T |
ruyện ngắn trong nước mấy năm gần đây khởi sắc. Trong bối cảnh chung đó, cuộc thi truyện ngắn năm 1995 của tạp chí Nha Trang cũng có nhiều nét mới. Đây có lẽ là cuộc thi đầu tiên do Tạp chí tổ chức cho thể loại này, nó được phát động giữa lúc tình hình văn xuôi ở tỉnh ta đang có những dấu hiệu im lặng; đồng thời nó cũng dễ lẫn vào với hàng trăm cuộc thi khác của hàng trăm tờ báo, tạp chí trong cả nước. Tuy nhiên cho tới ngày cuối cùng con số truyện ngắn dự thi mà Ban tổ chức nhận được cũng không phải xoàng: Trên dưới trăm truyện! Nhìn lướt qua tên và địa chỉ của các tác giả thấy người gần, kẻ xa, đủ cả, mà xa nhất là các anh chị ở mãi tận Kiên Giang, Hải Phòng, trong đó có không ít những tên tuổi quen thuộc đã từng được khẳng định trên lĩnh vực văn xuôi của nước ta. Nói điều đó để thấy rằng sở dĩ cuộc thi của chúng ta có được tiếng vang nhất định một phần không nhỏ là nhờ vào uy tín cũng như phạm vi phổ biến của tờ Tạp chí Nha Trang - Cơ quan tổ chức cuộc thi.
Bắt kịp với sự phát triển chung, truyện ngắn trong cuộc thi này khá phong phú về mặt nội dung và đa dạng trong cách thể hiện. Có thể thấy có hai khuynh hướng khai thác. Thứ nhất tìm về với những đề tài cách mạng truyền thống. Cái mới trong những truyện viết về đề tài này là không dừng lại ở những phác đồ mang tính khái niệm có sẵn mà biết khai thác sâu các tình huống, làm bật lên tâm trạng cũng như số phận cá nhân của các nhân vật. Tiêu biểu cho khuynh hướng khai thác này là các truyện: "Bay đơn", "Bay đêm" của Nguyễn Minh Ngọc,"Ấn tượng tuổi thơ" của Viết Hùng, "Phù Sa" của Quang Huy, "Chiều về muộn" của Đình Kính, "Nhậu với kẻ thù" của Mai Ân, "Sông cái" của Nguyễn Phước Thị Liên... Trong số này có những truyện mà về mặt khai thác tư liệu hết sức độc đáo, chẳng hạn như là chuyện tiếp tế vũ khí, lương thực của không quân bằng máy bay từ Bắc vào Nam trong kháng chiến chống Mỹ - chuyện như vậy trước đây phải giữ kín, còn bây giờ đã công bố được rồi thật ra cũng rất ít người biết.
Khuynh hướng khai thác thứ hai: Đi vào cuộc sống đời thường. Đương nhiên ở mảng sống này thì các nhân vật hiện ra muôn hình muôn vẻ, không ai giống ai. Các số phận cá nhân được khai thác triệt để dưới nhiều góc độ khác nhau, đan cài nhau, tâm trạng nhân vật diễn biến trên nhiều cung bậc được đẩy đến tận cùng, còn các tình huống truyện thì khi là hợp lý, khi là vô lý... Tất cả nhằm tạo ra một trường lực đa tầng, đa nghĩa... Những truyện tiêu biểu cho lối khai thác này là: "Hậu" của Nguyễn Đình Thung, "Những bóng cây trên đất" của Trần Thanh Hà, "Những bức bình phong" của Ái Duy, "Chết đường" của Lê Văn Thiện, "Người đàn bà thái thịt bằng chân" của Nhất Lâm, "Sông đời xuôi chảy" của Bội Hoàn, "Còn lại chút cuối đời" của Trần Tự.v.v... Có lẽ sự hơn thua nhau giữa những truyện này là ở cái phần chìm bên sau, đó là tính nhân bản sâu sắc, tính triết lý ẩn đằm dưới mạch truyện mang đậm chất văn học.
Về nghệ thuật truyện ngắn qua cuộc thi này cũng có điểm đáng chú ý. Đã có lúc người ta lấy truyện ngắn làm thể loại "xung kích" vì thấy nó ngắn, cơ động, dễ nói trực tiếp nên truyện ngắn lúc ấy có hơi hướng của bút ký, bàng bạc chất tân văn; truyện ngắn theo hướng này thường là thấy gì kể nấy trên một cốt truyện có sẵn và khi truyện kết thúc cũng là lúc khép lại một vấn đề. Nhưng dần dà truyện ngắn đã trở về với chính nó, trở về với ngôn ngữ biểu cảm của nghệ thuật; nó đa thanh, đa nghĩa như chính cuộc sống mà con người đang tiếp cận và nhận thức. Nhiều truyện ngắn trong cuộc thi này, theo chỗ chúng tôi đánh giá, đã đạt đến độ tinh tế trong sử dụng ngôn ngữ, thuần thục trong các thủ pháp xây dựng nhân vật... Chứng tỏ người viết đã có một trình độ văn hóa nhất định trước khi cầm bút.
Có thể nói Ban sơ khảo đã làm việc suốt năm để chọn từ hàng trăm truyện ra 24 truyện đưa vào chung khảo. Nhân đây cho tôi thay mặt Ban giám khảo có mấy nhận xét cụ thể một số truyện ngắn được chú ý trong vòng chung khảo:
- Truyện "Những bóng cây trên đất" của Trần Thanh Hà: Ngay từ đầu đã cuốn hút được người đọc bởi cái không khí truyện vừa dữ dội, sù sì lại vừa lãng mạn. Truyện mang cái hơi thở của buổi giao thời khi đất nước bước vào kinh tế thị trường mọi cái ngổn ngang và con người cũng đang tự điều chỉnh mình. Anh thanh niên tên Nhân trong truyện vốn tin tưởng vào cái thật thì gặp toàn cái giả, cho tới khi mọi thứ đã làm anh chán nản, đã định buông xuôi, thì một cách vô tình anh đã gặp được cái thật - thì ra trong cuộc sống xô bồ này, vẫn có cái thật, cái trinh trắng!
- Cũng một lối viết đấy ám ảnh như vậy, một tác giả nữ khác, chị Ái Duy với truyện ngắn "Những bức bình phong" đem đến cho người đọc một hương vị khác. Truyện quay về với một góc vắng nào đó của đời sống, ở đây ta bắt gặp cái gì đó đã qua: Cái già nua ẩm mốc rờn rợn như từ một thế giới âm u nào hiện về. Cái kinh khủng ở chỗ là nó ở rất gần ta, đôi khi còn có vẻ thân thiết, ruột thịt nữa, nó chỉ ở cách ta một bức bình phong... Truyện của Ái Duy nhiều ẩn dụ, nén bên sau một triết lý...
- Truyện "Còn lại chút cuối đời" của anh Trần Tự làm người đọc cảm động bởi một mối tình đời thường giữa một nhà văn lang thang với một phụ nữ bất hạnh phải làm một thứ nghề bất đắc dĩ là "đón khách". Truyện của anh có cái chừng mực của một nhà văn có nghề, câu chuyện được dẫn dắt khôn khéo, tuy đơn tuyến nhưng đạt tới tính nhân văn sâu sắc.
Ngoài ra, BGK cũng đánh giá cao các truyện "Bay đêm" của Nguyễn Minh Ngọc, "Ấn tượng tuổi thơ" của Viết Hùng, "Cô Thanh yêu dấu" của Ngọc Trinh và một số truyện ngắn khác. Tuy nhiên, ở đây, với tư cách cá nhân, tôi xin phép được nói lên sự tiếc rẻ của mình ở một số truyện ngắn tuy không được giải nhưng đã gây được ấn tượng mạnh, chẳng hạn như truyện "Hậu" của Nguyễn Đình Thung (đã đăng ở Nha Trang số 32) hoặc một truyện của tác giả Bội Hoàn "Sông đời xuôi chảy"... Truyện "Sông đời xuôi chảy" thoạt đầu được tác giả dẫn dắt một cách bằng lặng nhưng hoàn mỹ, đó là khi mô tả năm cô gái "nhà hàng xóm" đài các cấm cung giữa những đám rêu và chậu cây cảnh trong một không khí lúc ẩn, lúc hiện, cho đến một ngày tất cả bọn họ lần lượt lên xe hoa. Mảnh vườn nhà bên vắng lặng như một niềm nuối tiếc. Rồi một ngày kia trở lại thăm chốn cũ, tác giả bỗng thấy năm cô đều đã trở về, hỏi ra mới biết: Chồng của họ đều đã tử trận!... Câu chuyện thực ra không thể kể trong một vài câu vì nó không có chuyện, cái hay nằm ở sức gợi tả của ngôn ngữ mà qua đó, tác giả đã phả vào mạch truyện một nỗi hoài niệm bâng khuâng đến se lòng. Rất tiếc truyện lại không thể trao giải chỉ vì một điểm: Tác giả tố cáo chiến tranh nhưng không cho biết ai gây ra cuộc chiến tranh đó. Ở đây rõ ràng có chuyện phải thật phân minh và tôn trọng sự thật lịch sử.
Nhưng như mọi cuộc thi, cuộc thi này cũng phải tới hồi kết thúc. Ban giám khảo chúng tôi đã làm việc một cách thận trọng khách quan - vâng, có thể còn có điểm này, điểm khác chưa thật chính xác trong nhận định, thậm chí chưa nhận thấy hết cái hay trong một số truyện dự thi, nhưng ngay cả điều đó nữa nếu có cũng không phải xuất phát từ một định kiến cá nhân nào. Cái thành công lớn nhất của cuộc thi này mà tất cả chúng ta đều dễ nhận ra: Truyện ngắn khởi sắc!
C.D.T