Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trâm,f tích Gio Linh

K

hi hàng cây xoài xanh ngát bên con đường Quang Trung, thị xã Quảng Trị ra hoa kết trái cũng là thời khắc đại đội chúng tôi được lệnh của chỉ huy rời doanh trại ở Thành Cổ để hành quân về mảnh đất Gio Linh. Chuyến đi của chúng tôi, những học viên khóa bồi dưỡng quốc phòng đối tượng hai nhằm khảo sát con đường quốc phòng chiến lược ven biển và việc xây dựng khu vực phòng thủ cấp huyện trong thời bình. Buổi chiều mùa hè nắng như đổ lửa vẫn không ngăn được cuộc hành quân với bao háo hức của chúng tôi khi tìm về với đất anh hùng.

Dừng chân trên đỉnh đồi Dốc Miếu, Bí thư Huyện ủy Gio Linh Phan Văn Phụng có ý để cho đoàn được thăm lại địa danh lịch sử năm xưa. Nơi đây, năm 1947 người Pháp đóng chốt quân sự để án ngữ Quốc lộ 1A và được gọi là Ba Dốc. Dốc Miếu cũng là căn cứ đầu tiên của Mỹ, gần vùng phi quân sự nhất, được xem là "con mắt thần" của hàng rào điện tử McNamara. Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng Dốc Miếu thành một cứ điểm quân sự lớn nhất nam Vĩ tuyến 17 với kinh phí lên đến 800 triệu USD, nhằm ngăn chặn và là căn cứ pháo binh đánh vào các mục tiêu của miền Bắc. Giờ đây, đứng ở Dốc Miếu nhìn lên, trải dài trước tầm mắt là cánh rừng cao su xanh tốt nối tiếp nhau dọc theo hàng rào điện tử McNamara năm xưa, như chưa hề có cuộc chiến tàn khốc đi qua trên mảnh đất này.

Đài tưởng niệm chiến sĩ giao bưu ở trên đồi cao. Tượng đài hoành tráng, khắc họa hình tượng những chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi căng tràn sức sống, vai mang vác máy thông tin đổ dồn về phía trước rất ấn tượng. “Nhưng sao nơi một thời là căn cứ đồn trú của Mỹ - ngụy bây giờ chỉ có mỗi tượng đài lực lượng giao bưu?” - một thành viên trong đoàn thắc mắc. Tôi ghé tai đồng đội bảo rằng: “Dưới những tán cao su đã khép tán kia mai này sẽ có một bảo tàng thu nhỏ về hàng rào điện tử McNamara và cuộc chiến đi qua trên mảnh đất này, đã được Trung ương phê duyệt, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện và tôi đang nợ Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị cuốn sách đặt hàng viết về di tích này”.

Trong cuốn sách mà tôi đang viết sẽ không đi sâu mô tả công trình hàng rào điện tử được thiết kế từ Lầu năm góc mang tên Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ mà họ thách thức một con chuột cũng không thể lọt qua được xây dựng kéo dài từ Cửa Việt lên đến miền tây Khe Sanh, mà sẽ đi vào chi tiết những trận đánh đơn giản của du kích địa phương. Chẳng hạn chuyện ông Phan Chung, nguyên Bí thư Huyện ủy Gio Linh kể rằng thời ấy quân của ông hay chọc tức quân đội Mỹ và lính đánh thuê Sài Gòn bằng cách bỏ những con cóc vào lon sắt kèm với thuốc lào rồi đêm đêm vứt vào hàng rào điện tử McNamara. Bị sốc thuốc, những con cóc cứ nhảy loạn xạ gây ra tiếng động, lập tức các cây nhiệt đới trên hàng rào báo động về trung tâm. Trung tâm gọi pháo binh nã pháo tới tấp vào mục tiêu. Kết quả là trận địa hàng rào nát tan, quân ta chỉ “hy sinh” mấy con cóc trong lon sắt. Chỉ câu chuyện này thôi cũng cho thấy những bộ óc siêu đẳng của Lầu năm góc quả là kém thông minh hơn những du kích quân Việt Nam chân đất đầu trần. Nhưng kể chuyện vũ khí thô sơ đấu với vũ khí hiện đại của kẻ thù trong cuộc chiến ngày trước trên đất này thì nhiều lắm, sách vở nào có thể tả hết, như bao kỳ tích về mảnh đất này, kể từ thuở ông cha ta mở cõi đất Minh Linh.

Chợt nhớ trong một lần gặp gỡ gần đây, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Viết Nên tâm sự: “Gio Linh còn nghèo so với các vùng đất khác, nhưng có những kỳ tích mà ít nơi nào có. Đó là sau chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Gio Linh đã biến vành đai điện tử McNamarra thành rừng cây công nghiệp; biến khu tập trung (của Mỹ- ngụy) Quán Ngang thành khu công nghiệp; biến vùng cát trắng đến nhức mắt thành khu đô thị ven biển...”. Là người nằm vùng hoạt động trên mảnh đất Gio Linh trong những năm chiến tranh ác liệt, rồi trở thành lãnh đạo huyện sau ngày quê hương được giải phóng, từng chỉ đạo tháo gỡ bom mìn, khai hoang phục hóa để sản xuất, ông hiểu để có màu xanh bạt ngàn, để có phố thị dọc ngang từ Cửa Việt, rồi những nhà máy mọc lên ở khu công nghiệp Quán Ngang như hôm nay cái giá phải trả là rất đắt, bằng máu, mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ, mà Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn một vạn anh hùng liệt sĩ cả nước là một minh chứng cho cái giá của độc lập, tự do và hòa bình.

Về Gio Linh hôm nay, trong nhịp sống hối hả tiến về phía trước, người dân vẫn còn nhắc nhớ về tấm gương chiến đấu gan dạ, kiên trung, anh dũng của Dương Bá Quy, Trương Đức Hai, Lê Thị Chẩm...Họ mãi là tấm gương sáng về tinh thần, ý chí cho thế hệ hôm nay. Chúng tôi cùng Lê Quang Chiến, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Gio Linh vào Nghĩa trang huyện thắp hương cho các hương hồn liệt sĩ đã nằm xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Sau khi thắp hương ở Đài tưởng niệm, chúng tôi tỏa đi xuống các phần mộ. Dừng lại thắp nén hương bên mộ liệt sĩ Lê Quang Huỳnh, cứ thấy xót xa vì ngày ấy anh hy sinh khi còn quá trẻ, mới bước qua tuổi mười bảy. Người dân Gio Linh và đồng đội còn nhắc mãi về hành động dũng cảm của anh. Chuyện kể rằng, suốt một thời gian dài bám và nắm địch, ngày 24/6/1970, du kích xã phối hợp với đơn vị chủ lực đánh vào một đại đội bảo an, một trung đội dân vệ và một toán phòng vệ dân sự ở Hà Thanh để phá ách kìm kẹp của địch, hỗ trợ cho phong trào quần chúng. Trận chiến kéo dài hơn một giờ liền. Lê Quang Huỳnh cùng đồng đội chiến đấu kiên cường, rồi anh bị thương nặng, bị địch vây bắt. Lọt vào tay kẻ thù, anh không chút hoang mang dao động. Khi tên quận trưởng Gio Linh và các sắc lính đến vây quanh dày đặc, anh vẫn bất khuất hiên ngang trước kẻ thù. Anh thản nhiên ngâm bài thơ “Tôi là du kích Gio Linh”, tiếp theo anh hát bài “Giải phóng miền Nam” với một niềm tự hào kiêu hãnh. Hát xong, anh quắc mắt nhìn tên quận trưởng rồi dùng sức lực còn lại khạc nước bọt nhổ vào mặt hắn. Kẻ thù hèn hạ đã dã man dùng dây móc anh vào xe Jeep kéo đi một đoạn đường dài từ Hà Thanh đến trung tâm quận Gio Linh. Sự hy sinh anh dũng của anh đã làm cho kẻ địch vô cùng khiếp sợ; còn nhân dân, cán bộ, du kích trong xã thì hết lòng thương tiếc và khâm phục người chiến sĩ du kích trẻ sống anh dũng, chết vẻ vang, làm rạng ngời truyền thống của quê hương.

Đi bên hàng hàng bia mộ, chúng tôi lặng người đi. Dưới từng nấm mộ này là thân thể của những chàng trai cô gái đã ngã xuống ở tuổi thanh xuân, mang trong mình bao hoài bão, ước mơ cho hòa bình và độc lập của dân tộc. Để có được cuộc sống thanh bình hôm nay, đã có biết bao người con ưu tú của quê hương và mọi miền Tổ quốc ngã xuống đất này. Máu xương của họ hòa đất đai, sông nước quê nhà. Nếu nói rằng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, Quảng Trị là vùng đất chịu sự tàn phá khốc liệt của bom đạn và những chiến dịch quân sự quy mô, thì Gio Linh là hình ảnh thu nhỏ của sự tàn phá, chia cắt và những thử thách nghiệt ngã của chiến tranh. Mảnh đất hiền hòa soi mình bên bờ nam sông Bến Hải, một thời là giới tuyến chia cắt đất nước theo Vĩ tuyến 17. Đế quốc Mỹ đã lấy Gio Linh làm tâm điểm để thí nghiệm mọi chiến lược chiến tranh và các loại vũ khí giết người hiện đại, biến nơi đây thành vành đai trắng nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Nhưng có thế lực nào có thể cách ngăn được lòng yêu nước và ý chí quật cường của người dân ở đôi bờ giới tuyến.

Nói tới Gio Linh, không ai không nhớ bài hát “Bà mẹ Gio Linh” của nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát nổi tiếng này được khơi nguồn sáng tác từ nguyên mẫu những người mẹ có thật ở nơi đây. Theo hồi ký của Phạm Duy thì trong một lần công tác về làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, ông được nghe kể chuyện bà mẹ có người con trai đi theo cách mạng, bị giặc Pháp bắt chém đầu bêu ra ở chợ, không ai dám lại gần, duy chỉ có người mẹ mang thúng tới lấy đầu con đem về mai táng. Nghe xong câu chuyện, ông sáng tác thành ca khúc, trong đó có những câu rất cảm động: “Nghẹn ngào không nói một câu/Mang khăn gói đi lấy đầu/Đường về thôn xóm buồn teo/Xa xa tiếng chuông chùa reo…”. Bài hát có sức vang xa, được nhiều thế hệ truyền nhau hát, bởi vì tác giả đã khái quát từ niềm đau của một bà mẹ trở thành niềm đau chung của một dân tộc, và hơn thế là của loài người căm ghét chiến tranh, yêu chuộng hòa bình.

Chiến tranh đi qua, lịch sử còn khắc ghi những chiến công oanh liệt gắn liền với từng địa danh như đường 74 - Nam Đông, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Cửa Việt, Gio An...Kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, toàn huyện Gio Linh có 8/9 đơn vị hành chính, 5 tập thể và 9 cá nhân vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 1 huân chương thành đồng hạng II; 14 huân chương độc lập và nhiều phần thưởng cao quý khác. Chính từ trong sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện con người Gio Linh trở nên rắn rỏi, gan góc, linh hoạt, mưu trí trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động, góp phần khẳng định sức mạnh quật khởi của dân tộc Việt Nam.

Nhưng một vùng đất cũng như mỗi đời người, sự tích anh hùng của ngày hôm qua chỉ có ý nghĩa lớn lao khi trở thành viên gạch hồng cho sự tiếp nối hôm nay. Hôm tìm hiểu gương mặt thế hệ sinh ra và lớn lên sau ngày Gio Linh được giải phóng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Nguyễn Huy Hùng đã cung cấp cho tôi một danh sách dài những gương mặt tuổi trẻ làm ăn giỏi có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm, như gương trồng cây công nghiệp của Lê Danh Trường ở Lan Đình; gương vượt qua tật nguyền trở thành chủ doanh nghiệp vừa là vận động viên có thành tích cao người khuyết tật của Trần Văn Diệu; gương trồng hoa, cây cảnh của Trần Ngọc Điệp ở Gio Châu, trồng hàng trăm loài hoa tươi trên vùng đất khô khát...Thế hệ các em sinh ra sau ngày quê hương sạch bóng quân thù, nhưng ý chí và nghị lực trong cuộc chiến chống đói nghèo, vươn lên làm giàu của các em là sự kế thừa, tiếp nối truyền thống đánh giặc giữ nước của thế hệ cha anh trong cuộc chiến đánh đuổi quân thù, đem hòa bình, độc lập về cho quê hương, đất nước.

Hôm chúng tôi ghé thăm cơ ngơi của Trần Ngọc Điệp (sinh năm 1983), thật ngỡ ngàng trước những việc làm của ông chủ trẻ 28 tuổi này. Cách đây 5 năm, khi Điệp hình thành ý tưởng trồng hoa trên vùng đất gió nắng này, nhiều người cho là việc không tưởng. Thế nhưng chàng trai một thời là công nhân kỹ thuật ngành điện (Điệp tốt nghiệp Trường Trung cấp điện Hội An), từng lên công tác ở Lâm Đồng 4 năm và học được nghề tay trái là kỹ thuật trồng hoa ở xứ sở sương mù này đã thể hiện quyết tâm cao. Ngày công ty của Điệp chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, vì không có tiền đóng cổ phần, thêm nữa hoàn cảnh gia đình khó khăn, Điệp xin về quê làm hợp đồng ở Điện lực Gio Linh và ấp ủ nghề trồng hoa. “Học phí” của Điệp là vụ thu hoạch hoa đầu tiên sau khi trừ chi phí công, giống, vật tư đầu tư... bị lỗ hơn 35 triệu đồng, ấy là năm 2006. Không nản chí, Điệp làm tiếp vụ hoa năm sau. Lần này nhờ rút tỉa được kinh nghiệm vụ trước, cộng với thực hiện nghiêm ngặt kỹ thuật trồng, chăm sóc, chọn lựa loại hoa phù hợp với đất đai, khí hậu nên hòa vốn. Kiên trì như thế, từ năm thứ ba trở đi vườn hoa của Điệp bắt đầu có lãi mỗi năm từ 30 - 40 triệu đồng.

Để phát triển lâu dài, Điệp còn đầu tư trồng 3 ha cao su và 3 ha rừng; nuôi 5 hồ cá với diện tích 5 ngàn mét vuông. Bây giờ thì Trần Ngọc Điệp đã là ông chủ của Doanh nghiệp tư nhân trồng và phân phối hoa tươi xã Gio Châu; đồng thời tham gia Ban chấp hành Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Trị, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất - kinh doanh trẻ huyện Gio Linh. Từ tay trắng đi lên, Điệp trở thành một thanh niên điển hình tiên tiến, với thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng, đã nhận được nhiều bằng khen của Ủy ban Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị tặng. Hiện Điệp tính chuyện làm ăn lớn nên đã đăng ký bản quyền về hoa từ nhiều nước để nhập hoa, giống về cho doanh nghiệp của mình. Giữa mùa hè khô khát, chưa phải là mùa cao điểm hoa tươi, nhưng trong vườn của Điệp cũng có đủ các loài hoa đồng tiền Hà Lan, hoa ly, hoa hồng và hơn 25 loại hoa cúc... Công nhân của Điệp có 10 người, là con em địa phương được tuyển vào làm và được truyền nghề trồng hoa, cây cảnh.

Hoa đã nở thắm, rừng đã lên xanh bên hàng rào điện tử McNamara năm xưa, mà chủ nhân là những người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên sau ngày quê hương được giải phóng. Tôi nghĩ với Gio Linh, với Quảng Trị, một lớp trẻ có tư duy và tài năng đã bắt đầu dấn thân lập thân, lập nghiệp, quyết tâm xây dựng lại quê hương giàu mạnh và văn minh trên cái nền đổ nát tang thương của cuộc chiến ngày đã qua.

*

Ngày Quảng Trị mới giải phóng, đi qua vùng đất Gio Linh, nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Anh về Quảng Trị...Gio Linh

Trèo lên Dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang

Bời bời cỏ lút đồng hoang

 Chim kêu cành cụt chang chang nắng cồn

Tả tơi mấy ấp khu dồn

Mái tôn, rào kẻm, tháp đồn chơ vơ”

(Nước non ngàn dặm - Tố Hữu)

Gần 40 năm sau ngày giải phóng, dẫu vẫn còn bao nhọc nhằn, gian khó nhưng mảnh đất chiến trường xưa từng mệnh danh là khu phi quân sự bên bờ nam sông Bến Hải đã có bao đổi thay.

Tôi đã nhiều lần đi dọc theo con đường ven biển Quảng Trị và rất ấn tượng về hai cây cầu bắc qua sông Hiền Lương và Hiếu Giang. Khởi đầu là cầu Cửa Tùng, tiếp đến là cầu Cửa Việt, những cây cầu hoành tráng nối liền hai cửa biển quan trọng của tỉnh. Một con đường thảm nhựa rộng dài dọc theo bờ biển vừa là con đường chiến lược quốc phòng, vừa phục vụ cho du lịch đã thành hình. Ngày khánh thành cầu Cửa Tùng, tôi gặp bác Trương Đức Nam, ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, khi bác cùng nhiều người dân ra ngắm cây cầu hiện đại nối hai bờ cuối dòng Bến Hải. Bác nói với tôi những lời xúc động: “Bác đã sống với vùng biển Trung Giang này qua gần đời người mới thấy mơ ước ngàn đời hôm nay trở thành hiện thực. Bây giờ cầu đã bắc qua, không chỉ tiện cho việc đi lại của cư dân vùng biển mà còn làm cho con cá, con tôm đánh bắt, nuôi trồng từ vùng đất này trở nên có giá nhờ giao thương thông suốt”. Còn PGS.TS. Nguyễn Văn Dững, một người con của quê hương, hiện đang giảng dạy tại Học viện Báo chí- tuyên truyền Hà Nội hễ có dịp là anh vù xe về quê, chạy băng qua con đường ven biển mà tuổi thơ của anh phải lội qua những trảng cát như hoang mạc. Dù ở xa quê, anh vẫn thường tranh thủ thời gian để về thăm lại người thân, để nắm lấy cái vai có nốt u to và bàn tay chai sần của người thím già nua mà hỏi han, tâm sự; anh về để thở hít không khí trong lành của vùng biển quê hương. Anh ước ao vùng biển này môi trường sống mãi trong lành, không bị bàn tay con người đào xới khai thác khoáng sản, hủy hoại môi trường. Anh tự đặt câu hỏi trong một bài báo mà anh gửi cho tôi: Hãy cứ để những hàng dương kia xanh mãi được không?

 Đứng trên những cây cầu vĩnh cửu này, ai ai cũng cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê biển. Khi có đường thông thương, phố thị bắt đầu đã hình thành dọc biển. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch đang được đầu tư phát triển. Bến cảng Cửa Việt, tàu thuyền đánh cá, vận chuyển hàng hóa tấp nập ra khơi vào lộng. Từ nơi này nhìn rộng ra, trên những địa danh một thời chịu sự tàn phá ác liệt của chiến tranh như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang... đã hình thành các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh, của huyện. Cao su, hồ tiêu phát triển rộng khắp ở các xã miền tây, lan rộng đến các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Linh Thượng, Vĩnh Trường. Các vùng lúa chất lượng cao được hình thành ở các xã đồng bằng chiêm trũng với quy mô trên 3.000 ha; nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh trên vùng cát ven biển; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng chống cát bay cát lấp ven biển phát triển xanh tốt. Hệ thống giao thông, thủy lợi được quy hoạch, đầu tư, xây dựng kiên cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuyến du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng đang hình thành, trong tương lai không xa sẽ kết nối với đảo Cồn Cỏ thành tam giác du lịch, hứa hẹn là địa chỉ nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách mọi miền đất nước và quốc tế. Từ những ngã đường Gio Linh, nhịp sống mới đang dự báo về một ngày mai tươi sáng.

Cùng với niềm tự hào về truyền thống anh dũng, quật cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế, Gio Linh còn ẩn chứa trong lòng mình biết bao giá trị văn hóa, lịch sử. Đã mấy ngàn năm nay, kể từ khi có dấu chân của cha ông đi mở cõi, bao thế hệ người dân Gio Linh không chỉ biết miệt mài, sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, mà còn biết nối tiếp nhau giữ gìn, lưu truyền, phát huy những giá trị văn hóa do tiền nhân để lại. Từ hệ thống giếng cổ Gio An luôn cho nguồn nước ngọt lành, đến chùa Bảo Đông xây dựng từ trước thế kỷ thứ X và lăng mộ Trần Đình Ân ở thôn Hà Trung, Gio Châu - di tích văn hóa cấp quốc gia được phụng thờ trang nghiêm, tôn kính. Di tích đình làng Hà Thượng, nơi thành lập chi bộ đầu tiên được tôn tạo, nâng cấp...Khi đời sống được cải thiện, con em trong huyện, trong xã có điều kiện học hành thành danh. Chỉ tính riêng một làng như làng Mai Xá Chánh ở xã Gio Mai hiện chỉ có hơn 700 hộ gia đình với 3.700 nhân khẩu nhưng đã có hơn 800 con em là cán bộ các cấp, ngành có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 22 TS.GS.PGS 12 vị mang hàm cấp tá trong quân đội nhân dân Việt Nam.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Gio Linh đang được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như Khu công nghiệp Quán Ngang, Cụm công nghiệp - làng nghề vùng Đông, Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt... Cùng với bề dày của truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa đã tạo nên một diện mạo mới, thời cơ mới để toàn huyện khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, đưa nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xứng đáng với công lao, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh vì sự hồi sinh và phát triển của mảnh đất này. Những thành quả đạt được trong gần 40 năm qua tuy chưa nhiều nhưng đã khẳng định được sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của một vùng quê, dẫu trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn vững vàng vượt qua, tồn tại và không ngừng phát triển.

Hôm trước khi về nói chuyện với anh chị em Văn nghệ sĩ Quảng Trị tại Cửa Việt, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Huy Hùng đã trăn trở thật nhiều. Là đứa con của đất mẹ Gio Linh, được lớn lên, vào học đại học rồi đi đây đi đó với nghề dạy học, nhưng rồi như là duyên phận, anh trở về mảnh đất Thành Cổ Quảng Trị với chức trách được giao là Chánh văn phòng Thị ủy Quảng Trị. Một thời gian sau anh được điều động về làm Phó văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị và giờ đây anh lại được điều động trở về quê trong cương vị là người đứng đầu chính quyền cấp huyện. Khi được hỏi anh nghĩ gì về nét riêng của người Gio Linh, anh suy nghĩ hồi lâu rồi phác vẽ mấy dòng: “Nếu chúng ta cất công đi tìm để định hình cho cái tinh túy làm nên cái “chất Gio Linh” thì quả thật là khó, bởi không thể lấy cái hữu hạn để đo cái vô hạn. Nhưng có thể là một “Hội cù An Mỹ” một câu ca “Mẹ già cuốc đất trồng khoai/ Con đi mua ngọn hôm mai mới về”; cũng có thể là hình ảnh chiếc áo the thấp thoáng đi về sau phiên chợ Bạn; hay hình ảnh bà mẹ Gio Linh gói đầu con trên đồn giặc năm nào; như cây dương, cây mít trong vườn cả nghìn năm lặng lẽ đi qua miền đất này... đã làm nên nét hào sảng của đất và người Gio Linh, tích hợp nên một sắc riêng không lẫn vào đâu được”.

Vâng, cái chất Gio Linh như anh cắt nghĩa thật nhẹ nhàng nhưng thẳm sâu, là trầm tích của vùng đất, được kết tụ từ thuở ông cha ta đã mở cõi đất Minh Linh cho đến ngày quê hương sạch bóng quân thù, người Gio Linh bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, chắt chiu “gom góp dựng cơ đồ”. Để có được giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 14,4%, bình quân thu nhập đầu người đạt 9,5 triệu đồng/người/năm; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích trong 5 năm qua là kết quả sự nỗ lực lớn lao của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định mục tiêu tổng quát 5 năm tới sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông- lâm- ngư nghiệp; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và vững chắc hơn. Cùng với nâng cao chất lượng các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là miền núi, vùng khó khăn; tăng cường quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. 

Với cam kết chính trị đã đề ra, cho chúng ta hy vọng về sự trỗi dậy của vùng đất phía nam sông Bến Hải đang mang trên mình bao lợi thế về đất đai vùng gò đồi, vùng đồng bằng và cả một vùng biển trải dài ra Thái Bình Dương. Gio Linh không chỉ có đường xuyên Á, đường Trường Sơn, Quốc lộ đi qua, có bãi tắm đẹp, khu du lịch Cửa Việt, Gio Hải để du khách trong nước, nước ngoài tìm về thăm thú, nghỉ dưỡng mà rồi đây sẽ có cả sân bay lưỡng dụng kết nối giao thương, là nơi có triển vọng thu hút nhiều doanh nhân đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư với những dự tính làm ăn dài lâu.

Dĩ nhiên trên đường phát triển, Gio Linh còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng con đường phát triển với vùng đất này đã mở ra phía trước, nhất là mở hướng ra biển lớn. Phải thế chăng mà hôm về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV, Bí thư Huyện ủy Gio Linh Phan Văn Phụng đã chọn chủ đề kinh tế biển để tham luận. Anh phân tích: Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, vùng cát cần quan tâm đầu tư đúng mức công tác quy hoạch tổng thể và chi tiết về phát triển kinh tế biển, gắn với quản lý quy hoạch nhằm chủ động trong việc đầu tư phát triển, đảm bảo tính khoa học và tính chiến lược. Anh đề nghị tỉnh quan tâm tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực gắn với các chính sách thu hút đầu tư để sớm phát triển hệ thống giao thông vận tải đường biển, đáp ứng yêu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa và hành khách tham quan du lịch bằng đường biển; đầu tư phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí ven biển, đảo Cồn Cỏ. Thực tế cho thấy, hiệu quả của các dự án đánh bắt xa bờ, trung bờ đang mở ra hướng phát triển mang lại lợi nhuận cao đối với kinh tế biển và rất phù hợp với chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Vì vậy, cần có các chính sách thích hợp, kịp thời nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế và ngư dân tiếp tục đầu tư để tăng năng lực khai thác, đánh bắt thủy sản, hải sản nhằm thực hiện chỉ tiêu đánh bắt thủy hải sản đến năm 2015 đạt 32 - 33 ngàn tấn. Anh cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư cụm làng nghề phía đông của huyện để xây dựng các cơ sở chế biến gắn với việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất chế biến hải sản, bảo vệ môi trường; có chủ trương, cơ chế chính sách phù hợp để sớm thu hút đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cát ven biển...

*

Ngồi trong nhà khách Công ty cao su Quảng Trị ở Cửa Việt nhìn ra biển, ngoài kia sóng cứ vỗ miên man. Bên con đường du lịch, con đường phòng thủ quốc phòng chạy ven biển, những công trình khu nghỉ mát với nhiều kiểu dáng kiến trúc tân kỳ đang thi nhau vươn lên trời cao. Chuyến đi của chúng tôi đã khép lại với nhiều thông tin thu thập được từ Gio Linh để làm sinh động thêm cho bài thu hoạch cuối khóa học quân sự. Nhưng đó là chuyện khác, còn chiều nay tôi ra biển, đã nghe trong nhịp sống từ khu du lịch, từ bãi biển với tấp nập khách đến tắm biển; đã thấy những thương nhân trong và ngoài nước đến Cửa Việt mua bán sản phẩm từ biển khơi...hiển hiện một hướng đi mới của Gio Linh. Bây giờ ngoài chiến lược khai thác vùng gò đồi, vùng đồng bằng, Gio Linh đang mở hướng ra Thái Bình Dương. Chợt nghĩ, người Gio Linh đang hối hả ra biển lớn mà hành trang mang theo là trầm tích từ đất nước, sông hồ, trong hồn đất, tình người bao đời nay kết tụ trên mảnh đất này.

Từ Cửa Việt, đã thấy bình minh hiển hiện phía chân trời.

                                  Trại viết Gio Linh, tháng 7/2011

M.T

 

Minh Tứ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 203 tháng 08/2011

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

2 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

2 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

2 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

2 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground