Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trưởng thành trên tuyến giao bưu kháng chiến

Tôi được tuyển vào công tác giao bưu ở Ty Giao thông - Bưu điện tỉnh Quảng Trị, ngày 01 tháng 01 năm 1948.
 

Thời kỳ ấy, tỉnh Quảng Trị vừa trải qua năm 1947 đầy thử thách cam go ác liệt. Đầu năm mặt trận Huế bị vỡ, tiếp đó tuyến phòng thủ Lao Bảo, Khe Sanh bị chọc thủng, giặc Pháp từ Huế và Lào tiến công Quảng Trị bằng hai hướng, chiếm hết vùng đô thị và đồng bằng. Nhân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, tiêu thổ kháng chiến, triệt để tản cư, rút lên vùng rừng núi lập chiến khu, chủ trương đánh Pháp lâu dài.

Ở chiến khu, rừng thiêng, nước độc, đói rét, bệnh tật, thiếu thốn trăm bề, hổ dữ hoành hành ghê rợn. Chỉ tính ở vùng chiến khu Thủy Ba nơi có Ủy ban Kháng chiến huyện Vĩnh Linh và một số cơ quan của tỉnh Quảng Trị tản cư ra đóng quân từ tháng 02 đến cuối năm 1947 hổ đã ăn thịt 120 đồng bào, đồng chí của chúng ta. Ở đồng bằng, giặc Pháp điên cuồng càn quét, đốt phá, ngày nào ở sau căn cứ Ba Bình quê tôi giặc Pháp và bọn tay sai cũng hành quyết chôn sống đồng bào vô tội.

Tôi được phân công về trạm giao bưu T72 thuộc Ty giao thông Bưu điện Quảng Trị đặt ở Khe Cau giữa rừng Trường Sơn miền tây Vĩnh Linh.

Hình thành từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trạm giao bưu T72 là một mắt xích trong tuyến giao liên huyết mạch nối vùng tự do rộng lớn Thanh - Nghệ - Tĩnh của Liên khu 4 với vùng tự do Liên khu 5. Đồng thời Trạm còn nhiệm vụ giữ mối liên lạc giữa huyện Vĩnh Linh với cơ quan kháng chiến của tỉnh Quảng Trị đóng ở Ba Lòng. Trên tuyến đường này suốt 9 năm kháng chiến, hàng chục đoàn cán bộ cấp cao của Trung ương, của Liên khu đã đi qua. Hàng nghìn lượt cán bộ, bộ đội, dân công ra mặt trận. Hàng trăm đoàn tù binh địch bị dẫn giải về hậu phương. Hàng tấn công văn, tài liệu được chuyển nhận an toàn, nhanh chóng, bí mật. Để có được thành tích ấy, nhiều cán bộ, nhân viên giao thông Bưu điện Quảng Trị đã thầm lặng hy sinh anh dũng trên tuyến đường này.

Anh Trần Xuân, Trưởng trạm giới thiệu tôi với hai anh trong trạm. Anh Ngữ người thấp đậm, hiền lành, anh Thuỳ dong dỏng cao trắng trẻo, điển trai, cả hai anh nước da đều mai mái, tóc thưa, môi tái, vầng mắt thâm quầng, dấu vết của những trận sốt rét tai ác, duy chỉ có đôi mắt anh nào cũng cười rất tươi.

Trạm là một lán lá chừng mười lăm mét vuông, hai phần ba diện tích lán dùng kê sạp nằm, phần trống làm bếp. Bếp cháy hừng hực, lửa được đốt lên chủ yếu để sưởi ấm và thay đèn. Nồi niêu, bát đĩa được rửa sạch treo hết lên vách, hình như lâu lắm rồi chúng chưa được đem ra dùng. Tôi nhìn kỹ chiếc lán, trông giống chiếc lồng bằng gỗ, xung quang lợp lá mây, cây rừng ken dày được bện bằng mây trắng chẻ đôi suốt từ chân vách lên nóc rất chắc chắn. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh Xuân cười giải thích:

- Phải thế, nếu không ông ba mươi lẻn vào bế đi hết. Đêm cậu cứ đứng trong lán mà “ấy” qua lớp rào thưa, mở cửa bước ra ngoài là nguy hiểm đấy.

Anh quay qua bảo anh Thuỳ và anh Ngữ:

- Hôm nay có anh Sính mới bổ sung về trạm, lại là ngày đầu năm mới, ta tổ chức bữa liên hoan kép...

Anh Thuỳ với tay lên vách rút xuống ống lồ ô và một gói lá chuối khô. Anh dốc ống lấy ra một ít gạo nếp, loại nếp rẫy của bà con dân tộc Vân Kiều. Có lẽ được cất đã lâu nên nếp đã ngả màu vàng, anh lấy thêm củ sắn, bóc vỏ cắt từng miếng, cho tất cả vào nồi, đổ đầy nước lã, không vò, không đãi, bắc lên bếp đun luôn. Anh giải thích với tôi: Cho khỏi hao vitamin. Đoạn anh thận trọng mở từng lớp lá chuối, lấy ra thỏi đường đen bằng hai bao diêm, dùng dao găm cạo từng lát mỏng, khúc đường khuyết dần, chỉ còn hai mẩu, anh lại gói vào lá chuối khô cất vào chỗ cũ.

Tôi tò mò hỏi:

- Để làm gì hai mẫu đường như hai ngón tay út ấy?

- Phòng thằng nào sốt rét nuốt không nổi ký nin vàng thì cho nó.

Cháo chín, anh Ngữ cho thêm dúm muối rồi múc ra bốn bát. Bữa ăn đầu tiên trong biên chế nhà nước của tôi cũng là bữa đón Tân niên giữa chiến khu, ngọt tình đồng đội nhưng lại cay cay nơi khoé mắt, mằn mặn trên môi.

Đêm xuống nhanh và cô quạnh, bốn anh em nằm trên sạp ghép bằng cây đùng đình, tôi mới về được ưu tiên nằm cạnh bếp, không chăn, không màn, rải lá sim khô làm chiếu. Bếp lửa góc nhà bập bùng sáng suốt đêm nhưng không sao xua nổi cái lạnh giá ẩm thấp, tê buốt của mùa đông. Tôi trằn trọc không sao chợp mắt được. Nước mưa đọng trên lá cây khi có cơn gió thổi tới rơi lộp độp thành chuỗi dài như có ai bốc nắm đá ném qua. Tiếng hổ dữ chốc chốc lại rú lên kinh rợn ngoài rừng.

Chuyến công văn đầu tiên vào trạm T74 đóng ở khe Chùa miền Tây huyện Cam Lộ, tôi đi cùng với anh Ngữ. Trước lúc lên đường, anh dặn:

- Cậu kiếm cái gậy và mang theo con dao găm tự tạo mài cho sắc, dọc đường sẽ có việc.

Anh dặn dò tôi ý thức cảnh giác và dự kiến một số tình huống gặp địch, gặp hổ dữ, cách xử trí dọc đường. Ăn vội mỗi người một khúc sắn nướng, hai anh em hối hả lên đường. Anh Ngữ chống gậy đi trước cảnh giới, tôi mang túi công văn bám theo sau.

Con đường giao bưu chỉ vừa đặt lọt bàn chân, rẽ lá rừng mới nhìn thấy lối đi. Sên, vắt nhiều vô kể. Chúng nằm sắp lớp dưới lá khô ẩm ướt trên nền đường, nghe động chúng nhất loạt ngóc đầu lên thẳng đơ như những que diêm, lắc lư chờ. Bàn chân vừa đặt xuống chúng bám dính ngay và leo thoăn thoắt tìm chỗ hiểm hút máu. Đi đường mà chậm chỉ có làm mồi cho vắt, vì vậy nên hai anh em cứ phải chạy lúp xúp, chạy đều đều hàng giờ cho đến lúc gặp một con suối...

Anh Ngữ bảo tôi:

- Cậu lội ra giữa dòng lấy dao găm cạo vắt bám dưới chân cho nước cuốn trôi đi, bắt không bao giờ xuể.

Tôi làm theo, máu từ các vết vắt cắn ở hai bắp chân trào ra đỏ loang mặt nước. Cái điệp khúc chạy gằn diễn đi diễn lại suốt ngày. Chuyện dọc đường giữa anh và tôi, hay cho đúng hơn, anh nói tôi nghe chỉ là những câu giới thiệu vắn tắt:

- Đây là Bến Săng, tháng trước bọn Com- măng- đô luồn rừng phục kích, bị tụi mình ngửi được mùi thuốc lá thơm, quăng cho mấy quả lựu đạn quân giới, bọn chúng tháo chạy không kịp.

Đây là Khe Trổ, cọp mới vồ một anh bộ đội chủ lực trung đoàn 95, anh đi sau bí quá ném theo quả lựu đạn, cả ta và cọp đều bị thương.

Đây là Cù Đinh, Ba De, dân tốt lắm, bọn Pháp lùng càn liên tục, đốt trụi nhà cửa, bắn chết nhiều người, nhưng dân không nản, một lòng theo cách mạng đến cùng.

Đi suốt ngày không gặp một bóng người. Về chiều sự u tịch của núi rừng càng tăng lên gấp bội. Tiếng lao xao của lũ bồ chao, tiếng trở cánh não nuột của bìm bịp, tiếng gáy xao xác của gà rừng, tiếng u u của gió rít qua rừng già nghe sởn cả tóc gáy.

Trời tối dần, con đường nhỏ nhoi biến mất trong tán cây và bóng đêm. Anh Ngữ đi chậm lại ghé vào tai tôi:

- Ban đêm chả sợ địch phục, chỉ lo gặp hổ. Bọn hổ thính lắm, chúng đánh hơi người và thường mò ra dọc đường giao bưu để săn mồi...

Tôi căng mắt nhìn vào màn đêm. Bụi cây nào hình như cũng di động, góc nào cũng như sắp có hổ lao ra. Theo anh Ngữ dặn, tôi vác ngang cây gậy trên vai. Kinh nghiệm của những người đi rừng, nếu vác que hay gậy kiểu ấy hổ không dám vồ. Vốn đa nghi và thận trọng hổ chỉ vồ mồi khi thấy thực sự an toàn và chắc chắn. Anh Ngữ kể rằng: có một người đi qua một khu rừng vai vác cây mía, con cọp cứ rình theo, đến đoạn dốc cao mệt và khát, người đi đường ngồi nghỉ ăn hết cây mía, đi tiếp được mươi mét liền bị hổ vồ ngay... Nghe anh kể, mồ hôi hột tôi toát ra lạnh ớn.

Để khỏi lạc nhau anh chỉ cho tôi:

- Vệt đen trên mặt đất trong rừng là con đường. Xung quanh vệt đen toàn là màu sáng trắng, đó là lớp lá cây rụng xuống lâu ngày mục nát, đêm tự phát sáng. Anh nhặt một chiếc lá mục ngời chất lân tinh cài vào phía sau mũ để tôi định hướng bước theo khỏi lạc.

Gần sáng mới đến được trạm T74. Trạm vắng hoe, giữa trạm một đống lửa to tướng cháy rừng rực, có lẽ nó cháy suốt đêm như thế. Nghe chúng tôi gọi cửa một người cập rập chạy ra. Anh Ngữ hỏi ngay:

- Thức ơi, anh Huyến trạm trưởng, anh Nguyên, anh Cẩn đâu cả rồi?

Anh Thức buồn rầu nói đứt quãng:

- Anh Huyến, anh Cẩn đi công văn Ba Lòng, còn anh Nguyên bị hổ bắt mất rồi!

Nước mắt anh Thức tuôn trào, anh níu chặt lấy chúng tôi như sợ chúng tôi biến mất. Vào trạm, đưa ra chiếc túi giao bưu còn loang vết máu đỏ bầm, anh nức nở kể lại:

Nhận một túi công văn khoảng 5-6 kg, tôi và anh Nguyên bàn nhau đi sớm cho kịp thời gian. Vượt qua T72 chừng bốn cây số, sương mù đặc quánh, để đảm bảo an toàn tôi đi trước cảnh giới, anh Nguyên mang túi công văn đi sau khoảng 10 mét. Đến khu vực Bến Săng, tôi chợt ngửi thấy mùi ngai ngái khăn khẳn, nhiều năm ở rừng tôi biết đó là mùi đặc trưng của hổ, định quay lại báo cho anh Nguyên cùng tìm cách đối phó thì bỗng nghe một tiếng vút xé gió lao đi, liền sau đó là một tiếng “rầm!”. Rồi tiếng kêu thất thanh:

- Trời ơi!

Hổ vồ anh Nguyên mất rồi!

Tôi nghĩ rất nhanh và chụp chiếc gậy chạy nhào về phía anh Nguyên bị nạn. Vừa chạy tôi vừa thét lạc giọng, vừa đập rầm rầm như điên dại vào cây cối hai bên đường. Đến nơi, giữa lối đi chỉ có một gói công văn rơi lại, không thấy dấu vết gì. Đang loay hoay định hướng, tôi bỗng nghe phía trước mặt rất gần có tiếng gầm gừ, rồi tiếng rên yếu ớt đứt quãng: Cứu! cứu!...

Không chần chừ tôi vác gậy xông tới, vừa đập vừa la, hy vọng con thú dữ hoảng sợ mà buông tha cho anh Nguyên. Nhưng lại thêm một tiếng gầm man rợ và một cú nhảy xé gió lao đi. Như một cái máy, tôi lại vác gậy lao về hướng có tiếng gầm. Máu anh Nguyên bắn ra tung toé vương trên lá cây quệt vào áo, vào mặt tôi ướt đẫm, các bó công văn rơi tung toé từng chặng. Theo vết máu, theo dấu công văn rơi, theo tiếng gầm gừ của hổ và tiếng rên lịm dần, đứt quãng giữa rừng già của anh Nguyên, tôi rượt đuổi chừng hơn cây số... khi không còn hy vọng cứu được anh tôi mới trở lui. Cổ khô nghẹn, người rã rời, mắt đẫm lệ. Gần hai tiếng đồng hồ tôi mới chui rúc, nhặt nhạnh gom đủ 42 gói công văn, gói nào cũng đẫm máu anh Nguyên. Không biết đói, không biết mệt tôi chạy 20 cây số về trạm.

Không có hương thắp cho anh, chúng tôi đốt lửa mấy ngày nay để tưởng nhớ anh đã hy sinh trên đường công tác.

Anh Thức kể xong, ba chúng tôi ôm nhau nước mắt giàn giụa.

Trưa, anh Ngữ đột ngột lên cơn sốt, mặt anh đỏ bừng, tay chân lạnh toát. Tôi sờ lên trán anh thấy nóng bỏng. Anh co giật, mê man và nói sảng. Tôi và anh Thức thay nhau nằm đè lên người cho anh ấm để đỡ run. Trong trạm không có gì để nấu cho anh bát cháo. Anh Thức bảo cậu ở nhà trông cho anh Ngữ, mình ra rừng kiếm ít củ mài...

Phải gần hai tiếng đồng hồ anh Thức mới quay về, trông anh bơ phờ hốc hác, mặt tái nhợt, anh cười mà trông như mếu:

- Cái giống này nó ăn sâu vào đất ghê quá, mình vừa đói, vừa mệt chỉ đào được tới hết tầm cánh tay, giá mà đào được sâu thêm tí nữa...

Anh bỏ ra giữa lán ba bốn mẫu củ mài bằng ngón chân, mỗi mẫu dài chừng một gang tay. Chúng tôi nấu cho anh Ngữ bát cháo củ mài với ruốc. Ruốc làm từ con tép biển giã nhỏ, trộn muối thật mặn, màu thâm xịt như đất, được chuyển từ biển Vĩnh Thái lên. Để có chút ruốc đến được chiến khu nhiều khi phải đổi bằng máu xương của bộ đội và dân công.

Ruốc Vĩnh Thái ngày ấy, có mùi rất nặng, người khoẻ mạnh ngửi thấy đã lợm giọng buồn nôn nói gì đến người ốm. Tuy vậy, món ruốc ấy là nguồn dinh dưỡng cao cấp và chủ yếu cung cấp cho chiến khu, nó được đong bằng vỏ hộp sữa bò và đắt gấp gạo đến ba lần.

Anh Ngữ đành phải nằm lại T74, chuyến công văn trở ra tôi đi một mình. Vừa nghe tin anh Nguyên bị hổ bắt ban sáng, chiều trở lại con đường ấy một mình, tôi rờn rợn. Nhưng nhiệm vụ giao bưu không thể chần chừ một phút. Tôi khoác túi công văn lên vai nhờ anh Thức trông nom anh Ngữ rồi hăm hở trở về con đường cũ.

Mây màu chì sũng nước, mưa nặng hạt đều đều, chập tối tôi ra tới ngọn Rào Trường, thượng nguồn sông Bến Hải. Chỉ sau một ngày mưa, nước sông cuồn cuộn chảy, vô số các xoáy nước hình phễu xoay tít, chùn chụt hút xuống lòng sông rều rác, gỗ mục. Nhìn dòng sông mà chóng mặt. Trời sụp tối rất nhanh, tôi đành tìm một đoạn dây cổ rùa, mang túi công văn leo lên một cây cổ thụ, tìm chạc ba xoải chân ngồi, rồi tự buộc mình vào cành cây, đề phòng đêm mơ ngủ rơi xuống đất.

Cho đến tận bây giờ, đêm ấy là một trong những đêm dài nhất cuộc đời tôi. Giữa đại ngàn Trường Sơn tĩnh lặng đến huyền bí, tôi gặm nhấm từng giây phút nỗi cô đơn của con người khi tách biệt khỏi đồng loại, của một chiến sĩ khi phải xa đội ngũ. Tôi đếm từng tiếng nhỏ côn trùng, tiếng xao xác chuyền cây rung nước lộp độp của lũ chồn bay, tiếng bép bép, khàn khàn của chú nai con lạc mẹ, tiếng hồng hộc giận dữ kèm theo tốc độ di chuyển ràn rạt như giông bão của đàn lợn rừng, nhưng rùng rợn hơn hết là tiếng gầm rú chết chóc của bầy hổ đói.

Tôi ôm ghì túi công văn vào ngực, nhờ có nó tôi ấm lên đôi chút. Bên tai tôi văng vẳng lời anh Xuân trạm trưởng: “Đối với người chiến sĩ giao bưu, tài liệu của Đảng, của đoàn thể quý hơn sinh mạng của mình”.

Mưa cứ gõ nhịp tàn phai, tôi cứ thức ngủ chập chờn. Khi nghe tiếng con chim hoạ mi lảnh lót hót vang tôi choàng tỉnh, ngước nhìn qua vòm lá trên đầu, thấy khoảng trời xanh cao vời vợi le lói những tia nắng rực rỡ, ấm áp hiếm hoi giữa mùa đông... Quen như mọi ngày tôi vùng đứng dậy, nhưng sợi dây rừng đã buộc cứng vào lưng níu lại, tôi cười một mình rồi tự cởi trói, tụt xuống đất. Nước sông đã trở nên hiền hoà hơn nhưng vẫn còn rất tê buốt. Sức trẻ, sự quyết tâm đã giúp tôi vượt sông an toàn. Tôi cứ tiếp tục đi như chạy về trạm.

* * *

Anh Xuân ôm ghì lấy tôi mừng rỡ, anh khen tôi hoàn thành xuất sắc chuyến công tác đầu tiên, tuy có nhiều khó khăn, trắc trở nhưng đã cố gắng vượt qua. Anh nói:

- Dù sao tất cả chỉ mới bắt đầu.

Đúng như lời anh nói, sau chuyến công tác ấy tôi tiếp tục làm nhiệm vụ tại trạm hơn hai năm nữa, đi lại trên tuyến đường gian khổ ấy hàng trăm lần. Mỗi lần đi lại là một kỷ niệm khó quên. Không có chuyến công văn nào không thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt. Mỗi chuyến đi, về cứ đọng lại mãi trong tôi những niềm tự hào không phải ai cũng có được:

- Hôm nay đoàn của đồng chí Phạm Văn Đồng cùng gia đình ra chiến khu Việt Bắc qua trạm, đồng chí cám ơn sự đưa đón tận tụy của trạm ta.

Sau lời biểu dương của Trạm trưởng, tôi mới biết và nhớ lại: Vị trung niên cắt tóc ngắn, trán cao, mắt sáng nói giọng Quảng cùng với gia đình đi theo có một trung đội Vệ quốc đoàn hộ tống, khi đến sông Bến Hải nghỉ lại ăn trưa ông bẻ vắt cơm độn sắn chấm muối lạc đưa cho tôi phần nhiều, ông vui vẻ hỏi chuyện tôi, ông còn dạy tôi chống vắt bằng một thứ lá rừng giã nhỏ, gói vào túi vải đính lên đầu trên chiếc gậy, khi bị vắt bám chỉ cần trở đầu gậy chấm nhẹ một cái, con vắt bị xót sẽ co lại rụng xuống đất, khỏi mất công dừng lại cúi xuống bắt. Thì ra ông ấy là đại diện đặc biệt của Chính phủ chỉ đạo kháng chiến ở Khu V...

 

Lại có lần tôi nhớ khoảng mùa Đông năm 1948, có một ông cán bộ mặc bộ bà ba đen giản dị như một nông dân. Cứ mỗi chặng nghỉ ông lại hỏi chuyện chúng tôi rất tỉ mỉ rồi ghi chép vào sổ tay, khi khách qua trạm rồi anh Xuân mới cho tôi biết đó là ông Lê Đức Thọ, đặc phái viên của Trung ương từ Việt Bắc vào chỉ đạo chiến trường Nam - Trung Bộ. Sau này hoà bình lập lại, tôi được đọc tập thơ Trên những nẻo đường của ông, trong đó có bài “Em liên lạc”, mở đầu bằng câu:

Anh qua nơi Bình Trị

Nghỉ lại giữa rừng hoang

Gặp em liên lạc dẫn đường...

Khi màn sương chiếu đất

Lúc gió lạnh mưa rơi

Muỗi, sên đầy lối cỏ

Hút bao dòng máu tươi

Hình dáng em anh rõ

Sốt rét mấy lần rồi

Em chữa toàn thuốc lá

Bệnh chẳng lúc nào ngơi

Khi công văn thượng khẩn

Ngày đêm mang đến nơi

Mặc cọp gầm, vượn hú

Bao giờ em thoái lui...

Đọc thơ ông tôi cứ nghĩ ông viết bài thơ ấy tặng riêng cho những người chiến sĩ ở trạm giao bưu chúng tôi.

Lại nữa, có lần khi khách đi xa mấy ngày rồi anh Xuân mới ghé vào tai tôi:

- Ông quấn khăn rằn vừa đi qua trạm mình hôm trước là ông Sơn Ngọc Minh - Lãnh tụ cách mạng kháng chiến Cămpuchia đi công tác nước ngoài, mượn đường giao bưu của mình để về nước lãnh đạo cách mạng Cămpuchia đấy. Ông gửi lời cám ơn cậu.

Thì ra con đường giao bưu của chúng tôi, ngoài công việc quốc gia còn đảm nhiệm cả nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.

Một chiều lập đông năm 1949, anh Xuân trạm trưởng vỗ vai tôi:

Đồng chí đã được trên chuẩn y kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông dương. Tối nay tôi sẽ thay mặt Cấp ủy và Chi bộ làm lễ tuyên bố kết nạp đồng chí vào Đảng.

Tim tôi đập rộn ràng. Từ một đứa trẻ chăn trâu thuê lam lũ, lớn lên trong phong trào cách mạng sục sôi của những ngày Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám. Tôi hăng hái tham gia công tác tại địa phương, rồi tự nguyện phục vụ kháng chiến trong ngành Giao thông Bưu điện. Đến hôm nay tôi sắp trở thành người đảng viên cộng sản, mới gần hai năm lăn lộn trên tuyến giao bưu tôi đã lớn lên rất nhiều.

Tắm rửa sạch sẽ, tôi chọn mặc bộ quần áo đẹp nhất, cũng chỉ là bộ quần áo ít mụn vá nhất trong gói tư trang mà tôi mang theo từ nhà đi kháng chiến. Đêm 07 tháng 12 năm 1949 trong chiếc lán lá giữa rừng Trường Sơn, không khí trang nghiêm nghi lễ, tôi giơ nắm tay lên xin thề mãi mãi trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng quang vinh. Không cờ, không khẩu hiệu, không hoa, qua khung cửa sổ chỉ có ngôi sao Hôm bừng sáng lấp lánh nhìn tôi như ánh mắt cười vui.

Mùa Thu này, với tôi có một sự trùng hợp kỳ thú, ngành Bưu điện kỷ niệm 55 năm thành lập, tôi tròn tuổi 85, vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ở độ tuổi này con người ta không còn nhớ nhiều về chuyện cũ, nhưng với tôi cuộc đời gắn bó với Đảng, với Ngành hơn nửa thế kỷ qua có bao điều đáng nhớ. Và điều đáng nhớ nhất đó là có một đêm đông giá giữa Trường Sơn - Tôi, anh Xuân, anh Ngữ, anh Cẩn, anh Thức co quắp ôm nhau trong lán lá không chăn chiếu, mơ ước có một cái máy thần ngồi một chỗ mà liên lạc được đến khắp nơi trong tỉnh để khỏi mang những túi công văn lội suối, trèo đèo, bươn bả sớm khuya giữa rừng sâu heo hút... Các anh người bị địch phục kích, người bị hổ vồ, người sốt rét ác tính đã lần lượt ngã xuống trên những chặng đường công tác: Cống La Hà đường 9, Bến Săng, Khe Trổ, Khe Cau... Linh hồn các anh, thân xác các anh đã hoà vào đất đai, khe suối... để lại trong lòng tôi bao nỗi tiếc thương vô hạn.

Từ bảo đảm giao thông liên lạc bằng đôi chân, đến sử dụng mạng lưới viễn thông hiện đại được số hoá, điện tử hoá, loài người phải trải qua cả nghìn năm chiêm nghiệm tìm tòi. Nhưng với tôi và thế hệ chúng tôi đang có diễm phúc to lớn: được chứng kiến sự thần kỳ của ngành Bưu điện Việt Nam, từ những bước chân giao bưu trần trụi trên đường Trường Sơn, đến sử dụng hệ thống thông tin liên lạc với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay, tất cả sự biến đổi mầu nhiệm ấy chỉ xảy ra vẻn vẹn có 50 năm. Tôi không ngờ ước mơ ngỡ như không tưởng của mình giữa Trường Sơn năm xưa lại được các thế hệ cháu con biến thành hiện thực nhanh đến thế.

Xin cám ơn sự đổi mới của Đảng, cám ơn thế hệ trẻ của Ngành đã thông minh, dũng cảm, năng động, sáng tạo, tiên phong trong chiến lược tăng tốc để ngành Bưu điện Việt Nam ngang tầm thời đại.

Nhưng trước hết, hãy xin được thắp một nén hương tri ân những người đã ngã xuống làm nền móng cho sự nghiệp hôm nay.  

T.P.T

Tống Phước Trị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 83 tháng 08/2001

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

2 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground