Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trở lại Trí Bưu

T

ôi là một trong số những người may mắn còn có diễm phúc được nhìn thấy thị xã Quảng Trị vẹn nguyên sau ngày giải phóng 1-5-1972. Mùa hè ấy sắc hoa phượng vĩ trên thị xã như rực rỡ hơn. Đường phố ngày mới giải phóng tuy thưa  người nhưng không vì thế mà bớt đi vẻ nhộn nhịp, hồ hởi. Hào khí chiến thắng, không khí đoàn viên, ngập tràn thị xã. Lúc ấy, với tầm nhìn một người lính binh nhì của đạo quân chiến thắng, tôi chưa đủ chín để nhận thức ra rằng: Ánh hoa rực rỡ phát tiết ra ngoài của thị xã Quảng Trị vào thời khắc ấy mấy ngày sau chỉ còn là kỷ niệm trong ký ức của những người yêu Quảng Trị mà thôi.

Bây giờ Đông Hà đã thay Quảng Trị đảm nhiệm vai trò thị xã tỉnh lỵ và đang tiến nhanh lên thành phố trực thuộc tỉnh. Tôi có một nhận xét nhỏ: Nếu như Đông Hà mang dáng dấp của một đô thị trẻ, tân kỳ thì thị xã Quảng Trị  vẫn giữ nguyên vẻ trầm lắng suy tư duyên dáng bên dòng Thạch Hãn với nét văn hóa đặc trưng đầy chất thị dân riêng có của mình: “ Người Quảng Trị hiền từ mà thanh lịch, quảng giao mà sâu lắng, nhạy bén nhưng không xu thời”

Cách kinh đô Huế sáu mười cây số về phía Bắc, mấy trăm năm làm phên dậu cho xứ Đàng Trong nhưng người Quảng Trị không muốn nhuốm màu vương giả kinh kỳ. Người dân thị xã sống đôn hậu dịu dàng, hồn nhiên tươi mát như đôi bờ sông Thạch Hãn quanh năm ngút ngát một màu xanh diệu vợi của lúa ngô rau đậu nối nhau chuyển mùa.

Nhưng với tôi, nhắc đến thị xã Quảng Trị, ấn tượng nhất vẫn là tiếng chuông từ nhà thờ Trí Bưu trầm ấm ngân nga, cứ mỗi sớm mỗi chiều đồng vọng gửi vào thinh không thông điệp thanh bình vĩnh cữu. Ngoài phần máu thịt thiêng liêng, tôi yêu thị xã Quảng Trị một phần bắt đầu từ tiếng chuông nhà thờ thanh tịnh ấy.

Làng Trí Bưu có tên trong địa bạ Quảng Trị từ thế kỷ XVI; là một làng thuần nông, mọi người cần cù chịu khó, thương yêu đùm bọc nhau và mưu sinh bằng những nghề hết sức lương thiện: trồng trọt, chăn nuôi, hái củi, bán than… Cần kiệm, đoàn kết nên làng Trí Bưu sớm trở thành giàu có, sầm uất nhất vùng. Và Trí Bưu cũng là nơi có họ đạo sớm nhất trong hạt Dinh Cát, thời các Chúa Tiên..

Cuối năm 1975, tôi đến xứ đạo Trí Bưu trong sứ mạng của một người lính thời bình. Trung úy Trần Văn Nụ - Chính trị viên phó tiểu đoàn, bảo tôi:

- Chú đi với anh ra nhà thờ Trí Bưu liên hệ xin đất cho đơn vị tăng gia, cấy lúa.

Ông Nụ gốc gác là dân quê lúa Thái Bình, đi bộ đội khi mười tám tuổi. Vào Nam chiến đấu từ chiến sĩ cho đến khi lên đến chức chính trị viên phó tiểu đoàn, trận nào ông cũng đảm nhiệm chân xạ thủ chính súng chống tăng B41 vì ông Nụ có biệt tài sử dụng loại súng này. Trong mỗi trận tập kích, lính ta biết phía ngoài cửa mở có ông Nụ ôm B41 yểm trợ ai cũng yên tâm. Bởi vì nhiều trận đánh công đồn hỏa điểm địch xuất hiện thì cũng chỉ mấy giây sau B41 của ông Nụ bịt được ngay. Ông phát hiện ụ súng, lô cốt của địch ban đêm rất nhanh và tác xạ bách phát, bách trúng. Cái lô cốt mẹ trước cổng chi khu quân sự quận lỵ. Mai Lĩnh đối diện UBND xã Hải Phú bây giờ mang nhiều vết đạn toang toác trong đó có vết đạn B41 của ông Nụ. Bộ sưu tập thành tích chiến đấu của ông có tới tám cái Huân chương chiến công, trông đó theo ông khẳng định có tới sáu Huân chương chiến công hạng ba vì thành tích tiêu diệt nhiều mục tiêu của địch bằng súng B41, yểm trợ cho xung lực hoàn thành nhiệm vụ trong những trường hợp gay cấn nhất.

Trong chiến tranh xứ đạo Trí Bưu bị tàn phá không thua gì ngoài Cổ Thành Quảng Trị. Cả xứ đạo không còn bóng cây to. Tre pheo bị bom pháo phát hiện tiện sát gốc, xơ xác toe tua. Cả thôn không một ngôi nhà nguyên vẹn, nhà thờ cũng bị hư hại nặng nề. Dân li tán sau chiến tranh mới trở về làng cũ, cuộc sống dưới những mái tôn rách che tạm bợ khó khăn trăm bề.

Tạm xa cuộc sống quân kỷ trong doanh trại, tôi áp sát mình vào hơi thở nồng nàn của bùn đất, toóc rạ, rơm khô. Đêm đầu tiên trong đời tôi ngủ lại một làng Thiên chúa giáo. Tôi cảm nhận đêm Trí Bưu hết sức yên tĩnh và thanh tịnh. Bốn giờ rưỡi sáng tiếng chuông nhà thờ khoan thai ngân nga trong không trung. Nhà thờ đỏ lửa và râm ran lời nguyện, cầu mong cho một ngày mới an lành.

Đúng bảy giờ sáng, tôi theo ông Nụ đến gặp Linh mục quản xứ. Ông linh mục quản xứ tiếp chúng với thái độ ân cần. Nghe ông Nụ trình bày ý định của đơn vị về việc phục hoá khu ruộng khoảng hai ha ở phía bắc làng để cấy lúa khoảng vài vụ, khi đất đai thuần thục sẽ giao lại cho hợp tác xã sản xuất, vị Linh mục trầm ngâm nói:

- Đó là khoảnh ruộng tốt; vì chiến tranh mà bị bỏ hoang hóa gần năm năm nay. Khi hòa bình dân sơ tán trở về làng cũ thiếu đất gieo cấy, nhưng không ai dám phục hóa vì nó nằm gần phía đông nam Thành Cổ, ven tỉnh lộ 68, bom bi, đạn M97 và các loại vật liệu nổ khác ở dưới đó khá nhiều. Làm được thì quá quý nhưng nguy hiểm lắm!

Đơn vị chúng tôi cử ba mươi người từ Huế ra Trí Bưu để phục hóa khu ruộng. Linh mục quản xứ vận động bà con giáo dân thu xếp cho bộ đội về ở trong từng gia đình. Nhà rộng có giường thì ngủ trên giường, nhà chật thì trải chiếu nằm đất. Nhưng nhà rộng nhà chật gì thì đêm nằm đều nhìn thấy sao trời qua những tấm tôn lợp nhà bị mảnh đạn bom đâm thủng chi chít.

Chúng tôi chia thời gian thực hiện các công đoạn khá chặt chẽ: Dùng máy dò mìn rà qua một lượt để tìm vật liệu nổ nông trên mặt ruộng và dùng tay dò tìm các loại dây vướng nổ của mìn. Bước tiếp theo là dùng liềm cắt sạch toàn bộ cỏ dại chuyển lên bờ. Bước thứ ba là dùng cuốc để cuốc đất, san lấp hố bom, hố pháo vở hoang toàn bộ diện tích.

Linh mục quản xứ và bà con giáo dân ra đứng đầu làng nhìn bộ đội làm với ánh mắt lo lắng. Ba mươi con người xếp hàng ngang cắt cỏ, cuốc đất cần mẩn. Gần nửa tháng sau hai hecta ruộng đã được phục hóa xong. Ngày cấy lúa là một ngày vui như hội của bộ đội và dân làng Trí Bưu. Với sự giúp đỡ của Linh mục quản xứ và bà con giáo dân, hơn hai mươi thanh thiếu niên trong xứ đạo đã tình nguyện mang mạ nhà ra cấy giúp bộ đội. Một cuộc thi cấy sôi nổi diễn ra giữa bộ đội và thanh niên. Thật đáng cảm phục những anh lính trẻ măng từ rừng về lại cấy lúa thẳng hàng theo lối ngữa bàn tay, kỹ thuật cấy lúa tiên tiến nhất thời bấy giờ, nhanh và đẹp là vậy. Còn bộ đội cũng hết sức bất ngờ khi thấy nam thanh niên xứ đạo Trí Bưu, người nào cũng cấy giỏi, có người cấy nhanh hơn phụ nữ. Riêng tôi, lần đầu tiên trong đời tôi cầm tới bó mạ.

Cấy cạnh tôi là em gái chừng mười tám đôi mươi. Chúng tôi lặng lẽ cấy lúa mà không nói một lời nào. Tôi loay hoay chậm chạp tỉa cắm từng dãnh mạ xuống ruộng. Tôi mướt mồ hôi mà vẫn cấy cây đứng, cây xiên và tụt dần lại phía sau. Em gái bước tới:

- Anh bộ đội lên chỗ em cấy tiếp để chỗ này em cấy đuổi cho. Chỉ một lát sau em đã cấy kịp và phân công cho tôi.

- Bây giờ anh bộ đội cấy bốn cây thôi còn hai cây em bao giúp để cùng tiến theo hàng ngang.

Vậy là cho đến hết buổi tôi chỉ cấy theo lối bốn cây còn em bao thêm phần tôi nên đảm nhiệm tám cây; thế mà thỉnh thoảng em vẫn dừng lại chờ.

Ruộng cấy xong, tôi và ba người nữa được phân công ở lại Trí Bưu để lấy nước vào ruộng, chăm sóc lúa và khi lúa chín báo đơn vị ra thu hoạch.

Nói là bốn chúng tôi, nhưng thực tế tất cả đều nhờ vào bà con xứ đạo Trí Bưu giúp đỡ vì bộ đội không có máy bơm nước, không có phân bón và thiếu người làm cỏ. Cần làm những việc gì chúng tôi hỏi dân và đến trình bày với Linh mục quản xứ, liền được ông nói với bà con giúp đỡ chu đáo tận tình.

Mùa gặt năm ấy, lúa ruộng của đơn vị tôi bội thu, lúa gặt về chất đầy trong sân nhà thờ để trục đập và phơi. Chúng tôi biết, lúa tốt, ngoài thiên thời địa lợi, chủ yếu là nhờ sự giúp đỡ vô tư của bà con giáo dân Trí Bưu.

Nhìn đống thóc đã khô khén vun cao ngất ngưỡng trong sân nhà thờ, vị Linh mục nói với tôi:

- Bây giờ được thế này tôi mừng cho các chú, chứ thực lòng khi thấy các chú dàn hàng ngang mà cuốc đất trên cánh đồng chết chóc ấy tôi và bà con cứ nơm nớp lo các chú vướng phải bom mìn…

Chúng tôi tạm biệt Trí Bưu một sáng đầu hạ, lưu luyến với mùi rạ, rơm khô. Em gái xứ đạo tiễn chúng tôi ra đầu làng, không nói lời tạm biệt mà hẹn ngày gặp lại:

- Làng em xưa đẹp lắm, rợp mát bóng cây, chỉ mấy năm chiến tranh mà tan hoang hết cả. Các anh đi, có dịp trở về thăm lại Trí Bưu, chắc chắn làng em sẽ hồi sinh từng ngày.

    ***

Ba mươi năm chẵn tôi mới có dịp trở lại Trí Bưu. Tính ra vừa đúng nửa vòng hoa giáp. Khó khăn lắm tôi mới nối được mối liên hệ giữa hình ảnh làng Trí Bưu tiêu điều xơ xác khi mới ra khỏi chiến tranh với khu phố 7 phường 2 thị xã Quảng Trị đầy sức sống hôm nay.

Làng đã lên phố nhưng tình người vẫn như xưa. Xứ đạo trang nghiêm bề thế trở lại. Từ xa khách hành hương đã nhìn thấy nhà thờ Trí Bưu mới được tu sửa hiện lên sừng sững giữa làng rợp mát bóng cây.

Ba mươi năm trước chúng tôi được Linh mục quản xứ cho phép gánh lúa vào sân nhà thờ để tuốt và phơi nhờ vì đó là nơi duy nhất được lát gạch nhưng cũng nham nhở hố pháo. Còn bây giờ theo nhận xét chủ quan của riêng tôi, nhà thờ Trí Bưu là một trong những nhà thờ đẹp ở tỉnh Quảng Trị. Đẹp từ khuôn viên đến cảnh quan môi trường. Toàn bộ 3.500 mét đường trong thôn đều đã được bê tông hoá với kinh phí 350 triệu đồng, trong đó Linh mục quản xứ và giáo dân góp một nửa.

Được đi trên những nẻo đường phong quang sạch sẽ, ngan ngát hương hoa, giáo dân giáo xứ Trí Bưu thường nhắc tới vai trò trách nhiệm của cấp uỷ, Ban cán sự, Ban công tác mặt trận khu phố trong đó có công lao đóng góp của linh mục quản xứ Lê Quang Quý. Trong số 13 địa sở với 14 vị linh mục hiện diện tại Quảng Trị thì Linh mục Lê Quang Quý trực tiếp phụ trách 800 giáo dân ở giáo xứ Trí Bưu, ngoài ra ông còn có bổn phận chăm sóc 400 giáo dân tại nhà thờ Thạch Hãn và gần 100 giáo dân tại nhà thờ Quy Thiện. Nhiệm vụ nặng nề nhưng ông đã thực hiện hết sức thành công cả việc đạo lần việc đời. Ông luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội: Giúp khu phố 7, phường 2 xây dựng một nhà mẫu giáo có sân chơi cho các cháu đẹp đẽ thoáng mát với kinh phí gần trăm triệu đồng. Tổ chức hủ gạo tình thương để giúp đỡ người nghèo hàng tuần. Hàng năm vào dịp lễ tết ông tổ chức vận động quyên góp hàng tấn gạo, tổ chức thăm viếng an ủi kịp thời những người kém may mắn trong cuộc sống. Ông tích cực đứng ra vận động giáo dân tự giải toả mở đường, nhắc nhở bà con thường xuyên làm vệ sinh môi trường, trồng cây cảnh, cây bóng mát, trồng hoa trong làng để làm đẹp cảnh quan.

Linh mục tâm niệm: “Cần gieo vào trong ý thức của mọi người dân tinh thần đoàn kết, trách nhiệm công dân, sống bác ái công bằng và yêu thương để góp phần làm cho xã hội ngày càng một khởi sắc và tốt đẹp thêm”.

Tôi tỷ mỉ ghi lại những số liệu thống kê mà ông Lê Khanh, Phó chủ tịch Hội đồng giáo xứ Trí Bưu báo cáo tại hội nghị tổng kết 10 năm phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng đồng bào có đạo do tỉnh Quảng Trị tổ chức năm 2006: Tại Trí Bưu 100% số hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia, dùng nước sạch và có nhà vệ sinh tự hoại, 98% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, được tỉnh công nhận khu phố văn hoá, không có gia đình nào vi phạm pháp luật, không có tệ nạn xã hội, không có đơn khiếu nại tố cáo. Cả xứ đạo có 15 thành viên tham gia lực lượng dân quan tự vệ, 12 quân nhân xuất ngũ là lực lượng dự bị động viên, 14 uỷ viên hội đồng  giáo xứ làm tổ trưởng an ninh dân phố, 5 uỷ viên Hội đồng giáo xứ tham gia ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp, 2 uỷ viên hội đồng giáo xứ đảm nhiệm khu phố trưởng và Trưởng ban công tác mặt trận; 3 uỷ viên Hội đồng giáo xứ là đại biểu hội đồng nhân dân Phường 2 và một uỷ viên Hội đồng Giáo xứ là đại biểu HĐND thị xã. Sự tham gia tích cực của các vị chức sắc, chức việc trong Hội đồng Giáo xứ vào công tác xã hội đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Hội đồng giáo xứ luôn phối hợp với chính quyền và Mặt trận khu phố trong công tác giữ gìn trật tự xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, phát triển kinh tế.

Nét phố và nét làng, việc đời và việc đạo ở Trí Bưu hài hoà và khuôn mẫu. Tinh thần sống tốt đời đẹp đạo được thực hiện chu toàn. Dưới sự dẫn dắt của Linh mục quản xứ và Hội đồng giáo xứ, giáo dân Trí Bưu đã hoàn thành bổn phận của con dân giáo xứ, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Nhà nước, xây dựng kinh tế ngày càng phát triển, xã hội ổn định và lành mạnh, mười năm liên tục Trí Bưu được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen về thành tích bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trí Bưu bây giờ đã đổi mới, đại đa số hộ giáo dân đã có nhà xây kiên cố, cuộc sống vật chất khá giả, không có hộ đói nghèo, không còn nhà tạm bợ. Bao trùm khu phố là không khí ấm áp chan hoà tình người.

***

Tôi mới gặp lại ông Trần Văn Nụ tại quê ở Thái Bình. Tuổi ngoài sáu mươi nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Sau khi hàn huyên, câu đầu tiên ông hỏi tôi về Quảng Trị, chiến trường quen thuộc của ông, là một câu hỏi thăm về thôn Trí Bưu. Tôi kể với ông về sự đổi thay ở Trí Bưu mà tôi được chứng kiến. Những thông tin mà tôi mang đến làm cho ông rất vui. Tôi hỏi.

- Tại sao khi nhắc đến Quảng Trị đầu tiên anh nhớ tới Trí Bưu mà không phải là Tân Điền, Dốc Dầu, Tích Tường, Như Lệ, La Vang hay quân lỵ Hải Lăng, Chi khu Mai Lĩnh- những nơi anh và cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương Quảng Trị từng ghi dấu bao chiến công oanh liệt?

Anh cười:

- Vì việc phục hoá hai héc ta ruộng ở phía đông bắc làng Trí Bưu sát chân Thành Cổ Quảng Trị mà không xảy ra thương vong đó là chiến công cuối cùng của mình và đơn vị trên mảnh đất Quảng Trị yêu thương.

Những ngày ở Thái Bình, tôi thức dậy sớm ngồi uống nước trà nói chuyện vãn với ông Nụ ở ngoài hiên như cảnh thường thấy của bao làng quê thành bình ở miền Bắc.

Thật tình cờ và thú vị, bên kia đồng là Nhà thờ họ đạo Trọng Quan cũng đang thong thả nhả từng hồi chuông ngân vang. Sao mà giống cảnh ở Trí Bưu năm nào đến thế.

Anh Nụ nhắc với tôi những kỹ niệm ngày xưa ở Trí Bưu. Anh nhớ về bát canh cá đồng nấu chua cay nóng hổi, ăn chảy nước mắt nhưng ngọt lừ dưới bàn tay điệu nghệ của cô giáo làng giỏi nữ công gia chánh. Nhớ về tình cảm của bà con Trí Bưu với cán bộ chiến sĩ trong đơn vị những ngày đầu giải phóng, về cuộc bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất ngày 20/4/1976, cử tri giáo dân giáo xứ Trí Bưu đã nô nức đi bầu đạt 100%.

Là người ngoại đạo nhưng bất chợt tôi bỗng nhớ đến một câu trong Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980, số 9 gửi các tín hữu của mình: “Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”.

Tôi trở lại Trí Bưu và nhận ra, xứ đạo này trong hành trình của mình đi đến tương lai đã mang theo tinh thần đường hướng ấy.

      T.P.T

 

Tống Phước Trị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 153 tháng 06/2007

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

19 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground