Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tư liệu cho một bài báo chưa viết

S

o với 162 làng của huyện Vĩnh Linh được lập ra, sớm nhất từ thế kỷ XI, gần nhất cũng vài chục năm nay thì ngôi làng ấy quả là rất mới, mới ngay từ tên gọi, làng Tân Thủy. 'Tân' chữ Hán nghĩa là mới, 'Thủy' là gọi tắt tên xã Vĩnh Thủy. Ghép hai chữ ấy hiểu nôm na là làng mới của xã Vĩnh Thủy, một xã bán sơn địa thuộc huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp với chiến khu Thủy Ba và chiến thắng một ngày bắn rơi tại chỗ sáu máy bay, bắt sống năm phi công trong kháng chiến chống Mỹ.

Vào một ngày đẹp trời tháng 4 năm l 993 nơi bốn mươI bảy năm trước là chiến khu Thuỷ Ba đã diễn ra một sự kiện lịch sử, ấy là hàng chục hộ nông dân của nhiều xã đồng bằng huyện Vĩnh Linh thực hiện chủ trương di dãn dân của Đảng náo nức lên đây lập nghiệp. Nhiều hộ cùng lập nghiệp trên vùng đất nào đó thì phải lập làng. Làng phải có tên gọi. Nhưng có điều không bình thường là cái tên 'Tân Thủy' hay ho là vậy mà dân bản địa ít dùng, họ gọi là làng Mới cho gọn. Rồi cũng từ cách gọi ngắn gọn ấy mà đầu óc tưởng tượng của dân gian có lúc gọi chệch đi một cách vui đùa làng Mạt. Họ nói dân làng Mạt, học sinh - làng Mạt, cao su làng Mạt, trâu bò làng Mạt... Nghe vậy vài người dân Tân Thủy bứt rứt khó chịu vì người ta coi thường mình quá nhưng đa phần thì vô tư, nghĩ mình đang mạt quá người ta gọi thế cũng có phần đúng chứ có sao đâu. Làng nào chẳng thế. Những khó khăn, thiếu, đói thậm chí có lúc nhếch nhác lúc mới khai thiên lập địa làm sao tránh khỏi.

'Cơ cực lắm bác ơi'! Đó là câu trả lời thường trực của những người dân Tân Thuỷ khi tôi hỏi thăm tình hình lúc mới lên lập nghiệp.

- Cực ra làm sao? Tôi hỏi thử anh Thử.

- Cực cháy đa (da) luôn. Như trường hợp vợ chồng tui đây. Dỡ nhà bếp dưới quê Vĩnh Tú đưa lên đây dựng được túp lều đủ che mưa nắng cho vài người, coi như tạm 'an cư' để 'lập nghiệp'. Đoạn này mới lắm gian truân. Một mình xoay trần ra chạy như 'chó đạp phải lả' (lửa), mà chạy đủ thứ, chạy vay vốn, chạy thuê máy ủi, chạy mua cây giống, chạy mượn người làm và cả chạy ăn nữa. Nan giải nhất là khoản vốn. Lúc đầu ngân hàng cho vay chỉ đủ để mua giống, rứa đã là quý lắm, còn san lấp mặt bằng và các thứ khác thì tự lo. Rứa là chạy tiếp, chạy vay, mượn, .chạy cầm đồ kể cả trong nhà có thứ gì đáng giá cũng đưa ra chợ luôn...

Thử chêm nước vào ly mời tôi, nhân quãng lặng ấy chị Nguyệt tiếp mạch chuyện:

- Không thể tả nổi cái cực triền miên trong mấy năm đầu lo ăn, lo ở, lo làm. Làm ra lại lo giữ. Cao su mọc cao vài gang tay hàng đàn trâu bò, heo rừng kéo đến quần phá. Có đêm heo mò vào trong nhà lục lọi thức ăn, đuổi chúng ra được một chặp lại mò vào. Có bữa chồng tôi bảo thôi đừng đuổi nữa, chung sống hoà bình với nó cũng không sao...

Cũng cùng kênh thông tin với chị Nguyệt, ông Võ Văn Khỏe trưởng làng cho biết heo không sợ bằng trâu, trâu thả rông, chúng đi hàng đàn hàng lũ, mỗi đàn vài chục con, lang thang hết đồi này đến đồi khác, gặp chi phá nấy dử tặc còn hơn giặc. Vậy là để chống lại loài 'giặc' bất đắc dĩ này vợ, chồng, con cái phải chia nhau canh giữ suốt đêm, rồi 'chiến lược' hơn trằn lưng ra đào hào chặt cây rào chắn. Cường độ lao động thì lớn, ăn uống kham khổ, cơm gạo ít, sắn khoai nhiều. Không ít hộ sắn khoai cũng không đủ. Những lúc đó dân các làng Thuỷ Ba, Lại Đức Quang Xá.. sẵn sàng dang rộng vòng tay đón họ. Ông Trần Công Sơn bảo nếu không có lòng hảo tâm 'một miếng khi đói bằng gói khi no' của những người dân địa phương cho ông khi rổ sắn, cân gạo, lúc mớ rau, quả bí... thì ông không trụ nổi và càng không thể có sáu ha cao su hôm nay.

Không riêng gì hộ ông Sơn nhà có sáu miệng ăn, bản thân bị tật nguyền thì thiếu ăn là điều khó tránh mà ngay một số hộ khác vợ chồng trẻ, khoẻ nhà ít người cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Phải chăng vì thế mà một số dân bản địa gọi những người bạn mới của mình là dân làng Mạt biến âm của cụm từ “làng Mới”. Đằng sau sự xếp loại so sánh ấy còn bao hàm thêm nghĩa thông cảm, chia sẽ với những khó khăn, thiếu thốn mà dân làng Tân Thủy đang gánh chịu, chứ giả sử nếu có ý gì miệt thị thì chỉ là cá biệt.

Nhìn những quả đồi bát úp nối liền nhau bạt ngàn cây ngấy, sim mua mà ngày này qua năm khác bằng những đôi tay chai sần phải bóc đi để thay dần vào đó những cây cao su ngang hàng thẳng lối, nhiều người lắc đầu ngao ngán. Có kẻ lắc đầu xong, cúi xuống mặt đồi chặt cây, đào hố tiếp. Có kẻ lắc xong liền xách cuốc nguây nguẩy ra về rồi không bao thấy họ lai vãng, lên đây thêm một lần. May thay số này cá biệt, chỉ có vài hộ lực mòn chí nản bồng bế con cái dắt díu nhau 'hạ sơn'. Tuy nhiên sáu mươi lăm hộ còn lại hạ quyết tâm không đi đâu nửa, 'đâm lao phải theo lao' đến cùng, chỉ có bám vào đất này vững chắc như bộ rễ cây cao su mới trồng đang từng ngày xuyên sâu xuống lòng đất mới hòng vượt qua đói nghèo. Cần nói thêm rằng vào thời điểm ấy trong quá trình thực hiện dự án trồng cao su tiểu điền ở Vĩnh Linh cũng có những trục trặc tương tự. Có lẽ thấy trồng cao su lâu được ăn nên lãnh đạo xã K ra chủ trương cho dân chặt phá trồng lạc là loại cây ngắn ngày mau thu hoạch, giá lại cao. Ông Hà Lực là bí thư Huyện uỷ Vĩnh Linh lúc đó rất bức xúc đòi thi hành kỷ luật bí thư xã đã làm trái nghị quyết BCH Huyện ủy về việc trồng cây cao su tiểu điền, liền sau đó chỉ đạo xã K họp, kiểm điểm nghiêm túc, thành khẩn nhận khuyết điểm và bãi bỏ chủ trương. Sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của BCH Huyện uỷ góp phần quyết định để Vĩnh Linh hôm nay có năm ngàn ha ca cao su tiểu điền dẫn đầu toàn tỉnh. Diện tích cây cao su tỉnh Quảng Trị đang và chưa đến tuổi khai thác là tám ngàn ha.

Lại nói về làng Tân Thủy. Ông trưởng làng dẫn tôi đi thăm mấy lô cao su sát trục đường liên xã bởi không thể đi hết được nửa ngàn ha (số làm tròn) làng đã trồng trong hơn mười năm qua. Diện tích ấy đúng bằng một phần mười tổng diện tích cao su tiểu điền của toàn huyện Vĩnh Linh. Xin được dẫn vài số liệu ở góc nhìn khác để thấy rõ ý nghĩa của công việc làm Tân Thuỷ. Tiếp giáp với làng về phía Tây là hồ thuỷ lợi La Ngà. Trước đây khi rừng phòng hộ còn một nghìn bảy trăm ha thì đủ nước tưới cho hai ngàn ba trăm ha ruộng ba xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy. Nhưng rồi nạn chặt phá rừng, chiếm dụng đất rừng của con người  không kiểm soát nổi, đến nay diện tích rừng đầu nguồn chỉ còn bảy trăm ha, khi nước lên cao hai mươi hai mét diện tích lòng hồ còn vẻn vẹn chỉ còn mười ha (trước đây là bốn trăm ha) thì cũng chỉ đủ tưới cho một nghìn bảy trăm ha lúa một vụ. Vậy thì nửa ngàn ha cao su kia hiện tại đã phủ xanh đất trống đồi núi trọc là nhân tố không thể thiếu cùng với chương trình 327 mà huyện đã và đang tích cực triển khai ắt trả lại cho hồ La Ngà đu lượng nước tưới như thiết kế.

Tản bộ trong ngút ngàn của tán rừng cao su râm mát chợt thấy lòng xao xuyến nhớ lại câu thơ thuở còn cắp sách đến trường 'Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” Vâng! “sỏi đá cũng thành cơm” đó là  cách nói rất hay của hình tượng văn học nghiệm cho mọi trường hợp lao động sản xuất còn trong thực tế ở Tân Thủy thì mủ cao su mới biến thành cơm được. Hiện nay một kg mủ có giá mười ngàn đồng, lúc cao hai mươi ngàn đồng. Theo quy trình thì cạo một ngày nghỉ một ngày một năm cạo từ tám đến chín tháng. Thường thường một hộ nông dân ở đây cạo được một tạ mủ trong một ngày có  nhà gấp đôi. Lâu nay mủ cạo xong tư thương về tận nhà tranh bán tranh mua, không tránh khỏi tình trạng ép giá. Cuối năm ngoái ở Vĩnh Linh đã đưa vào sản xuất nhà máy chế biến mủ cao su của công ty TNHH Trường Anh, thế là đủ thành phần cấu thành bộ tứ bốn nhà giúp nông dân Tân Thủy cũng như toàn huyện Vĩnh Linh tiêu thụ sản phẩm. Mừng quá! Giờ đây mủ cao su đã thành cơm, thành cá thịt, thành nhà xây kiên cố, thành xe máy, ti vi, tủ lạnh, thành tài khoản gửi ngân hàng. Thu nhập một hộ ở làng dao động từ một trăm đến hai trăm triệu đồng/năm, có nhà hơn tuỳ theo số lượng cao su đang khai thác nhiều hơn. Ngoài cây cao su là 'Quân chủ lực' như cách nói của dân Tân Thủy thì người nông dân còn tận dụng thung lũng, khe suối trồng lúa, ngô, khoai sắn, nhà ít vài ba sào, nhà nhiều lên tới mẫu, đảm bảo lương thực ăn quanh năm. Trồng trọt kết hợp chăn nuôi là hai hướng đi muôn thủơ của người nông dân hàng ngàn đời nay đều tới một đích. Người Tân Thuỷ đã và đang theo hướng đi đó. Đàn trâu bò của các ông Thảo, Huỳnh, Thắng, Dương, Khánh... đông tới hai mươi đến ba mươi con. Từ những nguồn sản xuất này khiến cho tổng thu nhập bình quân đầu người/năm khá cao có tới gần một phần ba số hộ đạt ba mươi triệu đến ba lăm triệu đồng. Dĩ nhiên giờ đây có ai đó 'thắp đuốc ban ngày' cũng không tìm đâu ra một hộ nghèo mặc dù trước đây nhiều nhất xã 14/65 hộ.

Khi không phải lo cơm gạo hàng ngày nữa, lại rủng rỉnh hầu bao người ta lo chuyện xây cất nhà cửa, sắm sửa tiện nghi. Làng có l00% hộ dùng điện thoại di động, l00% hộ có nột đến hai xe máy, l00% hộ “xài” ti vi đời mới 2l in , l 5% hộ “chơi”  máy giặt, tủ lạnh. Nếu như chỉ lấy những tiêu chí trên xếp loại giàu nghèo thì có thể nói Tân Thuỷ là làng giàu nhất Quảng Trị.

Gian nan nhọc nhằn đã qua, hạnh phúc ấm no đang hiện diện ở Tân Thủy, là lúc ta có thể tổng kết một chặng đường hơn một thập kỉ qua. Trước hết, bản chất người nông dân là cần cù, một đời đi theo Đảng và làm theo Đảng. Đảng ta lãnh đạo từ năm 30 của thế kỷ trước đến sự nghiệp đổi mới hiện nay bằng nghị quyết, chủ trương. Chấp hành nghị quyết cấp trên, căn cứ tình hình, đặc điểm địa phương mình huyện uỷ Vĩnh Linh đã ra chủ trương đúng đắn sáng tạo, di dãn dân lên khu vực bắc sông Bến Hải trồng cao su tiểu điền hợp ý Đảng lòng dân. Có nghị quyết sáng suốt nhưng phải có những giải pháp sắc sảo thì mới thành hiện thực sinh động trong đời sống. Một trong những giải pháp đó là tỉnh thực hiện chính sách vay ưu đãi, nghĩa là người vay đến hạn thì hoàn vốn không phải trả lãi. Dĩ nhiên là tỉnh phải trích ngân sách bù lỗ ngân hàng. Có vốn rồi nhưng sử dụng đồng vốn ấy, trồng cây gì, nuôi con gì là cả một vấn đề không đơn giản. Không hiếm trường hợp có người được vay một cục tiền loay một thời gian không biết làm gì đến nỗi ăn cụt vốn. Lãnh đạo Vĩnh Linh chỉ cho người nông dân chọn cây sao su trồng trên đất gò đồi Tân Thuỷ, kết hợp trồng lúa nước, rau màu, chăn nuôi trâu bò là rất hợp lý. Những giải pháp sáng tạo đó thực sự làm được vai trò “bà đỡ” mát tay sinh hạ ra nửa ngàn ha cao su. Chủ trương đúng đắn, sáng tạo đó là chiếc cần câu kỳ diệu mà Đảng trao cho nông dân làng Tân Thuỷ. 

Có trong tay chiếc cần câu kỳ diệu người nông dân thoả sức vẫy vùng làm một cuộc cách mạng, một cuộc đổi đời ngoạn mục. Hệ quả cuộc đổi đời ấy là việc định hình và hoán vị số phận của dân làng. Như trường hợp vợ chồng Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh là một ví dụ. Đó là vợ chồng anh Dương và chị Nguyệt. Quê họ xã Vĩnh Chấp nhà năm  miệng ăn được chia năm sào ruộng khoán đất cát pha phèn, phân bón mấy cây lúa cũng quắt lại.

Lúc nông nhàn Nguyệt và đứa con lớn chỉ biết vào rú chặt mớ rèng rèng về bó chổi chở về chợ Hồ Xá bán kiếm thêm chút mắm muối. Hai vợ chồng làm quần quật suốt ngày mà cái đói nghèo cứ rình rập bủa vây. Vậy mà giờ đây cơ ngơi của họ có nằm mơ cũng không thấy con gái lớn đã lấy chồng, nhà chỉ còn ba khẩu thu nhập riêng khoản cao su đã trên trăm triệu đồng. Chị Nguyệt hồn nhiên nói 'Chừ đây nghĩ đến những năm làm ruộng ở quê phát khiếp lên được”. Một người hàng xóm nói rằng hồi lội bùn ở ruộng, phèn chua 'ăn' hai bàn chân Nguyệt nham nhở một màu vàng xỉn, chùi rửa cách chi cũng không sạch. ấy vậy mà giờ đây đã xấp xỉ tuổi năm mươi trong chị vẫn dịu dàng, trẻ trung.

Không kể hết ra đây được sự thay đổi số phận hơn trăm con người của sáu mươi lăm hộ dân trong một bài báo. Bởi mười bốn năm trước tất thảy họ đều là nông dân nghèo đói, nhà tranh vách đất mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, chìm nổi truân chuyên. Giờ đây những chuyện đó đã thành dĩ vãng. Họ vẫn là nông dân nhưng là những nông dân mới, ở làng mới, tri thức mới, canh tác mới, thu nhập mới, tiêu dùng mới, hưởng thụ mới. Nội hàm của từng cái mới ấy đã hàm chứa sự đổi thay kỳ diệu số phận con người, kể ra được người này sẽ thiếu người khác, được nội dung này thì thiếu nội dung kia. Tuy nhiên sẽ là thiếu sót nếu không kể tiếp chuyện sau đây.

Có một dạo dân Tân Thủy rộ lên bàn tán rằng, không biết bằng cách nào mà Vợ Chồng Thảo - Lẹ trồng được nhiều cao su thế, những hơn mười ha, lại có hàng trăm cây vải thiều nữa mới kỳ chứ. Mà vợ chồng nhà ấy cũng chỉ có hai chân hai tay như mọi người chứ có phải ba đầu sáu tay gì  mà tài thế?. Thấy khác thường thì bàn ra tán vào vậy thôi chứ hơi sức đâu mà đi điều tra tìm rõ ngọn nguồn. Rồi chuyện cũng rơi vào im lặng như cục đá ném xuống ao. Mãi đến gần đây chuyện mới 'lộ sáng'. Là thế này, Ông Thảo quê Nam Định thời chống Mỹ ông là bộ đội chiến đấu  trên địa bàn Vĩnh Linh có quen chị Lẹ quê xã Vĩnh Lâm. Hai người yêu nhau nên nghĩa vợ chồng. Hết chiến tranh ông Thảo định cư luôn ở quê vợ rồi cũng như nhiều hộ khác, năm 1994 lên lập nghiệp ở Tân Thủy. Con trai chị gái ông Thảo ở Nam Định bị nghiện nặng, cai nghiện về nhà được vài tháng bị đám bạn xấu rủ rê ngựa quen đường cũ. Vợ chồng người chị rất buồn phiền, chưa tìm ra cách gì khả dĩ cứu con. Giữa lúc đó ông Thảo về thăm quê biết chuyện, liền bàn với họ đem thằng cháu vào Tân Thủy vừa lao động cải tạo vừa cai nghiện. Như người chết đuối vớ được phao vợ chồng người chị vội thu xếp hành trang, tiền bạc cho hai cậu cháu lên tàu xuôi Nam. Về tới nhà, ông Thảo giao cho cháu một qủa đồi vài ha, hướng dẫn nó cách trồng, chăm sóc cây cao su. ít lâu sau ông anh rể của Thảo cũng vào, tiếp sức cho con, không quên đem theo năm trăm cây giống vải thiều. Thế là hai vợ chồng ông Thảo và hai bố con thằng cháu ngày ngày đào hố trồng cây, tối tối vừa xem ti vi vừa đan rổ rá hoặc kết chổi đót đến khuya. Công việc cuốn hút tâm trí, sức lực họ vào một guồng quay như chong chóng khiến thằng cháu lên cơn hút hít cũng chịu chào thua. Trong khi đó hai anh em nhà ông Thảo kiên trì giáo dục, thuyết phục và thực hiện một số bài thuốc cai nghiện dân gian cho kẻ lầm đường lạc lối. Hơn ba năm sau thằng cháu đã cắt được cơn nghiện cùng lúc lô cao su cua nó khép tán, vườn vải thiều trổ những đốm hoa đầu đời. Niềm vui nơi người anh rể được nhân lên gấp bội. Ông “cơ cấu” một bữa cơm thịnh soạn ăn mừng sự kiện này và cũng là chia tay lên đường về quê. Trước lúc hai bố con lên tàu ông trao tặng vợ chồng Thảo - Lẹ toàn bộ lô cao su, vườn vải thiều mà hai bố con ông trồng, chăm sóc mấy năm qua. Khi biết chuyện này người dân Tân Thủy thở phào sảng khoái: 'Hèn chi vợ chồng nhà hắn trồng được nhiều rứa'.

Viết đến đây tôi càng ngấm một chân lý bất hủ, lao động cải tạo con người. Suy rộng ra lao động đem lại ấm no, hạnh phúc cho con người, làm thay đổi số phận con người khiến ý chí vươn lên của họ luôn hừng hực tiến về phía trước, cập bến bờ vinh quang.

Tôi đã định kết thúc bài báo ở đây bỗng chợt nhớ tới một cư dân hơi bị đặc biệt của làng mà không thể không ghi thêm ít dòng. Đó là ông Lê Phước Đoài. ông là người làm thơ cùng thời và là chỗ bạn bè với nhà thơ Hải Hiền, Cảnh Trà, nhà văn Xuân Đức... Thơ ông dung dị, đằm thắm, có mấy bài đăng báo Văn nghệ Trung ương. Sau chiến tranh rơi vào cảnh nhà nghèo con đông, cơm gạo ít. Quả là 'Cơm áo không đùa với khách thơ' nên ông gác bút xoay xở làm ăn qua nhiều nghề, song cũng chỉ làng nhàng 'tay vo miệng lủm' . Cực chẳng đã ông “thượng sơn' lên lập vườn đồi ở khu vực làng Tân Thủy từ năm l 990 tức là trước lúc có làng ba năm. Thoạt đầu trồng cây ăn quả, tràm, keo tai tượng... Khi phong trào cao su tiểu điền rộ lên ông chặt bạch đàn và keo trồng cao su, như mọi người dân Tân Thủy, chỉ để lại cây ăn quả. Vườn quả nhiều chủng loại quý hiếm. Cao su cũng tốt tươi phơi phới. Giờ đây đã ngoài bảy mươi tuổi già sức yếu không kham nổi, ông Đoài chuyển nhượng toàn bộ cơ ngơi của mình cho người khác ôm bọc tiền ngót nghét một tỉ về vui thú điền viên cùng con cháu ở Vĩnh Lâm nơi mười sáu năm trước ông ra đi sau lưng cồm cộm chiếc ba lô con cóc và trên tay lúc lắc một cây rạ cùn. Ông Đoài vì lý do khách quan không thể sống gửi xương, thác gửi thịt nơi Tân Thủy nhưng ông là người đầu tiên có công khai sơn phá thạch và mô hình kinh tế vườn đồi của ông cũng chính là gợi ý để lãnh đạo huyện hoạch định lập khu di dân nơi đây thành công. Duyên nợ ấy có thể là một trong những tiêu chí để con cháu Tân Thủy các đời sau đặt lên bàn cân khi bầu chọn chức vị thành hoàng.

Để rộng đường dư luận, lượm thêm lời hay ý đẹp tôi đem bản thảo bài này đọc cho ông bạn viết. Chưa nghe hết bài ông đã nhổm người khỏi ghế hỏi cắt ngang 'Đã có trăm phần trăm hộ giàu chưa'? Tôi chưa vội trả lời, tiếp tục đọc, nghe hay không là quyền của ông ta, còn trả lời hay không là quyền của tôi bởi có ý định lấy sự trả lời câu hỏi ấy đưa vào đoạn kết. Đừng sốt ruột, làng Tân Thủy chưa có trăm phần trăm hộ giàu đâu bạn ạ, thậm chí đang còn ít phần trăm hộ trung bình. Lý do ư? Tại vì có những hộ cao su trồng thì nhiều nhưng số đến tuổi khai thác ít, có hộ gặp rủi ro trong sản xuất, có hộ người lao động chính đau lên ốm xuống... Cái sự chưa có trăm phần trăm hộ giàu đang là điều trăn trở của các đảng viên trong chi bộ, hội viên đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh và tất cả dân làng. Với những gì đã làm được trong mười bốn năm qua, năm 2006 làng đã được trao tặng danh hiệu làng Văn hoá cấp huyện. Đó là phần thưởng xứng đáng, là nguồn động viên, cổ vũ đúng lúc để làng phấn đấu tiến lên.

Mười bốn năm qua dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, làng Tân Thủy đã gặt hái được nhiều thành quả xuất sắc. Giờ đây những gì có được đang hiện hữu trong từng mái nhà, từng con người, từng đường ngang, ngõ dọc của làng. Những gì chưa có còn ở phía trước. ở phía ấy lúc nào cũng rực rỡ ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng ta chiếu rọi. Tôi tin và hy vọng không lâu nữa làng sẽ giải toả được điều trăn trở vừa nói tới. Đến lúc đó tôi lại đạp xe về đây khai thác thêm tư liệu rồi kết hợp với những vấn đề cốt lõi trong bài này viết một bài báo mới lấy tựa đề: 'Làng có l00% hộ giàu' hoặc 'Làng giàu nhất Việt Nam'.

 

T.B

 

Trần Biên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 152 tháng 05/2007

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground