Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Triêng gióng của đời tôi

Thời nào rồi mà còn ngồi nói tới triêng gióng. Người ta chỉ ngước mắt lên trời mà thanh cao “mây trắng của đời tôi” (Lưu Quang Vũ) hay kém hơn chút đỉnh thì cũng “ánh sáng của đời tôi” (ca sĩ Lam Trường). Còn triêng, gióng là thứ “bần cụ”, có đáng để gắn với cuộc đời không?..

Nhưng tôi thì khác. Tuổi thơ đồng chiều gốc rạ gắn với những thứ nông cụ, vật dụng hàng ngày như triêng, gióng, thúng mủng, giần, sàng, những cối xay lúa, giã gạo, những cào, cuốc, chét (nhỏ hơn cuốc, dùng để làm cỏ lúa, cỏ đậu, cỏ bắp)… Tóm lại là đủ thứ của thời khốn khó, thời công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa lên ngôi, đồ nhôm, đồ nhựa hãy còn là thứ xa xỉ.

Chiều quê - Ảnh: Thanh Thoan

Chiều quê - Ảnh: Thanh Thoan

Tôi nhớ lúc học cấp 1 đã nhìn thấy cái cối xay lúa ở góc hàng hiên. Chiếc cối này ăn sâu vào trí nhớ bởi câu đố trong sách Tập đọc “Sừng sững mà đứng giữa nhà / Hễ ai đụng đến thì òa khóc ngay”. Ngày đó chưa có máy xay xát. Để có gạo ăn mạ tôi đã mướn ông Lạng, một người chuyên đóng cối xay lúa ở Cùa ra. Nuôi ăn ở trong nhà cả tháng trời, giao cả bụi tre nhà và mấy cây gỗ cuống tàu, ông Lạng mới cho ra hình hài chiếc cối xay lúa. Từ đó, mỗi vài ba ngày, mệ ngoại tôi, mạ tôi, anh tôi đổ lúa vào xay. Khi tôi lớn thêm một chút, vừa tầm cái giằng xay thì cũng tập xay lúa như người lớn. Nói thêm về cái giằng xay, nó là thanh gỗ cuống tàu, loại gỗ tốt hình chữ T, tay cầm là dấu gạch ngang trên đầu chữ T, thanh gỗ dài về phía trước thì cong xuống hình thước thợ vuông góc và có chốt để tra vào tai cối. Trên trần nhà có sợi dây mây níu vào giằng xay, để khi xay vòng tròn giằng xay không bị bung ra theo lực ly tâm. Xay lúa dễ nhưng cũng phải học. Khi kéo tai cối về phía người xay phải tính lực vừa đủ để đẩy tai cối về phía trước, khi tai cối về điểm xa nhất thì cũng phải dùng lực vừa phải để kéo lại về phía thân mình.

Cối xay lúa nằm ở hàng hiên để gà qué còn lượm lặt được hạt rơi vãi. Nhưng cối giã gạo thì nằm ở trong bếp. Cối giã gạo gồm một chiếc cối đá và chày giã làm bằng thân cây gỗ lớn, nặng trĩu. Tôi và người anh kế phải dùng sức nặng của hai anh em mới giã được gạo. Hai anh em vịn vào thanh ngang trước mặt, dùng chân đạp, nhún để nâng chày, rồi thả. Đạp, nhún, thả. Bao giờ vốc một nắm gạo thổi phù phù, cám bay hết, gạo trắng mới thôi.

Kể sơ qua chuyện hai chiếc cối, vốn là vật thân thiết, gần gũi nhất, được ở trong nhà như người thân trong gia đình. Còn bây giờ là chuyện triêng, gióng, những thứ luôn ở trên vai, từ nhà ra ngõ, trên đồng dưới bãi đều có mặt. Đòn triêng, phổ thông gọi là đòn gánh, làm từ thân cây tre già nhưng lựa đoạn đẹp nhất, mắt tre đều nhất. Thân tre được chẻ làm đôi, ở hai mắt tre sát hai đầu đẽo sâu xuống tạo thành hai mấu dùng để níu tao gióng. Gióng thì là vật dụng gồm đầu gióng để níu vào mấu đòn triêng, có bốn tao gióng như bốn tao nôi và đáy thường là hình vuông để chứa vật rỗng lòng như thúng, mủng mà trên đó người ta có thể sắp đủ thứ như buồng chuối, buồng cau, gạo, muối, mắm. Gióng có thể làm từ cật tre vót mỏng cho dễ uốn nhưng ở quê tôi thời đó người ta hay làm từ cây mây rừng. Mây rừng có đặc tính mềm dẻo, hơ qua lửa rất dễ uốn và độ bền thì gấp mấy lần tre.

Nhắc đến đòn triêng thì cũng phải nói thêm chút chút về người anh em đồng môn là đòn xóc. Đòn xóc được làm không khác đòn triêng, chỉ khác ở chỗ không có mấu, hai đầu thuôn nhọn. Vì không có mấu nên đòn xóc chỉ dùng để gánh những thứ bó được thành bó như lúa, củi, rau… Trước khi gánh người ta dùng sức nặng thân mình xóc trước một bó, rồi lại dùng sức nặng thân mình và bó vừa xóc, xóc tiếp bó thứ hai cho cân bằng rồi bắt đầu gánh.

Tuổi thơ tôi gắn bó với cối xay lúa, giã gạo, với triêng, gióng, đòn xóc… nên chi cuộc đời cứ mãi nhọc nhằn. Nhọc nhằn nhưng cũng nhờ bầu bạn với những vật dụng đó mà sau này tôi nghiệm ra, những khó khăn trên đường đời chẳng có gì là không thể vượt qua. Nó còn dạy tôi bài học về đường đời. Thuở nhỏ, mệ ngoại tôi, mạ tôi cám cảnh mấy o góa chồng, chồng phụ rẫy trong làng là những người “đứt gióng, lọi đòn triêng” (đứt quang gióng, gãy đòn gánh). Hay làm việc gì mà bất cẩn hoặc việc không thành do khách quan đều là “truột mấu đòn triêng” (gãy mấu đòn gánh). Cứ thử hình dung, giữa đường, nếu đòn triêng gãy mấu, gióng không móc được, thì khổ sở biết nhường nào. Rồi cũng mạ tôi hay hát ru em: Làm bạn với đòn triêng thì đòn triêng đè cổ. Làm bạn với người thì người dỗ (dụ dỗ) chồng tui. Nghe ra cũng đầy ẩn ý, cũng ngậm ngùi xa xôi.

Bến quê  Ảnh: Nguyễn Hữu Tấn

Bến quê Ảnh: Nguyễn Hữu Tấn

Rồi tới đòn xóc. Câu thành ngữ này chắc không chỉ riêng quê tôi: Đòn xóc hai đầu. Ai trong làng ăn ở ba phải, mười lăm cũng ừ, mươi tư cũng gật, nói xấu người này với người kia và ngược lại thì được gắn luôn biệt danh “đòn xóc hai đầu”. Nhưng khác với đòn triêng, đòn xóc tuy nằm trong thành ngữ chỉ người xấu nhưng lại hữu dụng trong nhiều việc. Chẳng hạn việc đi rừng. Tôi ngày nhỏ, quê còn nhiều rừng, cứ nhớ lời người lớn dạy. Nếu đi rừng mà gặp phải Ông Ba mươi (cọp) hay heo rừng vồ mồi thì nằm ngửa xuống đất, dựng đòn xóc chếch lên trời để tự vệ. Rồi chuyện tá điền ngày xưa lừa địa chủ bằng cách gánh lúa chập ba, chập năm. Nghĩa là người sau dùng đòn xóc xóc một đầu vào bó lúa người trước. Một đoàn dài gánh lúa nhưng thực ra ba người gánh bốn bó, năm người chỉ gánh sáu bó… Địa chủ đứng xa nhìn không rõ, cứ chắc mẩm tá điền siêng năng.

Mà đâu phải chuyện đời, chuyện văn chương cũng lắm khi vận vào triêng gióng, vào cối chày. Ví như câu “Một gánh kiền khôn quảy xuống ngàn. Hỏi rằng chi đó, gửi rằng than” của Trần Khánh Dư thì tôi đoán chắc ông này phải dùng đòn triêng để gánh than! Rồi thuở nhỏ, vào sáng sớm chưa tỉnh ngủ, tôi và ông anh kế gà gật giã gạo. Trời còn tối, chân cứ nhịp theo tiếng thậm, tiếng thình. Sau này, đọc nhàn đàm của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bỗng giật mình. Tôi không nhớ rõ lắm, hình như ông Hoàng Phủ bảo, bằng “văn hóa tâm cảm” ông cho rằng Vua Hùng, khi đi qua vùng Bắc Ninh, nghe tiếng giã gạo “thậm thình, thậm thình” nên chi miền quê đó sau này biến âm mà ra “Thuận Thành”. Hay thật.

Thời khốn khó, như đã kể, một vật nữa tôi cầm chắc các bạn trẻ ít biết, là cái chét. Cái chét như cái cuốc thu nhỏ, rất nhỏ, cán bằng tre hoặc cây gỗ đường kính cỡ phân rưỡi, lưỡi chét nhỏ hơn bàn tay người. Sở dĩ phải có loại nông cụ này là vì cây bắp, cây đậu phụng, cây lúa khô thường trồng dày, lưỡi cuốc không đưa tận gốc để làm cỏ được. Người lớn cũng dùng chét nhưng trẻ em thì thích hợp hơn. Cuối thập niên bảy mươi, đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, quê tôi còn Hợp tác xã, cũng chẳng có luật lệ nào bảo vệ trẻ em bán sức lao động nên nhà nhà, người người, già trẻ lũ lượt theo nhau ra đồng. Làm cỏ, người lớn mỗi công được tính 10 điểm, trẻ em mỗi công đứa nào làm giỏi được 5 điểm. Cuối vụ, thu sản lượng cả đồng đất, đem về sân, về kho Hợp tác xã rồi chia theo công điểm. Nhà nào công điểm nhiều thì được sản lượng nhiều. Trong ký ức tôi, giờ vẫn còn hình ảnh của đám bạn cùng thời, tóc cháy nắng, áo quần rách phơi lưng, khom người giữa đồng bãi để cào cỏ bằng chét.

Nhiều thứ, nghĩ ra chẳng liên quan chi đến các vật dụng kể trên. Nhưng ký ức như dây rừng, níu vào nhau không biết đâu là gốc, là ngọn. Nhớ tới triêng, gióng là tôi nhớ mạ tôi. Triêng gióng oằn vai một đời, gánh phân ra đồng, gánh bắp, khoai chạy chợ. Hay nhớ cối xay, cối giã, cuốc, chét… tôi lại nhớ một triền lau lách sau lưng nhà. Nơi đó, buổi chiều tối hay sáng sớm đã nghe thắt ruột tiếng bầy chim “bắt cô trói cột”. Ngày nhỏ, nghe tiếng chim này rồi đọc truyện “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi nên lòng càng sợ. Mệ ngoại tôi kể thêm “dị bản” đứa con chết cháy trong rừng do đốt rẫy, để lại tiếng kêu “con còn côi cột” (con còn trên cột) khiến đêm khuya nghe tiếng con chim kêu người tôi cứ co rúm lại. Nhưng ám ảnh nhất, cho đến bây giờ là lời mạ tôi, người phụ nữ đã đi qua tao loạn chiến tranh. Người phụ nữ đã hy sinh cuộc đời vì chồng con, tảo tần triêng gióng với bao nhiêu của nã làm ra rồi cũng trắng tay. Một chiều nào đó, mạ tôi nghe tiếng chim “bắt cô trói cột” bèn bảo, con chim này kêu nghe như “Ôi thôi rồi cơ cuộc”. Sau này đọc văn chương, cuốn “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ” của Svetlana Alexievich (Nobel văn chương năm 2015) tôi thấy như có gương mặt của mạ tôi trong đó. Ngẫm ra, thời nào, quốc gia nào, chiến tranh đều gieo rắc tận cùng những nỗi đau, là hố chôn những niềm hy vọng.

Vậy đó, những xưa cũ đã thành ký ức. Nó cứ vọng mãi trong đời như “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Tuổi trung niên rồi mà khi nhớ lại, kể cả khi tưởng chừng không muốn nhớ, ký ức vẫn cứ quay về, trong tôi. Thì khác chi người có đạo với cây thánh giá, tôi vẫn cứ phải mang vác đời mình trên đôi triêng gióng. Như hình ảnh của mạ tôi, luôn là triêng gióng. Chỉ lúc cuối đời bạo bệnh nằm im một chỗ, Người mới rời bỏ. Mà không hẳn rời bỏ, bởi có lẽ, Người đã chuyền đôi triêng gióng đó sang tôi.

Và đã từ lâu tôi ngộ ra một điều. Mạ của đời tôi cũng là triêng gióng của đời tôi.

 

PHẠM XUÂN HÙNG
Chuyên đề 10: Kí ức xưa

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 09:34

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 09:32

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 09:29

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 09:23

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

27/04/2024 lúc 05:02

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground