Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trường Sa - Làng đảo

T

inh mơ. Biển âm ẩm tối. Bầu trời ngổn ngang mây xám. Một chiếc xuồng màu cam, vỏ kim loại, trọng tải chở được 35 người đã hạ xuống dập dềnh trên sóng. Chưa có lệnh cho người xuống xuồng vào đảo Trường Sa vì trời đang lác đác mưa. Chúng tôi ngồi chờ ở phòng câu lạc bộ sĩ quan trên tàu.

Một người trong đoàn công tác, có vẻ sốt ruột lên tiếng:

- Trời mưa lắc rắc thế này nhằm nhò gì mà phải ngồi đợi. Thấm một tí mưa Trường Sa, cũng “ấn tượng” chứ sao?

Nở nụ cười hồn hậu, đại tá Nguyễn Văn Trí, chủ nhiệm chính trị Vùng 4 hải quân chậm rãi nói:

- Trời biển Trường Sa thất thường lắm. Đêm êm ả yên lành bỗng nổi cơn giận dữ. Mùa này, nói chung lặng sóng. Nhưng với những cơn mưa giông như thế này thì không thể xem thường được. Mưa thường kèm theo gió lớn, có khi còn xảy ra xoáy lốc. Xuồng đi biển mà gặp gió to, hoặc lốc xoáy khó an toàn lắm. Người ta chưa cho người xuống xuồng lá có lý. Thôi, chịu khó chờ một chút, mưa rào chắc sẽ mau tạnh thôi. Trong khi chờ mưa ngớt, tôi xin kể cho mọi người nghe một câu chuyện: Năm ngoái, dạo tháng chín, chúng tôi lên tàu ra quần đảo Trường Sa. Tàu vận tải, bé hơn ánh Ti Tan cứu hộ hiện đại này nhiều. Dạo ấy, đang thời gió mùa Đông Bắc, biển hay bị động. Có bốn anh chị nhà báo, đăng ký xin đi theo. Nhìn các anh chị, chúng tôi ái ngại quá. Mùa này ra biển, lính hải quân có anh còn say sóng nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Huống chi những người chưa một lần ra biển như họ. Chúng tôi khuyên mọi người hãy chờ một dịp khác biển lặng hơn hoặc chúng tôi ra biển có chuyện gì về kể lại các nhà báo cứ thế “bịa” ra thành bài cũng được. Các anh chị cười rôm rả, khen cánh lính thủy chúng tôi có khiếu hài hước và nằng nặc đòi xin đi cho bằng được. Chúng tôi để bốn người xuống tàu. Mới cách Vũng Tàu mấy hải lý tàu đã bị sóng lắc mạnh. Ba trên bốn nhà báo bị say sóng vật vã, nôn ọe. Tội nhất là cô phóng viên bị say sóng, người mềm lả ra như con sứa non, nôn vào cả ngực mình mà không biết. Cô em mặt mày trắng nhợt, nằm như dán xuống sàn tàu, chân tay nhũn nhẽo không buồn nhúc nhích động đạy, áo quần dính đầy chất nôn lớp nhớp, lầy nhầy. Xưa nay, chưa ai bị chết vì say sóng nên anh em chúng tôi không lo lắm về tính mạng cô gái. Nhưng không thể để cô ấy “bốc mùi chua” như thế mãi được. Thuyền trưởng, một sĩ quan chưa vợ cho mời tôi lên và nì nèo thuyết phục tôi làm cái việc “thay quần áo cho cô gái”.

Mấy cô văn công Quân khu 4 ngồi chờ xuống xuồng với chúng tôi cười phá lên:

- Thế chú có mần cái việc nớ không, chú Trí?

- Răng lại không. Không muốn mần chú cũng phải mần. Vì không mần thì làm răng chú sống yên được với mấy thằng “giặc biển” nớ. Đại tá Trí vui vẻ đáp lời.

- Trời ạ! Rứa thì bác chộ hết của người ta chớ mô nữa.- Anh sĩ quan trẻ ngồi đối diện tôi nhại lại giọng Quảng Bình trêu đại tá Trí.

- Chộ, chộ cái chi lúc nớ, chú em! Anh phải nhắm mắt, nhắm mũi làm mau cho xong việc. Này- Vị đại tá hải quân quê ở miền gió Lào cát trắng ấy bỗng hạ giọng xuống- Mọi người biết không, khi vào đảo Trường Sa ba phóng viên bị say sóng ấy tìm đến nói nhỏ với mình: Anh xem chỗ nào có máy bay thuê cho bọn em một chuyến vào đất liền, tốn hết bao nhiêu tiền chúng em đều chịu hết.

- Bịa, bịa. Đoạn này đúng là chú bịa ra- Mấy cô văn công lao nhao nói. Trong phòng chờ tiếng cười òa ra, vui vẻ.

Tàu lắc hơn. Tôi đi ra cửa mở thông với boong tàu, nhìn ra ngoài. Mây giăng kín trời, xám xịt. Gió đã nổi lên, ào ào. Mặt biển tối sẫm lại, đen ngầu. Sóng cuộn lên cao hơn, nhấp nhô đầu bạc. Và, mưa căng rát gõ lóc cóc xuống boong tàu. Đảo, với vệt cát san hô vàng nhạt, những ngôi nhà hai tầng, một tầng thấp thoáng nhô lên sau những tán cây vừa mới trông thấy ban sớm đã bị màn mưa che khuất. Mấy tia chớp sáng xanh phóng ngang bầu trời bí ẩn.

Hơn tiếng sau, mưa tạnh. Lạ lùng chưa, bầu trời và mặt biển đã trong xanh hiền hòa trở lại. Bốn chuyến xuồng chở đoàn công tác, văn công cùng với hàng hóa, thư từ, sách báo vào đảo. Anh em đã đứng đợi sẵn ở cầu cảng, chờ đón những người con của đất liền ra thăm đảo.

***

Trường Sa! Trường Sa đây rồi! Quần đảo bão tố đây rồi ư! Người ở đảo, người đất liền, bộ trưởng, tướng tá, binh nhất, binh nhì, nhà báo, nhà thơ, văn công tíu tít bắt tay nhau, nhìn nhau, chào hỏi, cười nói để rồi cùng chung nỗi niềm xúc động tất cả ùa đến bên cột mốc. Đến Trường Sa, có lẽ không ai không dành cho mình những phút đầu tiên để vừa nắm chặt tay anh lính đảo đen sạm vừa nhẩm đọc chậm rãi các dòng chữ: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM – ĐẢO TRƯỜNG SA- Vĩ độ 8o38’B, Kinh độ 111o55’Đ”. Chỉ ngần ấy thôi mà biết bao xương máu, mồ hôi đã đổ. Không chỉ của thế hệ chúng ta hôm nay. Từ rất lâu, với thuyền buồm, bè mảng, với sự từng trải tích lũy của một cộng đồng sống kề bên biển rộng, nghe con nước đoán được biển động, biển yên, nhìn trăng sao để định vị phương hướng, luồng đi lạch đến ông cha ta đã đặt dấu chân Việt Nam lên quần đảo Trường Sa. Từ rất lâu rồi… Lịch sử vẫn thường nhắc nhở chúng ta điều ấy. Con cháu hôm nay đã đang và sẽ tạo dựng nên một vóc dáng Trường Sa mới, vững chải và bề thế hơn, gần gũi và thân thuộc hơn với từng lối quê ngõ xóm đang quần tụ yêu thương trên dải đất cong cong hình chữ S.

Làng đảo Trường Sa! Ý tưởng ấy, một phần đã hiện thực xanh mướt, rung rinh lay động, mãnh liệt trong tôi khi đứng giữa Trường Sa. Nói chính xác hơn, Trường Sa bây giờ, dù vẫn thiên nhiên khắc nghiệt dữ dội ấy, dù vẫn là mặt đá san hô mấp mô lởm chởm ấy nhưng nó hoàn toàn không trơ trụi cằn cỗi như tôi được nghe, được đọc. Những đồng nghiệp của tôi, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã từng ra đảo, nếu bây giờ trở lại Trường Sa chắc ngỡ ngàng nhiều lắm. Phóng viên Tuấn Anh, báo Quân đội Nhân dân, năm 1993 đã ra Trường Sa lần này cùng đi với tôi cứ nắc nỏm khen: “Trường Sa khác trước nhiều quá anh ạ. Em chỉ còn nhận ra được mấy gian nhà thấp lè tè lợp phi brô xi măng rêu mốc xám xịt còn sót lại kia thôi. Còn tất cả đều mới, đều kiên cố, bề vững. và cũng rất kiểu cách, rất đẹp nữa. Hình như Trường Sa gần với phố, làng ở đất liền hơn.

Các công trình ở đảo hầu hết đã được bê tông hóa. Đã có nhà hai tầng, ba tầng để ở và làm việc. Đường đi lối lại sạch sẽ. Chúng tôi vào thăm phòng ở một trung đội. Chà, ngăn nắp và gọn gàng quá. Ba lô đặt ngay ngắn thẳng hàng trên giá. Chiếu trải phẳng tưng không một chút gợn. Chăn màn gấp vuông thành sắc cạnh không kém gì ở đơn vị huấn luyện tân binh.

Tôi hỏi Nguyễn Ngọc Thảo, một hạ sĩ khá điển trai, chỉnh chu trong bộ áo quần hải quân là nhân viên thư viện đảo, người dẫn chúng tôi đi:

- Này em, ngày nào lính ta cũng làm “nội vụ” gọn đẹp như thế này à?

Không chút ngập ngừng, chàng trai quê ở xã Văn Từ, Phú Xuyên, Hà Tây ấy hồn nhiên trả lời:

- Công việc thường ngày của chúng em anh ạ. Chiều nào cán bộ cũng đều đi kiểm tra nội vụ vệ sinh và chấm điểm. Bọn em chẳng đứa nào muốn điểm thấp cả nên ai cũng cố gắng thực hiện tốt.

Chúng tôi dạo một vòng quanh đảo. Có khá nhiều cây xanh nhưng chủ yếu cũng chỉ là cây bàng vuông, cây bàng ta, phong ba và phi lao. Trường Sa vốn là xứ sở của cây phong ba. Từ trước tới nay chỉ có phong ba mới chịu đựng nỗi bão tố vốn thường rất dữ dội của vùng biển này. Chỉ có phong ba mới chịu cắm rễ trên đá san hô, để nhẫn nại cao dần lên từng xăng ti mét một và vào dịp cuối xuân sang hè lại líp nhíp mọc ra những bông hoa màu trắng chỉ nhỉnh hơn chiếc cúc áo. Có người, đảo san hô có thêm cây mới làm bạn với phong ba. Cây bàng ta và phi lao theo tàu vượt sóng gió ra Trường Sa. Đất màu lấy từ đất liền, được đóng gói rất cẩn thận chở ra quần đảo. Lính dùng choòng, xà beng đục đào mặt đá san hô thành những hố vuông, kích thước tùy theo độ  cây to nhỏ rồi đổ đất màu xuống để trồng cây. Ở Trường Sa, dù không ai mua đất, bán đất nhưng còn quý hơn vàng. Anh Nguyễn Văn Trung, trung tá, trợ lý phòng tham mưu Cục hậu cần của Quân chủng hải quân cho tôi biết để phát triển trồng cây xanh và rau tươi cho quần đảo Trường Sa, năm 1999 đã có 268 tấn đất màu được chuyển ra đây. Có những chuyến tàu vận tải chỉ chở ra Trường Sa một mặt hàng duy nhất là đất.

Ở Trường Sa, hình như đất không chỉ là đất. Cầm trên tay vốc đất nâu thẫm mịn tươi dường như người lính nghe được hơi thở của đồng quê xóm bãi, tiếng cựa mình xôn xao của những hạt giống nảy mầm, tiếng ngọn gió heo may se se thổi qua bờ vai của mẹ. Những khay rau muống, rau dền, rau cải, rau quế những chậu cau cảnh, sứ cảnh, những khóm ớt lác đác quả xanh, mấy cụm dọc mùng bên bể nước, chục dây mùng tơi trồng trong thùng đạn quấn quýt leo lên như những nốt nhạc xanh … có mặt ở Trường Sa dễ thương như kỷ niệm. Rau ở Trường Sa không phải chỉ để ăn mà còn được để nhìn. “Nhìn cây cho đỡ nhớ đất liền”. Đã hơn một lần tôi được nghe lính đảo nói như vậy.

Chẳng có nỗi cực nhọc vất vả nào sánh bằng nỗi cực nhọc vất vả của việc trồng cây, trồng rau ở Trường Sa. Vào mùa mưa bão, biển lồng lộn sùng sục như muốn nhấn chìm tất cả những cái gì nhô cao trên mặt nước. Sóng đánh tràn qua đảo, sóng chồm lên trắng xóa đến ô cửa tầng hai của nhà kiên cố. Nhẹ hơn, chỉ cần sóng đánh vào kè đá, bụi nước mặn chát đã hắt vào đầy mặt đảo. Chỉ cần một lần như thế, rau đã bị rụi lá, úa vàng rồi chết. Khi nghe đài báo bão, cái công việc lính đảo không thể quên được là mau chóng che chắn đậy điệm thật kỹ càng các ô rau (gọi là ô vì xung quanh phải xây tường xi măng lên cao gần hai mét) và sơ tán các khay rau vào chỗ kín. Cái nỗi cực nhọc rất Trường Sa này đã được chiến sĩ Hùng Hậu miêu tả trong bài thơ “Lính đảo trồng rau” viết trên báo tường của đảo (tờ báo Niềm tin ra dịp 26-3-2000).

Lính Trường Sa chẳng điệu đâu

Cái tay làm đất, cái đầu phải lo

Chọn từng chậu đất, nắm tro

Làm nhà che chắn gió to, mưa rào

Rau sam cấy ở chỗ cao

Rau dền đất thấp, hàng rào mồng tơi.

Đến bao giờ người lính đảo Trường Sa mới có rau tươi dùng thỏa thuê? Và, tận bao giờ các đảo ở Trường Sa sẽ được xanh hóa? Câu hỏi ấy, cứ day dứt mãi trong tôi, những người có mặt ở Trường Sa vào năm 2000. Bất giác tôi nhớ tới lời ca sĩ Bích Ngọc, diễn viên đoàn văn công Quân khu 4: “Các anh ạ. Em có một đề nghị như thế này. Sau này các đoàn ra thăm quần đảo, mỗi người nên bớt 2kg hành lý để mang theo 2 kg đất màu cho Trường Sa”… Chẳng hiểu có lãng mạn quá không lời đề nghị của Bích Ngọc, nhưng theo tôi nên chăng cả nước dấy lên một phong trào “đất cho Trường Sa”. Mỗi tỉnh thành đảm nhiệm một đảo, vận động quyên góp tiền mua đất màu chở ra Trường Sa.

***

So với các đảo khác, đảo Trường Sa có phần được thiên nhiên ưu đãi hơn. Đảo nổi, khá lớn, lại có cả nước lợ. Lính ở đây và cả người đất liền nữa đều gọi đùa là Trường Sa Lớn là thủ đô của quần đảo Trường Sa.

Chiều nay, giữa thủ đô của quần đảo tôi được chứng kiến những vùng lượn thanh bình  của một đoàn chim bồ câu đông tới vài chục con. Những con chim biểu tượng của hòa bình lông màu trắng, màu nâu nhạt, màu xám bay vòng tròn trên đảo. Có vẻ như chúng cũng biết đảo hôm nay có khách, khách quý từ đất liền ra. Trước đây, đọc sách báo tôi được biết Trường Sa rất nhiều chim. Chim kêu ầm ĩ chao chác khi nhác thấy bóng người., chim đẻ trứng tùm lum trên đảo. Người phải gạt trứng chim mới bước đi được. Những cư dân đông đúc, chủ yếu của Trường Sa thời hoang vu ấy bây giờ  đã bay đi đâu mất.

Đàn chim bồ câu bay vui trong nắng chiều oi ả. Trường Sa lộng gió nhưng nắng biển vẫn gay gắt. Nắng như trộn với muối, mặn ít, oi nồng. Lành như chim bồ câu mà vẫn sống khỏe giữa Trường Sa, hay thật.

Người Trường Sa yêu cây cối và súc vật. Những con vật bình thường ở đất liền khi ra đây đã trở thành người bạn thân thiết của cánh lính ta vì nó là một phần hình ảnh của cuộc sống ở quê nhà. Những chú ỉn thả rông lật đật chạy đến với người khi nghe tiếng gọi. Một chú gà trống, dăm ba ả gà mái thế là đã có tiếng gáy eo óc, tiếng cục tác ồn ã. Tiếng gà – tiếng quê, lính Trường Sa nói thế. Và, đông đúc hơn cả, mượt mà, màu sắc hơn cả trong các loại vật nuôi ở đảo là chó. Chó là con vật dám chịu chơi với nắng gió mưa bão Trường Sa, lại được lính ta chăm sóc chu đáo kỹ càng nên các cô các chú cứ lớn lên nổng nẩy, láng mượt như được đắp bồi, chải chuốt. “Chó ở đây đề được đặt tên cẩn thận. Có lễ hẳn hoi, chứ không phải đùa đâu các anh ạ?” Hạ sĩ Cao Xuân Hùng, khẩu đội trưởng hóm hỉnh nói với chúng tôi bằng cái giọng Diễn Châu, Nghệ An trọ trẹ khi nghe tôi gọi chú chó trắng chừng hai tháng tuổi của các anh nuôi là Cún. Tiếp lời Hùng, binh nhất Mai Xuâ Thủy, pháo thủ số 4 quê ở Hải Vân, Hải Hậu, Nam Định, một chàng trai dong dỏng cao, mắt sáng hay tủm tỉm cười vui vẻ kể lại cho chúng tôi nghe cái Lễ đặt tên cho chó. Xin bạn đọc hãy hình dung thế này: Chú chó mới xin về trắng mịn như một cục bông, mở to đôi mắt đen nhánh ngỡ ngàng nhìn năm chàng lính trẻ măng, đen cháy đang ngồi xếp bằng hoặc chồm hỗm quanh mình.

Khẩu  đội trưởng Cao Xuân Hùng tuyên bố: “Hôm nay, ngày hai tháng hai năm 2000, khẩu đội 1 làm Lễ đặt tên cho chú mày. Chú em là con trai đầu của mẹ Linh Hương (do tiểu đội 2 mua từ ba năm nay) khẩu đội 1 nhà tớ mới xin về hôm qua. Nay, từng đồng chí … (làm gì mà nghiêm trang thế - có tiếng ai đó kêu lên) - Ừ, thì từng thằng một đề xuất tên gọi cho nó”.

Binh nhất Phan Trung Hải, giọng nói miền Nam ấm áp - Tui đề nghị đặt tên cho nó là Mỹ Lan.

- Hầy, cũ quá, cũ quá rồi. Vả lại Mỹ Lan là ca sĩ nữ còn của ta là con trai cơ mà – binh nhất, pháo thủ số 5 Phạm Ngọc Trâm, quê Hải Hưng, Hải Hậu, Nam Định phản đối – Tao đề nghị, khẩu đội ta cứ gọi nó là Pháo.

- Chu cha ! Pháo, nghe nó nặng nề và cứng quá ta. Hay là cậu muốn biên chế nó thành pháo thủ số 6 – Phan Trung Hải lê tiếng chọc yêu Trâm.

Từ nãy đến giờ binh nhất Phạm Văn Trọng, quê ở Quảng Đại, Quảng Xương,Thanh Hóa ngồi im lặng, tay luôn mân mê cái tai cụp của con chó nay thủng thỉnh lên  tiếng.

- Theo tao, đừng mĩ miều, hồng hoa, thanh thoát chi tiết, cứ gọi nó là Muống. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương, ấy mà! Gọi thế chốn nôm na, mộc mạc chúng này ạ.

Cả khẩu đội bất ngờ khi nghe Trọng đề xuất. Và cả năm chàng pháo thủ sau một giây im lặng đưa mắt nhìn nhau, bỗng vỡ òa ra tiếng cười sảng khoái. Năm bàn tay phải cùng một lúc vỗ chập vào nhau cùng với tiếng reo hồn nhiên tươi trẻ:

- Đúng lắm! Hay lắm! Muống! Tên nó là Muống!

N.H.Q

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 69 tháng 06/2000

Mới nhất

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

1 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Nhân chuyến công tác, chúng tôi đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom...

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

6 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground