Sau thời gian rất dài chờ đợi và ngóng trông, đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, công thần phò tá chúa Nguyễn Hoàng buổi đầu dựng nghiệp ở Đàng Trong được khánh thành trong tháng 10 năm 2022. Đền được dựng trên nền đất khi xưa là dinh trấn Trà Bát - nay thuộc làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong đã thắp lên những hy vọng đánh thức di sản dinh chúa Nguyễn từ lâu đã ngủ quên cùng rêu cỏ.
Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - công trình của lòng dân - Ảnh: Hạnh Nguyên
Hàng trăm quan khách, hoàng tộc nhà Nguyễn và dân làng Trà Liên lễ bộ trịnh trọng tề tựu về dâng hương vái lạy nơi đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ làm cho không gian vốn quạnh vắng trở nên ấm cúng. Như bao người hành hương hôm ấy, chúng tôi thành kính thắp một nén hương vọng ngài Thái phó, nhìn ngôi đền nhỏ bên mảnh đất lưu dấu một cuộc ra đi mở mang bờ cõi sau gần năm thế kỷ vẫn còn thổn thức trên những dòng sử cũ.
Chính trên mảnh đất này, năm 1558 Nguyễn Hoàng đưa gia quyến và tùy tùng vào Nam đã dừng lại nghỉ chân, tiếng ngựa hí vang động cả một vùng. Dinh trấn Trà Bát đã ra đời từ năm đó và trở thành thủ phủ của xứ Đàng Trong trong suốt sáu mươi tám năm tiếp theo. Cuộc sống phồn vinh của dinh trấn trong thời kỳ này đãđược phản ánh một cách kháđầy đủ trong nhiều tài liệu cổđể lại. Ấy là thời chúa Nguyễn đến đóng đôởđây, vùng đất bằng ven sông Thạch Hãn này đã thu hút dân cư từ vùng Thanh Nghệ đến đây khai phá lập làng, tạo nên sự đông đúc trù phú cho vùng đất châu Ô ác địa. Các đồn binh, thành lũy, chợ búa cùng các khu dân cư đều tập trung trên hai bờ sông Thạch Hãn. Chúa Tiên thi hành chính sách cai trị khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân nên được quân dân yêu mến tin phục, trong cõi đều an cư lạc nghiệp.
Thuở đó cạnh dinh chúa có một bến thuyền gọi là Ghềnh Phủ, là thương cảng quốc tế chuyên dùng dành cho thuyền buôn nước ngoài từ bốn phương đến giao thương buôn bán. Các thuyền ngoại quốc tới bỏ neo, mướn nhà ở lâu dài, Ghềnh Phủ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đến và đi từ khắp nơi, tấp nập trên bến dưới thuyền. Thế nên không lạ gì, một người có kiến thức hết sức uyên bác và đa dạng là nhà bác học Lê Quý Đôn, khi viết về dinh Trà Bát đã ca ngợi đây là một “nơi đô hội lớn”.
Đáng tiếc, phồn hoa đô hội của dinh trấn Trà Bát chỉ kéo dài trong sáu mươi tám năm (1558 - 1626). Khi chúa Tiên mất, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi đã cho dời phủ chúa vào Huế, cựu dinh Trà Bát trở lại với dáng vẻ của làng quê yên ả. Đến nay đã gần năm trăm năm...
Năm trăm năm rồi “biển xanh hóa thành ruộng dâu”, tất cả vẻ nguy nga của dinh trấn Trà Bát đã bị bom đạn chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt san thành bình địa. Khai quật khảo cổ dinh chúa chỉ tìm thấy những viên gạch cổ đã xanh màu rêu cỏ vương quanh khuôn viên thành quách xưa. Ghềnh Phủ hôm nay vẫn là bến sông xưa ấy. Nhưng những dãy thuyền nối nhau san sát không còn, bờ sông hoang dại, chim cò đậu đầy bãi, rồi lũ lụt làm sụt lở nặng bờ sông nên người ta cho xây kèđá bao quanh bằng bê tông kiên cố. Từ mặt sông nhìn lên bờ kè, cao đến ngợp người. Nếu một ai từng nghe đến cảng thị Ghềnh Phủ, lúc tới đây hẳn sẽ cảm thấy hụt hẫng cái ấn tượng về thời của thương cảng phát triển sầm uất nhất xứ Đàng Trong thế kỷ 16...
Di tích Ghềnh Phủ - thế kỷ 16 là thương cảng đô hội của Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn - Ảnh: Hạnh Nguyên
Mùa xuân năm nay là vừa tròn 465 năm chúa Nguyễn Hoàng rời đất bắc vào phương nam và chọn miền đất Quảng Trịđể dựng nghiệp. Cuộc “mang gươm đi mở cõi”ấy đã mang về cho nước Việt lãnh thổ phương Nam rộng lớn. Đáng tiếc di sản thời chúa Nguyễn đóng đô ở làng Trà Liên đã chìm sâu trong đất đai đồng bãi. Nhưng mặc cho dấu tích của buổi đầu chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp đã bị hoang phế thì con dân miền đất này vẫn ghi lòng tạc dạ công lao của tiền nhân. Một trong những niềm tưởng niệm công lao ấy là ngôi đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được dựng ngay trong khuôn viên di tích dinh chúa Nguyễn do nhân dân thành tâm góp công góp của xây dựng. Hôm dự lễ khánh thành ngôi đền, đọc danh sách đóng góp xây dựng công trình mới thấy những nỗ lực để có ngôi đền này hàm chứa một ý nghĩa rất đặc biệt. Một công trình của ý nguyện lòng dân, thêm một niềm hy vọng.
Hy vọng ngôi đền Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được xây dựng trên đất cũ nền xưa sẽ hướng đến một cái đích xa hơn. Công trình tưởng niệm này sẽ là nơi khởi phát cho việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích chúa Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị. Trước mắt là nhiệm vụ quy hoạch di tích các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn để tiến hành khoanh vùng bảo vệ tránh tình trạng hoang phế. Trong tương lai không xa là hiện thực giấc mơ về một khu lưu niệm và tượng đài chúa Nguyễn Hoàng để tôn vinh xứng tầm vai trò người đi mở cõi. Mai này, khu lưu niệm ấy sẽ giúp cho hậu thế hình dung được lịch sử mở đất Đàng Trong của chúa Nguyễn bắt đầu từ miền đất Quảng Trị.
Chính quyền xã Triệu Giang cùng người dân làng Trà Liên tham gia lễ rước tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - Ảnh: Hạnh Nguyên
Từ sân đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ trông ra khoảng đất xưa kia là những vòng thành của dinh trấn Trà Bát, chợt ngùi ngẫm rưng rưng. Trên khu đất di tích này giờ chỉ có một ngôi đền thờ vị công thần phò tá chúa Nguyễn, nhưng nếu quyết tâm, chắc chắn việc biến khu đất hoang vu này thành khu lưu niệm thời dựng nghiệp của chúa Nguyễn sẽ rất khả thi. Và từ khu lưu niệm lịch sử - văn hóa như thế, chúng ta sẽ hy vọng tới những điều xa hơn.
Ít nhất mùa xuân này đã có một ngôi đền thờ mọc lên trên hoang vu rêu cỏ. Cho một khởi đầu!.