Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trường Sơn...ngàn lẻ một đêm

K

ể từ buổi sáng tháng tư lịch sử năm 2002, khi Thủ tướng Phan Văn Khải tay cầm cán xẻng, đứng trên bến phà Xuân Sơn phát lệnh khởi công đường Hồ Chí Minh cho đến nay đã qua một ngàn ngày đêm. Ngàn ngày đêm trên ngàn cây số hẵn có ngàn câu chuyện đang viết, đáng kể hơn cả ngàn lẻ một câu chuyện mà nàng Sêhêradat đã kể cho nhân loại nghe từ thế giới người Ả Rập cổ xưa.

Chúng tôi bắt đầu một cuộc vượt Trường Sơn những ngày cuối năm trong mưa dầm gió bấc từ bờ Nam con sông Ngàn Sâu trên đất Hà Tĩnh, đi qua Quảng Bình, Quảng Trị, nơi đường Hồ Chí Minh chia ra hai nhánh ôm lấy hai sườn tây, đông Trường Sơn rồi vào tận đường 9 xuyên Á. Cuộc “hành quân” không phải dưới mưa bom bão đạn, không phải đá tai mèo và chiếc gậy Trường Sơn cũng chỉ “trích đoạn” hơn 400km trong chiều dài ngót 1241,3km được thi công trong giai đoạn 1, bằng xe Land Cruider 4500. Quả là một chuyến dạo chơi, vậy mà những gì cảm thấy giữa điệp trùng sơn cước thực khiến xốn xang, bồi hồi.

Có lẽ trên suốt tuyến đường Hồ Chí Minh thì đoạn qua khu vực Bình Trị Thiên này là khó nhất bởi lắm sông nhiều suối và cơ man vực thẳm, núi cao. Có những con sông rộng, nước hỗn như sông Long Đại, sông Gianh ở Quảng Bình, lại có những ngọn đèo cao hơn một ngàn mét, quanh năm mây phủ như đèo Sa Mu ở Quảng Trị. Người xưa kể lại rằng chốn bồng lai ẩn hiện trong mây. Nếu vậy, coi như tôi đã lên đến đó và gặp được những “Tiên ông” bằng xương bằng thịt trên đỉnh Sa Mu là những chàng công binh Lũng Lô và ở chốn “thần tiên” này họ phải đối mặt với ngàn vạn gian lao vất vả. Suốt năm trong mây, làm việc trong mây, ăn trong mây và ngủ cũng trong mây. Tiên cảnh đâu không thấy, chỉ rặt ẩm ướt và giá lạnh, cách mười mét đã không nhìn thấy nhau. Các “tiên ông” mới qua tuổi hai mươi kể với chúng tôi họ thèm nhất là được thấy mặt trời và tiếng con gái. Tôi cũng đã chứng kiến cảnh giáp Tết năm ngoái cả công trường cầu Xuân Sơn bắc qua sông Son đang hừng hực khí thế thi đua vượt tiến độ để mừng Đảng, mừng Xuân thì bỗng nhiên mũi khoan cọc nhồi đường kính 1,2 mét thình lình đụng…sắt. Ai đó la lên: “Bom!” Cả công trường lặng đi. Mấy trăm quả bom đã vớt rồi nhưng ai mà biết được. Thiết bị dò mìn của công binh chỉ có thể dò đến độ sâu năm mét thôi. Mà đây từng là toạ độ lửa của bom đạn Mỹ hồi chiến tranh. Từ chỉ huy công trường đến chàng thợ hàn chỉ còn biết hè nhau đổ…mồ hôi hột. Thật hú vía, hoá ra chỉ là xác một chiếc phà bị bom đánh chìm hơn ba chục năm trước. Nhưng để xử lý nó, cũng phải khăn gói ra tận Hải Phòng “thỉnh” thợ lặn chuyên nghiệp vào mới được. Phải lặn theo ống khoan xuống âm “15” mét, cưa từng tí một để lấy lối cho mũi khoan đi tiếp. Nội lo chuyện đó thôi cả công trường coi như hết Tết rồi.

Gian khổ suốt một ngàn ngày đêm, chạm xuân Quí Mùi này có vơi vai chút ít nhưng vẫn còn chất ngất khó khăn. Đại công trường đang vào chặng nước rút để mùa mưa 2003 có thể yên tâm vượt lũ miền Trung, trong hành trình xuyên Việt. Các lực lượng thi công dồn cả về những điểm nút cuối cùng, ấy là những nơi khó nhất trên tuyến. Đó là Khe Ve, nơi đường Hồ Chí Minh cắt quốc lộ 12A lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo, nơi từng vọng vang khẩu lệnh của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân trước lúc hy sinh: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Bây giờ cũng là một trong những “trọng điểm” cuối cùng không kém phần ác liệt. Anh Vũ Hồng Tư, chỉ huy đội cầu 708 thuộc Công ty Cầu 7, Tổng Công ty xây dựng cầu Thăng Long vừa hướng dẫn mấy chiếc máy ủi, máy đào chống lầy cho xe chúng tôi vượt qua đoạn đường tránh, vừa kể, hơn 100 công nhân, gần nửa năm đánh vật với bốn cái móng trụ cầu Khe Cạn mà vẫn chưa xong bởi vực quá thẳm, núi quá cheo leo và nước ngầm khá mạnh. Đào đất cả tuần, chỉ một đêm mưa, sáng ra đã bị vùi lấp đâu đó dưới mấy tầng đất sụt. Đó là đèo Đá Đẽo, nơi có hàng chục cây số đường, uốn lượn quanh co đã được bảo vệ bởi những vách kè bê tông vững chắc. Thế mà chỉ một đợt mưa lớn hồi tháng chín, những mảng núi không lồ sạt lở xuống hàng chục ngàn mét khối đất đá lấp hết đường, đổ cả kẻ. Quân của “Tổng 4” tăng viện từ ba tháng nay, hùng hục 24/24 giờ mỗi ngày mà mới “gãi ngứa” những sự cố. Nhưng gian khó “đậm đặc” nhất vẫn là khu vực 224km của nhánh tây Trường Sơn bắt đầu từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Khe Sanh (Quảng Trị), nơi con đường phải đi qua những vùng địa hình hết sức hiểm trở. Có lẽ bởi sự gian khó ấy mà các công trình trên nhánh Tây này chủ yếu được giao cho các đơn vị bộ đội đảm nhiệm. Chúng tôi gặp Phạm Quang Tuấn, Chỉ huy công trường của Công ty Vạn Tường thuộc Quân khu 5 đảm nhận thi công đoạn khó nhất từ Cha Ly đất Lệ Thuỷ vượt sống Xê Băng Hiêng vào Hướng Hoá. Giọng Quảng dẻo quẹo, Tuấn kể, kéo quân từ Quảng Ngãi ra vật lộn với cơ man cái khó ở nơi được gọi là thâm sơn cùng cốc số một của Quảng Trị, Quảng Bình. Nhưng nay đơn vị anh đã cơ bản hoàn thành phần mặt đường. Đây là đoạn vượt vĩ tuyến 17 trên đường Trường Sơn, ngày xưa là túi bom của máy bay Mỹ, mặc dù đã được rà phá kỹ lưỡng nhưng bom mìn vẫn còn sót lại rất nhiều. Đào sâu đến mười đến mười lăm mét mà vẫn gặp “nó”. Chỉ mười ba cây số đoạn qua sông Xê Băng Hiêng mà đã sót đến bảy qua bom lớn, có hai quả loại 500 bảng Anh. Đó là chưa kể đến chuyện để thi công mặt đường họ còn phải mở chiến dịch vận chuyển hai mươi lăm ngàn khối cát từ Đakrông, ngược đường 9 mà lên, cách xa gần trăm cây số.

Nhắc đến những người lính thợ Trường Sơn, không thể không nói đến hình ảnh một người “thợ cả”, một người lính già, một vị tổng chỉ huy trên con đường Trường Sơn thời chống Mỹ và nay đang gởi cả tâm huyết của mình cho đường Hồ Chí Minh. Đó là đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đặc phái viên Chính phủ, được Đảng, Nhà nước cử làm tư lệnh cho cuộc “Xẻ dọc Trường Sơn” lần thứ hai. Tôi có vinh dự được đi theo trong nhiều lần ông vào miền Trung, nghe và chứng kiến không ít những câu chuyện mới về ông. Ví như dịp kỷ niệm 25 năm Bộ đội Trường Sơn (1959-1984) khi ông cùng đoàn tuỳ tùng vào dâng hương trước một sư đoàn liệt sĩ của bộ đội Trường Sơn ở nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, thì bỗng đâu có một con chim rừng trắng muốt đến đậu và hót mãi trên Đài Tổ quốc ghi công dù cả nghĩa trang nghi ngút hương hoa và rực rỡ sắc màu. Nó hót mãi mãi một khúc nhạc buồn của núi rừng rồi nhả xuống chân Đài một hạt bồ đề. Mấy hôm sau, trong kẽ đá mọc ra một mầm cây. Bây giờ lên nghĩa trang Trường Sơn, không thể tin được mầm cây ấy đã thành một cổ thụ rợp bóng che cả Đài hương. Rồi hôm khởi công cầu Bến Tắt, một chuyên gia tư vấn Cu Ba bỗng nhiên oà khóc rồi ôm choàng lấy ông, gọi ông bằng Bác bằng tiếng Việt lơ lớ. Thì ra danh tiếng và sự cảm phục vị tư lệnh ở anh từ người cha truyền lại. Cha anh là một chuyên gia đã từng có mặt trong đội quân tình nguyện vượt nửa vòng trái đất để sang giúp bạn Việt Nam xây dựng đường Trường Sơn năm 1973… hầu như không tháng nào ông không có mặt trên tuyến. Không chỉ ông rất thông thuộc lối ngang, ngõ tắt của Trường Sơn mà đặc điểm từng công trường, từng vấn đề nảy sinh của nghề thi công… ông cũng khá tỏ tường. Cư dân địa phương và lính thợ làm đường rất đỗi quý mến ông, họ gọi ông là Bác Nguyên và bao giờ cũng xin ông kể chuyện Trường Sơn thời đánh Mỹ. Những lúc như thế, bác cháu quây quần bên nhau trong khói thuốc hoà cùng mây núi với những câu chuyện thật xúc động như sự tích “hang Tám Cô”, hay là chuyện tiếu lâm của mấy chàng lính xế tắm tiên… rồi ông dặn dò mọi người “Đường Hồ Chí Minh là con đường tiêu biểu của thời đại mới, vậy nên phải bảo đảm nhanh, tốt, đẹp, hiện đại và xanh sạch trong quá trình thi công. Gia tài này, chúng ta tạo ra không chỉ phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH đất nước hôm nay mà phải gìn giữ để gửi lại cho con cháu mai sau…”

Chúng tôi phóng xe qua những cây cầu hiện đại, bề thế, những đoạn đường thảm bê tông nhựa phẳng lỳ, lúc xuyên vách núi dựng đứng, khi vượt đỉnh đèo quanh co, qua những địa danh từng làm lay động lòng người cả nước một thời bom đạn mà không nén nổi niềm xúc động. Không xúc động sao được khi lên Tân Ấp, Kim Lũ nơi phát xuất của dãy Hoàng Sơn đâm ngang  ra biển vốn chỉ có độc đạo tuyến đường sắt xuyên Việt. Mấy năm trước, cán bộ tỉnh Quảng Bình muốn lên đường này phải “mượn đường” từ đồng Hới ra thị xã Hà Tĩnh, ngược lên thị trấn Hương Phố của huyện Hương Khê rồi theo đường 15 còn lại từ chiến tranh mà vào. Nay đường Hồ Chí Minh rộng thêng thang, chỉ mới hai năm mà phố xá đã mọc lên, điện lưới quốc gia kéo về, xe máy, ô tô nhộn nhịp chẳng kém thị tứ miền xuôi. Muốn lên cửa khẩu Cha Lo thay vì từ Đồng Hới phải đi ô tô ngược quốc lộ 1A ra Ba Đồn của huyện Quảng Trạch, theo quốc lộ 12A lên đồng Lê thuộc huyện Tuyên Hoá, qua dốc Cáng, vào Quy Đạt huyện lỵ Minh Hoá rồi đi tiếp 80 cây nữa mới tới nơi, bây giờ đã có thể phóng một mạch theo đường Hồ Chí Minh rồi rẽ lên biên giới ba mươi cây nữa, rút ngắn hơn nữa quảng đường, lại êm thuận hẵn. Còn ở Quảng Trị, hai nhánh đường đông tây Trường Sơn ôm gọn cả vùng miền Tây của tỉnh, chấm dứt cảnh muốn đi Hướng Lập, Cù Bai phải xuất cảnh qua nước bạn Lào đến ba, bốn chục cây số lại nhập cảnh mới tới được.

Có thể nói đường Hồ Chí Minh là một câu thần chú nhiệm màu mở ra biết bao cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Trong Nghị quyết của Cấp uỷ, chính quyền các cấp từ mấy năm nay đều đã tính đến, thế mà khi hình hài con đường lộ ra, người trong cuộc vẫn không khỏi bàng hoàng. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình được coi là những địa phương nhạy bén nhất khi có nhiều chương trình, mục tiêu lớn về kinh tế xã hội được “gắn” với đường Hồ Chí Minh và nhờ vậy mà tạo ra một bước chuyển biến khá quan trọng. Trước hết là sự cải thiện về giao thông cho cả  một vùng miền tây rộng lớn nhưng vốn rất khó khăn. Bây giờ ô tô đã đi đến hầu hết các xã miền núi. Khi giao thông, vấn nạn lớn nhất được giải quyết thì hàng loạt các vấn đề về quốc tế dân sinh đi theo cũng chóng vánh, thuận êm, điều mà mấy chục năm nay không làm được. Đồng chí Đinh Hữu Cường - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói rằng: khi dự án còn chưa mở, họ đã “đón đầu” bằng cách xây dựng những hạt nhân cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ven đường Hồ Chí Minh như ở đường thanh niên An Mã (Lệ Thuỷ) hay huy động lực lượng xung kích mở vùng chuyên canh mía ở Chà Nòi (Bố Trạch). Từ năm năm nay sự khan hiếm đất trồng mía đã khiến dự án mía đường Quảng Bình ngấp nghé bờ vực, tưởng chừng không thể cứu vãn. Vậy mà năm nay, khả năng quỹ đất được bổ sung lên đến hàng ngàn ha màu mỡ ở các xã Phúc Trạch, Lâm Trạch và Xuân Trạch ở huyện Bố Trạch. Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch xã Xuân Trạch không nén nỗi vui mừng khoe rằng vị khách đầu tiên đi trên đường Hồ Chí Minh đến thăm xã nhà là…cây mía. Cũng từ đó mía ở lại với Xuân Trạch và trở thành cây trồng chiến lược xoá đói giảm nghèo. Nay bà con đang tích cực chuyển toàn bộ diện tích hơn 500 ha trồng khoai và lạc năng suất thấp sang trồng mía. Vụ này 200 ha đầu tiên đã cho năng suất đến 60 tấn/ha. Còn ở Quảng Trị, đồng chí Chủ tịch Nguyễn Minh Kỳ khẳng định tốc độ phát triển KT - XH của tỉnh sẽ được đẩy nhanh hơn bao giờ hết bởi đường Hồ Chí Minh là cứu cánh giúp tỉnh khai thác lợi thế vượt trội của vùng miền Tây. Trước tiên sẽ tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây cà phê chè khoảng 5000 ha ở ven đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, sau khi đã thành công mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, an toàn bền vững ở Tân Lâm. Đây được coi là thắng lợi lớn nhất của ngành cà phê Việt nam để tìm lối thoát khỏi cơn đại dịch rớt giá. Cùng với đường 9, đường Hồ Chí Minh góp phần to lớn để biến Bảo Trấn lao, vùng đất của “Tiếng hát đi đày” và “Con các chột nưa” thành khu thương mại Lao Bảo, điểm sáng trên hành lang kinh tế Đông Tây.

Hơn một ngàn ngày đêm đã qua trên đỉnh Trường Sơn với bao nhiêu là điều mới lạ. Những người lính thợ đường Trường Sơn không chỉ có kể mà đã tự mình làm nên hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện xúc động, xúc động đến muôn sau. Những câu chuyện ấy nối quyện nhau, dệt thành con đường huyền thoại, thênh thang băng qua cái đói, cái nghèo trên miền Tây đưa đất nước vào thời đại mới. Chắc rồi “tam bách dư niên hậu”, sẽ có một ngàn lẻ một đêm Trường Sơn trong kho tàng văn hoá dân tộc.

Đ.N.H

Đinh Như Hoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 101 tháng 02/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground