Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tùng Luật - Làng nghệ sĩ

D

ừng chân ở Cửa Tùng, cô bạn gái T. L chỉ đường cho tôi một cách cặn kẽ, rằng anh cứ đi ngược lên chừng hai cây số gặp sông là đến địa phận xã Vĩnh Giang, hỏi làng Tùng Luật là người ta sẽ chỉ đường cho. Tôi cười thầm bởi cô bạn cứ nghĩ rằng tôi ngồi bàn giấy lâu rồi, đã mất cảm giác đi thực tế. Hôm ấy là buổi sáng mùa hè nhưng ảnh hưởng áp thấp ngoài biển Đông, trời mưa giăng giăng khắp nẻo. Cố tình chạy xe chầm chậm dọc theo công viên gần một cây số bên sông, tôi muốn có phút giây thư thái để cảm nhận vẻ đẹp thanh bình của một làng quê nằm gần cuối dòng Bến Hải, nơi sinh ra những nghệ sĩ tài danh. Từ đây ra cửa biển chỉ còn không mấy nhịp chèo. Người mà tôi muốn gặp trong chuyến đi này là Nghệ sĩ Ái Chủng. Đã đôi lần gặp ông, khi thì ở các liên hoan nghệ thuật, khi thì thấy ông lên nhận bằng khen về thành tích xuất sắc trong khôi phục chèo cạn Tùng Luật...nhưng hôm nay tôi về đây là để nghe chính ông cắt nghĩa vì sao người ta gọi làng Tùng Luật quê ông là làng nghệ sĩ?

Nhấp một ngụm chè xanh, Nghệ sĩ Ái Chủng trả lời câu hỏi của tôi một cách chậm rãi, rằng người ta gọi làng Tùng Luật là làng nghệ sĩ là có cái căn của nó, xuất phát từ gia tộc của ông gắn liền với mảnh đất quê hương. Theo nguồn tài liệu hiện có và đã được địa chí làng ghi nhận thì người được coi là khởi đầu cho mạch nguồn ca hát ở làng Tùng Luật cho đến ngày nay là ông Nguyễn Hữu Như Bá (sinh năm 1840), ông nội của nghệ sĩ Ái Chủng. Sinh thời, cụ Bá làm nghề thuốc Bắc giỏi có tiếng trong vùng, từng vào ra kinh đô Huế và các tỉnh Nam Trung Bộ, đôi khi ông còn tìm nguồn gốc thuốc quý tận lục tỉnh Nam Kỳ. Trên hành trình gần chục năm ròng rã, ông có dịp xem nhiều gánh hát tuồng biểu diễn và từ đó những làn điệu dân ca mượt mà vùng Nam Trung Bộ đã ngấm sâu vào tâm hồn và máu huyết của ông. Để thỏa niềm đam mê, cụ Bá còn tìm thầy học hát bội ở Bình Định, sau này  ra kinh thành Huế ông còn tìm thầy học thêm các loại nhạc cụ với nhiều làn điệu dân ca, như điệu lý giao duyên, lý ngựa ô, lý đoản xuân, lý quỳnh tương, lý con sáo sang sông; điệu khách gồm kim tiền lưu thủy, phú lục chậm, phú lục nhanh, cổ bản thường, cổ bản dựng, tứ đại cảnh (nam ai, nam bằng, nam xuân...); các điệu hò Quảng Trị như hò mái nhì, hò mái đẩy, hò hụi, hò mái xắp, hò đưa linh...Học hát đối với ông không chỉ để thỏa chí tang bồng mà khi trở về quê, ông còn truyền ngọn lửa đam mê đó cho mọi người bằng cách mở lớp dạy hát, dạy đàn cho con cháu trong làng trên xóm dưới. 

Sau đó cụ Nguyễn Hữu Như Bá lập ra gánh hát Bộ Uyển (ông làm Hương lộ và con gái đầu của ông tên Uyển). Gánh hát có 14 diễn viên gồm con trai Nguyễn Như Gián, các con gái là Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Hạnh (thân mẫu Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi) và các ông Nguyễn Như Tính, Trần Duyến (sau 1954, ông Duyến là nhạc công ca Huế của Đài Tiếng nói Việt Nam), Lê Não, Võ Cháu (thân sinh của nhạc sĩ Võ Đình Hùng), Trần Nóng, Phùng Ngấn, Nguyễn Khê, Bùi Văn Mè (thân sinh Nghệ sĩ nhân dân Châu Loan, Châu Phụng). Gánh hát này bắt đầu biểu diễn từ năm 1880. Việc xuất hiện gánh hát này là một sự kiện trọng đại trong sinh hoạt văn hóa ở Quảng Trị lúc bấy giờ. Những tích tuồng cổ như: "Thoại Khanh Châu Tuấn", "Lưu Bình Dương Lễ", "Giang Tả cầu hôn", "Cô Cơ giả dại qua đèo", "Hồ Xuân Hương", "Tam Xuân loạn trào"…với những giọng ca mùi mẫn đã làm cho nhiều người trong xứ, từ Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ ở Quảng Trị rồi lan tận Lệ Thủy (Quảng Bình), vào An Lỗ (Huế)... đắm say. Sau này, 12 dòng họ trong xã Vĩnh Giang đã thống nhất lập nên đội Chèo cạn làng Tùng, trên cơ sở gánh hát của cụ Nguyễn Hữu Như Bá, tồn tại cho đến năm 1947, lúc thực dân Pháp tấn công dữ dội vào Vĩnh Linh mới tạm ngưng.

Cũng nhờ đó mà về sau, những thế hệ hậu duệ đã không phụ lòng cha ông đi trước, làng có nhiều người miệt mài rèn luyện ca hát, để rồi trở thành những nghệ sĩ tài danh được cả nước biết đến như hai chị em Nghệ sĩ nhân dân Châu Loan, Châu Phụng ở làng Cổ Mỹ, cùng tuổi với Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi. Cha Nghệ sĩ nhân dân Châu Loan là cụ Bùi Văn Mè, là học trò ông nội Nghệ sĩ Ái Chủng. Tiếp đến là các Nghệ sĩ ưu tú: Châu Dinh, Kim Phú (vợ của Nghệ sĩ ưu tú Sĩ Cừ), Nghệ sĩ ưu tú Kim Quý (vợ của Nghệ sĩ nhân dân Xuân Đàm), Thu Sen, Trần Duyến, Thanh Thảo… Tính trong xã Vĩnh Giang, có không dưới 20 nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ ưu tú.

- Vậy ông đã theo nghiệp ca hát từ bao giờ ? - Tôi cắt dòng hồi ức của ông.

- Tui sinh năm Tân Mùi (1931) - Nghệ sĩ Ái Chủng mở đầu - Người nói Tân Mùi là "tui mần", suốt cuộc đời tui theo binh nghiệp và hát ca. Cơ duyên hát ca của tui bắt đầu từ hồi mới 7 tuổi theo bà cô ruột vào Quảng Ngãi...

Người đàn ông 82 tuổi, dáng thấp, đậm, mái tóc bạc trắng đang ngồi trước mặt tôi đây giọng nói còn âm vang, lời ca còn rất mùi mẫn, phong cách rất hoạt bát; thỉnh thoảng xen vào câu chuyện của chúng tôi là những lời ca, câu hát. Hồi ấy, Ái Chủng lên 7 tuổi thì theo bà cô là Nguyễn Thị Hạnh, lấy chồng người Quảng Ngãi. Ái Chủng được đi học hết bậc tiểu học và lúc rảnh rỗi còn được tham gia gánh hát bội “Oanh Võ Ban” của chồng bà cô, chủ yếu vào vai chạy cờ hiệu cho gánh hát. Năm 1946, trong một lần theo cô Hạnh ra thăm quê, thấy làng Tùng Luật bị hoả hoạn làm thiêu rụi hầu hết nhà cửa, với tình yêu quê hương, bà Hạnh vào Huế tuyển diễn viên để lập ra gánh hát đi biểu diễn ở các xã trong vùng, ra đến tận Quảng Bình, khi diễn có thu tiền đem về giúp đỡ cho nhiều gia đình trong làng bị thiệt hại do hoả hoạn. Một thời gian sau, khi bà Hạnh vào lại Quảng Ngãi, Ái Chủng ở lại với làng. Tháng 5 năm 1947, Ái Chủng được ông Trần Thân Đạt, cán bộ xã Vĩnh Giang đưa lên chiến khu Thuỷ Ba, xã Vĩnh Thuỷ. Thấy Ái Chủng có trình độ học vấn (ông học xong tiểu học thời đó) nên cấp trên bố trí làm Thư ký Xã đội Vĩnh Lộc (tức Vĩnh Giang sau này). Tháng 9 năm 1949, Ái Chủng gia nhập quân đội thuộc Đại đội 354 - Bộ đội địa phương Vĩnh Linh với nhiệm vụ làm quân báo, nắm tình hình địch, sau đó tham gia đội văn nghệ của đại đội (Tổ địch vận của Huyện đội Vĩnh Linh). Hồi đó Ái Chủng cùng các chị Lê Thị Cẩm, Lê Thị Viễn, Trần Thị Phùng... về các đồn quân địch đóng ở Cửa Tùng, Mỹ Tá, Cổ Hiền, Tân Trại, Cao Xá, Xuân Hoà...để hát binh địch vận, kêu gọi binh lính lầm đường lạc lối theo giặc tìm đường về với cách mạng.

 Trong lúc tôi đang loay hoay với chiếc máy ảnh chọn góc để chụp chân dung nghệ sĩ của làng thì Nghệ sĩ Ái Chủng lại đắm chìm trong câu hò xưa thương nhớ: " Hơ...hơ...! Bước tới Hiền Lương sao chặng đường nghẽn lại/ Đáo tới bờ Bến Hải sao lại gác mái tình duyên/Hơ...hơ! Con sông kia đâu phải nơi chia cắt hai miền/ Hiềm vì lòng thù hận nên ân ái phải nghẽn lại đôi bên đợi chờ...". Hồi đó hết hò địch vận, họ lại ngâm thơ, những bài thơ đầy xúc động như bài "Em là gái Cát Sơn" (Nghệ sĩ Ái Chủng nhớ bài này là của Nguyễn Bao, nhiều người nói là của Lưu Trọng Lư): "Em là gái Cát Sơn/ Anh là trai Cửa Tùng/ Cách nhau một dòng sông/ Nhưng lòng không xa cách...Dòng sông sâu nhớ bờ sông cạn/ Gái Cát Sơn nhớ bạn Cửa Tùng/ Sông kia còn chảy một dòng/ Đôi ta lòng vẫn một lòng thương nhau". Có thể nói thời ấy, lời ca, giọng hát của họ như chiếc cầu nối những tâm hồn không thể chia cắt của hai miền Nam - Bắc.

- Trong những ngày đi làm công tác địch vận, kỷ niệm nào nào làm ông nhớ nhất? - tôi hỏi.

Nghệ sĩ Ái Chủng nói với tôi mà như nói với lòng mình:

- Hồi đó còn trẻ, mình hăng say đi vào trận địa mà luôn yêu đời, coi nhẹ cái chết. Mà thật kỳ lạ, khi mình bắn súng thì kẻ địch đáp lại bằng súng, có khi còn dữ dội hơn. Còn khi mình hát, hò thì quân địch im re. Mới thấy ai cũng có hình ảnh quê hương, đất nước, tình cảm bà con ruột rà ở trong lòng...Hồi đó chúng tôi dùng loa bắc vào đồn địch mà hò, mà hát; có không ít anh em binh lính theo địch đã buông súng trở về với cách mạng. Tui nhớ nhất là qua làm công tác địch vận, có anh lính tên Liệu, người Triệu Phong đồn trú ở đồn Xuân Hòa qua gác ở lô cốt Hiền Lương đã làm nội ứng cho quân ta đánh đồn, lấy được nhiều vũ khí, quân dụng.

Tháng 3 năm 1953, do bị ốm nặng, Ái Chủng được chuyển ra an dưỡng ở Đoàn 34 (Quân khu IV), sau đó ông được biên chế về làm diễn viên ở Đoàn văn công Quân khu IV do nhạc sĩ Tô Hải làm trưởng đoàn. Thời kỳ này đoàn của ông đi khắp nơi biểu diễn tuyên truyền với nội dung về giảm tô, cải cách ruộng đất, chống việc kẻ thù cưỡng bức dân di cư vào Nam. Năm 1966, ông chuyển về Trung đoàn 270 do đại tá Hoàng Đưởm chỉ huy. Tại đây, ông làm đội phó phụ trách chuyên môn Đội tuyên truyền văn hoá của trung đoàn. Nhiệm vụ của đội là hoạt động địch vận ở bờ Nam, do đó ông cùng anh chị em trong đội như Xuân Đức, Ngọc Chương, Bích Nồng, Kim Phú...thường vượt tuyến vào bờ Nam hoạt động địch vận. Năm 1975, khi thống nhất đất nước, năm sau đó nhập tỉnh thành tỉnh Bình Trị Thiên, từ Khu đội Vĩnh Linh, ông vào công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, làm đội phó Đội tuyên truyền văn hóa- điện ảnh cho đến năm 1988 thì nghỉ hưu. Năm 2005, nghệ sĩ Ái Chủng đạt giải nhất tại Liên hoan tiếng hát dân ca khu vực Bắc miền Trung. Điều đáng mừng là trong số những người con của ông có người con thứ tư Nguyễn Minh Tiến là người nối nghiệp cha, đã được phong nghệ sĩ ưu tú, hiện chỉ huy dàn nhạc của Đoàn ca kịch Huế; vợ anh Tiến là nghệ sĩ múa và con trai đầu của anh cũng là nhạc công của đoàn... 

Trở lại việc đi tìm câu trả lời vì sao làng Tùng Luật nói riêng và xã Vĩnh Giang nói chung được dân gian gọi là làng nghệ sĩ, nhiều cụ cao niên của làng cho rằng ngoài mạch nguồn ca hát được truyền dạy từ bao đời của người dân trong làng thì hình sông thế núi nơi này cũng là một nhân tố phong thủy làm nên chất nghệ sĩ của con em dân làng. Ở Quảng Trị này, mỗi khi nghe một người nào đó có giọng hát hay người ta đều hỏi, người đó có phải là người... Vĩnh Giang hay không?.

Theo các bậc cao niên, làng Tùng Luật nằm trên thế đất "Phụng hàm thơ", có nghĩa là con chim Phụng hoàng ngậm thơ trong miệng, do đó  đã sản sinh ra nhiều bậc giai nhân, tài tử.  Sử cũ chép lại rằng, làng Tùng Luật xưa kia thuộc huyện Minh Linh, đã xuất hiện trên bản đồ nước Đại Việt từ năm 1069 (thời nhà Lý). Đây là quê hương của Hoàng hậu Hiếu Văn hoàng đế Nguyễn Phúc Nguyên, tiền nhân của 13 đời vua triều Nguyễn, ngự trị hơn một trăm năm và đã để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc. Vương phi Mai Thị Vàng, người đàn bà tiết hạnh đã có một thiên tình sử đầy bi ai, trắc trở với Hoàng đế Duy Tân cũng được sinh ra trên mảnh đất này. Đây còn là cái nôi đã sinh ra điệu chèo cạn làng Tùng, một sinh hoạt văn hóa dân gian để cầu trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa mô phỏng lại những chuyến đi biển làm ăn...Nhưng kể từ năm 1947 đến nay, người dân Tùng Luật không còn gắn bó với nghề biển nữa, cho nên lễ hội cầu ngư cũng thất truyền, chèo cạn chỉ còn là nét đẹp sinh hoạt văn hóa dân gian trong ký ức của người cao tuổi ở làng. Giải thích nguồn gốc của điệu chèo cạn ở đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng xưa kia, đây là một cảng thị sầm uất, nằm ngay mé biển nên xác cá Voi, cá Ông chết ngoài biển thường trôi dạt vào bờ. Là những cư dân vùng biển, họ tôn thờ những loài vật này theo truyền thống tín ngưỡng vật linh luận. Mỗi khi thấy xác cá trôi dạt vào bờ, người dân ở đây thường thết những mâm lễ rất trang trọng để đưa tiễn linh hồn của các thần ngư về trời. Những lúc như thế, họ thường quy tụ những đội "hát đưa linh", mỗi đội thường là 15 người, còn gọi là đội chèo cạn.

 Nghệ sĩ Ái Chủng đưa cho tôi xem cuốn Địa chí làng Tùng Luật, có in đầy đủ các bài chèo cạn trong đó. Ông hồi tưởng: "Năm 1993, làng xúc tiến xây dựng lăng thờ ngài khai canh Hoàng Quý Công và ngài hậu khai canh Lê Quý Công, tui nhiều lần ra thăm nơi xây dựng lăng, khi chuyện trò với các cụ cao niên trong làng được kể lại Tùng Luật xưa có đội chèo cạn phục vụ lễ cầu ngư hay đám tang trong làng, nay có nguy cơ thất truyền do nhiều cụ trong đội chèo cạn của làng năm xưa lần lượt qua đời. Từ đó tui đã nung nấu nuôi quyết tâm lập lại đội chèo cạn của làng". 

Không để chèo cạn làng Tùng Luật một thời bị lãng quên, nghệ sĩ Ái Chủng đứng ra xin làng thành lập lại đội chèo cạn, đồng thời tìm đến các cụ cao niên còn sống trong làng như các cụ Trần Sẽ, Nguyễn Uy, Phan Nhượng, Trần Nguyện... để thu thập, ghi chép từng điệu hò, điệu khách cho đến động tác di chuyển của các bá trạo được sử dụng trong chèo cạn, động tác của bá trạo, động tác múa hoa đăng (múa bông). Có được chất liệu rồi, ông cặm cụi viết kịch bản, sau đó xin làng cho 20 nam thanh niên khoẻ mạnh tập trung tại nhà ông để tập luyện. Được một thời gian, do các nam thanh niên thường xuyên đảm nhận công việc đồng áng làm cho việc tập luyện của đội chèo cạn khó thực hiện được nên ông tìm cách khác. Lần này ông xin làng cho 20 nữ thanh niên đến tập luyện và kết quả là các nữ thanh niên luyện tập rất chăm chỉ, các động tác nhuần nhuyễn, nhịp nhàng. Sau một thời gian miệt mài tập luyện, ông cho đội biểu diễn thử để các cụ cao niên góp ý. Xem xong, nhiều cụ gật đầu hài lòng, từ đó làm sống lại chèo cạn làng Tùng mà sau này được đưa vào biểu diễn thường xuyên trong các lễ hội của làng, các lễ đám tang, rồi chèo cạn làng Tùng đã vượt ra khỏi lũy tre làng để đến với các lễ hội lớn của tỉnh Quảng Trị, có sức lan tỏa xa hơn khi được được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam.

Nghệ sĩ Ái Chủng vừa làm động tác minh họa vừa giải thích cho tôi rằng chèo cạn làng Tùng Luật có hai vế, gồm chèo cạn cầu ngư chuyên phục vụ lễ cầu ngư để cầu mưa thuận, gió hoà, tôm cá đầy thuyền và chèo cạn đưa linh, tiễn đưa người chết về thế giới bên kia. Đội hình trong chèo cạn làng Tùng Luật có 21 người gồm một người làm động tác tát nước; một người làm động tác chèo lái; một người làm động tác chèo mũi và 10 bá trạo (người chèo); một đội 8 người múa hoa đăng (múa bông). Điệu hò sử dụng trong chèo cạn làng Tùng Luật gồm hò mái nhì, hò mái đẩy, hò mái xắp, hò đưa linh, nói vè và sử dụng thêm một ít điệu nam, điệu khách trong hát bội. Trong các buổi biểu diễn chèo cạn, nghệ sĩ Ái Chủng thường cầm chầu, giữ nhịp cho chiếc trống đại, làm cho đội chèo nhịp nhàng, vừa chèo vừa hát, cuốn hút người xem, nhất là với những ai muốn tìm hiểu về các màn hát múa dân ca.

Không chỉ nổi tiếng là làng có nhiều nghệ sĩ tài danh, cuộc sống của người dân Tùng Luật hôm nay tuy còn nghèo khó nhưng bù lại họ luôn sống đoàn kết, yêu thương nhau, trọng nghĩa tình, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Tùng Luật là Làng văn hóa cấp quốc gia được công nhận đầu tiên ở Quảng Trị, năm 2011 làng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Được dưỡng nuôi từ mạch nguồn văn hóa của làng, Nghệ sĩ Ái Chủng từ Tùng Luật đi ra, mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ cho sự nghiệp cách mạng và cũng chính đây là nơi ông lại quay về, dành tâm huyết còn lại cho quê hương với công việc phục dựng chèo cạn làng Tùng. Khi chia tay tôi, Nghệ sĩ Ái Chủng bộc bạch: "Dân ca là dòng sông bất tận kết tinh trí tuệ, tâm hồn của nhân dân ta qua bao đời nay. Mong ước của tôi là làm thế nào để thế hệ con cháu mai sau gìn giữ, phát huy cho kỳ được bản sắc phong phú của dân ca".

Lời nhắn nhủ của Nghệ sĩ Ái Chủng vẫn còn mãi trong tôi trên đường về. Mưa mỗi lúc càng nặng hạt, ngoài kia dòng Bến Hải vẫn mải miết chảy xuôi về cửa biển, như mạch nguồn dân ca của người Vĩnh Giang vẫn ngân vang thao thiết trong lòng.

M.T

 

 

MINH TỨ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 232 tháng 01/2014

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

22 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground