T |
ôi có thằng bạn đời họ Lữ tên Thọ tận trong thành phố. Ấy là về sau này khi quê hương giải phóng nó không về làng bởi mặc cảm, đúng hơn là âu lo về xuất xứ của minh. Cái họ Lữ ấy hắn là họ Tàu gốc Hoa và nhất là thành phần gia đình nó giàu, giàu từ trong trứng giàu ra. Đã bảo đời này ở làng gia thế nó giàu nứt đố đổ vách ra thế.
Nó trùng ngày, giờ, năm sinh tháng đẻ cùng tôi. Trùng đến nỗi sau này bà con làng Đại xác nhận, đúng lúc tôi khóc oe oe thì nó cũng khóc oe oe. Mà khóc đến ba ngày đêm lận, hai thằng mới chịu ngậm núm vú và toét miệng cười. Lớn lên vì thế mà cuộc đời nó gắn chúng tôi lại thậm thâm. Thôi thì đua nhau trổ tài nghịch ngợm, nghịch đến nỗi nhà bên nó bị đánh đòn thì y như rằng bên này cũng bị nọc ra đánh. Mặc cho đứa nào phải đòn trước đã cố ngậm tăm không phát ra tín hiệu kêu ca gì. Hoặc giả đã đôi lần thỏa thuận, đứa về nhà trước đứa về nhà sau đánh lạc hướng bố mẹ.
Tuổi thơ chúng tôi song hàng trên cánh đồng làng. Cùng lùa vịt chăn trâu, bẫy chim, nơm bắt cá. Bên dòng sông xanh khúc lở khúc bồi vẫy vùng sóng nước và những cuộc phiêu lưu, lẻn xuống thám hiểm, khám phá khắp trên những nốc thuyền ngư dân xóm vạn chài. Sung sướng nhất vẫn là trong những ô vườn trù mật, chôm chĩa theo mùa. Từ vụ thơm, vụ mít đến cam, quýt, bưởi. Phải nói rằng không vườn nhà ai chúng tôi không chui rúc. Từ vườn nhà nó sang vườn nhà tôi; vườn ngoại tôi, nội nó. Thôi thì tuổi thơ biết bao nhiêu trò nghịch ngợm và cơ man nào là sự hào phóng của ngôi làng quê thanh bình trù phú thổi chúng tôi lớn nhanh hơn phổng.
Nói thế không phải sau này quê hương chiến tranh chúng tôi không có dịp gặp nhau. Học hết bậc trung học ở Huế nhưng mỗi đứa đeo đuổi mỗi chí hướng. Thế rồi nó trôi giạt vào miền Tây, về định cư lại ở thành phố. Mấy năm trở lại đây nhờ cơ chế mở, nó kinh doanh địa ốc. Lần khai trương khách sạn đầu tiên tôi được triệu vào và giữa thành đô hoa lệ, hoài niệm giữa chúng tôi bao giờ cũng ngôi làng và thuở ấu thơ thanh bình xa vắng. Nó bảo: "Mi vô như đưa cả ngôi làng vô đây, đỗ nhớ!".
Ba năm trở lại đây nó phất lên thêm ba cơ sở nữa. Lần nào nó cũng kèm theo thư điện tin cả vé máy bay khứ hồi. Tôi phần lười biếng, đã đổ đốn ra, không vào được. Tha hồ nó trách, rồi nhận bưu phẩm: "Tệ quá! Mi không vào được thì tao gửi chai rượi ngoại ra, mời giúp anh em bù khú...". Và lần này nữa, sự bất quá tam, tôi vừa khui chai rượu nó xong, nó đã mò về. Và về giữa mùa lũ lụt tháng mười, nằng nặc đòi ra bằng được ở quê, lũ mặc lũ...
Dễ chừng đã hai mươi mấy năm nó đằng đẳng xa quê, qua nửa đời người nay mới về lại quê lần đầu. Chở nó qua cầu ga Quảng Trị, nó đã trố mắt: "Cầu chi đây ta? Quê mình đổi mới, khá lên dữ hè." Điều được điều mất tôi cố lách lên tìm xuồng tăng bo qua Triệu Thượng, và đến Ái Tử nó lại trầm trồ. Xưa cung đường này là cung đường chết. Căn cứ, sân bay, kho tàng đạn dược và pháo kích. Quân giải phóng có thể pháo kích vào căn cứ quân sự Mỹ này bất cứ lúc nào. Ái Tử - vành đai trắng xóa đồng nghĩa với chết chóc làm gì có khu dân cư thị trấn sầm uất như bây giờ. Qua cầu Phước Mỹ lại phải tăng bo. Rõ khổ, nhưng nó lại nhe răng cười, đau đáu nhướng tầm mắt nhìn về mảnh làng quê nửa gần nửa xa háo hức. Đã hai giờ chiều, bầu trời càng lúc càng thâm u, sa thấp xuống núi đồi làng mạc. Mặt đường trắng xóa, mưa như trút nước,ướt sũng. Đến xã Triệu Lương, tôi loem ngoem vuốt mặt và phát hiện ra đằng kia, có người lùa trâu vào rú. Ông anh rể tôi chỉ tay: "Gửi xe lên nhà máy giấy cao lụt, rồi lội tắt qua nhà anh Thế lấy xuồng, cư men theo truông thì kịp về làng. Có về nhớ ghé vào chị, giúp chị một tay, xem chừng lũ năm nay lớn". Tôi ngược lên phía nhà máy, nó trơ mắt ra nhìn hết khu vực bệnh viện, trạm điện hạ thế rồi nhà máy giấy dáng vẻ phục lắm, tự hào lắm, quê ta đâu có nghèo. Tôi chỉ đường ray có từ thời Pháp thuộc và đường quốc lộ I Mỹ mở sau này. Chỉ có hai vật chứng kia cố định không xê dịch từ ngày nó còn ở quê để giải thích những biến đổi lớn lao ở quê nhà. Rằng cái gì là rú, "Đưa trâu vào rú" như ông anh rể tôi vừa bảo, chính là ở đây. Xưa trung tâm làng tôi nằm phía dưới, có tên gọi xóm Rào, men theo bờ sông. Chỗ miễu Thành hoang trước cổng viện chừ là rú. Xóm trên là xóm Rú, xóm phụ, hơn chục nóc nhà. Nay làng hội nhập vô thị xã, hơn nữa làng nhào lên đường. Một buôn bán làm ăn theo thị dân chẳng ai thiết tha nghề nông nữa. Xóm dưới bờ sông bây giờ đìu hiu hơn nhưng bà con cô bám ruộng đồng sản xuất.
Nó thích thú hỏi tôi:
- Này ông, cái nơi hồi nhỏ tụi mình hay trốn học lên đấy nhòm tàu hỏa, rú rừng đâu cả rồi? Tôi bảo:
- Đi hỏi bom đạn Mỹ. Mà rồi dân mình cũng phá. Ông nhớ cái nghề cuốc côộc không? Gốc to gốc nhỏ gì, chỉ mỗi cái cuốc chim ấy, dân mình "làm cỏ" được cả cánh rừng.
- Sao không trồng cây?
- Cả đồi cọ dầu ở trên kia kìa. Nhưng xác định sai giống cây trồng rồi ông a! Trồng rồi phá, trồng - phá, liên tục phát triển và vì phát triển rừng đã được đẩy lên, tiến dần lên phía Tây Trường Sơn kia lận. Làm gì có rừng ở giữa thị xã. Chỗ lùm cây ông hỏi thăm trước mặt kia kìa, cách 200m, nơi có cái lầu hai tầng của Công ty thuốc trừ sâu, chọn nơi nào cũng đúng cả.
Nó có vẻ đắc ý, phóng tầm mắt ra phía thị xã Đông Hà lần cuối rồi hối thúc tôi về làng. Chiếc xuồng chòng chành, loay hoay mãi không sao định hướng. Thú thật đã lâu tôi không cầm lái súc chèo. Nó thế mà lại khá hơn, xoay người, cầm lái chính. Con xuồng lướt êm, mem theo truông Vịnh. Truông ở quê tôi chẳng phải là truông nhà Hồ táo tợn, cũng chẳng phải là vùng đất hoang rộng có nhiều cây cỏ, mà truông gắn liền với hai ngôi làng, được trồng toàn mưng chạy dài thành vệt thẳng tắp giữa hai cánh đồng dễ chừng dăm, bảy cây số. Truông Vịnh nằm gọn trong Vịnh Phước, ra thêm cây số chiều ngang nữa ông bà tổ tiên mới dựng mốc giới bằng cột đá. Xưa đồng làng tôi, nghe đâu kéo dài đến bờ sông Vịnh, Đại Áng thì rõ là cánh đồng lớn kia mà. Ấy mà ông tổ làng tôi dại gái, chẳng hay ở vào đời nào, tìm vô làng Vịnh ve bà gái góa, cái bà Nữ Oa đội đá chỉ chưa vá trời. Câu chuyện vo ve, bà ra điều kiện rồi đem rượu thịt ra đãi đằng khách, ở lại qua đêm, sáng ra bà trực tiếp thực thi điều kiện, có cả con dân đôi làng chứng kiến. Theo đó thì ông tổ làng tôi chủ quan, thách bà vác chiếc cối đá băng qua đồng làng, dừng chân ở đâu mốc giới đồng ruộng hai làng ở đấy. Và bà Nữ Oa kia vác cối đá đi thật. Chừng dăm cây số, càng đi càng khỏe, ra khỏi Truông Vịnh (ấy là dân làng trồng lên sau này), ai ai cũng hoảng. Rất may trong bọn chăn trâu có đứa dùng cây roi đuối thọc vào vướng chân, bà ngã lăn ra cùng cối đá, cứu nguy cho làng. Câu chuyện hẳn nhiên là truyền thuyết hoang đàng nhưng lớn lên lũ trẻ chăn trâu bọn tôi còn "phát huy truyền thống", còn chứng kiến cái nợ truyền kiếp này. Ấy là bà Nữ Oa làng vịnh sau này mất, dân làng làm miếu thờ riêng trong lùm cây xanh um. Đồn rằng ở đó có trăn chẳng ai dám bén mảng vào nhất là lũ mắt xanh đít nhái. Thế nhưng còn ngôi mộ thật, tục gọi là mộ mụ Rùa xây bằng đá đen ở nơi bà vấp ngã lăn ra cùng cối đá. Mộ xây hình con rùa, lũ chăn trâu chúng tôi hằng năm người lớn không ai sai bảo, cứ nhận nhiệm vụ phá phách. Đập mai, gõ mọ (mu), tường thành gì đập cả. Hôm này ít, hôm mai ít, thì y như rằng năm nào làng Vịnh ở bên cũng lo đại tu, khuân lễ vật ra cúng. Chúng tôi lân la ra vẻ ngây ngô quan sát, và thế là cả lũ chăn trâu chứ quan chức gì đâu đều được ăn của đút lót. Nào phải ít đâu, cả năm chờ lấy một ngày, khệ nệ bưng cả mâm xôi, nguyên chiếc đầu lợn kèm dao muối hẳn hoi, soạn ra giữa đồng không mông quạnh mà chén. Cuộc "tiệc hôi" nó oách, trông bổn mặt thằng nào cũng oách, vênh vênh. Người ta bảo một miếng giữa làng mà lại là làng bên thì đúng là hơn cả sàng trong bếp. Đại tiệc đấy để rồi tay chân lại tháy máy, đập mai gõ mọ, phá kê mõm xuống lên cồn đất thở dốc. Chẳng hiểu nó sung sướng nỗi gì la toáng lên:
- Ôi cồn Mồ Súng. Cồn Mồ Súng đây sao hả mầy?
Thời rào làng chống Pháp chẳng rõ quê tôi đắp những mô đất bi cao và đặt súng to súng nhỏ loại gì mà dân làng gọi tên Mồ Súng, đối diện làng Dương Lệ Đông. Phía bên kia sông bồi bãi, năm nào cũng có rừng hoa bắp lay. Và cũng vào dịp ấy bến Cồn Mồ Súng bên tôi cũng rợp cả rừng cờ phướn đuôi nheo xanh đỏ tím vàng. Trời ạ, tháng chạp nhớ đến đua ghe, cái việc nông trang đầu tắt mặt tối ai ai cũng gác lại cả. Cái cuộc đua ghe chi"ba vè sáu tráo" ấy mà bà con nêm chặt hai bên bờ sông. Nhưng công việc nặng nhọc âm ỉ sống động hơn vẫn là sáp nhỏ. Lũ nhóc như được sổng chuồng, bụng đóa meo, cà hai ba hôm liền đầu ăn được bữa cơm nhà vẫn oảng làng oảng xóm, chạy tới chạy lui hơn chó đạp lửa. Bởi trước đua ghe, sáp trẻ chúng tôi đã giao hữu bằng nhiều trận đua phụ. Từ gà mánh các ghe, đua ghe miệng trên bờ đến cổ vũ đội nhà là cả một hiệp chơi đằng đẳng, vô tiền khoáng hậu.
Này nhé, gà mánh các ghe thì cũng như bây giờ dân ghe chạy mánh. Ghe nào hảo hớn mà thơm thảo lì xì chơi dăm ba đồng, nhóm cử ngay thằng chạy đi mua hàng quà về chia nhau vài chiếc kẹo cau. Trưởng giả lắm được miếng kẹo lạc là alê-hốp, chúng tôi sáp vô giúp rập làm cổ động viên. Cổ động viên đua ghe chính hãng, thứ thiệt phải là đứa đua ghe miệng trên bờ. Đua ghe miệng cũng giống như đánh giặc miệng, phải biết chơi trò tâm lý chiến, vừa chọc tức quấy rầy công việc vừa lung lạc tư tưởng ghe đối phương. Các vị đang loay hoay, chúi mũi vào công việc nào bện quai chèo, nào quét chai, gọt dầu thì cả bọn chúng tôi trên bờ hò reo, vỗ tay rầm rập như voi động. Ghe đối phương ngước mắt lên nhìn, khoái trá cười tưởng sáp nhỏ hoan hô thì lập tức cái ban đồng ca mười mấy cái mồm chỏ xuống rống lên một lượt: "Ba vè sáu tráo, cơm gạo áo mè, lộn vè coi chừng bể óc..." Cả lũ cứ thế chỉa mồn vô đánh giặc miệng. Kịp ai đó dưới thuyền cầm roi đuổi rượt, thì biến.
Như vậy cuộc đua, sáp nhỏ chúng tôi có rất nhiều vè và lộn tới lộn lui cơ man nào là tráo. Đáo để hơn vẫn ở hồi chung mốc. Một hồi phèng la ù ù chát chúa phát lệnh xuất phát, lũ nhóc chúng tôi chạy theo chiếc ghe mà mình cổ động. Trống thì giục, người thì reo, chúng tôi vừa chạy vừa khản cổ la, chạy hết vòng lên lại theo vòng xuống, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà sướng thật lạ lùng. Thế đấy, chẳng cần ngồi trên ghe đua, chỉ đứng xem thôi về mệt cũng gần muốn chết, huống hồ sáp nhỏ những cổ động viên như chúng tôi khép vòng trường đua, độn thổ.
Coi đua ghe đã sướng mà ngồi trên bờ tưởng nhớ nó sướng hơn. Giá mà nước lũ không dâng, tôi dám chắc thằng Thọ còn ngồi trầm ngâm ở Cồn Mồ Súng. Bước chân lên thuyền nó hỏi:
- Lâu rồi vùng mình còn đua ghe không ông? Tôi lắc đầu bảo:
- Tiêu dên rồi ông ạ! Cả hai chục năm nay không ai tổ chức. Nhưng còn có cơ may. Văn hóa các cấp đang vận động xây dựng lại làng văn hóa... Nó vỗ vào đùi cái đét:
- Sướng, sướng quá. Tôi bảo ông nha, cái sướng của đua ghe, sướng đến nỗi sui gia từ nhau bởi anh cỗ vũ cho ghe nớ còn tui cỗ vũ cho ghe ni. Thà tui cổ động cho ghe tui đến hụt hơi mà chết. Anh đưa đồ điếu tới thì dù chết nằm trong hòm tui cũng gắng la lên một tiếng cho vợ con tui biết mà đuổi anh ra, cũng vì ghe anh giật giải ghe tui!
Bây giờ thì hai đứa tôi đã kịp thay hai chiếc quần lá tọa, xếp bàng trên bộ phản gõ rót rượu đế ra cốc, chén tạc chén thù hàn huyên. Thọ đem nắm lá mưng hai ở truông làng ra nhấm muối, mà phải muối hạt, muối sống kia không phải iốt. Bà chị gái đầu tôi ngạc nhiên, tôi hỏi:
- Lợn chị ăn muối gì?
- Muối hạt.
- Được chị cho nhúm lên đây.
Tôi nguýt thằng bạn đời. Hàm ý mày đã thấy chưa, nông dân làng ta bây giờ có nhiều thứ công nghiệp hóa, hiện đại hóa lắm. Muối iốt không phải là bằng chứng còn gì.
Ngoài kia mưa vẫn thúi trời thúi đất, màn đêm chao xuống vỗ về giao thoa mặt nước đỏ au phù sa. Mặc, làng quê cứ mùa lũ lụt thế lại vui. Mọi thứ nhọc nhằn mùa vụ như cũng trôi theo cơn mưa, dòng lũ. Bà con í ới đưa qua hiên nhà rá bắp rang ấm áp nở bung. Chị gái tôi ý chừng muốn hỏi hai vị thượng khách ăn uống thực đơn thế nào để còn tùy cơ ứng biến, chứ không nên nhậu suông cái ngón lá mưng, thứ ấy chị chẳng xa lạ gì. Chị tôi xởi lởi, xoa xoa hai bàn tay và nói trổng trổng:
- Hên thiệt là hên. Ông trời rứa mà có con mắt. Lụt nữa đi ông, chừ to mấy cũng được, chơ ông mà làm sớm đi đôi tuần nửa tháng thì coi như miếng ăn nằm gọn ngoài đồng, trôi hết về nộp cho Hà Bá...
Bà con hàng xóm lặn lội qua chơi, đua nhau thình thịch "ngàu" bắp ngô rang sắn luộc. Ngàu ở quê tôi tức tột bột bắp rang cùng sắn luộc và đường đen. Không như giã gạo, phải quen tay chày mới ngàu được vì sắn luộc dẻo quánh dính chặt giữa cối và chày. Mà phải giã thật nhuyển càng thơm ngon. Cái màu hau hau như phân cứt chó, nhất là lúc vo lại thành nắm nhưng đưa vào miệng thì ngậm ngùi. Bùi bùi lỗ tai, xông lên lỗ mũi nghe mà thơm phức. Chị gái tôi đãi thêm khách bằng tràng bánh đúc. Ôi những loại đặc sản quê tôi sao mà nó lạ lùng. Thì chất liệu bánh đúc có gì lắm đâu. Dăm ba lon gạo lức, góc lon đậu phụng béo mập, miếng mỡ chừng ba ngón tay và cục màng sa. Nước sôi thả gạo đậu thịt mỡ lên. Gạo chín đánh đều thành nồi cháo đặc. Đôi tàu lá chuối xanh được lót lên sàng. Lúc cho màng sa vào cũng là lúc đổ nồi bánh kia ra sàng, tắp tắp lên mặt lớp lá ném. Bánh nguội đúc thành tảng cứng, càng nguội càng giòn, rạch dao vào cắt ra những thỏi to hình bình hành. Bánh đúc lên đĩa trông thật thích mắt và khi chắm vào chén nước ruốc sền sệt ớt bột thì mê hồn. Cái ngon chỉ ngậm mà biết. Cứ lội xong vòng nước lụt anh em tôi có thể ngoẻn sạch bong cái tràng bánh đúc. Cái ngon đâu cần cao lương mỹ vị gì nhiều. Cái ngon ở chỗ ta biết được rằng giữa một vùng khô cạn quê hương khổ nhọc chênh vênh giữa đất trời nắng gió mà sinh ra những món ăn thơm thảo.
Câu chuyện về khuya càng lúc càng rôm rả. Thọ chen vô tìm hiểu đời sống:
- Như chị gia đình sáu nhân khẩu, bốn lao động chính vụ rồi không mất, thu vào được bao nhiêu? Chị tôi lém lỉnh:
- Nhà tui hai mẫu, thu được ba tấn. Tính lúa thì nhiều, ngày trước ngoại tôi khá giả trong vùng mùa thu vô cũng bằng tui chừ, ba trăm thùng lúa.
Lập tức nó săn giá gốc. Tôi tính giá lúa bữa nay mười lăm ngàn một thúng. Tất tật được bốn triệu rưỡi.
- Bình quân GDP?
Tôi tính nhẩm: Bốn phẩy năm triệu chia cho sáu người sáu tháng, sáu sáu bình phương bằng một trăm hai nhăm ngàn người trên tháng. Chưa trừ phân gio giống má. Nó trố mắt ra nhìn, tôi đành phải giải thích:
- Tháng rồi vợ tôi nhận được trợ cấp khó khăn thường xuyên ở công đoàn ngành. Tháng ba chục ngàn đồng. Lý do cái GDP quái quỷ của gia đình tôi hàng tháng thu nhập dưới một trăm hai chục ngàn đồng. Được như chị gái tôi còn khá đấy, ông cứ ở làng ta vài hôm rồi biết. Ngoài đời sống làng ta còn nhiều vấn đề khác nữa cũng đáng quan tâm lắm đấy.
- Ví dụ?
- Nhiều lắm ông ạ. Môi dinh môi trường, việc học hành các cháu, cái cần tăng dân số và việc chăm lo sức khỏe ban đầu cho người dân. Bao nhiêu tập tục phiền toái khác nữa của nông thôn mà không ai dứt ra được. Nào hiếu hỷ, tang ma, việc ông việc bà...
Tôi ngủ thiếp đi lúc nó còn trằn trọc thao thức. Tinh mơ nó đã đánh thức tôi dậy nhấm nháp cốc trà. Và xắn quần lên lội khắp xóm làng lúc nước vừa ra ngõ. Nước lũ rút đi trơ ra giữa thanh thiên bạch nhật mảnh làng hẳn không nằm trong phù sa ký ức của nó. Những vườn chuối ủ rũ, những đám dây lang bê bết bùn non chìm khuất sau những hàng tre xơ xác. Chiến tranh đi ngang qua hơn phần tư thế kỷ, không rõ vì sao hàng trăm bức vườn làng tôi không ai chịu trồng cây lưu niên, ăn quả. Đâu rồi những gốc mít, gốc me già. Những gốc cam, gốc chanh oàn mình xuống bởi trĩu nặng quả. Và đâu rồi những vườn ổi xanh cho lũ trẻ con rau ráu nhai bốn mùa. Nó thừa nhận:
- Những mảnh vườn xưa nay chỉ còn là ký ức! Thôi ra chỗ đập làng kiếm con diếc nước bạc làm mấy tô cháo đi mày.
Chúng tôi lội ra cổng đập làng. Hơn chục gọng rớ đang cất. Họ dầm chân trong nước đến cả buổi, oi nào cũng được chừng tô cá cấn lộn tép lăn tăn liu tiu. Tôi ái ngại nhìn nó, ôi cái mộng săn con cá diếc nước ngược dòng ôm bụng trứng đi tìm chỗ đẻ; con cá thả vô nồi cháo thịt thơm dai, bụng trứng căng tròn. Thịt săn mà giòn, cháo thì nóng, cá thì thơm ngọt lẫn với mùi tiêu ném cay nồng. Húp tô cháo cá diếc nước bạc làm mồ hôi ta rịn ra phía sống lưng, cơ thể ấm áp hẳn lên trong những ngày lũ lụt, mưa dầm gió bấc chẳng lẻ chỉ còn là quá vãng đối với người dân lao động quê tôi.
Tội nghiệp cho bà chị gái tôi, cứ khoa khỏa cười, chạy tới chạy lui khắp làng lùng kiếm cho ra mớ cá rô, chí ít cũng con lóc, con diếc hoặc con trê mùa nước bạc. Chiều tối khi chị tiếp tục bưng tràng bánh đúc lên, vẫn khoa khỏa cười, tỏ ý tiếc nuối cho hai thằng em về không đúng dịp. "Đúng dịp là dịp nào hả mầy?" - Nó hỏi:
- Dịp ráo tạnh làng ta có nhiều người vác máy đi rà thì thế nào cũng gặp cá.
Nó ngẩn tò te. Tôi diễn giải cái dụng cụ máy rà, nó tân tiến và tàn sát môi sinh, hủy diệt môi trường tới đâu. Trước chiến tranh, thời hai chúng tôi còn sinh sống ở làng ai bảo rằng quanh năm suốt tháng trên cánh đồng không đầy ắp cá. Ban đêm cặm khoảng trăm câu ban sáng ra lần về rổ cá tràu. Cặm câu ngay trên ruộng lúa từng oi rô. Cá câu cần từng oi cá trê. Cá bủa lưới, bủa câu, bắt cá cạn, cá nhảy từng thùng. Cá tát ao hồ, cá đơm trộm khiêng chạy từng gánh... Nhìn đi nhìn lại kỹ mới thấy sức hủy diệt môi sinh trên những cánh đồng mới khủng khiếp làm sao. Không ai dám quả quyết rằng chiến tranh không để lại những di chứng nặng nề cho cơ thể đất đai, nhưng rồi phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ và máy rà cá chà đi xát lại sẽ còn hủy diệt môi sinh, hoang hóa những cánh đồng như ở mặt trăng, sao Kim sao Hỏa.
Đêm chả biết làm gì ở quê tôi ngoài việc kiếm mồi lai rai vài xị đế. Trông cái bổn mặt nó tiu ngỉu, trầm ngâm lúc chị tôi có nhã ý làm nồi cháo gà, tôi đâm ái ngại. Tôi bảo chị thì cháo cứ cháo ăn chung cả nhà, tóm riêng cho anh em tôi chú gà trống tơ. Tôi đưa lò bệ lên nhóm lửa, ngọn lửa hừng hực. Tôi thả con gà vào bếp, lửa cháy sem sém từng mảng lông. Một mùi vừa khét vừa thơm tỏa lan ra cùng khói khắp nhà. Hơ tới đâu tôi vặt lông tới đấy sạch bong chẳng khác gì con gà đã nhúng nước sôi, ai ai cũng ngạc nhiên và nể vì. Tôi để nguyên chú gà béo ụ, rà than ra nướng. Mắt mũi cay xè, miệng tứa nước bọt. Cứ thế nướng tới đâu lai rai tới đó. Món nhậu rấy bắt, rất dân giã, chỉ vứt đi bộ lòng, cật gan gì đều được ngọn lửa làm sạch chả cần đến dao thớt.
Sáng ra tôi tiễn nó lên ga tàu. Chẳng hiểu ấn tượng chuyến về quê sau hai mấy năm dằng dặc xa quê của nó có còn là chùm khế ngọt nữa không. Tàu sắp cập bến nó hỏi:
- Mày học được ở đâu cái kiểu nhậu lạ lùng mà đáo để đến thế?
- Ở giữa rừng đại ngàn Tây Nguyên đấy mày ạ. Những năm sống ly quê, thèm quê hương đến độ tao thích tất cả những cái gì hoang sơ gần gũi với tự nhiên. Khi không mi lặn lội tìm về với cội nguồn, tao tìm cách trả công cho mi cũng không đến nỗi bỏ bèn đấy chứ.
Đông Hà tháng 11.1996
Y.T