Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trên mục ruỗng rạ rơm

Mùa thu, tôi thường có những cảm xúc rất lạ khi ngồi trên con đê nhìn ngắm cánh đồng làng mình. Ấy là lúc vụ mùa hè thu đã gặt xong, đồng đất trơ ra những gốc rạ vàng úa, đôi chỗ ngả nâu và mục ruỗng dần chỉ sau một trận mưa. Từ đây cánh đồng được nghỉ ngơi cho đến gần Tết người làng mới gieo sạ vụ lúa mới. Mỗi năm có chừng bốn tháng đồng đất quê nhà bị bỏ hoang, buộc phải bỏ hoang, không làm được gì vì mùa mưa bão dằng dặc sắp tới. Thế nhưng, cái khoảng nghỉ ngơi ấy của cánh đồng lại chính là thời gian đáng sợ với nông dân, bởi người ta phải đối diện với sự thiếu hụt đủ đường.

1. Thuở chúng tôi mười tám, vừa mới tốt nghiệp cấp ba và vẫn còn hồn nhiên ngô nghê, hồn nhiên ngay cả với những gian lao của người lớn. Trước ngày chúng tôi lên đường đi học đại học, Vĩnh rủ tôi ra cánh đồng làng ngồi với nhau một chút. Đêm ấy ở nhà Vĩnh đang diễn ra một cuộc họp nội bộ, do ba mạ Vĩnh chủ trì và các anh chị của Vĩnh tham dự. Khi tôi lên nhà gọi Vĩnh thì thấy cuộc họp bắt đầu, với nội dung là bàn tính cách nuôi hai anh em Vĩnh đi học đại học thế nào.

Tôi chỉ nghe loáng thoáng buổi họp thì Vĩnh giục đi. Chúng tôi mua một chai rượu trắng, mấy gói đậu phụng rang, xách thêm cây đàn guitar mò mẫm ra giữa cánh đồng Mặt Bằng. Chúng tôi tìm thấy một mô đất cao để ngồi. Đêm mùa thu trời tối nhập nhoạng, xung quanh dậy lên hương cỏ lẫn trong mùi rạ rơm vừa gặt xong.

Thanh bình trên cánh đồng làng - Ảnh: H.C.D

Thanh bình trên cánh đồng làng - Ảnh: H.C.D

Mỗi năm có hai vụ mùa, thì vụ hè thu quan trọng hơn, bởi người nông dân phải cân đo đong đếm trong số lúa vừa thu hoạch được cho biết bao nhiêu công chuyện. Hai việc cần thiết nhất là trữ lúa để ăn liền trong mấy tháng và bán để lấy tiền cho con vào năm học mới. Mấy buổi chiều gần đây những bà mẹ quê cứ chộn rộn đứng ngồi không yên, chờ xem giá lúa lên xuống để tính thời điểm bán sao cho được giá. Chúng tôi chịu ơn cánh đồng mà lúc này không biết, vẫn vui vẻ tận hưởng cái không gian bao la, yên bình, thỏa sức chuyện trò ca hát.

Đêm đã rất khuya, trăng vừa ló ra sau đám mây. Ánh trăng xanh phủ khắp đồng làng và soi rõ những gốc rạ gần chỗ hai đứa ngồi. Một vài con nhái đang ngủ thiu thiu trên những gốc lúa đã gặt xong ấy, thi thoảng chúng lại óp khoang bụng cất lên tiếng kêu, rồi cả đồng loại xung quanh cũng rộ lên thứ thanh âm rền rĩ nhịp nhàng trong đêm.

Phải đến lúc này, nhờ ánh trăng, chúng tôi mới nhận ra mình đang ngồi trên nấm mộ. Một nấm mộ rất lớn được vun cao giữa đồng và lâu ngày ít ai thăm viếng nên cỏ ngập phủ. Mãi sau này mới biết đấy là một ngôi mộ chôn tập thể rất nhiều người trong một vụ thảm sát. Nhưng lúc ấy đã ngà ngà say nên cả hai đứa chẳng thấy sợ sệt, và hơn nữa, ánh trăng vừa liếc qua một vật rất gần khiến chúng tôi có niềm tin. Đó là cây thập tự giá bằng bê tông dựng đứng cách chỗ chúng tôi đang ngồi chỉ mấy bước chân.

Ám ảnh đêm trăng trên đồng ấy đã theo chúng tôi rất lâu. Sau này, năm 2009 khi đang là sinh viên mỹ thuật, Trần Thế Vĩnh thực hiện triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Huế thì tôi đang ở xa không có mặt, nhưng nhìn qua mạng thì có cảm giác đang sống lại cái đêm trăng hôm ấy. Triển lãm Mộng du gồm mười sáu bức tranh, mỗi bức vẽ một hình người đang nhảy múa trên cây thập tự giá, dưới ánh trăng mờ ảo. Triển lãm đầu đời thời sinh viên ấy chẳng mang lại cho Vĩnh tiền bạc gì, chỉ là để chơi, để đánh dấu cuộc dấn thân vào nghệ thuật thôi. Vĩnh mang bộ tranh ấy đi theo vào Sài Gòn, rồi biết bao nhiêu cuộc chuyển phòng trọ cũng đèo bòng chúng. Phải năm năm sau triển lãm thì có một nhà sưu tập mua tất cả bộ tranh. Nhà sưu tập lại đem bộ tranh bán lẻ từng bức. Và mới đây thôi, tức là mười bốn năm sau triển lãm, có người chỉ mua được mười bức trong bộ tranh Mộng du đã liên hệ và hỏi Vĩnh những bức còn lại. Nghệ thuật bao giờ cũng phải được định giá qua thời gian, cái nghiệt ngã ấy cũng chính là sự thú vị mà chỉ những ai yêu nó mới cảm nhận hết.

Bài học làm nghề ấy chúng tôi đã nhận được từ cánh đồng làng mình, nơi biết bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống để có được hạt lúa cho những đứa trẻ quê ăn học, nơi phù sa lắng lại qua hàng ngàn năm để có được sự màu mỡ. Cánh đồng nằm bên cạnh dòng sông chảy vắt qua làng. Thuở xa xưa sông ấy là nơi thuyền bè tấp nập, có hẳn một bến đò đưa thương lái khắp nơi về với chợ Thuận. Càng lớn lên, tôi thấy sông hẹp dần, hẹp dần thành một con hói rồi đến bây giờ bị chặn dòng. Nhưng may thay, phù sa ngàn năm bồi tụ đã lắng kết thành cánh đồng làng tôi. Thế thôi cũng coi như một sự đền bù của tạo hóa.

2. Qua tháng năm, “thương hải biến vi tang điền”, biển biếc còn hóa nương dâu huống nữa là dòng sông quê. Trận đại hồng thủy cuối thế kỷ trước đã để lại trong tôi một ấn tượng rõ ràng nhất về cái tích biến hóa ấy. Chuyện là trước đó làng có một con đê thủy lợi chạy qua. Con đê này là một phần trong đại công trình thủy nông Nam Thạch Hãn mà sinh thời, tháng 3 năm 1978, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng ra đây tham gia thực tế và viết bút ký Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba đầy sinh động: Đầm đơn đầm đôi rập ràng nện chặt bờ đập mới nhú. Tiếng đập nhịp nhàng đến độ muốn khơi dậy một tiếng hò nện đã quen. Nước ứa ra ở đoạn thấp của con kênh dự trù. Một tốp nữ tát nước ra ngoài, đều tay như múa. Hiện trường bỗng chốc mang cái khí hậu của một sân khấu rộng rãi ngoài trời, màu đất đỏ non tươi làm nền cho một đại vũ khúc mang tên “công trình đại thuỷ nông Nam sông Thạch Hãn”. Đoạn đê qua làng tôi năm 1999 không chịu nổi nước lụt ngấm dài ngày đã bục vỡ tan tành. Buổi chiều năm đó tôi cũng đã mười hai tuổi, tôi đứng nhìn nước mấp mé mặt đê, rồi nước tràn qua đê như thác. Trẻ con reo hò trước cảnh tượng kỳ lạ ấy mà không hề biết sắp có sự cố. Đến nửa đêm đang ngủ bỗng nghe tiếng ầm rất lớn, tiếp sau đó là tiếng nước ồ ạt tràn qua làng mình. Tức nước vỡ bờ. Lát sau nước dâng nhanh từ ngõ, lên thềm hiên, cuốn trôi những đôi dép vừa đặt ở đó trước khi đi ngủ. Tang tảng sáng thì nước vào nhà. Cả nhà phải lên ngồi trên một cái giường, nấu nướng cũng trên ấy luôn.

Đến khi nước lũ rút, cánh đồng Mặt Bằng bỗng lộ ra, nhưng không còn cuống rạ nào nữa, không còn những đường chân ruộng, mà chỉ toàn cát trắng. Chưa bao giờ thấy một cảnh tượng kỳ lạ như thế. Con đê vỡ và cái khối nước khổng lồ ấy dội xuống đồng, xói lớp cát phía chân đê rồi cả đất cát hòa lẫn tràn khắp mặt đồng. Trẻ con chúng tôi đem bóng ra đá trên đồng cát, tưởng tượng sắp có một sân bóng mênh mông. Rồi nắng lên, người làng cùng nhau ra đồng, xúc đẩy cát ép vào bìa làng. Học sinh cấp ba các trường lân cận cũng về làng tôi rất đông, các cô cậu mười lăm mười tám hừng hực khí thế, khỏe khoắn phụ giúp làng tôi kéo cát. Không khí lao động hồ hởi khẩn trương giống như trong bút ký nhạc sĩ họ Trịnh từng viết. Giấc mơ sân bóng của trẻ con chúng tôi sớm tan vỡ, phải lấy lớp cát ấy đi trả lại mặt ruộng cho cánh đồng Mặt Bằng, tất đất tấc vàng không thể bỏ phí. Cát vun vào bìa làng ngờ đâu mấy năm sau lại trở thành nền để làm nhà, và một dãy dân cư mới từ đó mọc lên.

3. Người ta lại cày cuốc trên cánh đồng đã được phục hóa ấy, tất nhiên phải mất vài vụ mùa, cùng với cải tạo bằng phân hữu cơ thì mặt ruộng mới ổn định. Cỏ lại lên xanh mấy chân ruộng. Giữa cánh đồng ấy mãi đến bây giờ vẫn còn những cái hồ nước, dấu tích của những trận xói lở do lũ lụt. Hồ nước kéo từ chân đê uốn lan ra giữa các khoảnh ruộng tạo thành mặt thoáng trong veo, phẳng lặng. Những ngày trời trong, đứng trên đê nhìn xuống có thể thấy cả bầu trời lọt thỏm trong các khoảnh nước, những áng mây lửng lơ nằm im đáy hồ.

Mấy cái hồ thành nơi tụ nước của cánh đồng, loài thủy sinh nẩy nở. Lúc trên đồng tháo nước cho khô chuẩn bị vụ gặt thì bao nhiêu cá tôm theo các ngạch nước tới hồ. Khi ấy thả một sợi dây xuống, lát sau giật lên đã có được cá. Nhưng dồi dào sẵn có nhất là loại tép đồng nhỏ xíu, sớm tinh mơ có thể nhìn thấy chúng nổi rặc lên mặt nước. Người ta dùng một cái vải màn chắn muỗi cũ cắt ra để làm lưới, thêm hai cái gọng tre bắt chéo buộc vào bốn góc, thế là thành cái rớ cất tép. Mồi nhử tép là cám gạo được rang cháy, thơm phức. Đặt cái rớ xuống hồ xong thì vo cục đất chấm vào cám và ném xuống rớ. Nhoáng sau cất rớ lên, được một mớ tép mắc đầy trong vải màn. Tép đồng sạch và tươi, đem về thả vào nồi cháo gạo có ngay được bữa ăn sáng ngon lành.

Cất rớ ngày lụt - Ảnh: H.C.D

Cất rớ ngày lụt - Ảnh: H.C.D

Ân sủng của thiên nhiên tuy ít ỏi nhưng ngọt ngào, từ cánh đồng làng quê, luôn có những món lộc trời đền bù như thế. Chẳng hạn sau vụ lúa hè thu gặt xong tầm một tháng rưỡi, nếu thời tiết thuận lợi, cánh đồng vẫn tiếp tục cho một đợt lúa, gọi là lúa chét. Lúa chét mọc lên từ gốc rạ một cách tự nhiên, người nông dân không hề bỏ công chăm sóc, không bón phân dắt nước, không phun thuốc phòng bệnh, thế mà cây lúa vẫn cho hạt căng mẩy. Cũng nhờ không bón phân hóa học nên nói như người nhà quê là lúa chét ăn rất dạn miệng.

Để xay được hạt gạo từ lúa chét, thật không đơn giản chút nào. Hạt gạo trong lúa chét bị vỏ trấu bọc rất kỹ, nên trước hết phải đem lúa hấp cách thủy, rồi đem ra phơi nắng cho lúa khô khén. Sau mới đem đi xay được. Kỳ phu và ít ỏi nên người quê thường để dành gạo này ra rang cốm... ăn chơi vui. Gạo được cho vào chảo dầu nóng, rang tới khi vàng rộm thành cốm, rồi ngào đường hoặc chiên với nước mắm ớt. Những đêm mưa lạnh, những ngày ngập lụt, cả nhà ngồi quanh dĩa cốm vàng rộm, ăn vừa giòn vừa ngọt và cảm nhận được vị sữa lúa béo bùi. Hạt lúa sau mùa đã chắt chiu dành dụm cho người một thứ quà quê.

Đồng đất quê nhà không chỉ có mỗi năm hai vụ lúa, mà ngay chính khi đã gặt xong, trên mục ruỗng rạ rơm ấy vẫn còn biết bao điều được mất, âu cũng như đời người.

 

Tùy bút của HOÀNG CÔNG DANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 350

Mới nhất

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 09:29

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 09:23

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 09:34

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 09:32

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

27/04/2024 lúc 05:02

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground