Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trong khu rừng cửa tùng đôi cánh gài

1. Mười bảy năm trước, buổi sáng mùa xuân năm 2005, bà con dân làng chúng tôi đi một chuyến xe từ Quảng Trị vào Huế chỉ để nghe một bài nói chuyện. Ấy là lần đầu tiên thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam sau hơn bốn mươi năm hành đạo ở nước ngoài, trở thành một nhà sư được trọng vọng khắp nơi, và hơn thế, ông còn là một nhà văn.

Xe đi từ khi trời chưa tỏ mặt người, vào đến chùa Thiên Mụ chỉ mới tờ mờ sáng. Sương sớm sông Hương hòa lên bầu trời thành một màn trắng như nước vo gạo. Hàng ngàn người khắp các tỉnh lân cận đã đến sớm đứng khắp sân sau ngôi chùa cổ kính. Thiền sư Nhất Hạnh bước ra, thong dong, điềm nhiên, mắt cười hiền từ. Bắt đầu buổi nói chuyện, thiền sư mời mọi người cùng nhắm mắt tĩnh tâm lắng nghe mấy tiếng chuông. “Thở vào, tôi biết đây là hơi thở vào. Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra”. Nhà sư đọc chậm rãi hai câu. Cả khu vườn chùa Thiên Mụ im phăng phắc.

Khi mọi người mở mắt ra, trên kia vị giảng sư chím môi cười, và bắt đầu bài nói chuyện chủ đề Tuệ giác đạo Bụt trong Truyện Kiều. Nhiều người bất ngờ bởi trước đó tưởng sẽ được nghe một pháp thoại hay những vấn đề thuộc về pháp môn tu tập chẳng hạn. Không ai nghĩ người tu sĩ tám mươi tuổi, sống xa đất nước quê hương hơn bốn mươi năm lại hiểu rành rõ về Truyện Kiều. Hẳn phải là người yêu quê lắm, yêu tiếng Việt lắm. Và quả thật, đại chúng sáng hôm ấy được nghe một chuyên luận về Kiều vừa thân quen vừa mới lạ. Ai cũng có thể thuộc dăm ba câu Kiều, nhưng đó là lần đầu tiên tất cả được hiểu thêm về tính thiện, nhân quả, duyên nghiệp... những tự tánh của đạo Phật trong tác phẩm cụ Nguyễn Du.

2. Sau buổi sáng hôm ấy ở chùa Thiên Mụ mấy tháng thì tôi lại vào Huế làm sinh viên. Có lần nhóm bạn chúng tôi lên chùa Từ Hiếu chơi. Vòng vèo xe đạp qua vùng Nam Giao, chùa Từ Hiếu nằm giữa bạt ngàn cây cối rậm rạp, vào chùa giống như đi sâu vào một khu rừng. Hai nhà sư trẻ ở chùa đón chúng tôi, dẫn đi quanh chùa chơi, tặng sách, nói chuyện thơ. Một lúc thì câu chuyện lại nhắc về thiền sư Thích Nhất Hạnh. Hóa ra vị thiền sư khả kính ấy buổi sơ ngộ xuất gia đầu Phật chính từ ngôi chùa này.

Lại nói thêm về tổ đình Từ Hiếu. Khi xưa nơi đây rậm rạp, có một tăng sĩ lên đây dựng thảo am tu hành, ấy là hòa thượng Thích Nhất Định, người quê làng Trung Kiên (Triệu Phong, Quảng Trị). Khi mẹ của hòa thượng Nhất Định già yếu, hằng ngày hòa thượng đi bộ năm cây số tới chợ mua cá. Có người đàm tiếu sao đã tu hành còn mua cá? Tại mẹ tui già không nhai thịt nổi, phải có cá mềm mới sống được. Câu chuyện hiếu hạnh cảm động ấy đến tai vua Tự Đức, vua liền sắc phong cho ngôi thảo am ấy là “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Hòa thượng Thích Nhất Định chính là tổ khai sơn ngôi tổ đình này.

Buổi chiều giữa rừng cây xum xuê bóng mát, chúng tôi lặng đi khi nghe câu chuyện lục tích ngôi cổ tự. Có phải cây rừng buổi người tu hành đầy hiếu đạo lên đây, giờ vẫn còn và trở thành những gốc cây cổ thụ, những cây thông, những thân tùng khẳng khiu cao vút. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh mãi và sau này tôi đọc cuốn Cửa tùng đôi cánh gài của thiền sư Thích Nhất Hạnh càng thấu rõ hơn.

Bấy giờ sách truyện về đạo Phật không nhiều, không dễ mua. Ở Huế có một chỗ bán sách nhà chùa là tiệm Liễu Quán ở đối diện chùa Từ Đàm. Có khoảng hai chục đầu sách của tác giả Nhất Hạnh bán ở đây. Đều là sách do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành từ lâu, được quầy sách phô tô lại rồi bán. Ngoài bìa sách không có giá. Người bán lấy bút chì ghi số tiền ở trang cuối cùng. Chẳng hạn mười bốn ngàn thì ghi số 14. Tôi đã mua hầu hết sách của thầy Nhất Hạnh ở chỗ đó. Những cuốn sách dường như là lời pháp thoại, văn nói được biến hóa uyển chuyển thành văn viết nhưng sáng rõ, dễ hiểu.

Chánh điện chùa Từ Hiếu - Ảnh: I.T

Chánh điện chùa Từ Hiếu - Ảnh: I.T

3. Khi mạng Internet bắt đầu phổ biến, trang web Làng Mai đăng tải dần những tác phẩm của thiền sư Nhất Hạnh, cả sách điện tử lẫn pháp thoại. Tôi bắt đầu tải về đọc hầu hết sách ở trang đó, rồi vỡ lẽ ra, có một nhà văn tên là Nhất Hạnh.

Cuốn Cửa tùng đôi cánh gài là một tập truyện ngắn rất đời và rất hiện đại. Ở đó tác giả đã sử dụng thủ pháp huyền ảo khi đưa vào những nhân vật dũng sĩ, hay đạo sĩ. Văn đẹp, khiến những khung cảnh khu rừng con suối được miêu tả tự nhiên và đầy sức sống. Kỳ lạ thay, một nhà sư viết văn nhưng không hề thấy rao giảng triết lý đạo giáo, chỉ khi đọc xong truyện, ta mới nhận ra giá trị nhân văn và tư tưởng được ẩn tàng khéo léo.

Đọc văn của thiền sư Nhất Hạnh thấy ngay một người yêu sử Việt và soi rọi những trắc ẩn của lịch sử. Am mây ngủ, cuốn truyện dài viết về Huyền Trân công chúa và người cha là Trúc Lâm đại sĩ tu ở núi Yên Tử. Có thể xem đấy là một tiểu thuyết lịch sử được viết bài bản, không nhiều nhân vật nhưng lại ngồn ngộn chi tiết, dày đặc hành động. Các hành động tuy diễn ra nhẹ nhàng, không ly kỳ mà vẫn lôi cuốn. Tác giả đã lấy lòng thiền sư để hiểu lòng một vị thiền sư - Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Là một nhà sư viết văn, hẳn nhiên Thích Nhất Hạnh dành tâm huyết cho lịch sử của đức Thế Tôn. Đường xưa mây trắng, cuốn tiểu thuyết kỳ phu về một phần cuộc đời Đức Phật. Ở nước ta, lịch sử Phật Thích Ca thường căn cứ theo cuốn tiểu thuyết Ánh đạo vàng của nhà văn Võ Đình Cường. Điều này dễ hiểu bởi đây là cuốn sách được viết rất sớm, năm 1945. Tác giả, nhà văn Võ Đình Cường lại là phật tử và là một trong những sáng lập viên của Gia đình Phật tử Việt Nam. Độ phổ biến của Ánh đạo vàng trong giới phật tử là điều đương nhiên từ lúc xuất bản cho đến nay.

Ở nước ngoài, cuộc đời Đức Phật cũng là đề tài của rất nhiều cuốn tiểu thuyết. Nổi tiếng nhất là cuốn Siddhartha (bản dịch tiếng Việt: Câu chuyện dòng sông) của Hermann Hesse, nhà văn nước Đức đoạt giải Nobel văn chương 1946.

Thiền sư Nhất Hạnh hẳn biết tất cả những cuốn sách đó, và cuốn Đường xưa mây trắng được viết khác. Ấy là tác giả chỉ viết về phần cuối đời của đức Thích Ca, khi ngài đã trở thành Phật và bắt đầu hành trình hoằng dương đạo pháp. Điều khác nữa, là tất cả các chi tiết mang tính thần thông, phi phàm, siêu thường đều không có mặt trong sách, thay vào đó là trí huệ và từ bi. Nghĩa là trong Đường xưa mây trắng, Đức Phật hoàn toàn là một con người chứ không phải là thần linh. Quả như tác giả bộc bạch: Không thấy Bụt như một con người thì ta sẽ tới với Bụt rất khó.

Sau này tôi còn được “gặp” lại hình ảnh sư ông Làng Mai (tên gọi trìu mến của thiền sư Thích Nhất Hạnh) của buổi sáng năm cũ, ấy là khi đọc cuốn Thả một bè lau. Thiền sư như một nhà phê bình văn chương và dành hẳn một cuốn sách để bình giảng Truyện Kiều. Buổi nói chuyện mà tôi được nghe năm 2005 ở chùa Thiên Mụ hóa ra chỉ là một phần rất nhỏ của cuốn sách này. Thả một bè lau dày dặn, không viện dẫn những lý luận văn học mà đi thẳng vào chuyện bình và giảng văn. Thời trẻ, khi còn ở Việt Nam chưa sang nước ngoài, nhà sư Thích Nhất Hạnh từng là một giáo sư dạy văn, từng giảng Truyện Kiều, nhưng khi viết cuốn sách này (năm 1992) thì ông lại suy niệm từ góc nhìn một nhà tu hành. Vì thế ở đó có những nhận thức của đau khổ, hạnh phúc, chia ly, “đọc Truyện Kiều chúng ta có cơ hội nhìn thấy bản thân, và như vậy đọc Truyện Kiều cũng là tu”.

Năm 2018, thiền sư Thích Nhất Hạnh về hẳn Việt Nam và ở tại tổ đình Từ Hiếu cho đến khi viên tịch đầu năm 2022. Những cuốn sách của thiền sư được in lại, in thêm với số lượng lớn. Hơn một trăm đầu sách thiền sư viết ra ở rất nhiều lĩnh vực, từ chú giải kinh điển, khai mở nhân tâm, triết học lịch sử, cho đến văn chương. Hẳn đó là một “di sản tinh thần” đồ sộ của một cuộc đời vừa hành đạo vừa là nhà văn.

Rừng cây tổ đình Từ Hiếu vẫn rậm rì như buổi tổ sư lên khai sơn. Những bóng cây già uy nghi vót thẳng lên trời cao, chàng tráng sĩ trong câu chuyện ấy đã trở về, và cửa tùng đôi cánh thôi gài, mở toang ra như một cuốn sách đang còn đọc.

 

THUẬN VŨ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 330

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

12 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground