TẠ NGHI LỄ)

1

. Nhà thơ Tạ Nghi Lễ viết hai câu thơ ấy giữa đất trời phương Nam trong bài thơ “ Về” gửi quê nội Quảng Trị thân yêu của anh. Và khi ý thơ được Nguyễn Tất Tùng chuyển thành lời nhạc và nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát qua làn sóng Quảng Trị vào 19 giờ kém 15 các buổi tối đã làm xúc động hàng vạn trái tim người dân vùng nắng gió này. Làn điệu mang âm hưởng dân ca miền Trung sâu lắng tình quê hương đất nước đã thấm thấu gan ruột người Quảng Trị ly hương và bà con quê nhà. Riêng tôi nhiều  đêm cứ bần thần mất ngủ vì một lẽ khác:

Con sông nhỏ một đời tắm mát

…Nơi mối tình đầu tôi đã đánh rơi

Sông nào? Quảng Trị vằng vặc trong lòng người với những con sông huyền sử máu và hoa. Sông Hiền Lương mang nỗi đau chia cắt nơi Hiệp định Giơ-ne-vơ đã chọn làm giới tuyến hai miền Nam – Bắc và suốt hai mươi năm đánh Mỹ, biết bao cảnh vợ chồng, cha con nhìn nhau mà quặn thắt bên bờ sông này. Rồi “không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra” của dòng Thạch Hãn và máu xương của hàng triệu người con Việt Nam đã đổ xuống dưới chân Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa 1972, trận quyết chiến lịch sử buộc đế quốc Mỹ ngồi vào bàn Hiệp định Pa-ri 1973. Lịch sử lại lặp trên mảnh đất này thật u buồn khi sông Thạch Hãn gánh vác nỗi đau chia cắt hai miền Nam – Bắc. Quảng Trị cũng từng nổi tiếng với con sông Hiếu – với những trận đánh dậy sỗng cửa Việt, Đường 9 – Nam Lào. Lại có dòng sông tình lịch sử với những mối tình bên bến Ô Lâu soi bóng các hoàng phi Triều Nguyễn để lại những cái chết oan ức như hoàng phi Dương Thị Ngọt vợ vua thành Thái là một ví dụ. Cũng bên bến Ô Lâu này bà Nguyễn Thị Bích vợ vua Quang Trung đã tìm về quê cha ẩn náu để thủ tiết thờ chồng, bất chấp lời cầu hôn của Gia Long.

Nhiều lúc tôi cứ vẩn vơ bên các bến sông, hỏi một câu vào hư vô mà như nói với chính mình: Bến sông nào của Châu Ô này đã in dấu chân Huyền Trân Công Chúa khi nàng đã nhận lãnh trách nhiệm mở mang giang sơn bờ cõi: Hiền Lương, sông Hiếu, Thạch Hãn hay Ô Lâu? Mà câu ca để lại như một chuỗi sao trời long lanh nước mắt: “Nước non ngàn dặm ra đi, cái tình chi …”

2. Sông nào? Tôi cùng nhà thơ Tạ Nghi Lễ trở về quê nội ở mảnh làng nhỏ bên sông Bến Ngự vùng đông Gio Linh, đó là làng chiếu Lâm Xuân nổi tiếng một thời mà trong bài thơ “Gửi má miền Nam” nhà thơ Xuân Miễn đã một lần nhắc đến: “Chiếu Lâm Xuân với khoai lang Mỹ Hà”.

Sông Bến Ngự ngày nay có tên là Cánh Hòm chỉ dài chưa đầy 15km nối liền giữa hai con sông lớn là Hiền Lương và sông Hiếu đi giữa các xã Trung Giang – Gio Mỹ - Gio Thành – Gio Mai vốn là những địa danh của tổng Minh Linh xưa. Làng Lâm Xuân của tôi và Lễ nằm ở đất Gio Mai ấy. Sử sách nhà Nguyễn có chép lại sông Bến Ngự quê tôi sinh ra là do chủ trương của chúa Hiển Vương sai đô đốc Hoàng Lẽ kêu gọi nhân dân đào bới. Đây là con đường thủy thận vận chuyễn lương thực vũ khí khỏi phải đi trên biển Cửa Việt vốn lắm sóng dữ. Sau khi sông Bến Ngự hình thành còn là địa thế xung yếu phòng thủ quân cơ để lập binh nghiệp lâu dài, canh phòng sự xâm nhập của nhà Trịnh ở bên kia sông Gianh.

Hồi học trường làng, tôi nghe những cụ già truyền tụng nhau rằng: Buổi đầu lập nghiệp chúa Nguyễn có ý đồ xây dựng dinh thự tại vùng đất này, nơi có sông Hiếu hiền từ ôm ấp làng mạc, là nước của nhiều anh tài gái sắc. Sau đêm lập đàn khẩn vái trời đất, chúa Nguyễn nằm mơ thấy có chín mươi chín con hạc từ phương Bắc vào đậu ở đông Linh Quang, bỗng dưng con chim đầu đàn cất cánh bay tiếp về phương Nam. Nhà Nguyễn cho là mệnh trời đã định liền dừng ngay chuyện lập đình, tiếp tục kéo quân phương Nam Lập cát cứ tại vùng Hải Lăng bây giờ (Lịch sử đã nghi nhận đây là vùng đất Nguyễn Hoàng đã đóng quân).

Tôi lớn lên người làng bảo ở bên kia sông có ngôi miếu cổ. Ở đó thờ một nửa vỏ trấu to như chiếc thuyền, đây là dấu tích của hạt thóc thời xưa. Trẻ con làng tôi mang trong mình khát vọng khám phá ngày đêm tập lội sông lội nước, tự mình sải cánh tay để qua được sông xem chuyện lạ. Bây giờ sau chiến tranh ngôi đền chỉ còn hoang phế với dăm viên đá, gạch vỡ rong rêu. Nội tôi cũng bảo ngày xưa khi chúa Nguyễn cho đào đắp sông đến đoạn ngang qua quê tôi bỗng dưng nước sôi đỏ ngàu, tương truyền đó là “long mạch” liền đổi hướng đào để thành hướng chảy ra sông Hiếu bay giờ. Chỗ “long mạch” hóa thành một hói ngắn từ Lâm Xuân chất về thôn Hoàng Hà, ngày nay dân làng đấu chuôm hàng năm bắt cá. Phía bờ Tây sông Bến Ngự gồm các làng Lâm Xuân, Tân Minh, Lại An quay lưng lại với động cát Quán Ngang. Còn phía Đông gồm các làng Nhĩ Hạ, Hoàng Hà, Nhĩ Trung. Người bên này đều có ruộng cày cấy ở bên kia, có chợ Nhĩ Hạ là trung tâm buôn bán với những sản phẩm nổi tiếng một thời. Người bên này đau ốm có thể gọi người làng bên kia tìm thuốc thang giúp đỡ. Nghĩa tình ruột rà duy chỉ có một chuyện hệ trọng của đời người là cấm. Đó là trai bên Tây không được lấy vợ bên Đông, bởi họ quan niệm rằng như vậy là”ngược sông”, ai bước qua lời nguyền sẽ dẫn đến những hệ lụy bi thảm. Chẳng biết tự bao giờ quan niệm “ngược sông” ấy cứ ăn sâu vào tiềm thức thế hệ này sang thế hệ khác. Trai bên tây, gái bên đông dẫu có thương nhau đứt ruột cũng không được chú bác họ hàng làm lễ se duyên! “Hơn một trăm năm nay, chưa có một ai vượt qua dòng sông định mệnh ấy cả!” – Đó là câu nói của ông Hồ Thí Nậy – người sống ngót nghét gần một thế kỉ từng làm nghề chèo đò bên bến sông này nói như vậy! Không những một trăm năm mà trước đó, từ thời cụ kỵ ông Nậy cũng chưa ai vượt qua. Có chăng cũng chỉ dẫn đến một kết cục đau buồn!

Ngày tôi còn nhỏ có người bà con xa là anh Ngô Giáo vốn tính thật là nhưng rất ương ngạnh. Anh đem lòng yêu một cô gái ở thôn Nhĩ Hạ mặc cho bà con họ hàng hết sức can ngăn. Anh bảo nếu không nên vợ nên chồng do họ hàng cấm đoán anh sẽ nhảy sông tự tử. Tính anh đã nói là làm, ai cũng biết vậy nên đành cũng phải chấp nhận. Để tránh lời ra tiếng vào anh chị qua một đám hỏi rồi ở với nhau được hai mặt con. Hai cậu con trai khôi ngô tuấn tú, ai cũng mừng. Thế rồi đến năm 1976, sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, quê tôi còn dày đặc bom đạn. Một bữa hai cậu bé ra đồng lon ton theo đường cày với cha không ngờ dẫm phải bon bi Mỹ sót lại, hai cậu bé chết ngay trên thửa ruộng còn nồng nàn mùi đất. Biết bao tội lỗi người ta không đổ lên đầu thằng Mỹ lại đổ vào dòng sông oan nghiệt. Đau hơn nữa là hai vợ chồng anh Giáo phải chia tay. Chị trở về bên kia sông với nỗi buồn đời người không giải thoát. Từ đó trên bến sông quê tôi không còn thấy trai làng thổi sáo dưới ánh trăng và tiếng hò của bao cô gái bên kia sông đáp lại nữa. Dòng sông vẫn chảy, nước cạn rồi lại đầy…

3. Ngày anh Lễ đi xa làng, tôi đang còn nhỏ sống dưới mái nhà tranh cùng mẹ. Tôi là một thằng bé đa cảm, những mùa nước nằm nghe từng tiếng cá đớp mồi và lá chuối xào xạc hai bên bờ sông. Hoàng – bạn tôi – bây giờ là nhà báo tỉnh hồi đó đen nhẻm, tóc quăn cháy gió Lào vẫn thường cặp kè rủ tôi bơi qua bên kia sông xem miếu thần, xem vỏ trấu người xưa để lại. Mẹ tôi cấm tiệt. Người thường lấy roi dọa tôi và Hoàng:

- Miếu nào mà miếu! Bọn bay bị con Trang bên kia bỏ bùa lú thì có. Con nít vét mũi chưa sạch mà đã yêu với đương. Không thể bước qua bên kia sông được đâu con ạ!

Hoàng hơn tôi hai tuổi, là con một, bố đi tập kết. Cả họ chỉ hi vọng vào nó thông minh, học giỏi sau này vào Đông Hà, Huế kiếm lấy một cô nào đó cho bà con họ hàng được nở mặt. Chứ qua bên kia sông theo quan niệm của làng tôi là… chìm đò. Điều đó thật hệ trọng. Tôi nằm nghe, đêm ngủ ú ớ đến phát khiếp.

Vẫn dòng sông với những rặng bần xanh, mùa quả chín gợi nên một cảm giác thòm thèm ngây dại, chưa ăn đã chua thấu tận óc. Làng tôi làm nghề dệt chiếu đêm đêm bên ánh đèn mờ những câu chuyện kể cứ bám riết đời người. Mẹ tôi bảo năm nào nước sông đỏ quận là năm đó không mất mùa vì lũ dữ cũng có chuyện không hay xảy ra. Chẳng biết đúng hay sai nhưng người ta cứ ám ảnh mãi vụ thảm sát ở làng Tân Minh vào năm 1947 do giặc Pháp gây nên. Năm ấy nhiều người già kể lại dòng sông đang trong xanh bỗng nhiên nước từ Cửa Việt, sông Hiếu dâng cao đổ vào Bến Ngự, hai bên sông những cánh đồng nhiễm mặn chết rục đỏ như máu chạy dọc dòng sông, và màu nước cũng chuyển sang đỏ rực. Đúng vào ngày 15.10.1947 giặc Pháp dùng một tiểu đoàn lê dương và lính ngụy bao vây, bố trí súng liên thanh quanh làng và đốt nhà, nhắm vào tất cả từ người già đến em bé nhả đạn. Cả làng lúc đó vỏn vẹn 200 người thì 135 người đã nằm xuống trong vòng một tiếng đồng hồ. Trong đó trẻ em 35, phụ nữ 21, có 6 chị mang thai, người già lão 43, trung niên 9, thanh niên 7 và những người đang mang thương tật là 4. Đau lòng hơn, bọn Pháp đã tàn sát hàng chục gia đình không còn một người. Gia đình ông Nguyễn Quang Thí do bà con nội ngoại tập trung tại nhà trong ngày giỗ nên bọn chúng bắn sạch 24 người. Gia đình ông Nguyễn Quang Linh giặc đã bắn chết trong cơn trở dạ, cả bà mụ đang đở đẻ và ông Linh. Hay như gia đình ong Nguyễn Quang Độ có vợ và con bị giết, lúc đó cháu bé chưa đầy bốn tháng tuổi và đang bú mẹ.

Thực ra nguyên nhân vụ thảm sát trên là do đồn Pháp ở Nhĩ Trung bị quân ta tập kích. Một thằng chạy lọt qua Tân Minh đã bị một lão nông là Nguyễn Quang Thí đang cày ruộng thấy vậy chạy đón đường dung “đõi cày” đánh vỡ óc. Tân Minh cũng là một căn cứ địa cách mạng ở đông Gio Linh nên bọn Pháp nhân đó để trả thù một cách man rợ. Ngày nay tấm bia di tích lịch sử làng Tân Minh còn khắc rõ mối thù này.

Chiến tranh tàn khốc thế, nhưng ai sẽ minh oan cho dòng sông? Thực ra sông Bến Ngự lòng đã hẹp, hai bên bờ là ruộng đất cát bạc màu. Một trận lũ cuồn cuộn phù sa từ sông Hiếu đổ vào biển màu nước đỏ như máu là chuyện dễ hiểu. Lại ở vào vùng đất khí hậu quá khốc liệt, hạn hán, mưa bão quanh năm, mất mùa, hỏa hoạn là chuyện thường xảy ra. Tôi đinh ninh nhiều người biết thế nhưng vẫn thở dài nhìn ra dòng sông cố tìm một sự giải thoát cho tâm linh và dòng sông vẫn im lăng, âm thầm nận về mình tất cả, để cho thế hệ chúng tôi lớn lên giải mã cho lời nguyền khắc nghiệt mà trăm năm nay dòng sông phải mang chịu quặn đau.

4. Hoàng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế vào năm 1989. Anh ra trường được nhận vào làm ở Tòa soạn báo tỉnh. Đúng một năm sau đó, vào ngày 2.9.1990. Hoàng gửi cho tôi một thiệp mời, cô dâu không ai khác chính là Trang, cô gái năm xưa ở bên kia sông. Chú bác họ hàng sững sờ, nghi hoặc nhìn Hoàng như là người ngoài hành tinh khác xuống. Hoàng không chỉ là con trai độc nhất, anh còn là đứa cháu đầu tiên đổ vào đại học và được làm nhà báo, vì vậy việc chọn vợ rất được chú bác làm trọng. Lời ra tiếng vào từ xóm trên đến xóm dưới khiến mẹ Hoàng rất đỗi thương con cũng phải chạy tìm chú bác họ hàng can ngăn Hoàng. Anh chỉ cười, an ủi mẹ rồi tìm lời lẽ thuyết phục mẹ và chú bác hiểu. Cuối cùng tình yêu cũng đã thắng. Đó là lần đầu tiên có một cô dâu bước qua sông Bến Ngự, đôi mắt nàng rưng rưng. Tôi thấy Trang đẹp như một thiên thần khi nàng bước chiếc cầu mới – chiếc cầu đầu tiên được xây dựng qua sông vốn hàng chục năm xoay xở với chiếc đò ngang tuần tuyềnh toàng của ông Thí Nậy.

Bây giờ đã hai mươi lăm năm đất nước hòa bình thống nhất, từ nước mặn đồng chua quê hương tôi đã đổi đời giàu có hơn xưa, điện đêm sáng rực trên những nhà ngói cao tầng, một chút gì đó của lối sống thành thị đã ùa về trong bóng dáng của nam thanh nữ tú váy áo khoe màu rực rỡ. Hôm gặp tôi về làng cùng dự lễ phát động xây dựng “làng văn hóa – gia đình văn hóa”, Hoàng chỉ gia đình anh và khoe: hai đứa con cháu trai đã lớp 5, còn cháu gái học lớp 2 đều rất giỏi. Trang công tác ở công ty thương mại tỉnh. Hai vợ chồng dự định sẽ xây một ngôi nhà cao tầng ở thị xã tỉnh lỵ để chào đón thế kỷ 21. Anh còn báo cho tôi một tin vui: Tết Tân Tỵ này người em họ của anh sẽ cưới một cô dâu bên kia sông, có thể đây là dám cưới đầu tiên của thiên niên kỷ mới giữa hai làng vốn được coi là “ngược nước” bởi dòng sông oan nghiệt.

Hai đứa chúng tôi dạo bước bên bờ sông, thông thả đón ngọn gió nồm thổi từ biển Cửa Việt vào mát rượi, lòng man mác với bao kỉ niệm một thời xưa cũ. Bỗng nhiên tôi chợt nghĩ: có những dòng sông mang hình dáng đất nước bị cắt chia hàng triệu người con phải đổ máu xương đê nối lại nhịp cầu, cũng có những dòng sông nhỏ nhoi như Bến Ngự quê tôi cách chia trong ý thức mù quáng với lời nguyền vô hình khắc nghiệt mà chỉ có tiếng nói tình yêu mới giải mã được! Tôi nắm chặt tay Hoàng thầm cảm ơn anh xiết bao.

                                                                                                                        N.T.Đ

Nguyễn Tiến Đạt
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 78 tháng 03/2001

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

26 Phút trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground