… Chiều nay ra đứng trông về, bên ven bờ sông Hiền Lương mây lặng lờ trôi… Phải, đến bây giờ, sau hơn 40 năm kể từ ngày nhạc sĩ Hoàng Hiệp ôm cây đàn măng-đô-lin hát bài hất đầu tay của mình mới sáng tác “Câu hò bên bến Hiền Lương” nổi tiếng, mây vẫn lặng lờ trôi. Những ánh mây tinh khôi phiêu bồng như những bóng thuyền trôi bất tận giữa bầu trời tháng Tư, tôi thấy lòng mình nôn nao hoài niệm. Nỗi hoài niệm bé con của tôi ấy chắc cũng chỉ là một nét trầm tư của người lính nơi tượng đài “người lính giữa cầu Hiền Lương” hôm nay. Chỗ ấy, ngày xưa là nền móng cũ của “Nhà liên hiệp” được xây dựng trong mong muốn thống nhất hai miền Nam – Bắc theo tinh thần Hiệp nghị Giơnevơ 1954. “Nhà liên hiệp” không được dùng đến vì âm mưu chia cắt đôi bờ vĩnh viễn của Mỹ - Diệm, thế là người Việt Nam dành làm cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 21 năm (1954 – 1975) thống nhất đất Tổ quốc. Sau ngày toàn thắng có đám rước dâu qua cầu Hiền Lương, nhà thơ Cảnh Trà đã rung động mà viết nên một bà thơ dài, rằng thơ thế này:
“…
Cầu vừa mới bắc xong, sơn còn tươi roi rói
Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng
Nhìn hai họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng
Mà sung sướng vui như đàn trẻ nhỏ
Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa – Cam Lộ
Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau
Gió lâng lâng sóng vỗ chân cầu
Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái
“Bước đến Hiền Lương sao chặng đường nghẹn lại
Đáo tới bờ Bến Hải sao gác mái tình duyên…”
Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên như là hoa, là lá
Như là chị lấy chồng như là tôi lấy vợ
Mà hay chưa bỡ ngỡ như chiêm bao
Tôi nhìn sông, nghe sông chảy rì rào…”
Tôi nhìn sông sông vẫn chảy rì rào … Không biết từ thế kỷ XI xa xưa, khi Lý Thường Kiệt ruổi ngựa vào Nam, vẽ bản đồ Đại Việt nơi miền địa đầu Tổ quốc, người đã lội qua sông Hiền Lương ở quảng nào? Thuở ấy, sông có như bây giờ? Có rì rào những gợn sóng con bé nhỏ, theo đầu ngọn gió nồm mát rượi từ Cửa Tùng dào dạt lên? Từ thuở ấy, sông Hiền Lương đã chính danh nằm ngoan hiền trong bản đồ nước Đại Việt, một dòng sông nhỏ, gầy… Tôi dám chắc chắn một điều ni, là khi Người đưa nét vẽ cuối cùng lên tấm lụa điều tạc thành hình hài dòng Hiền Lương, thì Người cũng không thể ngỡ rằng trong nhiều thế kỷ nữa, dòng sông nhỏ gầy nớ phải đắm chìm trong nhiều cơn binh đao lửa khói, máu người nhuộm đỏ cả dòng sông…
Thế kỷ XI, người Chămpa vốn là cư dân cũ của vùng đất này, phải dời chuyển vào trông theo một thỏa thuận của hai Nhà nước Chămpa và Đại Việt. Nơi miền đất lạ không nguôi lòng thương nhớ quê hương, bèn vượt sông Hiền Lương tìm về chốn cũ. Bấy giờ người Việt từ Nghệ An, Thanh Hóa đã đến nơi này xây dựng nhà của thế là giao chiến xảy ra… Sử cũ ghi lại, xác người ngập dòng sông Hiền Lương, mấy ngày không trôi được ra biển Của Tùng…
Cư dân người Việt dọc theo bờ sông đến nay vẫn giữ được tập tục cầu an, cúng quẩy cho cô hồn vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm. Làng mạc nào cũng có Đàn Âm Hồn để cầu cho linh hồn người được thanh thoát, phù hộ độ trì cho một cuộc sống thái hòa… Chuyện ấy xảy ra nhiều năm, nhiều năm trước. Sau cùng, người Chămpa nguôi ngoai dần nỗi đau xót, thôi không còn vượt qua sông Hiền Lương nữa. Nhưng từ đó, nỗi ai oán oan khóc đã thấm vào câu dân ca của người Việt miền đất này. Người ta bảo rằng điệu “Nam Ai” là tiếng khóc thảm sầu của người Chăm đã được người Việt hóa thanh, gọt dũa lời ca, điệu nhạc mà thành. Và mãi sau này, thi sĩ Chế Lan Viên (Tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) một người Việt tài hoa lại viết tập thơ đầu tay khóc người Chăm pa đã mất rồi vương quốc hoàng hoa và tráng lệ, đấy là tập “Điêu tàn”. Than thay, người Việt đau khổ của tôi, sao cứ mãi hoài day dứt một quá vãng điêu tàn?
Đến thế kỷ XVII, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, sông Hiền Lương lại trở thành chiến trường loạn lạc. Vợ mất chồng, mẹ mất con, gươm giáo rơi đầy nẻo đất. Bi thương!...
Nhưng còn bi thương hơn! Cuộc chiến tàn khốc cuối thế kỷ XX, sông Hiền Lương là vết dao chia cắt, bao gia đình tan hoang, bao nhiêu người nằm xuống. Người Việt đau đớn, đau đáu bờ bên ni, trong qua bờ bên kia dòng Hiền Lương…
Tôi lớn lên khi cuộc chiến tranh tàn khốc ấy đang vào hồi kết thúc. Người Việt đã qua sông trong một đêm không trăng năm 1973, trên chiếc cầu phao bộ đội công binh bắc tạm. Bấy giờ hiệp định Pari đã có hiệu lực, giới tuyến quân sự được dời chuyển vào sông Thạch Hãn, cách Hiền Lương 35km ngăn cách một bên là Chính phủ cách mạng miền Nam; một bên là chế độ Sài Gòn. Dĩ diên, khi ấy tôi vẫn là một công dân bé nhỏ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người qua sông nhiều quá, tôi mỡ to đôi mắt bé con nhìn qua vai áo mẹ tôi đang bế mà ngắm nhìn những đoàn người, đoàn xe màu xanh lá cây, những khẩu pháo nồng dài nườm nượp qua sông. Khi đó, tôi chẳng hiểu gì đâu. Nhưng kỉ niệm đã khắc vào trí nhớ ngây thơ của tôi. Tôi cũng không thể ngờ rằng những chiếc trụ bê tông giữa lòng sông còn sót lại ấy đã từng nâng đỡ một chiếc cầu sắt Be-lây giản đi, trên chiếc cầu 894 miếng ván, giữa cầu có một vạch sơn trắng rộng 1cm – Vạch sơn ấy hiểu theo một nghĩa hình ảnh, chính là vĩ tuyến 17 chạy qua! Hơn hai mươi năm để người Việt vượt qua một dòng sông nhỏ gầy, chỗ rông nhất chưa đầy 200m, hay để vượt cái vạch sơn trắng oan nghiệt này?...
“Trong những ngày xuống đường tranh đấu đòi thống nhất hai miền của học sinh, sinh viên Huế, người văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần cùng bạn hữu bơi ra giữa dòng Hiền Lương, ôm lấy trụ cầu uống một ngụm nước rồi hét to: “Hòa bình cho Việt Nam! Hòa bình cho Việt Nam” rồi sau đó Hoàng trở về Huế, nhảy rừng làm kháng chiến… Cùng thời đó, bên bờ Bắc có nhà văn Nguyễn Tuân lặn lội từ núi rừng Tây Bắc, mỏ than Quỳnh Nhai về Hà Nội rồi tuốt vào Vĩnh Linh. Nhấm một hạt tiêu cay nồng, Nguyễn đi khắp “khu phi quân sự” gặp những bà mạ, những o, những eng, những đồng chí bộ đội giới tuyến mà hỏi chuyện nghi chép, rồi sau đó Nguyễn đã cống hiến cuộc sống những trang văn chất đầy nỗi hờn căm ngùn ngụt vào cái thằng Mỹ thằng Diệm đang tâm chia cắt đôi bờ, xót xa lắm cho cây cầu Hiền Lương tội tình chi mà nỏ có bóng người qua lại?”
Tôi kể với dòng Hiền Lương của tôi câu chuyện này, vì những bậc ký tài ba Hoàng, Nguyễn từng kể về sông rất nhiều, đã gây vô vàn là rung động trong muôn người… Còn với sông, có khi sông nỏ nhớ mô! Nhìn sông vô tâm thế kia, lấp lánh bàng bạc những đêm trăng muối… Đấy là thứ ánh trăng đẫm hơi muối từ biển Cửa Tùng phả lên, trộn lãnh vào trong đám sương mờ, dịu dịu trên gương mặt sông. Còn có thứ “muối hoa” (Chữ của Nguyễn Tuân) trên những cánh đồng muối Di Loan xưa nữa, vẫn còn bảng lảng trong đêm sâu thấm đầu lưỡi, thì e đấy chính là vị máu! Đồng muối Di Loan sát ngay cạnh bến đò “B”. Bến đò “B” xưa là nơi tiễn đưa lớp lớp cán bộ, bộ đội lặng lẻ bí mật qua sông vào Nam chiến đấu. Người đi không trỡ lại. Người thì qua. Có người không qua nỗi một lần đò mà hi sinh ở bến sông. Nhiều lắm! Dân làng Di Loan cặm cụi lấy nước sông Hiền Lương, nước biển Cửa Tùng mà làm muối. Nước đã thấm máu rồi làm sao gạn được, thế là cái chất láu của bao người trai trẻ đã theo vào hạt muối trắng tinh trong… Đến chừ dù đồng muối Di Loan đã bị chiến tranh tàn phá không còn, nhưng những tính chất đặc biệt của loại muối Di Loan đó thì vẫn còn, vẫn vương vấn trong không gian “Khu phi quân sự” xưa. Tôi nhớ đến Long, người bạn của tôi đã hi sinh ngoài biển Trường Sa năm 1989; sau khi Long hi sinh mỗi lần tôi ra biển, bỗng dưng lại nhớ đến Long, thấy nước biển xanh mà ghi ngờ, không thật lắm vì dù răng đi nữa thì biển Đông cũng đã thắm thêm giọt máu của Long rồi… Long, chính là trai làng Di Loan đó…
“Chuyện Long hy sinh ngoài Trường Sa, e rằng sông không biết? Thế đấy, trong chiến tranh khốc liệt, người Vĩnh Linh giới tuyến trằn lưng ra mà gánh chịu bom đạn. Tính ra bình quân một đầu người “lĩnh” tám tấn bom đạn các kiểu. Rồi ngoài Bắc, người Thanh Nghệ Tĩnh cũng từng vô đây chung nỗi gian tuân. Chiều ăn vội bát cơm độn sắn độn khoai, đêm vượt sông mà vô Do Linh, Cửa Việt đánh đồn giặc, nhanh thì sáng hôm sau trở về ngoài ni; chậm thì phải vài ba ngày nhưng chẳng bao giờ về đủ. Hẳn là có đã người nằm lại, chỉ thương bác lái đò, o giao liên dẫn quân đi quân về lần mô cũng hỏi: “Răng mà chỉ còn chừng ni thôi, hả?” Lần mô cũng hỏi rứa thôi mà không ai trả lời được. Họ nhìn vào sông đấy!... Chuyện ni thì sông nhớ… Nhưng mà đến cái năm đó chộn rộn ngoài Trường Sa, máu Việt lại đổ ngoài Trường Sa thì Long bạn tôi đã anh hùng nằm xuống. Ban tôi hóa thân vào biển cả, thì cũng giống như người VĨnh Linh hồi xưa hóa thân vào đất đỏ bazan, tất cả đều để lại cho xứ sở mình mặn mòi một thứ muối chiết ra từ máu; để cho người ta mỗi khi đến đây, đi trên đất này thì thấy cái bàn chuan nó nóng rẫy lên; rằng đến mà gieo trồng, xây nhà dựng cửa thì được chớ đừng đem gươm giáo vào cắm xuống, sẽ không yên…”
Một thời gian dài tôi sống ngay trên biển Cửa Tùng, tức là nơi cái vĩ tuyến 17 bắt đầu chạm vào biển Đông. Nhà tôi nằm ngay trên nền móng cũ của Đồn liên hợp Cửa Tùng, đối diện với đồn cảnh sát Cát Sơn bên Nam xưa. Từ chỗ tôi nhìn qua Nam mỗi sớm thấy trắng cát và dương thùy đang xanh. Dân Cát Sơn đi chợ Do đứng đợi đò nơi cái lưỡi cát dịu dàng đằm thắm: “Chao, răng mà cái “móng cửa” năm ni dài ra dữ rứa hè?” “Móng cửa” chính là cái lưỡi cát, do cát dịu dàng đó. Mỗi mừa nó lại khác, thành ra cửa sông Hiền Lương thì lúc rộng lúc hẹp. Cái lưỡi cát dịu dàng ni từng đã in nhiều dấu chân của người lính hai miền sang thay phiên nhau ngày xưa theo quy chế “khu phi quân sự”. Rồi ông nhà văn Nguyễn Tuân đã nhìn thấy cảnh này: “Mỗi ngày nước thủy triều biển Cửa Tùng dâng lên, lại xóa đi những vết chân hai người lính hai chế độ in dấu trên cát sông của cả hai bờ”.
Thiên nhiên bao giờ cũng vô tư, rộng lượng và nhân từ. Ý nguyện của thiên nhiên, suy cho cùng cũng là ý nguyện của Nhân Dân. Ý nguyện của Nhân Dân vào những thời khắc nào đó của lịch sử chỉ giản dị như một dòng sông nhỏ gầy chảy vô tâm giữa hai bờ đất đai xứ sở.
Có những thời khắc dòng sông Hiền Lương – dòng sông hiền lành – lại là dòng sông đỏ. Ở đảo Cồn Cỏ vào ngày trời trong, buổi chiều ngắm vô bờ Cửa Tùng, thấy sông nhuốm màu hoàng hôn đỏ thắm, rồi nghĩ rằng nếu con thuyền nào ra biển vào lúc này, hẳn sẽ tắm một màu đỏ ý nghĩa. Chỉ là một vệt đỏ mảnh mai nơi đường chân trời nhưng đã cho tôi hình dung rằng trong bao thế kỷ, hôm nay và mai sau cái vệt đỏ ấy sẽ mãi mãi tồn vinh, không tan được, cùng với cái hơi “hoa muối” đồng Di Loan, không tan được cùng với những giọt nước mắt khổ đau của người hai bên bờ Hiền Lương. “Hai bê bờ Hiền Lương là đất đai nước Việt Nam. Hai bên bờ Hiền Lương có bà mẹ đêm đêm trong căn hầm kèo tăm tối, bên ánh sáng mờ đỏ quạch chiếc đèn dầu hỏa, mẹ ngồi vá lá cờ Tổ Quốc. CÒn nơi nào trên trái đất này , có bà mẹ vĩ đại như thế không? Lá cờ Tổ Quốc rộng 108 mét vuông, nặng lắm. Sức mẹ đã già, tay mẹ đã run… thế mà đêm đem mẹ cứ miệt mài từng mũi kim chỉ chăm chút cho Tổ Quốc vẫn nguyên lành trên đỉnh cột cờ cao 34,5 mét, nơi đầu cầu giới tuyến, cho đồng bào bên nớ mỗi sáng ra sông gánh nước nhìn sang thì thấy miền Bắc gần lắm, Cụ Hồ gần lắm và cái ngày thống nhất là không thể khác, không thể không đến! Để cho bọn địch thấy rằng là bom đạn của chúng không thể nào hủy diệt nỗi… Tên mẹ là Nguyễn Thị Diệm ở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành. Mẹ giờ đã không còn… Năm 1992 sức lực cạn kiệt, mẹ dặn con cháu: Tau chết, bây cho tau nằm ở ngoài Cồn, chỗ nớ trống trải… Khi mô nhà nước xây lại cột cờ Hiền Lương, tau nhìn”. Mẹ Diệm đã được con cháu đặt nằm ngoài Cồn, đúng như ý nguyện của mẹ, nhưng còn cột cờ, lá cờ to hơn trăm mét vuông thì xin mẹ lượng thứ, xin mẹ chờ thêm một thời gian nữa dù là đã quá muộn màng… Khi mô xây xong cụm di tích – tượng đài cầu Hiền Lương, mẹ sẽ thỏa lòng mà ngắm lá cờ to đúng bằng lá cờ ngày xưa của mẹ… Bóng cờ đỏ thắm sẽ trải đến nơi mẹ nằm, bóng cờ sẽ in xuống dòng Hiền Lương. Mẹ hãy tin là như thế, bởi vì đó cũng là ý nguyện của Nhân Dân, mẹ nờ…”
Tháng Tư này là đã tròn 25 năm Tổ quốc toàn vẹn thống nhất từ Bắc chí Nam. Xe qua cầu Hiền Lương mới hôm nay chỉ mất cỡ chục giây đồng hồ, phóng thẳng không cần giảm tốc độ. Cầu Hiền Lương mới này khánh thành vào tháng Tư năm ngoái (1999), là chiếc cầu hiện đại, thì công bằng công nghệ đúc đẩy, mặt cầu rồng thênh thang, phẳng lỳ. Ban đêm đèn cao áp sáng bừng một khúc sông. Tôi được biết rằng trong số thợ cầu có người từng đi B, vượt qua sông Hiền Lương ở một quãng sông nơi thượng nguồn, hạ nguông trong nhưng đêm chiến tranh. Thật tiết là đã không gặp được họ để hỏi han, trò chuyện rồi cùng ngắm chiếc cầu Hiền Lương màu trắng đang vươn qua dòng sông như một cánh tay người Việt. Nó là chiếc cầu thứ tư, giờ bên nó là im lìm chiếc cầu đời thứ ba, xây từ năm 1974, sau Hiệp định Pa-ri. Hai chiếc cầu cùng trên một khúc sông, chỉ cách nhau vài mét, chụm đầu vào với nhau phía bờ Bắc. Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ cho tháo dỡ chiếc cầu cũ vì nó sẽ làm vướng dòng chảy, ảnh hưởng đến chân cầu mới nhưng ý nguyện của nhân dân là nên giữ lại… vì dù là chiếc cầu được xây dựng từ hòa bình, không phải là chiếc cầu Hiền Lương lịch sử do người Pháp xây dựng đầu tiên (năm 1950) nhưng nó cũng đã bao nhiêu người Việt đi qua cầu này? Chừ tháo dỡ nó rồi mang về dựng cho một vùng quê còn cách sông trở dò nào đó cũng rất là tốt thôi, nhưng mà thấy buồn thương quá đỗi cho một đời cầu gian nan. Hãy cứ giữ lại, tìm cách khắc phục hiện trường dòng chảy bị thu hẹp tiết diện, gây xói lở cây cầu mới; còn cầu cũ thì bảo quản, trùng tu cụm di tích lịch sử- tượng đài cầu Hiền Lương tương lai. Để con cháu đời sau khi qua cầu Hiền Lương bằng sắt thép gầy guộc, rồi mà hình dung, liên tưởng đến những khoảng khắc lịch sử đã trọng địa diễn ra nơi đây, khúc sông, dòng sông này. Phải thế là hơn chăng?...
Hai chiếc cầu cũ, mới Hiền Lương cũng in bóng xuống dòng Hiền Luơng, trong bóng nước không thể nào phân biệt đâu là cầu bê tông, đâu là cầu sắt. Cả hai bóng hai cầu đều xao động trong sóng nước Hiền Lương, chụm đầu vào bờ phía Bắc tạo thành hình chữ V đậm nét… Trời trưa tháng Tư nắng gắt, gió Lào ngùn ngụt thổi vè từ phía núi Trường Sơn, vậy mà vẫn có đoàn xe hoa lộng lẫy qua sông, qua cầu. Đám cưới mùa này e là rất vất vả, nhưng tình yêu thì có kể gì năm tháng? Lại nhớ đến đám cưới xưa cách đây đúng 25 năm, đám cưới mà nhà thơ Cảnh Trà đã tình cờ theo dòng đưa dâu ấy… Trong 25 năm, bao nhiêu đám cưới qua cầu? Đám cưới đầu tiên thì qua cầu sắt, đám cưới hôm nay thì qua cầu bê tông, tất thảy đều giản dị khiêm nhường. Tôi ước ao chỉ được gặp lại cô dâu, chú rể trong đám cưới xưa chàng trai Vĩnh Linh và cô gái cùng Cùa ấy. Để biết chừ họ sống ra sao? Hai mươi lăm năm rồi, chắc chắn là hạnh phúc. Con cái thì đã lớn rồi, và họ tóc đã pha sương?
T.H