Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trỉa

G

ià Xa Rê đeo a-chói nhỏ vào hông, mở rương gỗ lấy điện thoại rồi rủ tôi đi “lấy sóng”. Leo qua ngọn núi Tớc bở hơi tai, ngoái nhìn xuống bản Trỉa như một ốc đảo nhỏ phía dưới xa, với con suối Cam Lộ uốn lượn quanh, và những thửa ruộng nước mới cuốc bẫm chuẩn bị vào vụ. Già cẩn thận lấy điện thoại dò dẫm: “Đây rồi, đã lấy được sóng, đợi chủ trương của Đảng, Nhà nước vào đây rồi mang về cho bà con”. Đều đặn một tuần hai lần, già Xa Rê lại leo núi cập nhật tin tức, hoặc nhận “giấy mời” bằng tin nhắn để ra xã họp. Địa hình phức tạp nằm giữa núi rừng nên nơi đây vẫn chưa có đường, điện. Nhưng “văn minh” ở đây lại có thừa...

Lúa nước “leo” lên non

Qua con dốc dựng đứng mà người dân quen gọi là núi Tớc, bản Trỉa dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Trước đây, Trỉa thuộc xã Cam Sơn, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; do giao thông cách trở và xa trung tâm xã, nên năm 1956 bản Trỉa sáp nhập vào xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hoá. Muốn vào được bản thuận lợi phải đi vào mùa khô. Khi những con suối băng qua chặng đường gần 10km trong rừng khô cạn, là có thể men theo đường mòn để đến Trỉa.

Già làng Trần Xa Rê với tay lên giàn bếp, lấy xuống mấy cái gậy tre “kỷ niệm” một thời chọc lỗ - tra hạt. Già móm mém: “Bữa trước, cả bản, cả người ở đây sống bằng cái này. Cứ đến mùa là đốt rừng làm rẫy. Đợi ông trời mưa xuống là gậy chọc lỗ đi trước, người theo sau trỉa hạt. Khó, khổ, đói... được cải thiện từ khi cất cái gậy lên giàn, chuyển sang trồng lúa nước”. Trưởng thôn Hồ Văn Minh thêm vào: “Nhưng để đưa được lúa nước lên núi cũng lắm gian nan”. Cái khó lớn nhất ở Trỉa là không có nước cho ruộng vào mùa khô, phải làm hệ thống mương dẫn nước về, trong khi kinh phí thì không ai cấp, nên phải “động não”.

Già Xa Rê có mấy năm đi học y sĩ, rồi công tác ở bệnh viện huyện. Vì thế kiến thức của già thuộc dạng “uyên bác” nhất bản. Để có tiền xây mương nước, già bàn bạc với bản, rồi huy động thanh niên vào rừng khai thác mây để bán cho đại lý ở huyện. “Khai thác cây mây không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Khi đại lý dùng xe ba cầu vào đây thu mua mây, chạy lâu thì thành đường mòn. Mình thu được hai cái lợi” - anh Minh nhớ lại. Khi đổi mây lấy đủ vật liệu xây dựng và tiền, thì mương nước cũng được tính toán xong mọi việc. Cả bản Trỉa dồn sức xây mương. Khi chặn dòng suối ở đầu nguồn, nước cứ thế tuôn chảy về vùng trũng sình lâu nay làm chỗ cho trâu mẹp. Vùng đất “vô tích sự” trở thành những thửa ruộng xoá đói nhờ kiến thức “uyên bác” và “động não” của già làng được học chữ. Đến nay, ở bản Trỉa có hơn 10ha lúa nước. Mỗi năm làm được hai vụ. Đời sống của người dân được cải thiện đáng kể từ đây...

Sao chỉ có 10ha lúa nước? Tôi đặt câu hỏi và chỉ tay xuống dải đất hàng chục hécta bằng phẳng dưới chân hang động. Già Xa Rê rầu rĩ: “Đấy là đất ruộng mà những năm chiến tranh là nơi cung cấp lương thực cho đồng bào và bộ đội. Sau đó giặc rải chất độc hoá học, thành đất hoang hóa. Hoà bình, chúng tôi cố khôi phục trồng lúa, bắp. Cây nào cũng lên xanh, tốt, nhưng không kết trái bình thường”. Anh Minh xót xa nói: “Có thể nó bị nhiễm quá nhiều điôxin...” 

Rừng “vàng”, suối “bạc”…

Đường vào Trỉa, hai bên là những ngọn núi hùng vĩ với hàng trăm loại cây rừng nguyên sinh. Động thực vật ở đây phong phú và ít bị tàn phá bởi bàn tay con người, nên thi thoảng còn bắt gặp chim thú quý hiếm. Hôm vào bản, tôi gặp mấy thanh niên bắt được một chú voọc chà vá chân nâu. Sau khi đưa về bản, trình lên già làng, ba ngày sau chú voọc được thả về nơi nhóm thanh niên đã bắt. Hỏi tại sao bắt rồi lại thả? Một thanh niên cho biết, chú voọc này vô tình dính bẫy, bị thương ở chân. Và “bản có quy định, không được săn bắt động vật quý hiếm mà kiểm lâm đã dặn. Nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Chăm sóc con voọc bị thương mấy ngày, nó đã khoẻ lại nên già làng bảo thả lại”.

Mấy năm gần đây, những cánh rừng quanh bản mới rậm rạp trở lại. Trong chiến tranh, cây rừng chết trụi bởi phơi nhiễm chất độc khai quang. “Cây cối nó không biết trốn vào hang như con người, nó đứng đó chống chịu chất độc. Khi hoà bình trở lại, cây cối tiếp tục đâm chồi, chúng tôi tăng cường bảo vệ nên giờ mới được như thế này” - ông Hồ Pả Hiền - người dân ở đây - tự hào. Ở Trỉa vẫn giữ phong tục tập quán trong việc dựng nhà, muốn dựng vách bằng gỗ phải cúng bò hoặc lợn tuỳ loại gỗ được chọn. Có lẽ vì vậy mà rừng còn nhiều loại gỗ quý, dân bản Trỉa chỉ dám dùng gỗ thường dựng cột, và lấy phên tre làm vách. Già Xa Rê khoát tay, chỉ lên ngọn đồi trọc trước mặt, bảo rằng: “Phải giữ rừng, rừng vàng suối bạc mà. Còn sức, già vẫn sẽ khuyên bảo con cháu như thế...”.

Bản Trỉa may mắn là nơi đầu nguồn của con suối Cam Lộ hiền hoà và được dòng nước của nó bao quanh. Với người dân bản Trỉa và bản Cát, đây là một con suối thiêng, là nơi duy nhất cung cấp nước cho họ tồn tại bao đời giữa đại ngàn. Tương truyền rằng, ai làm bẩn con suối sẽ bị Giàng phạt tội, nên cho đến nay suối Cam Lộ vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp và sự giàu có của mình. Trên bờ có rừng, dưới suối có cá tôm. Tôi thốt lên một cách ngạc nhiên rằng, đây là “suối bạc” bởi chỉ cần sử dụng một tay lưới nhỏ, trong vòng hai tiếng đồng hồ là đã có một đư (gùi nhỏ - đựng khoảng 4kg) cá mát, cá leo, cá chình. Hiện đã phổ biến những thôn bản vùng cao sử dụng thuốc nổ, xung điện để đánh bắt cá dưới suối; nhưng ở Trỉa điều đó vẫn là tối kỵ. Đón khách quý ở xa đến, thanh niên trong bản mới được sử dụng tay lưới để bắt cá đãi khách. Ốc suối ở đây nhiều vô kể, đến nỗi cứ chạm xuống suối, không cần nhìn cũng bắt được đầy cả nắm tay.  

Sẽ “đánh thức” cỗ máy văn minh

Để nhận được sự đón tiếp ở bản Trỉa, tối thiểu khách đến đây phải có giấy giới thiệu của ỦY ban nhân dân xã với các nội dung: Công tác ở đâu; đến thôn làm công việc gì? ở lại bao nhiêu ngày? Phó trưởng thôn Trần Văn Mạnh giải thích: “Bản Trỉa ngày trước đi theo cách mạng, đây là quy định có từ lâu để tránh tình trạng có người xấu lợi dụng vào đây tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. 

Người dân ở Trỉa mặc dù trình độ dân trí chưa cao, nhưng ý thức bảo vệ cuộc sống hòa bình, bảo vệ cách mạng rất cao. Các cuộc hành hương đến những hang động một thời là nơi trú ẩn của bộ đội, cách làng khoảng 3km về phía tây luôn được bà con đồng bào trân trọng. Những hiện vật như chén bát, hộp tiếp đạn, gian bếp ở trong hang... gần như nguyên vẹn. Mỗi năm hai lần, già làng lại dẫn bà con đi thăm hang, phát quang cây cỏ. Ở bản, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều rất hiếu khách, những nếp nhà sàn ở thôn lúc nào cũng sẵn sàng tiếp đãi khách từ xa đến, dẫu bữa cơm còn đạm bạc. Cả bản Trỉa bây giờ có một trăm sáu mươi nhân khẩu nhưng chỉ có hơn 10ha lúa nước, 15ha lúa rẫy...

Sáng sớm, khi con gà mới cất tiếng gáy, dân bản đã giã gạo nấu ăn. Nằm giữa trung tâm của bản có một cỗ máy xay xát rất hoành tráng. Nhưng nó nằm “im ỉm” đã lâu, vì chưa đủ “thức ăn”. “Cũng như con người, có no cái bụng mới làm việc được chớ. Bản mình không đủ sức cho nó ăn nên nó không làm việc giúp” - ông Hiền ví von. 

Người dân ở đây có ngăn suối làm thuỷ điện mini, nhưng chỉ đủ để thắp được bóng đèn phục vụ cho việc học của con em. Cách nay mấy năm, bản được hỗ trợ một máy xay xát, nhưng dòng điện từ máy phát điện mini quá yếu, không đủ sức vận hành cỗ máy hiện đại này. Già Xa Rê cẩn thận lau chùi từng bộ phận của máy xay xát. Già phấn chấn: “Không lâu nữa, chỉ trong năm nay, lưới điện sẽ “phủ sóng” ở Trỉa. Điện lực Khe Sanh đã đi cắm mốc và chuẩn bị thi công. Có cái điện của Nhà nước, sẽ “đánh thức” được cỗ máy này. Rồi bao nhiêu cái “văn minh” sẽ theo dòng điện vào đây để thắp sáng bản làng”...

L.H.T


 

 

 

 

Lâm Hưng Thơ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 226 tháng 07/2013

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground